Hành hương về "Núi Tổ"
Sớm thu nay, sao lòng cứ xốn xang, hướng về non Tản. Câu hát "Thần núi Sơn Tinh trong ngôi đền thiêng" của nhạc sĩ Hoàng Long, thêm một lần xao xuyến... Có lẽ, cuộc hội thảo "Sơn Tinh và vùng văn hóa cổ Ba Vì" đã có sức truyền cảm, vang vọng như tiếng cồng của bản Mường, tiếng chiêng của buôn sóc.
Hơn thế, dân ca Chăm, nhã nhạc cung đình Huế, hát then Bắc Cạn, quan họ Bắc Ninh, đờn ca tài tử Nam Bộ... bản hòa ca đại đoàn kết dân tộc đã vút lên, trong đêm khai mạc "ngày hội văn hóa các dân tộc Việt Nam" ở Đồng Mô - Ngải Sơn. Rồng thiêng thời Lý, từ hồ Hoàn Kiếm, đã hành hương về "núi Tổ", sáng ngày 16 tháng 10 năm Ất Dậu.
Truyền thuyết "Sơn Tinh - Thủy Tinh" và hình tượng "Tản Viên Sơn Thánh" há chẳng nuôi dưỡng tâm hồn Việt, từ thuở vua Hùng dựng Nước, với quốc hiệu Văn Lang, mở đầu chính sử.
Ba ngọn Ba Vì, nổi bật giữa đồng bằng Bắc Bộ, in bóng sông Đà, với độ cao 1120m, 1226m, 1296m, trung tâm bộ lạc thời Hùng Vương, đứng đầu phên dậu phía tây của nước Đại Việt, đã được tác giả "Dư địa chí" anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi, gọi là "núi Tổ".
Sách "Lĩnh nam chích quái", từng ghi chuyện thánh Tản Viên nhổ nước bọt vào giữa đàn tràng của Cao Biền, khiến tên phù thủy khét tiếng cao tay này phải kinh hãi thốt lên: "Linh khí ở phương Nam không thể lường được... ở lâu tất chuốc lấy tai vạ, ta phải mau mau trở về Bắc...". Sự tích này, chu thần Cao Bá Quát đã hơn một lần nhắc lại trong bài thơ vịnh núi Tản Viên:
"Mây giáp đến tận trời, các chòm sao có thể hái được Đất xa hàng vạn bậc, nước lụt không làm gì nổi
Đường y khiếp đảm, Cao Biền phải bó tay
Chót vót ở miền cực Nam, trấn giữ trời phương Nam"
Câu đối cổ ở đền Trung còn ghi:
"Hồn lạc dựng cơ đồ, thần lưu dấu tích
Long giang khơi nguồn mạch, thánh hiển uy linh"
Tản Viên Sơn, đại bản doanh của "Đệ nhất phúc thần" "Nam thiên thần tổ" thêm lung linh, kỳ ảo trong truyền thuyết "Sơn Tinh - Thủy Tinh", bản tráng ca và tình ca bất hủ chống thiên tai, thủy tặc của dân tộc Việt.
Cảm ơn thi sĩ tài hoa Nguyễn Nhược Pháp, người quê hương Phượng Dực, đã dựng lại hình ảnh tuyệt đẹp của Sơn Tinh mang lễ vật sang Kinh đô Phong Châu, xin cưới Mị Nương công chúa:
"Rừng xanh thả mây đào man mác
Sơn Tinh ngồi bạch hổ đi đầu
Mình phủ áo bào, hồng ngọc dát
Tay ghì cương hổ, tay cầm lâu
Theo sau năm chục con voi xám
Hục hặc, lưng cong phủ gấm điều
Tải bạc, kim cương, vàng lấp loáng
Sừng tê, ngà voi và sừng hươu..."
Điểm qua trang phục, lễ vật và đoàn tùy tùng của Sơn Tây đủ thấy tài nguyên, sản vật nước Văn Lang ta thuở ấy dồi dào, phong phú bội phần. Thảo nào, Thầy địa lý - Phù thủy Cao Biền đã sớm dòm ngó mò mẫm đến chân núi Tản...
Theo truyền thuyết, biết bao trận ác chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh đã xảy ra xung quanh chân núi, nổi danh nhất là Ngòi Lạt, Đầm Đương, Ao Vua, cầu Hang, suối Bơn, Ngòi Tôm, Ngòi Bún... Rừng thuốc nam qúy giá trên sườn non Tản đã từng cứu chữa bao dũng tướng và quân cảm tử của Sơn Tinh. Mỗi ngọn suối, khúc sông, tên đất tên làng dưới chân núi Tản, dường như đều ghi dấu tích các trận chiến đấu và công tích, đức độ của "Thượng đẳng tối linh thần", "Tản viên sơn thánh". Sách "Dư địa chí" của Nguyễn Trãi đã chép việc Vua Lý Nhân Tông sai thợ hạ gỗ qúy, dựng đền thờ ở ngọn núi thứ nhất, trên đỉnh núi, có lầu cao 12 tầng.
Đâu chỉ là truyền thuyết và huyền thoại, các nhà khoa học đã thống kê danh mục thực vật của Ba Vì có 164 họ, 577 chi và 738 loài. Hẳn những người thợ mộc ở Chàng Sơn, theo lệnh Vua, đã thỏa sức chọn các nhóm gỗ qúy như sưa, đinh, nghiến, sến, thông tre, bách xanh, lim xanh... mọc ngay trên sườn núi để dựng đền thờ. Và những "thày lang" thuở xưa hẳn đã dùng các cây chân chim, hi thiêm, mã tiền, hà thủ ô, dây bách bộ, thổ phục linh... mọc đầy trên núi để điều trị cho các bệnh binh, thương binh của Sơn Tinh.
