Nhà số 7 phố Ôn Như Hầu (nay là số 7 phố Nguyễn Gia Thiều), nơi ghi dấu chiến công đầu tiên của lực lượng công an nhân dân năm 1946 (quận Hoàn Kiếm)
Nhà số 7 phố Ôn Như Hầu, là một trong những trụ sở của bọn phản động Quốc dân Đảng năm 1946, nay là nhà số 7 phố Nguyễn Gia Thiều, thuộc địa bàn phường Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Sau Hiệp định Sơ bộ, quân đội Trung Hoa Quốc dân đảng và bọn Việt Quốc, Việt Cách hoạt động phá hoại ráo riết với mục đích gây tình hình căng thẳng giữa ta với Pháp, phá Hiệp định Sơ bộ, để cho chúng có lý do ở lại miền Bắc Việt Nam. Ở Hà Nội, chúng tăng cường những hành động khiêu khích, cướp của, giết người, ám sát, tống tiền, in giấy bạc giả... Chúng còn vu cáo Việt Minh bán nước cho Pháp, rải truyền đơn hô hào tổng đình công, bỏ việc làm, bỏ học, bỏ chợ để phản đối chính phủ.
Trụ sở của chúng có ở các phố Quán Thánh, Hàng Bún... và một sào huyệt quan trọng là ở số 7 phố Ôn Như Hầu.
Lực lượng vũ trang cách mạng, nòng cốt là lực lượng công an, an ninh đã quét sạch tất cả các cơ sở trọng yếu của bọn tay sai Quốc dân Đảng do các tên Nguyễn Hải Thần, Nguyễn Tường Tam, Trương Tử Anh, Vũ Hồng Khanh... núp dưới chiêu bài “Cách mạng quốc gia” âm mưu cấu kết với đế quốc Pháp lật đổ Chính phủ ta trong ngày 14/7/1946.
Đúng 7 giờ sáng ngày 12/7/1946, công an ta đã mở đợt tấn công các trụ sở của Việt Nam Quốc dân Đảng khi quân Pháp chưa kịp có hành động cứu bọn tay chân.
Tại hồ Thiền Quang, chúng đã dùng trung liên bắn lại tự vệ và công an ta rất kịch liệt, nhưng cuối cùng đã phải đầu hàng.
Sào huyệt số 7 Ôn Như Hầu do tên Phan Kích Nam (Phan Xuân Thiện) là 1 trong 72 tên mà Quốc dân Đảng đưa vào Quốc hội ta. Trước khi bắt Phan Kích Nam, chúng ta đã có nhiều tài liệu về những tội ác của hắn. Chính hắn đã chỉ huy nhiều vụ tống tiền, bắt cóc, âm mưu giết người, cướp của. Khi ta bắt, hắn chống cự quyết liệt và buộc tội công an ta vi phạm pháp luật, không tôn trọng quyền bất khả xâm phạm của đại biểu Quốc hội. Nhưng trước mặt nhân chứng mà hắn tống tiền (Nghị Liên, một nghị viên dân biểu hồi Pháp thuộc), hắn đã phải cúi đầu nhận tội.
Vào nhà số 7 Ôn Như Hầu, công an ta còn kịp thời cứu được 2 người: một anh hàng giò bị chúng gọi vào ăn hết giò, bị trói nằm còng queo dưới đất, chuẩn bị đưa đi thủ tiêu và một người lính Quốc dân Đảng bị chúng nghi là có ý phản kháng.
Trong nhà số 7, các gian phòng đều được bố trí theo kiểu sào huyệt bọn cướp - “Ban nghiên cứu” là một buồng tắm chật hẹp, kín mít, máu me bê bết xung quanh tường, kìm điện và những dụng cụ tra tấn nằm ngổn ngang.
Trong vườn, dưới một bụi chuối, anh em đào được 3 xác người, các xác đều bị chặt thành nhiều khúc. Dưới một đám cỏ, lại tìm thấy 4 xác người đã thối rữa. Tuy nhiên, người ta vẫn nhận diện được một anh xích lô đã chở chúng đi dạo mát và một phụ nữ thường đi qua khu vực này.
Qua vụ án số 7 phố Ôn Như Hầu, chúng ta đã vạch trần bộ mặt bán nước, phản động của bọn phản động Quốc dân Đảng, đồng thời chứng minh tài trí, tinh thần dũng cảm của các chiến sĩ an ninh Việt Nam đã cùng nhân dân yêu nước kịp thời phát hiện ngăn chặn và tiêu diệt bọn phản động, bảo vệ thành quả cách mạng.
Nhà số 7 Ôn Như Hầu được xây theo kiểu biệt thự gồm 3 tầng trên diện tích 250m2. Qua 80 năm tồn tại, ngôi nhà đã qua nhiều chủ, tuy có sửa sang và làm thêm một số công trình phụ trợ, nhưng cơ bản vẫn giữ nguyên như ngày xưa.
Nhà số 7 Ôn Như Hầu (nay là số 7 phố Nguyễn Gia Thiều) đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội gắn biển tích cách mạng - kháng chiến./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02