Chùa Trung (huyện Ứng Hòa)
Chùa Trung hiện nay tọa lạc tại xã Viên Nội, huyện Ứng Hòa, Hà Nội.
Chùa Trung, còn có tên chữ là Đại Bi tự.
Chùa chính có kết cấu chữ “nhị” với Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường gồm 5 gian nhà ngang với bộ vì được làm đơn giản thiên về độ bền chắc. Tại các cột cái có bài trí câu đối và hệ thống hoành phi, y môn. Nối từ gian giữa Tiền đường vào là Thượng điện, nơi đây bài trí hệ thống tượng Phật. Hệ thống tượng Phật ở chùa Trung được tạo tác từ cuối thế kỷ XIX đến thế kỷ XX, gồm hơn 30 pho tượng bằng gỗ. Ba pho Tam thế đều toạ lạc trên bệ sen đặt trên lưng thanh sư (con vật này chính là biểu tượng cho trí tuệ). Lớp thứ hai là tượng Di Đà, hai bên là hai pho Thị giả đứng hầu. Tiếp đến là pho Thích Ca nhập niết bàn, đây là pho tượng độc đáo nhất trong di tích. Thích Ca được mô tả nằm trên một lá sen, đầu gối lên tay tả, áo tượng buông chùng mềm mại phủ theo người. Phía ngoài là một bông sen to tượng trưng cho sự giác ngộ. Theo Phật thoại, khi đức Thích Ca giảng đạo ngài có giơ lên một bông hoa sen và chỉ có đại đệ tử là Ca Diếp mỉm cười và sau này chính ngài được coi là vị tổ thứ nhất sau khi đức Thích Ca nhập niết bàn. Toà Cửu long, trung tâm là hình tượng đức Thích Ca sơ sinh mình để trần, mặc quần cộc, tay trái chỉ trời tay phải chỉ đất, vòm cầu được làm với những hoạ tiết mềm mại thể hiện sinh động 9 con rồng đang phun nước và nhiều chư tiên, hộ tướng và các nhạc công đang cử nhạc hát mừng đức Thích Ca ra đời. Phía dưới cùng là 2 pho Thổ Địa và Giám Trai. Bên sườn thượng điện đặt bộ tượng Thập điện diêm vương. Phía trong một bên là tượng Quan Âm thiên thủ với nhiều đôi tay ngồi trên bên sen. Bên kia là tượng Quan Âm trong thế ngồi kiết già.
Tại thượng điện có hiện hữu tượng Đức Ông và tượng Thánh Hiền với các phụ tá của mình là Già Lam, Chân Tể, Diệp Nhiên và Đại Sĩ. Hai pho tượng Hộ pháp được đặt phía ngoài tiền đường trong trang phục võ tướng. Một ông Khuyến thiện và một ông Trừng ác. Phần áp hồi tiền đường có một số tượng tổ truyền đăng. Đây mới chính là tượng gắn liền với tư duy người Việt nhất.
Trong các di vật hiện lưu giữ, đáng chú ý có một nhang án đá. Nhang án đá đặt tại gian giữa toà Tiền đường với các số đo để sâu 105cm, dài 142cm, rộng 88cm, bệ sen dài 123cm, rộng 80cm, cao 90cm. Phần thân nhang án được làm hình chữ nhật, 4 góc của thân nhang án chạm nổi hình chim thần Garuđa với mỏ, cánh, bụng, chân, tay một cách rõ nét và sinh động trong tư thế đội đài sen, ngực chim thần đeo khánh, phần diềm có các hạt nhỏ. Mỏ của chim thần nhọn, tay phồng to các cơ bắp, các ngón quắp chặt cùng toàn thân căng cứng gồng mình đỡ lấy toàn bộ sức nặng phần đài sen. Đôi cánh chim xếp phía sau được chạm đơn giản hơn so với toàn bộ tổng thể hình chim thần. Mỗi mặt nhang án có chia một ô vuông, phía trong có trang trí hình rồng nổi, mềm mại và một số hình cách điệu kiểu mặt trời. Phần đế nhang án làm giật cấp, phần trên làm hình hoa sen cách điệu, phần dưới là cách điệu hình vân mây và sóng nước. Mặt trước có hình tượng 3 con rồng đang trong tư thế cuộn mình, hai rồng chầu vào nhau với hình mặt trời được cách điệu.
Ngoài ra, ngôi chùa còn bảo lưu được 1 quả chuông đồng niên hiệu Minh Mệnh thứ 19 (1838), 2 án gian, 3 bát hương gốm Thổ Hà...
Chùa Trung đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02