Năm 1990, Giáo sư tiến sĩ Lê Thế Trung đã tìm thấy trên 200 loài cây thuốc trên núi Ba Vì, đặc biệt có cây bầu tiên là thuốc bổ và cây bát giác liên đặc trị rắn cắn và áp - se. Trong bài viết "Ba Vì, nhìn về mặt địa lý" giáo sư Hoàng Thiếu Sơn có giới thiệu thêm cây thuốc quý mang tên gọi độc đáo: "Vô phong độc dao" (không có gió cây vẫn lay động).
Lại còn loài hoa lạ, hương thơm dịu, lung linh ngũ sắc, tên nôm dung dị "Hoa kén tằm", kỳ lạ thay, mọc ngay trên ngọn "Ngọc Hoa Công Chúa" như để tri ân hiền thê của Tản Viên Sơn Thánh đã khéo dạy dân trồng dâu nuôi tằm. Dưới tán rừng già và vườn thuốc nam đặc sắc, các nhà động vật học đã kiểm kê được ở Ba Vì có 45 loài thú thuộc 23 họ, 9 bộ, trong đó có 21 loài thuộc diện qúy hiếm, được đưa vào sách đỏ Việt Nam. Có thể bắt gặp ở đây Khỉ, Nai, Hoẵng, Sơn dương, Lợn rừng, Sóc bay, Sóc bụng đỏ, Sóc chuột, Gà lôi trắng, Cốc đế, Thằn lằn tai...
Chỉ riêng chuồn chuồn ngô, chuồn chuồn khoang đen, châu chấu voi, các loài bướm có màu sắc kỳ ảo, từng đàn, từng đàn tung bay trong nắng xuân, hình bóng của đoàn quân tùy tùng hộ tống Mị Nương Công Chúa về chúc tết Vua Cha, cũng đủ tôn thêm cảnh quan du lịch lý tưởng.
Rừng Ba Vì, như nhận xét cách đây trên 100 năm, từ 1884 của nhà thực vật Pháp Bơlăngxa, người có công đem giống cây Kanh kina ở Ja-Va về trồng trên cốt 400, là một bảo tàng động thực vật tự nhiên của vùng nhiệt đới. Trong tâm thức người Việt, "nhất cao là núi Ba Vì"... đó, không chỉ là chiều cao địa lý, so với mặt biển mà trên hết là đỉnh cao của lòng ngưỡng mộ, sùng kính, tôn vinh cội nguồn, đại bản doanh của "Tản Viên Sơn Thánh" "đệ nhất phúc thần", người anh hùng vô song tiêu biểu cho ý chí và sức mạnh dân tộc thuở sơ khai dựng Nước.
Hành hương về "Núi Tổ", để cảm nhận tận hồn vẻ đẹp "Ngôn tại, ý ngoại" bài văn bia trong ngôi đền cổ. "Lên được đến đỉnh, phóng tầm mắt ra xa thấy cảnh tượng Tản viên sơn hùng vĩ, còn các ngọn núi cao, núi thấp trong vùng thì đều chầu lại, mới biết rằng đây là đài quan sát giữa trời vậy...". Chúng ta, lớp cháu chắt hậu duệ của Tản viên sơn thánh, được thừa hưởng trực tiếp gia sản của Người, trước hết là đỉnh Ba Vì hùng vĩ, có xứng đáng trên mọi phương diện là người lính gác tin cậy, tại "Đài quan sát giữa trời" này.
Lẽ nào, lòng hiếu đễ, mỗi bổn phận công dân không góp phần tôn tạo, vun đắp, tô điểm trả lại màu xanh nguyên sinh cho núi Ba Vì, đại bản doanh của thượng đẳng tối linh thần.
Còn nhớ chăng, chín năm đánh Pháp, khi Sơn Tây thành chiến trường ác liệt, "Bình Trị Thiên miền Bắc", Ba Vì đã là hậu cứ an toàn, căn cứ kháng chiến của cả xứ Đoài. Kìa, khi ta khoả tay trong hồ nước mát Ao Vua, Khoang Xanh, Thác Đa, Thác Mơ, Đồng Mô, Đầm Long, Suối Hai... há chẳng, hơn một lần, biết ơn những dòng suối trong ngần đã và đang chảy từ trên núi xuống. Hơn thế nữa, còn những dòng suối vô hình, làm nên sức mạnh truyền thống chảy suốt 4000 năm lịch sử, trong tâm hồn Việt, là ý chí kiên cường, chung lưng đấu cật, vượt muôn trùng sóng gió, chống thiên tai địch họa, đại nghĩa thắng hung tàn, giữ thái bình muôn thuở...
Hẳn Tản Viên Sơn, đã hơn một lần gợi thi hứng để Anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh viết trong Di chúc:
"Còn non, còn nước, còn người
Thắng giặc Mỹ, ta sẽ xây dựng hơn mười ngày nay"
Núi Tản, Sông Đà, như dồn tụ hồn thiêng sông núi, đã từng canh giấc thiên thu của Người. Ôi, lịch sử đã là như vậy; càng minh chứng cho nhận xét vô cùng sâu sắc của Ức Trai tiên sinh từ 570 năm trước: "Núi ấy là núi Tổ của Nước ta đó".../.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Đào Ngọc Chung. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |