Trận địa súng máy phòng không 14,5 ly Vân Đồn (quận Hai Bà Trưng)
Tháng 12/2002, Thủ đô cùng cả nước tổ chức kỷ niệm 30 năm đánh thắng máy bay B52 trên bầu trời Hà Nội. Đây là một thắng lợi lớn, có ý nghĩa chiến lược vô cùng quan trọng, là niềm tự hào của cả dân tộc, được bạn bè năm châu bốn biển tôn vinh “Hà Nội là Thủ đô của lương tri và phẩm giá con người”. Trong chiến thắng chung của quân dân Hà Nội có sự đóng góp của các trận địa phòng không quận Hai Bà Trưng.
Trận địa súng máy phòng không 14,5mm Vân Đồn hiện nay ở địa chỉ 64 đường Bạch Đằng, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng. Thành tích lớn nhất của trận địa là vào hồi 21 giờ 45 phút ngày 22/12/1972, Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng gồm 5 khẩu đội của tự vệ 3 đơn vị: Nhà máy cơ khí Lương Yên, Nhà máy cơ khí Mai Động, xí nghiệp gỗ 42 Hà Nội đã bắn rơi một máy bay F111 “cánh cụp, cánh xoè” của đế quốc Mỹ bằng 19 viên đạn súng máy phòng không 14,5mm. Xác máy bay rơi xuống huyện Lương Sơn, tỉnh Hoà Bình, hai tên giặc lái đã bị dân quân địa phương bắt sống.
Khi kể về trận chiến đấu đêm 22/12/1972 bắn rơi máy bay F111 của đế quốc Mỹ, đồng chí Nguyễn Văn Hùng - nguyên là pháo thủ số 1, khẩu đội cơ khí Lương Yên cho biết: “Khoảng tháng 4/1972, trận địa được đặt ở trên bờ đê, đến tháng 12/1972, đội tự vệ được lệnh chuyển trận địa ra ngoài bãi Vân Đồn ở vị trí như hiện nay. Đây là khu vực cũ của trận địa pháo binh 57. Lúc này Đội tự vệ được chia làm 2 bộ phận: một bộ phận ở lại nhà máy để trực chiến và khi cần thì làm công tác cứu thương, giải quyết hậu quả chiến tranh. Một bộ phận trực chiến ở ngoài trận địa. Trước ngày 18/12/1972 thực hiện lệnh của chỉ huy, toàn đội phải thường xuyên có mặt ở trận địa.
Vào sáng ngày 22/12/1972, Bộ tư lệnh Thủ đô quyết định bổ sung 4 khẩu đội tự vệ nữa phối hợp với 1 khẩu đội Lương Yên ở trận địa Vân Đồn, đó là 2 khẩu đội của Nhà máy cơ khí Mai Động, 2 khẩu đội của xí nghiệp gỗ 42 Hà Nội để lập thành Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng.
Tôi còn nhớ hôm đó là phiên trực của tôi, vào khoảng 18h khẩu đội gồm có 12 người, tôi là pháo thủ số 1 làm nhiệm vụ ngắm và đạp cò. Đồng chí Bùi Mai là pháo thủ số 2 làm nhiệm lắp đạn và lên đạn. Bên nhà máy cơ khí Mai Động có các đồng chí: Thái Văn Quang, Ngô Thị Hiếu là xạ thủ. Bên xí nghiệp gỗ 42 Hà Nội có các đồng chí Cường và Xuyên.
Đúng 21h kém 15 phút thì có lệnh báo động, chúng tôi được Bộ tư lệnh Thủ đô thông báo cho biết: đã phát hiện mục tiêu máy bay F.111 của địch, nhưng đến khu vực Bắc Ninh thì ra đa mất mục tiêu. Lúc đó cả Liên đội tự vệ chúng tôi phải bằng mắt thường cố gắng quan sát. Chỉ một lát sau tôi phát hiện thấy mục tiêu gồm 2 chiếc máy bay. Chúng từ hướng ngoài sông bay thẳng vào Hà Nội. Được lệnh, tôi đạp cò và thấy các khẩu đội bạn cũng nhả đạn sau khoảng nửa giờ, Bộ Tư lệnh thông báo xuống cho biết trận địa đã bắn rơi máy bay F. 111 của Mỹ”.
Từ những công nhân luôn phấn đấu đạt hiệu quả cao trong lao động sản xuất, các chiến sĩ ở Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng chỉ bằng những khẩu súng máy phòng không 14,5mm nhưng đã hạ được E111 - một trong những phương tiện tối tân hiện đại nhất thế giới của đế quốc Mỹ. Chính vì vậy, Liên đội tự vệ Hoàn Kiếm - Hai Bà Trưng đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba. Lực lượng tự vệ 3 đơn vị đều được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng ba. Năm đồng chí có tên sau được tặng thưởng Huy hiệu Bác Hồ:
* Bùi Ngọc Mai - Trung đội trưởng tự vệ Nhà máy cơ khí Lương Yên
* Thái Văn Quang - Trung đội trưởng tự vệ Nhà máy cơ khí Mai Động.
* Nguyễn Văn Hùng - pháo thủ số 1 khẩu đội Nhà máy cơ khí Lương Yên.
* Ngô Thị Hiếu - pháo thủ số 1 khẩu đội Nhà máy cơ khí Mai Động.
* Nguyễn Công Cường - pháo thủ số 1 khẩu đội xí nghiệp gỗ 42 Hà Nội.
Năm 1993, Thành phố Hà Nội đã đầu tư xây dựng một bức phù điêu mô tả chiến công này tại khu vực trận địa Vân Đồn và đến năm 2002 lại tiến hành nâng cấp, tu bổ, tôn tạo cảnh quan xung quanh. Phù điêu khắc họa hình ảnh chiến sĩ tự vệ hiên ngang bên các khẩu súng, đầu ngẩng cao trong tư thế “nhằm thẳng quân thù mà bắn”, góc bên phải là chiếc máy bay đang rơi tượng trưng cho sự thất bại nhục nhã của kẻ thù cùng với một tấm bia đá granít màu hồng khắc chìm chữ vàng ghi lại chiến công của các khẩu đội tự vệ./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02