Đình, đền, chùa Mai Hiên (huyện Đông Anh)
Đình, đền, chùa Mai Hiền thuộc thôn Mai Hiến, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Đình - đền Mai Hiên thờ Thành hoàng làng là tướng quân Đào Kỳ và vợ là Phương Dung công chúa - hai vị công thần thời Hai Bà Trưng có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp đấu tranh giành độc lập chủ quyền của dân tộc.
Đình - đền Mai Hiên có quy mô kiến trúc bề thế, cảnh quan đẹp và bảo tồn được những nét cổ kính của một công trình tín ngưỡng dân gian. Các công trình được bố cục hài hoà trong một không gian rộng thoáng, các nếp nhà cổ ẩn mình dưới tán cây xanh tạo cho di tích một vẻ thâm nghiêm huyền bí, khối kiến trúc vật chất của đình còn bảo lưu được những nét đẹp độc đáo riêng. Những nét đẹp được khẳng định qua sự tồn tại của các mảng chạm khắc trên kiến trúc như: Nhà Phương đình, đầu dư, cốn nách, rừng cốn, bẩy hiện mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX - XX. Nhà Đại bái xây kiểu mái hạ đao được trang trí các hình tứ linh, tứ quý mang đậm phong cách kiến trúc đình làng truyền thống.
Bộ sưu tập hiện vật trong di tích hiện còn rất đa dạng phong phú. Ngoài giá trị lịch sử, các di vật còn được chạm khắc tinh xảo mang giá trị thẩm mỹ cao với các đề tài quen thuộc như tứ linh quần hội, phượng vũ, hổ phù, rồng mây. Đặc biệt cuốn thần tích chữ Hán, bia dựng năm Tự Đức thứ 16 (1889), hoành phi, câu đối là nguồn sử quý làm giàu thêm kho tàng di sản văn hoá nước nhà.
Chùa Mai Hiên vẫn bảo lưu được khá nguyên vẹn hình thức kết cấu kiến trúc tôn giáo thời Nguyễn. Nét nổi bật của di tích đó là sự kết hợp hài hoà giữa di tích và môi trường cảnh quan, giữa thiên nhiên và con người. Trên các bộ phận của kiến trúc được trang trí đề tài hoa lá, rồng tạo nên cảm giác nhẹ nhàng thanh thoát cho toàn bộ di tích. Giá trị nghệ thuật độc đáo của ngôi chùa thể hiện tập trung qua hệ thống tượng tròn, đó là những pho tượng đẹp của nghệ thuật tạc tượng đương thời với bàn tay khéo léo tài hoa, các nghệ nhân xưa đã để lại cho chúng ta những tác phẩm điêu khắc khá tiêu biểu như bộ tượng Tam thế Phật, Di Đà Tam tôn, Di Đà hành đạo, Cửu long.
Đáng chú ý hệ thống di vật của chùa là nguồn sử liệu quý cho việc nghiên cứu khoa học như: Tấm bia đá “Bảo Quang tự” niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 4 (1661), bia có niên hiệu Minh Mệnh thứ 13 (1832), chuông đồng có niên hiệu Minh Mệnh thứ 20 (1839) và một số đồ thờ khác.
Chùa Mai Hiên mở hội vào ngày 9 tháng ba âm lịch. Đây là nơi hội tụ của mọi người dân trong cộng đồng để giao lưu văn hoá, nơi bảo lưu những giá trị phi vật thể quý giá của cha ông từ ngàn đời lưu lại cho hậu thế.
Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc nghệ thuật, cụm di tích Mai Hiên được UBND Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01