Xao xuyến thu Hà Nội với nét cổ kính ngàn xưa
Tôi có dịp trở lại Hà Nội khi tiết trời sang thu. Đang đợi bạn, tôi dạo quanh một vòng nơi góc phố ngắm nhìn Hà Nội, bỗng nhớ đến lời bài hát của Trịnh Công Sơn: “… Cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, nằm kề bên nhau, phố xưa nhà cổ, mái ngói thâm nâu”. Như có hương hoa sữa đâu đây thoảng về trong từng ngọn gió. Chợt nhớ đến Hồ Tây buổi chia tay bịn rịn với cô bạn ngày ra trường. Thật như: “Hà Nội mùa thu đi giữa mọi người, lòng như thầm hỏi, tôi đang nhớ ai…”. Nhớ ai thì không rõ lắm, nhưng chắc chắn là tôi đang chờ đợi cô bạn cùng học năm xưa.
Thu Hà Nội sáng nay sao mà êm ả, những hạt mưa li ti như bụi bám trên từng tán lá. Ở Thủ đô Hà Nội mùa thu được cho là mùa đẹp nhất trong năm. Tôi đã nhiều lần đến Hà Nội nhưng không hiểu sao lần này trở lại, Hà Nội cho tôi cảm giác xao xuyến, khiến lòng người cảm thấy mến thương đến lạ.
Đang lững thững, bỗng một tiếng òa sau lưng. Cô bạn tôi mảnh mai trong bộ áo dài dịu dàng như đi trẩy hội, tôn thêm vẽ lung linh của mùa thu tươi đẹp. Đi đâu đây - tôi hỏi? Thì về Hồ Gươm để ôn lại chút kỷ niệm xưa! Đi bên bạn, tôi bỗng thốt lên câu thơ: Cùng em trên đường Hà Nội/ Tưng tửng trời trổ heo may/ Giọt thu trắng mùa hoa sữa/ Ngọt ngào trong gió hương say. Ôi! Làm thơ khi nào mà tình đến thế? - bạn hỏi. Tôi nhìn bạn mỉm cười: “Tự nhiên thấy Hà Nội đẹp nên hồn thơ bật lên vậy”. Rồi chúng tôi đến quán cà phê bình dân bên Hồ Gươm. Mặc cho bạn huyên thuyên hỏi chuyện nhà chuyện cửa, tôi vừa uống cà phê vừa phóng tầm mắt ngắm nhìn vẻ đẹp cổ kính của Hồ Gươm. Hồ Gươm nằm ở trung tâm của thành phố. Đây là một trong những địa danh nổi tiếng của Hà Nội. Hồ khá rộng, mặt nước trong xanh, phẳng lặng. Thỉnh thoảng những làn gió thổi khiến mặt hồ lăn tăn gợn sóng, bóng cây xõa xuống lung linh. Xung quanh hồ còn có đền Ngọc Sơn, tháp Rùa, đài Nghiên mang vẻ cổ kính. Cầu Thê Húc được sơn màu đỏ, cong cong như vầng trăng khuyết. Qua cầu Thê Húc là đến đền Ngọc Sơn dáng uy nghiêm trước thăng trầm của lịch sử. Cây đa cổ thụ đã nhiều năm tuổi rợp bóng trước cổng đền. Ở chính giữa hồ là Tháp Rùa nằm trên một khoảng đất trống. Trên tháp, những lớp rêu phong nổi lên khiến tháp mang một vẻ đẹp quyến rũ. Hồ Gươm chính là Hồ Hoàn Kiếm đã rất quen thuộc với người dân Hà Nội.
Khi nhắc đến Hồ Gươm tôi nhớ đến “Truyền thuyết Hồ Gươm” kể về sự tích Lê Lợi được Rùa Vàng cho mượn gươm đánh giặc đã được học thời phổ thông. Tôi nhớ lại lần đầu được về thăm Hồ Gươm khi tôi được mười tuổi, lúc đó mẹ thưởng cho tôi kỳ nghỉ hè đặc biệt vì tôi đạt giải học sinh giỏi lớp 5. Thích nhất là được ngắm nhìn cái mai cụ Rùa 100 tuổi to bằng cái nia phơi đậu ở nhà tôi. Rồi được cưỡi ngựa gỗ, được nhìn ngọn bút tháp như đang viết chữ lên trời. Mãi nghĩ bạn tôi nhắc: “Có gì mà ngẩn tò te thế! Ngồi chơi với bạn sau bao năm gặp lại mà cứ nghĩ chuyện đâu đâu kia chứ?”. Tôi chống chế: “Đâu có! Đang nghĩ đến chuyện đi ăn kem ngày xưa nơi bờ hồ”. Tôi và bạn cùng học Trường Sư phạm Hà Nội. Bạn học khoa Sử, tôi khoa Sinh nhưng vẫn thân nhau vì hợp nhau sở thích ăn kem que. Ngày đó, kem là món ăn vừa dân dã lại rẻ tiền nhưng cũng đầy thú vị. Mùa hè Hà Nội là một mùa tràn đầy cảm xúc, đó là những ngày ánh nắng chói chang rọi qua tấm rèm cửa sổ từ buổi sớm khiến người ta nghĩ đến thưởng thức kem.
