Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội trong mắt tôi

Hoàng Ngọc Thanh 05/12/2023 08:59

Tôi sinh ra và lớn lên nơi mảnh đất phương Nam đầy nắng gió. Mỗi lần nhắc đến Hà Nội trái tim tôi lại xuyến xao. Tôi luôn ao ước được chiêm ngưỡng vẻ rêu phong cổ kính. Được đắm mình trong tiết thu se sắt hay cái giá rét của ngày đông phố cổ. Được ngắm nhìn những phụ nữ Hà Thành, với nét duyên dáng đặc trưng của mình.

anh-dep-tranh-ve-pho-co-ha-noi_053442923.jpg
Tranh vẽ phố cổ Hà Nội (Nguồn: internet)

Và rồi tôi cũng có dịp đến thăm mảnh đất kinh kỳ với bao háo hức, mong chờ. Hà Nội đón tôi vào ngày cuối thu đầy nắng. Nắng dịu dàng như dải lụa chăng lên bầu trời. Cái lạnh sẽ sàng ôm lấy khiến tôi rùng mình. Tôi cố hít hà cái không khí hanh hao ấy cho căng tràn lồng ngực. Từng góc phố đẹp ngỡ ngàng dưới bước chân thu. Tôi bước đi chậm rãi trên đường Hoàng Diệu, đường Phan Đình Phùng rợp mát bóng cây cổ thụ, lắng tai nghe tiếng xào xạc dưới chân mình. Cả con đường được trải tấm thảm vàng mơ mộng. Tia nắng ngọt như mật đan xen dưới vòm lá, sáng lấp lóa. Vài chiếc lá chao nghiêng, bay lượn trong không trung trước khi ngập ngừng đáp lên vai, lên tóc tôi.

Tôi thức dậy thật sớm, dạo quanh Hồ Gươm. Ngắm Tháp Rùa mờ ảo dưới làn sương bảng lảng. Từng tốp người đi bộ, tập thể dục, hít thở không khí trong trẻo buổi sớm mai. Vài cụ già ngồi tĩnh lặng trên chiếc ghế đá ven hồ, đủ làm nên bức tranh thu đầy thanh sắc. Mặt trời dần nhô cao, rắc ánh nắng rực rỡ lên khắp đất trời. Không gian bừng sáng. Màu óng ả của nắng, màu vàng rực của cành lá ven hồ, nổi bật trên nền trời trong xanh cao vọi. Vài nhánh cây cong mình chạm vào mặt hồ phẳng lặng, thả từng đợt sóng lăn tăn mỗi khi cơn gió khẽ khàng đùa nghịch. Vạn vật đắm chìm trong bóng dáng mùa thu.

dsc_0086.jpg
Tác giả trong một lần ra Hà Nội

Tôi còn luyến tiếc quay lại Hồ Gươm vào buổi hoàng hôn, khi mặt trời hắt tia nắng cuối ngày lên cao, biến mây thành đủ hình thù lộng lẫy. Cầu Thê Húc đỏ rực trong không gian dát vàng diễm lệ. Bước chầm chậm lên cầu, tôi vào dâng hương trước đền Ngọc Sơn, chốn tâm linh của người Hà Nội.

Tôi đến quảng trường Ba Đình viếng Lăng Bác. Hàng tre xanh rì trước Lăng gợi tôi nhớ đến câu thơ “con ở miền Nam ra thăm Lăng Bác, đã thấy trong sương hàng tre bát ngát” của nhà thơ Viễn Phương. Hoà vào dòng người thành kính chờ gặp mặt Người, lòng tôi dâng lên một niềm xúc động khó diễn tả thành lời.

Nhận lời mời của một người bạn Hà Thành, tôi đến ở nhà bạn ngay trên phố cổ, để cảm nhận hết không khí nơi này. Lần đầu tiên tôi tận mắt nhìn thấy ba sáu phố phường trong những áng văn chương. Những cái tên gợi biết bao cảm xúc, Hàng Trống, Hàng Đẫy, Hàng Buồm, Hàng Than, Hàng Mã… Phố cổ vào thu mang một màu sắc rất riêng, phảng phất chút nhẹ nhàng pha loãng cái ồn ào nhộn nhịp.

dsc_0781-1-.jpg

Vẫn là nhà cửa san sát, hàng hóa trưng bày rực rỡ, kẻ mua người bán tấp nập. Nhưng phố cổ không giống bất cứ nơi buôn bán sầm uất nào khác. Bức tường vôi bạc màu, mái ngói rêu phong, ô cửa chớp màu xanh trên cao, hàng cây thay lá giữa khúc hát giao mùa, hàng quán lâu đời gắn liền với từng con phố, gánh hàng rong đầy màu sắc bên đường, đều toát lên cái hồn, cái cốt chỉ có ở phố cổ Hà Nội.

Tôi ở tầng hai, sát ban công. Từ đây, tôi vừa nhâm nhi tách trà nóng, vừa đón nhận âm thanh phố phường. Tôi thong thả ngắm dòng người tấp nập bên dưới, tách mình ra khỏi sự náo nhiệt của nó. Tôi chợt nhớ nhà giáo Trịnh Thu Tuyết từng nói, có một Hà Nội khác, nhìn từ tầng hai. Tôi thả bước dọc các con phố, ống kính máy ảnh lần tìm đến khung cửa khép hờ, đến con người, cảnh sắc trên các tầng, để ghi lại những khoảnh khắc đầy sắc màu xưa cũ.

Tầng một mang dáng vẻ của cuộc sống hiện đại, với cơ man nào quán xá, bảng hiệu. Tầng một tận dụng từng centimet trưng bày hàng hoá, cho xứng tấc đất tấc vàng. Tầng một ồn ã cả ngày lẫn đêm. Tầng một gắn liền với cuộc sống cơm áo gạo tiền, gánh nặng mưu sinh, lo toan trăn trở.

Tầng hai và các tầng trên rất khác. Nó tách biệt khỏi tầng một, dù cùng một ngôi nhà. Nơi đó lưu giữ một Hà Nội cổ xưa, lưu giữ nếp sinh hoạt đậm đà bản sắc người Tràng An, truyền thừa qua bao thế hệ. Tôi may mắn sống trong không khí tứ đại đồng đường của gia đình bạn. Bà cố, ông bà nội, đến con cháu, từ khi sinh ra đã gắn liền với phố cổ. Mọi người nói chuyện với nhau nhẹ nhàng, lễ phép, một tiếng thưa hai tiếng gửi. Đến bữa cơm thì người nhỏ mời từng người lớn, xong hết mới bắt đầu ăn. Các bà, các chị trông rất nhẹ nhàng. Họ đi đứng khoan thai, không hấp tấp vội vàng, cũng không rề rà chậm chạp. Họ không lòe loẹt theo mốt, ăn mặc đúng tuổi đúng thì, đơn giản mà chỉnh chu. Không bao giờ ra đường mà chưa chỉnh trang áo quần đầu tóc.

Chị của bạn đã ngoài năm mươi, nói chuyện với tôi luôn miệng “vâng ạ”. Chị bảo đó là cách nói chuyện của gia đình chị, cũng là của người dân Hà Thành. Trò chuyện cùng chị, tôi biết thêm tính cách người Hà Nội. Họ cư xử văn minh, thanh lịch trong từng cử chỉ, cẩn trọng lời ăn tiếng nói, không tranh cãi, không hơn thua. Họ từ tốn, chậm rãi trong giao tiếp, trong hành xử cũng như quyết định. Họ sống kín đáo, không phô trương, có chừng mực. Họ quan tâm đến hàng xóm láng giềng nhưng vẫn giữ sự riêng tư cho mình và cho người khác.

Trong câu chuyện thỉnh thoảng xen lẫn tiếng thở dài, chị lo lắng khi giới trẻ Hà Thành không còn giữ được truyền thống. Tôi thì nghĩ khác, cuộc sống không chỉ có hoài niệm mà cần có cái mới, tiến bước để bắt nhịp. Tôi tin rằng, những người con Hà Nội, dù cuộc sống có hiện đại đến đâu chăng nữa thì những truyền thống lâu đời vẫn nằm trong huyết quản, nó luôn ở đó, không mất đi, không phai nhạt. Và, cái hồn cốt ấy vẫn được lưu giữ dưới những mái nhà cổ, sau cánh cửa im lìm trên cao.

Ở phố cổ, tôi được đắm mình trong âm thanh nói như hát của tiếng mẹ đẻ, quen mà lạ. Khác với giọng miền Nam nhẹ nhàng, giọng nói phương Bắc giàu nhạc điệu. Không khó để nghe giọng Hà Nội giữa trời Nam. Nhưng chỉ tại đây, chất giọng ấy trở về đúng không gian của nó, bổng trầm du dương. Người ta khen phụ nữ Hà Thành duyên dáng. Thì giọng nói, cách thức nói chuyện chính là nét duyên dễ thấy nhất.

Cái duyên của phụ nữ Hà Nội còn ở chỗ giỏi nữ công gia chánh. Nhờ thế đã sáng tạo ra vô vàng món ăn quốc hồn quốc túy níu chân du khách, nào bún thang, bún chả, nem, cốm… Tôi ước bụng mình to hơn, có thể chứa được hai ba phần cùng lúc để thưởng thức thêm món ăn nơi này. Chả cá Lã Vọng, bún chả Hàng Mành, phở Bát Đàn, chả rươi, bún ốc, xôi xéo… nghe thôi đã thèm. Buổi tối, tôi vào một quán bên đường, thưởng thức món lòng phố cổ, trên chiếc chiếu trải lên vỉa hè. Không kém phần thú vị.

Tại phố cổ, và Hồ Gươm, tôi gặp các cụ già, đầu vấn khăn mỏ quạ, răng đen bóng, miệng đỏ thắm sắc trầu. Gợi tôi nhớ “những cô hàng xén răng đen, cười như mùa thu tỏa nắng” trong thơ Hoàng Cầm. Các “cô gái” ấy nay tóc đã bạc màu thời gian, da nhăn nheo đồi mồi, duy chỉ nụ cười vẫn rạng ngời trong nắng.

Dạo chơi trên các nẻo đường Hà Nội, tôi thích thú trước những chiếc xe hoa chở cả mùa về trên từng con phố. Khác với nơi tôi sống, hoa được bày bán ở chợ, ở tiệm hoa, không ai chở hoa đi khắp phố phường như thế. Tôi mua cho mình một bó cúc vàng. Rồi điệu đà, chụp tấm hình bên chiếc xe hoa xinh xắn.

Gặp một chị đôi gánh kĩu kịt, đúng hình ảnh gánh hàng rong. Ở phương Nam, hàng rong chất đầy trên mấy chiếc xe đạp, xe máy, xe đẩy, không ai gánh như ở đất này. Chị mời tôi mua cốm tươi. Dù không phải cốm làng Vòng trứ danh, tôi vẫn nhớ hoài màu xanh mơn mởn của hạt cốm gói trong lá sen, buộc bằng cọng rơm. Xinh xắn, thơm lừng. Tôi bốc vài hạt, chậm rãi nhai, cảm nhận hết cái dẻo thơm, ngọt bùi của hạt lúa non hòa cùng hương vị lá sen. Chị mời tôi mua thêm chuối tiêu ăn cùng. Chị nói mùa cốm cũng là mùa chuối tiêu ta, mà phải là loại chuối chín vàng có đốm hình trứng cuốc mới ngon. Hai thức ấy đến cùng mùa, ăn cùng nhau, thêm đậm đà hương vị.

Hà Nội còn có nhiều toà nhà cao chọc trời, bên cạnh những kiến trúc cổ xưa, rêu phủ. Biết bao nhà hàng, quán bar, điểm vui chơi hào nhoáng. Tôi không thấy nó đối nghịch mà hòa quyện, tạo nên bức tranh với nhiều gam màu sinh động.

Ngày chia tay Hà Nội, trái tim vẫn còn bận lưu giữ vô vàn vẻ đẹp Hà Nội, cảnh sắc diễm tình, kiến trúc thâm nghiêm, con người thanh lịch. Tôi đã mang về phương Nam một Hà Nội ngọt ngào hương thơm của hoa, của cốm, của tình người…

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Hoàng Ngọc Thanh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Bún riêu cua, ký ức khó quên về Hà Nội
    Thi thoảng, vào những buổi trưa oi nồng ở Sài Gòn, tôi cùng một vài người bạn lại ghé ngang gánh bún riêu cua của bà cụ Tứ. Thay vì chọn gọi cơm về văn phòng để ăn, chúng tôi lại thích ngồi ở một góc vỉa hè, thưởng thức món ăn dân dã này. Đôi lần, có dịp trò chuyện, nghe cách phát âm, bà cụ tò mò thăm hỏi: “Cháu là người Hà Nội sao? Nhìn cháu thường xuyên đến ủng hộ gánh bún riêu kiểu Bắc của bà khiến bà đoán thế. Bún riêu đúng là thức quà mà ai đi xa Thủ đô cũng phải nhung nhớ, cháu nhỉ?”. Mấy lời của bà cụ khiến biết bao hoài niệm về tuổi thơ của tôi về Hà Nội phút chốc quay trở về.
(0) Bình luận
  • Lấp lánh gốm sứ Bát Tràng
    “Trước khi về, nhớ sang Bát Tràng mua cho mẹ bộ bát đĩa nhé!”. Nghe lời dặn của mẹ, ký ức một thuở hiện về và nỗi nhớ căn nhà kỷ niệm cứ xốn xang trong tôi. Nơi đó có mẹ đang móm mém mỉm cười chờ tôi. Thấy con về, nhất định mẹ sẽ hỏi “Có sang Bát Tràng không?”. Tôi sẽ đùa “Nhà thiếu gì bát đĩa mà mẹ cứ phải Bát Tràng!”. Mẹ sẽ mắng yêu “Đấy là tôi dặn mua sắm cho anh em anh đấy chứ. Thi thoảng các con về đây ăn uống đầy nhà đầy cửa không vui sao!”... Càng nghĩ, ký ức càng cuộn lên khôn nguôi, trong đó có những hình ảnh rất quen thuộc trong nhà tôi – một gia đình miền núi nhưng đậm đặc hơi hướng một miền đất đồng bằng nổi tiếng - Bát Tràng.
  • Nghề thuốc ở xứ Đoài
    Nhắc đến xứ Đoài, trong tâm thức người Việt Nam ta đó là vùng đất cổ, nơi lưu giữ những tầng lịch sử, văn hóa được trầm tích qua hàng ngàn năm. Xứ Đoài, tên gọi quen thuộc, nhưng không dễ để hiểu tại sao lại gọi như vậy.
  • Hà Nội trong trái tim tôi
    Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã vô cùng yêu thích và thuộc nằm lòng bài hát: “Hà Nội - Một trái tim hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Khi những ca từ trong trẻo cất lên: “Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội/ Ơi Thủ đô xao xuyến trong trái tim tôi/ Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ…”.
  • Hoài niệm về tàu điện xưa
    Hình ảnh những chuyến tàu điện chở khách hồi xưa: bây giờ chỉ còn trong hoài niệm. Nghe nói, tàu điện do người Pháp đưa sang, có hơn 100 năm (có nhà ga, sửa chữa cho tàu khá lớn, ở đường Hoàng Hoa Thám bây giờ)...
  • Vô định bước chân khi qua chốn cũ
    Một lần tôi âm thầm trở lại Hà Nội. Tôi có hẹn phỏng vấn với một công ty ở đó. Sau bao tháng ngày lăn lội công trường bùn lầy gió bụi, tôi muốn tìm kiếm một công việc mang nhiều yếu tố chuyên môn hơn. Thế nhưng, buổi phỏng vấn hờ hững, kết thúc mà chẳng hứa hẹn điều gì, có lẽ tôi không phải là lựa chọn phù hợp cho vị trí đang tuyển dụng. Chông chênh giữa một thành phố quen mà nay như xa lạ, tôi một mình lang thang qua những con phố cũ, chờ chuyến xe trở về lúc chiều muộn.
  • Sơn Tây, một thoáng thành cổ
    Nằm dưới chân núi Tổ lại ở vị trí trung tâm của xứ Đoài, thành cổ Sơn Tây từng in dấu thời gian và trở thành một chứng nhân của lịch sử trong giai đoạn cuối của thời phong kiến và những năm tháng bi hùng kháng chiến chống Pháp của phe “chủ chiến” và phong trào cần vương trên mảnh đất xứ Đoài.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Huyện Đông Anh khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp nhà lưu niệm Bác Hồ
    Nhân dịp Kỷ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), 60 năm ngày Bác Hồ về thăm thôn Lỗ Khê, xã Liên Hà (1964 - 2024); Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Liên Hà (huyện Đông Anh, TP. Hà Nội) đã khánh thành công trình cải tạo, nâng cấp Nhà lưu niệm bác Hồ tại thôn Lỗ Khê.
  • Hơn 2.000 cơ hội việc làm tại Phiên giao dịch việc làm lưu động quận Ba Đình năm 2024
    31 đơn vị, doanh nghiệp tham gia Phiên giao dịch việc làm (GDVL) lưu động quận Ba Đình năm 2024 có nhu cầu tuyển dụng, tuyển sinh, xuất khẩu lao động 2.140 chỉ tiêu (trong đó có 2.040 chỉ tiêu tuyển dụng, xuất khẩu lao động và 100 chỉ tiêu tuyển sinh).
  • Công bố giá vé, khát vọng “Rạng rỡ ngàn sau” với Tuần lễ Festival Huế 2024
    Ban tổ Festival Huế 2024 công bố giá vé các chương trình tại Tuần lễ Festival nghệ thuật Quốc tế Huế với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội trong mắt tôi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO