Đền Vân Trai (huyện Thường Tín)
Đền Vân Trai thuộc địa phận xã Văn Phú, huyện Thường Tín, Hà Nội.
Đền Vân Trai mang tên của làng. Ngôi đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991.
Theo thần phả và 31 đạo sắc phong hiện đang lưu tại đền Vân Trai thì đền thờ thành hoàng là Tây Công và Lỗ Công, hai vị tướng thời Hùng Vương thứ 18. Hai vị vốn là con ông Nguyễn Bình và bà Trương Thị Chước, người xã Thủ Pháp, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương. Ông vốn là người ăn ở hiền lành, nhân đức. Ngày mồng 10 tháng 3 năm Nhâm Tuất sinh được một bọc nở ra hai người con trai. Ông bà đặt tên con như trong mộng. Năm 20 tuổi, Tây Công và Lôi Công đến núi Tản Viên để tìm gặp Sơn Thánh. Đôi bên ý hợp tâm đầu. Khi gặp vua Hùng thứ 18, nhà vua thấy anh em Tây Công và Lôi Công có tài bèn phong cho chức tước, giữ luôn trong triều làm việc.
Vài năm sau, có giặc quấy nhiễu ở phía nam, Hùng Duệ Vương sai hai ông mang quân đánh dẹp, thắng trận, được phong làm đại tướng quân. Tây Công ở lại triều đình, còn Lôi Công về trị nhậm tại phủ Thường Tín. Lôi Công thường xuống làng Giai chỉ bảo cho dân việc nghề nông.
Khi Thục Phán mang quân xâm chiếm đất đai của các vua Hùng, hai ông lại cầm quân ra trận. Ngày 13 tháng 4, tự nhiên trời nổi phong ba bão táp, hai ông cùng hoá. Nhân dân Vân Trai đã lập đền thờ, các triều đại đều sắc phong là Thượng đẳng thần.
Đền Vân Trai được xây dựng ở phía bắc làng, nhìn về hướng tây và được xây theo kiểu chữ “công” gồm toà Đại bái, Hậu cung và phần ống muống nối hai hạng mục này. Đại bái gồm 5 gian, vì nóc kết cấu kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”. Các cột cái, cột quân đều bằng gỗ lim, chân kê đá tảng. Với kỹ thuật chạm nổi, nghệ nhân dân gian tạo tác trên các bức cốn đề tài tứ quý, “ngư long hý thuỷ”... khá sinh động.
Phần ống muống với kiến trúc chồng diêm bốn mái. Phần cổ diêm xung quanh có chấn song. Chính nghệ thuật kiến trúc toà ống muống đã làm cho tổng thể kiến trúc sinh động, mang ấn tượng độc đáo, khó quên. Hậu cung gồm 3 gian. Bộ vì kết cấu theo kiểu chồng rường và xây hồi bít đốc. Hoa văn chủ yếu là lá lật, lá ngô đồng. phổ biến của nghệ thuật điêu khắc công trình tôn giáo thời Nguyễn.
Di vật thời hậu Lê ở đền Vân Trai có hai ông phỗng cởi trần, đóng khố chầu hầu bên trong long ngai và hai con nghê gỗ mình chạm vẩy cá, bờm xoắn, nhiều râu tóc hình tia lửa, đạo mác.
Đền Vân Trai thâm nghiêm, cổ kính và có cảnh quan đẹp. Hàng năm lễ hội được tổ chức vào ngày mùng 10 tháng 3 âm lịch. Dân làng tổ chức rước kiệu, các trò vật võ dân tộc và văn nghệ... sôi nổi cả một vùng./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02