Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Quay trở lại Hồ Tây vào mùa thu Hà Nội

Phạm Minh Chánh 11:47 20/11/2023

Tôi trở lại Hà Nội vào một đêm muộn vì máy bay delay đến tận 4 giờ đồng hồ. Hà Nội đón tôi khi mùa hè đã hết. Thủ đô đang bước vào những ngày đầu thu tháng Tám, thời tiết dịu dàng đến kỳ lạ.

ho-tay.jpg
Hồ Tây chiều xuống (ảnh: Internet)

Những mùa thu của thời niên thiếu, bọn trẻ con mới lớn như chúng tôi ngày ấy thường chạy xe dạo quanh Hồ Tây. Mục đích chính của những chuyến đi vu vơ ngày ấy chủ yếu để thong thả ngắm màu xanh biếc của nước hồ dưới vòm trời xanh trong và nắng vàng như rót mật. Thi thoảng, chúng tôi thường mang theo sách vở an tĩnh ngồi đọc rồi tranh thủ hít hà căng lồng ngực hương vị mùa thu còn vương trên mặt hồ.

Mãi cho đến ngày hôm nay, tôi cũng chẳng định nghĩa được dư vị lạ lùng và quyến rũ đó, chỉ biết rằng nó vương vấn một mùi ngai ngái đậm hơi nước khiến cho tâm hồn tôi chợt lãng đãng, xa xăm. Có cảm tưởng như mùi nước Hồ Tây vào thu có điều gì đó khác lạ so với mùi nước ở sông Hồng hoặc ở các vùng sông nước nơi khác.

Những ngày mùa thu, có dịp quay trở lại Hà Nội, bản thân tôi lại một mình xỏ đôi giày bệt đi ra Hồ Tây, để trải nghiệm cảm giác của một góc Tây hồ khi thu sang. Từ khách sạn đi xuyên qua Lạc Long Quân, tôi men theo những góc phố nhỏ ra thẳng bờ hồ. Giữa màn sương tĩnh lặng, những góc phố nhỏ như đã thức giấc từ lâu theo nhịp sống bình yên của Hà Nội. Mùi xôi lan tỏa ấm cúng trong những thúng xôi đậy vỉ buồm ở các quán cóc nép trong hẻm. Dưới tán cây xanh mướt, một vài cái bàn nước nhỏ, bên trên đặt ấm trà tàu, cái điếu cày, ít kẹo lạc cũng đủ cho mọi người ngồi lại tâm tình, chuyện trò cùng nhau. Vì phải chờ một người bạn cùng đi nên tôi khẽ khàng ngồi vào một chiếc bàn nhỏ, gọi cốc nâu đá, mua thêm một gói xôi để dành lót dạ.

Ngẫm lại cũng thật lạ, vì những năm tháng ở Sài Gòn, khi đi qua những hàng xôi chả bao giờ gợi cho tôi cảm giác thèm muốn gì. Tôi vốn thích nấu ăn nên cũng hiểu biết chút ít kỹ thuật đồ xôi. Thi thoảng, có thời gian thư thái, bản thân cũng vào bếp nấu vài loại xôi để mang vào cơ quan hoặc biếu bạn bè cùng ăn. Nhưng mỗi dịp ra Hà Nội, nhìn thấy các bác các cô gánh xôi chậm rãi đi bán, lòng tôi chợt nao nao nhớ về một thời niên thiếu đã qua. Những cuối tuần rảnh rỗi, cả bọn lại trốn nhà ở lại kí túc để rủ rê nhau đi chơi. Cô học sinh mới lớn khi ấy là tôi, lòng ngập tràn hạnh phúc khi ngồi sau xe lũ bạn hoặc dắt nhau qua từng góc phố, nghe tiếng xào xạc của gió mùa thu về. Thi thoảng, nghe tiếng xào xạc dưới chân, bâng khuâng nhìn lên sẽ tìm thấy những chiếc lá đỏ ối của cây lộc vừng già nua ven hồ đang rực rỡ như hoàng hôn cuối ngày le lói phía chân trời, để rồi thấy lòng chợt nao nao vì hương vị của xôi nếp mới chạy qua mũi.