Ngày đó, chúng tôi không ngại việc xếp hàng dài để chờ mua kem. Cái vị ngọt của đường, mùi thơm của hoa, vị béo của đậu làm nên que kem để hai đứa chúng tôi như thành kẻ “nghiện”. Cứ sau mỗi buổi học, không hẹn mà gặp chúng tôi lại rủ nhau đi ăn kem và thân nhau từ dạo ấy. Như cắt dòng kỷ niệm về kem que ngày xưa bạn tôi bảo: “Nay thì không thiếu bao nhiêu thứ kem, nhưng vẫn thấy nhớ cái hương vị kem “nguyên thủy” bên bờ Hồ Gươm này”. Rồi bỗng nhiên bạn tôi chuyển qua đề tài công tác. Vậy đợt này cậu ra đây làm gì? Tớ theo đoàn công tác của Sở Giáo dục ra tập huấn thay sách giáo khoa. Còn cậu, nghe nói nay chuyển sang “nghiên cứu phố cổ Hà Nội rồi à?”. Ừ bạn! Vất vả lắm nhưng cũng vui. Rồi như ngẫu hứng với nghề bạn tôi lại huyên thuyên về phố cổ. Bạn tôi cho biết, “Hà Nội 36 phố phường” đó là cái tên thường dùng thân thuộc khi nói về phố cổ Hà Nội. Bao nhiêu thế kỉ đã trôi qua, Thăng Long ngày xưa, nay đã đổi thay nhiều. Hà Nội đã trở thành một Thủ đô với nhịp sống hiện đại, phát triển không ngừng, nhưng những dấu ấn một thời của trung tâm văn hóa nơi chốn đô thành xưa thì vẫn còn giữ được từng nếp nhà phố cổ. Người ta thường nghe rất nhiều về 36 phố phường Hà Nội nhưng chắc hẳn, ít ai biết được rằng mỗi con đường, mỗi góc phố đều mang một ý nghĩa rất riêng, rất đời thường mà lại vô cùng sâu sắc.
Những con phố là Hàng Mắm, Hàng Muối, Hàng Mã, Hàng Cót, Hàng Bông hay Hàng Nón, Hàng Thau… đó là những con phố được đặt tên theo nghề làm ăn của bà con cho dễ nhớ, dễ thuộc. Tôi cũng đã học ở Hà Nội 4 năm đại học, nhưng tôi không thể nhớ hay quen một con phố nào, những năm tháng sinh viên chỉ chúi đầu vào sách vở. Và hơn nữa thời đó công nghệ còn lạc hậu, phương tiện đang còn thiếu thốn nên sự đi lại, sự am hiểu như ít hơn bây giờ. Bạn tôi cho hay mỗi khi nhắc đến tên những con phố ấy, ta như cảm nhận được nhịp sống thân thương trên từng con phố nhỏ. Ngày xưa “Hà Nội 36 phố phường” được mệnh danh là đất “ngàn năm vạn vật”, “thứ nhất kinh kì thứ nhì Phố Hiến” thì ngày nay, phố cổ Hà Nội lại mang trong mình vẻ đẹp dịu dàng pha nét cổ kính của những mái ngói rêu phong, không thể lẫn vào đâu được. Với nhịp sống ngày một năng động và phát triển không ngừng của Thủ đô thì phổ cổ được coi là nơi lí tưởng để ta có thể lắng đọng lại tâm hồn, tìm về với cội nguồn lịch sử, văn hóa ngàn đời của đất nước.
