Phạm Đình Hổ - học giả, nhà văn viết ký sự tài
Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) tự là Tùng Niên, Bỉnh Trực, hiệu Đông Dã Tiều, quê ở làng Đan Loan, huyện Đường An, phủ Thượng Hồng, nay thuộc xã Nhân Quyền, huyện Cẩm Bình, tỉnh Hải Dương. Sinh thời, ông không phải là một nhân vật nổi bật bởi tài năng chính trị, nhưng lại nổi tiếng về văn chương học vấn, tên tuổi của Phạm Đình Hổ cũng được vua Minh Mạnh biết đến với tư cách là một trong những người có tài văn chương nổi tiếng nhất Bắc thành.
Phạm Đình Hổ sinh ra trong một gia đình trâm anh thế phiệt, cả dòng họ nội và họ ngoại đều nổi tiếng hiển đạt. Cha là Phạm Đình Dư, biệt hiệu Diệc Hiên tiên sinh, đậu cử nhân, làm Hiến sát Nam Định, sau được thăng Tuần phủ Sơn Tây; năm 1774 ông cáo quan về ở phường Hà Khẩu. Cha Phạm Đình Hổ từng là một người thầy khả kính ở đất Thăng Long, có nhiều học trò và bạn bè thành danh.
Khi còn nhỏ, Phạm Đình Hổ được sống trong nhung lụa, đó là thời kỳ gia đình ông có cuộc sống ổn định và phồn vinh; nhưng khi gặp phải ng gió, cuộc sống ấy cũng qua đi. Lời tự thuật của Phạm Đình Hổ trong Vũ trung tùy bút đã kể về sự ra đi của người mẹ, cha và anh chị trong 5 năm liền khiến cho gia cảnh tiêu điều, bản thân ông phải lưu lạc. Cảnh li tán của gia đình Phạm Đình Hổ cũng dễ hiểu bởi ông sống vào giai đoạn lịch sử mà đất nước có bước ngoặt lớn. Ông chứng kiến thời kỳ loạn lạc, vua đổ, Lê Chiêu Thống cầu cứu nhà Thanh, triều đình vua Lê, chúa Trịnh sụp nhà Tây Sơn lên nắm quyền. Thời gian này, Phạm Đình Hổ dạy học ở quê.
Khi nhà Nguyễn lên nắm vương quyền, Gia Long lên ngôi, cho khôi phục lại việc khoa cử, học hành. Phạm Đình Hổ đi thi Hương ba lần nhưng đều không đỗ. Ông say mê dạy học trong thành Thăng Long và kết giao với nhiều nhà thơ và danh sĩ nổi tiếng lúc bấy giờ (như nữ sĩ Hồ Xuân Hương). Sau này, sau bao lần lận đận, Phạm Đình Hổ chỉ đỗ Sinh đồ.
Tiếng tăm về học vấn văn chương của Phạm Đình Hổ đã vượt ra khỏi khuôn lệ thi cử quan trường. Năm 1820, nhà Nguyễn có chỉ đời ông và Phan Huy Chú đến Huế để cất dùng, nhưng không may, Phạm Đình Hổ lại bị bệnh, ông ốm nặng nên không vào được.
Đến năm Tân Tỵ 1821, vua Minh Mạng khởi hành ra Bắc, nghe tiếng tăm của Phạm Đình Hổ đã lâu nên vời ông ra hỏi về học vấn, thi cử và hiện trạng nhân tài đất Bắc; nhà vua còn yêu cầu ông dâng những sách đã biên soạn cho triều đình. Phạm Đình Hổ sau khi đã trình bày rất đầy đủ và cụ thể xung quanh việc học hành, khoa cử và tình hình nhân tài trong thiên hạ, ông còn dâng lên nhà vua sách do mình biên soạn. Qua sự kiến giải của Phạm Đình Hổ và qua các sách ông đã biên soạn, Minh Mệnh rất nể phục và có ý muốn trọng dụng. Quả thật, sau đó, Minh Mạng triệu ông vào cung đình Huế làm Hành tấu Viện Hàn lâm, khi ấy ông 54 tuổi. Làm được một thời gian ngắn, Phạm Đình Hổ xin từ chức.
Đến năm Minh Mạng thứ 7 (1826), nhà vua lại tìm cách vời ông vào Huế và giao cho ông chức Thừa chỉ Viện Hàn lâm, sau đó làm Tế tửu Quốc Tử Giám, rồi ông cáo bệnh xin nghỉ việc. Một thời gian sau, Phạm Đình Hổ lại được vời ra làm việc, được thăng đến Thị giảng học sĩ.
Đến năm Nhâm Thìn (1832), Phạm Đình Hổ xin được về hưu, ông không màng đến chuyện công danh gì nữa. Được vài năm, đến năm Kỷ Hợi 1839, Phạm Đình Hổ mất, thọ 71 tuổi.
Sinh thời, Phạm Đình Hổ muốn sưu tập văn chương nổi tiếng ở đời nên ông đã dành rất nhiều thời gian và công sức để biên soạn, ghi chép và sáng tác. Ông đã để lại nhiều công trình khảo cứu, biên soạn có giá trị ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Tác phẩm của Phạm Đình Hổ phong phú, bao gồm nhiều lĩnh vực, như: văn học, ngôn ngữ học, văn hóa học, sử học, địa lý... Tại thư viện của Viện Nghiên cứu Hán Nôm hiện còn lưu giữ được 22 tập sách của ông.
Tác phẩm chủ yếu có 2 tập văn: Vũ trung tùy bút (Tùy bút trong mưa) và một tập viết chung với Nguyễn Án (1770 - 1815) với nhan đề Tang thương ngẫu lục (Ghi chép ngẫu hứng về những đổi thay dâu bể); 2 tập thơ: Đông Dã học ngôn thi tập (Tập thơ học nói của Đông Dã), Tùng cúc liên mai tứ hữu (Bốn bạn thông, cúc, sen, mai); và các sách An Nam chí (Ghi chép về nước An Nam), Ô Châu lục (Ghi chép về Ô Châu), Ai Lao sứ trình (Hành trình đi sứ Ai Lao)...
Cả hai tập văn xuôi của Phạm Đình Hổ đều in đậm chất ký sự, ghi chép những điều trông thấy, những chuyện đã trải qua hay được nghe kể lại. Sách Vũ trung tùy bút gồm hai quyển, chia thành 90 đề mục. Với kiến thức phong phú và khả năng quan sát tinh tế, Phạm Đình Hổ viết về nhiều chủ đề, bao quát từ mô tả thế giới các loài hoa, các lối chữ viết, các cách uống chè đến bàn về phong tục tập quán, hôn lễ, khoa cử, các danh nhân và địa danh nổi tiếng trong nước. Về cơ bản, tác phẩm của ông bao quát bốn nội dung chính: 1- Khảo sát phong tục; 2- Ghi chép thực trạng xã hội đương thời; 3- Ghi chép theo phong cách viết du ký về các chuyến đi, các danh lam thắng cảnh; 4- Phát biểu quan điểm và phân tích đặc điểm một số thể thơ chủ yếu... Trong từng mục bài, tác giả có nhiều trang tự thuật và thường xuyên phát biểu cảm nghĩ trước mọi sự việc, hiện tượng, đặc biệt thực trạng đời sống nơi kinh thành mà ông quen thuộc... Phần viết của Phạm Đình Hổ trong Tang thương ngẫu lục có 35 truyện (Nguyễn Án viết 34 truyện và 21 truyện không ghi tác giả). Nội dung các truyện cũng tương tự như Vũ trung tùy bút nhưng nghiêng hẳn về ghi chép liệt truyện danh nhân, thu nạp nhiều yếu tố hoang đường, mang màu sắc phong thủy và quan niệm “Thiên nhân tương dữ”. Ông cảm nhận cuộc sống đang dần trôi qua, những giá trị truyền thống cũng dần mất mát, phôi pha. Ông ghi chép lại những tấm gương đạo đức, những lối sống đẹp, những câu chuyện lạ như một cách níu kéo thời gian, tìm lại quá khứ, mong muốn nối dài truyền thống đến mai sau.
Phạm Đình Hổ viết Vũ trung tùy bút lúc ngoài ba mươi tuổi, có lần ông tự thuật: “Còn nhớ khi bà cung nhân ta hãy còn, người thường lấy những điều cờ bạc chè rượu làm răn, mà ta nay đã ngoài ba mươi tuổi, bốn điều răn ấy đã phạm mất ba”. Vũ trung tùy bút là những lời được chiết ra từ tâm can của con người hết lòng với dân với nước. Trong Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Hổ viết về quá khứ của mình, đó là một quá khứ có nhiều biến động, từ một người sinh ra hưởng vinh hoa phú quý đến khi: “Gia cảnh thì tiêu điều, ta thì lưu lạc giang hồ đoái nhìn non sông mờ mịt, khôn cầm giọt lệ”. Bên cạnh đó, tác phẩm còn nói nhiều đến thời cuộc loạn lạc, nhiễu nhương. Với khuôn khổ tự do, phạm vi bao quát thời gian và không gian không hạn của thể tùy bút, ký lục, hai tác phẩm trên đã phát huy được những hiểu biết sâu rộng, khả năng quan sát nhạy bén về các sự vật hiện tượng trong đời sống xã hội của tác giả.
Bên cạnh các tác phẩm tùy bút, Phạm Đình Hổ cũng như các nhà Nho đương thời còn gửi gắm tâm tư tình cảm của mình qua những vần thơ. Trong thơ ca của ông hiện lên nỗi lòng và tâm sự rất đỗi riêng tư, bộc lộ nội tâm sâu thẳm từ đáy lòng mà không dễ gì có thể dãi bày qua tùy bút. Thơ ông chỉ trở nên ấm áp hơn khi hướng về cuộc đời, đồng cảm với niềm vui thiếu nữ đứng trước khóm hoa xuân hay cô gái vừa mới lấy chồng. Sống giữa giai đoạn trào lưu nhân văn phát triển, thơ ông mở rộng sự quan tâm đến số phận người phụ nữ, người đẹp tài hoa. Bài thơ Cựu ca cơ (Cô đào hát ngày xưa) tiêu biểu cho tấm lòng liên tài, cảm thương số phận con người và bâng khuâng trước dòng chảy thời gian:
Đầu phố Chức Cẩm đây là nhà thiếp ở,
Có ngờ đâu cái kiếp trâm thoa lỡ làng đến thế này.
Trước vẫn bưng nữ trang chầu chực cung bà Tuyên phi,
Sau cầm phách gõ nhịp vào hát ở Bộ Lại.
Đổi thay dâu bể bao phen, từng giật mình trong mộng,
Thân phận quần thoa không lối nào, chỉ liều sống buông xuôi.
Chẳng biết mặt trăng trước cung Liên Thụy,
Năm này đi, năm khác đến, nay so với trước thế nào?
Thơ Phạm Đình Hổ còn in đậm tâm sự hoài cảm, bất đắc chí trước thời cuộc. Ông thể hiện mình như một người tha hương, cô đơn, không biết trò chuyện cùng ai. Do đó, người đọc đôi khi bắt gặp trong thơ Phạm Đình Hổ một con người tha thiết hướng về quê hương với những kỉ niệm xa xưa:
Khứ tuế đào hoa phát,
Lân nữ sơ học kê.
Kim tuế đào hoa phát,
Dĩ giá lân gia tê (tây).
Khứ tuế đào hoa phát,
Xuân phong hà thê thê.
Lân nữ đối hoa khấp,
Sầu thâm mi chuyển đê.
Kim tuế đào hoa phát,
Xuân thảo hà thê thê.
Lân nữ đối hoa tiểu,
Ngâm thành thủ tự đề.
(Hoài cố)
Dịch nghĩa:
Năm ngoái hoa đào nở,
Cô gái láng giềng mới học cài trâm,
Năm nay hoa đào nở,
Cô đã lấy chồng ở nhà láng giềng phía tây.
Năm ngoái hoa đào nở,
Gió xuân sao lành lành,
Đứng trước hoa cô gái láng giềng khóc,
Buồn quá đôi lông mày sa xuống.
Năm nay hoa đào nở,
Cỏ xuân sao mà xanh tươi.
Đứng trước hoa cô gái láng giềng tươi cười
Thơ làm xong tự tay cô viết lấy.
(Cảm nhớ chuyện cũ)
Trong các vị vua ở nước ta thời phong kiến, Minh Mạng nổi tiếng là người biết nhìn người. Ngay cả khi Phạm Đình Hổ đã nhiều lần từ chối làm quan hoặc năm lần bảy lượt xin cáo quan trở về nhưng ông vẫn được Minh Mệnh rất tin dùng, quý mến và có phần nể trọng. Bởi vị vua này đã nhận thấy ở Phạm Đình Hổ có những tố chất mà người khác không có được, đó là một người “văn chương vượt trội, tính tình ngay thẳng, không xu phụ quyền trọng” (chiếu chỉ thăng chức ngày 16 tháng 11 năm Minh Mệnh thứ 7, 1826). Với chí khí ngay thẳng và tài năng văn chương của mình, Phạm Đình Hổ xứng đáng là một trong những danh nhân của vùng đất Thăng Long - Hà Nội./.
Theo Danh nhân Thăng Long - Hà Nội