Đình, chùa Linh Quang (quận Đống Đa)
Đình, chùa Linh Quang hiện nay thuộc phường Văn Chương, quận Đống Đa, Hà Nội.
Đình ở phía nam Thành phố cách trung tâm khoảng 4km. Đình, chùa Linh Quang có khởi nguồn tạo dựng từ thời Lê. Các tư liệu thành văn còn lưu tại di tích cho biết: đình thờ thần Bạch Mã được coi là một trong “Thăng Long tứ trấn” của kinh đô thời xưa. Theo sách “Việt điện u linh” thì: đời Đường Hàm Thông, Cao Biền đắp thành Đại La, một hôm ra chơi ngoài Cửa Đông chợt thấy trong chỗ mây mù tối tăm, có người kỳ dị mặc áo hoa, cưỡi rồng đỏ, cầm giản điệp màu vàng, theo mây bay lượn. Biền kinh sợ, muốn dùng bùa để trấn yểm, đêm thấy thần báo mộng rằng: “Ta là tinh anh ở Long Đỗ nghe biết ông đắp thành, nên đến đây hội ngộ, việc gì mà phải trấn yểm”. Biền lấy làm kỳ quái, bèn chôn vàng đồng và bùa để yểm, thì ngay đêm ấy nổi cơn mưa và sấm sét dữ dội. Đến sáng ra xem thì thấy đồng vàng bùa đều tan nát thành cát bụi. Biền sợ hãi bèn lập đền thờ ngay chỗ ấy và phong làm thần Long Đỗ. Đến thời Lý Thái Tổ, dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) đến Thăng Long, vì đê thành hễ đắp lại lở, sai người đến đền cầu đảo, chợt thấy con ngựa trắng đi từ trong đền ra, qua thành một vòng, đi đến đâu có vết đến đấy, rồi vào trong đền thì biến mất. Sau theo vết ngựa để đắp thành, thì thành không lở nữa, bèn thờ làm Thành hoàng thành Thăng Long. Các triều sau cũng theo đấy mà phong làm “Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần”. Cùng với sự trường tồn của đình còn có chùa Linh Quang. Chùa được khởi dựng khá sớm để thờ Phật, một môn phái tôn giáo được du nhập vào nước ta từ thời Bắc thuộc, nhưng chưa được truyền bá có hệ thống và sâu rộng khắp cả nước. Đến thời Lý, đạo Phật mới thực sự phát triển ở Việt Nam và trở thành quốc giáo.
Đình, chùa Linh Quang được bố cục hài hoà trong một khoảng không gian rộng, khép kín theo quan niệm “tả Thần, hữu Phật”. Một mô hình kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng điển hình của thế kỷ XX còn được bảo tồn khá nguyên vẹn. Đình có kết cấu lối chữ “nhất” gồm 5 gian, quay hướng đông, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai, bờ nóc đắp kiểu bờ đinh, mái lợp ngói ta, các bộ vì kèo làm kiểu “thượng chồng rường hạ kẻ”.
Chùa Linh Quang có các công trình kiến trúc: cổng ra vào, nhà Tiền đường và Thượng điện.
Hiện nay đình, chùa Linh Quang còn lưu giữ bộ sưu tập di vật khá đa dạng về chủng loại gồm: 7 đạo sắc phong trong đó sắc có niên hiệu sớm nhất là năm Tự Đức thứ 3 (1850), sắc có niên đại muộn nhất Khải Định năm thứ 9 (1924) phong cho vị thần Quảng Lợi Bạch Mã tối linh thượng đẳng thần; hai cỗ ngai thờ, hương án được chạm khắc công phu đề tài tứ linh phong cách nghệ thuật thời Nguyễn, ba quả chuông đồng thời Nguyễn; 32 pho tượng tròn được phủ sơn thếp lộng lẫy mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XIX.
Hội đình Linh Quang hàng năm tổ chức vào ngày 10 tháng hai âm lịch với đủ các nghi thức tế thần trang nghiêm và có nhiều trò chơi dân gian truyền thống.
Đình, chùa Linh Quang là một vốn cổ quý giá đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1999./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01