Bạn tôi nói: “Cậu có biết không, Văn Miếu - Quốc Tử Giám cũng chính là đại diện cho truyền thống hiếu học ngàn đời của dân tộc ta. Không biết thực hư thế nào nhưng ngày xưa các sĩ tử trước khi đi thi thường đến đây để sờ đầu rùa với ý nguyện đỗ đạt cao hay ngày nay những sinh viên sắp ra trường thường đến đây để chụp hình kỷ niệm, lưu giữ lại những khoảnh khắc đẹp đẽ của một thời sinh viên. Như để cho tôi cảm nhận được việc làm của mình, bạn hỏi: “Vậy cậu có biết mình đang ở phố nào đây không?”. Tôi nhìn ra vời vợi những hàng cây cổ thụ và trả lời: “Chắc chắn là phố Hàng Vải rồi! Đấy, hiện chúng ta đứng dưới những cây vải cổ thụ đang vươn cành sum suê tỏa bóng đó sao!”. Bạn nhìn tôi, che miệng cười: “Đúng là con nhà sinh học”. Rồi bạn tiếp: Ngày xưa, người ta thường gọi Hà Nội với cái tên là Thăng Long - Kẻ Chợ cũng bởi vì mảnh đất ngàn năm văn hiến này chính là nơi hội tụ các ngành nghề lớn nhỏ khác nhau. Chợ Đồng Xuân xưa ở Thăng Long được xem là khu chợ to nhất trong các khu chợ và vui nhất thời đó. Chợ Đồng Xuân được xây dựng từ thời phong kiến nhà Nguyễn, nên được xem là một trong những ngôi chợ có lịch sử lâu đời nhất Việt Nam. Ngoài ra, khu chợ Đồng Xuân là một trong những căn cứ kháng chiến chống thực dân Pháp đắc lực của Hà Nội, sau ngày giải phóng Thủ đô, chợ Đồng Xuân được xây dựng lại và trở thành ngôi chợ lớn nhất tại Hà Nội. Tuy nhiên một vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra năm 1994 làm thiêu trụi hầu hết những gian hàng trong chợ. Sau vụ hỏa hoạn, được UBND TP Hà Nội cho xây dựng lại, chợ Đồng Xuân được bảo tồn gần nguyên vẹn kiến trúc cổ xưa. Nay chợ Đồng Xuân là khu chợ buôn bán sầm uất nhất nhì Việt Nam và là chợ đầu mối cung cấp hàng hóa cho cả nước. Tôi nghe bạn diễn thuyết đến đây thì tấm tắc với những hiểu biết của “nhà nghiên cứu phố cổ Hà Nội”, những hình ảnh một thời Hà Nội – Thăng Long ngàn năm văn hiến hiện về trong suy tưởng của tôi.
Ngày nay Thủ đô Hà Nội đang trên đà phát triển kinh tế mạnh mẽ, có vị thế quan trọng, là nơi tiếp giáp với nhiều đầu mối giao thông trong và ngoài thành phố và vùng ảnh hưởng của địa bàn kinh tế trong cả nước. Các công trình đô thị ngày được mọc lên “như nấm”, nhà cửa được xây dựng lại có qui hoạch. Đường sá, công trình công cộng khang trang hơn, các khu phố được quy hoạch lại… đã tạo nên diện mạo mới làm cho Thủ đô Hà Nội ngàn năm văn hiến, mang đậm nét đặc sắc hiếm thấy ở nước ta.
Bên cạnh đó, Thủ đô Hà Nội là một trong những thành phố còn được lưu giữ số lượng di tích rất lớn vẫn đang được bảo tồn và phát huy tốt giá trị, mang đậm nét văn hóa cổ xưa, làm cho Hà Nội thật sự là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước và đặc biệt giúp Hà Nội trở thành nơi phát triển kinh tế du lịch mỗi năm.
Về trưa bầu trời càng cao, trong xanh không một gợn mây, nắng thu dịu dàng, như được nhuộm một màu vàng óng ả, tươi mới. Gió thu nhè nhẹ thổi, cuốn theo những chiếc lá vàng mỏng mảnh bay la đà. Thu Hà Nội có một vẻ đẹp nhẹ nhàng, đằm thắm, một vẻ đẹp rất riêng mà chỉ có những ai từng gắn bó tình cảm với Hà Nội mới cảm nhận trọn vẹn được.
Chia tay bạn, tôi đã có một ngày thu Hà Nội thật tuyệt vời với những nét cổ kính ngàn xưa./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Đại Duẫn. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. |