nguoi-chup-anh-sen-ho-tay.jpg
Sen Hồ Tây

Ngày ấy, bọn thanh niên mới lớn giàu niềm háo hức nhưng nghèo tiền bạc như chúng tôi, thường đạp xe đi loanh quanh các góc phố của Hà Nội, cũng chọn cách mua vài gói xôi ngọt bùi, đủ đầy hương vị rồi chia nhau ăn. Dẫu ít ỏi nhưng cả bọn chúng tôi, ai cũng cảm thấy vui vẻ và đủ đầy. Nhiều năm trôi qua, đến tận ngày nay, tôi vẫn chẳng thể quên được hương vị đặc biệt của những gói xôi xéo thơm mùi hành phi ngào ngạt, nhẩn nha nếm thử sẽ cảm nhận được miếng hành giòn tan màu vàng cánh gián, phủ lên nắm xôi dẻo quắn, beo béo mùi mỡ lợn. Lại còn có những gói xôi đỗ đen ngọt bùi vị đậu, thơm lừng vị nếp dẻo, khiến bất kỳ tín đồ “hảo ngọt” nào cũng khó lòng chối từ. Miên man nhớ về ký ức xưa, bản thân không thể kiềm lòng được, cũng đành dừng chân trước một gánh hàng, chọn mua ít xôi dẻo ngọt để dành nhấm nháp giữa tiết trời hanh hao của mùa thu Hà Nội. Có lẽ mọi món ăn sẽ trở nên ngon hơn khi được thưởng thức phù hợp với thời tiết. Mùa thu ở Hà Nội bao giờ cũng có sắc màu và hương vị đặc biệt của nó.

mot-goc-ho-tay-ha-noi-2-.jpg
Một góc Hồ Tây

Hồ Tây nhìn từ xa bát ngát trong sương bàng bạc đang dần tan. Những đợt sóng lăn tăn xao động khắp mặt hồ. Gió từ hồ tràn lên khe khẽ, đủ cho người ta cảm thấy se lạnh. Từ phía đằng đông, vầng mặt trời đỏ ối, tỏa ra ánh sáng ấm áp dần len qua các khe hở của mấy tòa cao ốc phía bên kia hồ xa tít, báo hiệu một buổi sáng ban mai sắp bắt đầu. Thấp thoáng đâu đó, vài bác thợ săn ảnh tranh thủ mặt trời vừa mọc liền nhanh chóng chĩa máy ảnh hoặc điện thoại để thu vội khoảnh khắc e lệ này.

Tôi thong dong đi dạo quanh dọc bờ hồ, thấy nhiều cửa hiệu đang tất bật mở cửa. Mùa thu về cũng là thời điểm bừng nở cuối cùng của những đóa hoa sen. Người Hà Nội yêu hoa không đợi ngắm sen trên phố mà cất công xuống tận Hồ Tây để chiêm ngưỡng những thời khắc cuối mùa của loài hoa thuần khiết này. Họ nâng niu, trân trọng những đóa sen cuối mùa còn sót lại trên hồ rồi chụp dăm ba kiểu ảnh như một cách để chia tay với chúng để rồi hẹn hò cho một mùa sen kế tiếp.

ho-tay-khi-sen-tan.jpg
Hồ Tây khi sen tàn

Nằm yên tĩnh tại một góc nhỏ của Hồ Tây là một ngôi chùa cổ, phảng phất hương trầm và tiếng chuông ngân vang. Đôi lần, tôi khẽ khàng viếng thăm, quỳ dưới chân Phật đài u tịch, thấy lòng an nhiên trong từng phút giây. Bước ra sân chùa, lòng bâng khuâng khi ngắm bụi hoa lài nơi góc sân chùa. Nhớ ra hôm Tết cùng cô bạn ngồi hàn huyên ở sân chùa, nhìn cây hoa lài nở rộ sắc trắng với mùi thơm đến ngây ngất.

Có những buổi chiều sau khi hoàn thành công việc, tôi lại chầm chậm đi dạo đến tận phía tả ngạn của Hồ Tây, tôi khẽ khàng dừng bước ở một quán nhỏ ven đường của bà cụ tóc trắng phau phau. Gọi một cốc trà sen phảng phất hương thơm thanh khiết, tôi ngồi nhâm nhi trong biết bao hoài niệm. Thi thoảng, một cơn gió nhẹ mang theo mùi hương hoa sữa thoang thoảng, hờ hững bám đậu trên vai áo người đi đường như muốn nhắc nhở người ta biết sống chậm hơn giữa nhịp đời hối hả... Mùa thu Hà Nội trong tôi luôn là những ngày yên bình như thế. Có những cảm xúc giống như những trận mưa rào, chợt đổ xuống sau bao ngày nắng hạn khiến người ta mê mẩn đắm chìm và chẳng muốn dứt ra.

Đi ngang qua mùa thu Hà Nội, chợt thấy lòng mình rưng rưng, có lúc lại nghèn nghẹn những nỗi niềm rất riêng cùng biết bao câu chuyện ân tình ấm áp. Bâng khuâng nhớ lại khoảng đời niên thiếu thấy mình đã may mắn biết bao vì từng trải qua những thời khắc ngọt ngào và ân tình./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Minh Chánh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Đi về miền nhớ
    Hà Nội có một sức hút kì lạ, không phải chỉ đối với những người dân sống bao năm ở đây mà ngay cả những cô cậu sinh viên như chúng tôi hồi đó, người đi làm ăn xa quê, người đi công tác hay cả những du khách thập phương, tất cả đều có một cảm nhận chung “tới Hà Nội rồi, tha thiết chẳng muốn về”.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Người dân đội nắng đứng bên đường khóc tiễn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lòng đất mẹ
    Trong thời tiết nắng nóng Hà Nội lên tới 40 độ C, nhưng rất nhiều người dân vẫn đội nắng đứng trên các tuyến đường hướng về Nghĩa trang Mai Dịch để tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lần cuối.
  • Những dòng sổ tang nhoè nước mắt tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại quê nhà
    Rất đông người dân ở mọi độ tuổi, có người già, thanh thiếu niên, trẻ nhỏ... lặn lội từ các quận, huyện của thành phố Hà Nội và các tỉnh đến để tiễn đưa người lãnh đạo đáng kính.
  • Người dân nghẹn ngào, tiếc thương Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tại quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội, những đôi mắt đỏ hoe, cùng hàng ngàn giọt lệ đã, đang và sẽ rơi là những hình ảnh đầy xúc cảm, thể hiện sự tiếc thương, kính trọng của người dân đối với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • Toàn văn lời điếu tại Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Ngày 26/7, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam được cử hành trọng thể theo nghi thức Quốc tang tại Nhà tang lễ Quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội). Lễ truy điệu cũng được tổ chức đồng thời tại Hội trường Thống Nhất (thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư tại xã Đông Hội, huyện Đông Anh (Hà Nội). Trong niềm tiếc thương vô hạn, Chủ tịch nước Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Lễ tang đã đọc Lời điếu tại Lễ Truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
  • [Video] Người dân từ mọi miền đất nước xếp hàng để được thắp nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng
    Tang lễ đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang trong hai ngày 25 và 26/7/2024. Lễ viếng đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7 giờ đến 22 giờ ngày 25/7 và từ 7 giờ đến 13 giờ ngày 26/ 7/ 2024. Lễ viếng, Lễ truy điệu đồng chí Nguyễn Phú Trọng được tổ chức cùng thời gian trên tại Hội trường Thống Nhất, Thành phố Hồ Chí Minh và tại quê nhà xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Quay trở lại Hồ Tây vào mùa thu Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO