Miếu Mạch Lũng (huyện Đông Anh)
Di tích miếu Mạch Lũng thuộc thôn Mạch Lũng, xã Đại Mạch, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Thôn Mạch Lũng nằm trên dải đất cổ bên triền sông Hồng có bề dày lịch sử hàng ngàn năm. Nơi đây là địa bàn sinh sống của dân Việt cổ thời dựng nước và giữ nước của dân tộc. Miếu Mạch Lũng thờ các vị thuỷ thần có công giữ nước thời Hùng Vương. Thần tích chép: Thời Hùng Duệ Vương có người họ Hùng tên là Hùng Trang trưởng quan đạo Hải Dương lấy vợ là Soa Nương. Hai ông bà lấy nhau đã 8-9 năm mà chưa có con, ngày đêm bà thắp hương cầu nguyện trời đất. Cứ như vậy kéo dài 3-4 năm trời, một đêm bà nằm mơ thấy có 3 con rồng từ ngoài vào, hoá thành 3 người con trai tự xưng là chàng Cả, chàng Hai và chàng Ba, tất cả 3 người ở thuỷ cung tình nguyện xin đầu thai làm con. Thế rồi bà có mang, ngày 14 tháng tám năm Nhâm Tý sinh ra một bọc, nở ra được 3 người con trai đều có phương tư đĩnh ngộ lạ thường, thể mạo khôi ngô kỳ lạ. Ngày qua tháng lại, ba con rất thông minh, học vài năm mà thiên kinh vạn quyển đều đã tinh thông, bài vở kinh chuyên đều hiểu biết. Lúc bấy giờ mất mùa, dân đói khổ, nhà vua triệu ba anh em đi các nơi tìm cách chống nạn cho dân... Đến đoạn đầu huyện Chu Diên, phủ Tam Đới, ba anh em dừng thuyền đứng ở đó một đêm. Được thần báo mộng, nhân dân trang Mạch Lũng ra bờ sông lập hương án nghênh đón, đến giờ Thìn quả nhiên thuyền của ba vị Long hầu tới, nhân dân bái tạ và xin làm thần tử. Ba vị cho phép, rồi dừng thuyền, vào trang Mạch Lũng lập hành cung ở trên đất trang Mạch Lũng. Lúc bấy giờ nước lớn, dân không cày cấy được. Ba vị lập đàn tế các tam phủ, viết long điệp bắn xuống thuỷ cung, một giờ sau thì những chỗ ngập nước đã cạn đi, chỗ hạn thì có mưa, thóc lúa được mùa, nhân dân no ấm, bốn bể đón cảnh thái hoà. Vương hạ chiếu triệu ba vị về phong tước vương. Ba vị ở trang Mạch Lũng, lập lại một cung khác, đón mẹ là Soa Nương đến ở. Ngày ngày rỗi nhàn thường khuyến khích việc học hành, trồng dâu nuôi tằm, mở lò gốm sứ từ già đến trẻ đều rất mến yêu.
Khi đất nước có giặc, vua triệu ba anh em về giúp vua đánh giặc. Ba vị đi thuyền rồng từ sông Nhị Hà xuống, cờ xí rợp hai bên bờ, trên thuyền chiêng trống khua như sấm động, ngàn dặm cũng phải kinh hồn, thuỷ quân giặc sợ khiếp vía, ba vị đánh một trận bắt sống tướng giặc chém ở mui thuyền, thu nhiều khí giới, lương thực đưa về kinh đô báo tin thắng trận. Nhà vua ban chiếu triệu ba vị về triều, lúc đó ba vị trở về trước điện làm lễ bái tạ, rồi ai nấy đều cởi bỏ cận đại, hóa phép biến thành rồng, thành Giao Long xuống sông biến mất. Vua bèn phong sắc, sai sứ thần đón về trang Mạch Lũng lập miếu để thờ phụng, tứ thời bái tiết hương khói, sắc phong Thượng đẳng thần.
Miếu Mạch Lũng toạ ngự trên gò đất cao rộng ngay sát với sông Hồng cách xa khu dân cư. Miếu có kiến trúc vừa phải, làm theo lối chữ “đinh”. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, ngôi miếu vẫn giữ được nét đẹp của di tích cổ. Trên kiến trúc còn bảo lưu được những nét hoa văn của nghệ thuật thế kỷ XVII - XVIII.
Các di vật trong di tích còn lưu giữ được phải kể đến cuốn thần phả chữ Hán và sắc phong thần, trong đó sắc sớm nhất có niên hiệu Tự Đức thứ 6 (1853), sắc muộn nhất có niên hiệu Khải Định thứ 9 (1924), ba bộ long ngai bài vị thờ thần là những tác phẩm nghệ thuật có niên đại thế kỷ XIX. Ngoài ra còn có một số đồ thờ khác là những tài liệu có giá trị phục vụ công tác nghiên cứu sự phát triển lịch sử của dân tộc. Di tích còn bảo lưu được những hiện vật và mảng điêu khắc cổ có giá trị của nghệ thuật điêu khắc Việt Nam từ thế kỷ XVII không ngừng phát triển rực rỡ đến thế kỷ XIX.
Hàng năm nhân dân mở hội làng vào ngày 10 tháng hai âm lịch để tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên sinh thành và biết ơn thế hệ đi trước. Ngày hội làng là nơi gặp gỡ giao lưu văn hoá cho các thế hệ.
Với những giá trị về lịch sử, kiến trúc và nghệ thuật, miếu Mạch Lũng được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng di tích năm 1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01