Chùa Tháp Thượng (huyện Đan Phượng)
Chùa Tháp Thượng còn có tên gọi là chùa Nhạn Tháp, toạ lạc bên bờ sông Đáy thuộc xã Song Phượng, huyện Đan Phượng, cách trung tâm Thành phố Hà Nội chừng 25km.
Du khách có thể đi từ trung tâm thành phố xuôi theo quốc lộ 32 đến thị trấn Phùng rồi men theo đê sông Đáy khoảng 2km là tới di tích.
Chùa được dựng trên nền đất cao khoảng 60cm so với nền đất, kết cấu theo kiểu chữ “đinh” gồm Tiền đường và Thượng điện. Tiền đường là ngôi nhà ngang 5 gian xây kiểu tường hồi bít đốc, các bộ vì được làm theo kiểu “chồng rường, giá chiêng, bẩy hiện”. Nghệ thuật điêu khắc trang trí tập trung chủ yếu trên các con rường, kẻ, bẩy với các đề tài hoa văn xoắn ốc và đạo mác.
Thượng điện là một gian nhà dọc nối liền từ gian giữa Tiền đường. Kết cấu kiến trúc tương tự như toà Tiền đường, tiếp nối với gian giữa Tiền đường tạo một khoảng không gian thoáng rộng. Trên Thượng điện xây các bệ thờ, bài trí hệ thống tượng Phật gồm 21 pho. Đáng chú ý hơn cả là bộ tượng Tam thế đã được các nghệ nhân chạm khắc khá điêu luyện, trên đầu có u nhục kháo, tóc xoắn ốc, mắt mở to hướng về phía trước, miệng mím, tai to chảy dài biểu hiện cho sự tôn quý. Cả ba pho đều đặt trên toà sen, ngồi theo thế kiết già, mình mặc áo cà sa nhiều lớp tạo nên sự mềm mại, thanh thoát và uyển chuyển. Các lớp tượng tiếp theo đều được bài trí theo phong cách truyền thống. Ngoài Tiền đường là nơi toạ lạc của Đức Ông bên trái và Thánh Tăng bên phải mang phong cách thời Nguyễn.
Chùa Nhạn Tháp còn lưu giữ được nhiều di vật như đài hương, đài nến, lọ lộc bình. Trong chùa còn treo 2 câu đối, 1 bức hoành phi ca ngợi công đức từ bi vô lượng của đức Phật và 7 tấm bia đá nói về việc thờ cúng, đặt hậu. Trong đó có 1 tấm bia dựng vào thời Lê, niên hiệu Cảnh Hưng thứ 35 (1774) nói về việc nhân dân địa phương tôn tạo lại ngôi chùa. Ngoài cổng treo khánh đồng, chuông đồng đúc vào tháng 5 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800).
Chùa Tháp Thượng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1991./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02