Nhớ Xuân La ngày ấy
Thế hệ tôi (sinh năm 1939) mới học hết cấp 2 đã ở tuổi lao động. Bù lại, chỉ cần có Bằng Tốt nghiệp lớp 7 (Hệ phổ thông 10 năm) là nộp đơn xin được vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước, nghiễm nhiên trở thành “anh cán bộ”.
Năm 1959, nhận Bằng Tốt nghiệp cấp 2, do Trưởng ty Giáo dục Hà Đông Bùi Anh (con trai cụ Bùi Kỷ) ký, thì tháng 3/1960, tôi được tuyển dụng vào Chi nhánh Ngân hàng tỉnh Hà Đông (cũ). Cùng năm đó, cơ quan cử đi học lớp Sơ cấp (6 tháng) tại Trường Nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương, ở Xuân La, Từ Liêm (nay là phường Xuân La, quận Tây Hồ) Hà Nội.
64 năm trôi qua! Chưa một lần được trở lại mảnh đất - một thời mang dấu ấn ngôi trường đã dạy cho tôi những kiến thức nghề nghiệp đầu tiên, làm hành trang vào đời. Nhưng hình ảnh của Xuân La ngày ấy, vẫn vẹn nguyên trong ký ức của tôi.
Ở những năm thuộc thập niên 60 của thế kỷ trước, thậm chí xe đạp cũng hiếm, nói gì đến ô tô, xe máy. Từ nhà, tôi phải cuốc bộ 5km tới thị xã Hà Đông, đi tầu điện (phương tiện giao thông có từ thời Pháp thuộc) ra Bờ Hồ. Rồi lại từ Bờ Hồ mua vé tiếp lên Bưởi, thỏa thuê ngồi ngắm phố Thụy Khuê. Đến Bưởi là “kịch đường tầu”, phải đi bộ đến Xuân La.
Sáu tháng học tập ở Xuân La, do lợi thế gần nhà, lại tiện tầu điện, nên cứ hết giờ hành chính ngày thứ 7, nếu nhà trường không có nhiệm vụ gì đột xuất, là tôi lại về nhà, tranh thủ lao động giúp gia đình, dù chỉ một ngày chủ nhật.
Đều đặn một tuần hai lượt, cả khóa học, tính ra có tới 50 lần ngồi tầu điện qua phố Thụy Khuê. Vậy mà, lần nào tôi cũng dán mắt vào khu nhà dành cho Ủy Ban Quốc tế giám sát đình chiến, theo Hiệp định Giơ-ne-vơ ký ngày 21/7/ 1954 về Việt Nam, tò mò quan sát những người ngoại quốc, mỗi khi họ xuất hiện, đi lại trong khu nhà. Họ gồm quốc tịch Ba Lan, Ca - Na - Đa và Ấn Độ. Tôi đặc biệt ấn tượng với trang phục trên đầu những nhân viên người Ấn Độ. Và cứ thắc mắc hoài cho đến tận hôm nay: Không hiểu thứ trang phục đó được gọi là gì? Mũ ư? Chắc không phải, vì nhìn, đâu có giống mũ. Còn khăn? Lại càng khó giải mã. Điều bí ẩn là hiếm khi nhìn thấy họ thao tác: đội vào hoặc bỏ ra khỏi đầu thứ trang phục đó, kể cả trên ti-vi lẫn trong phim ảnh.
Xuân La ngày ấy vẫn là nông thôn. HTX-NN còn có tên gọi Hợp tác xã “Việt – Triều hữu nghị.”. Nghe nói: Cán bộ, nhân dân Xuân La được đón cả Phó Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, bà Phác Chính Ái có lần về thăm. Những buổi chiều hè, vào giờ tự học, khi ông mặt trời chỉ còn chiếu những tia nắng yếu ớt, vàng vọt xuống khu ruộng trồng mầu trước cổng làng, thì từng tốp nhỏ học viên lại kéo nhau ra ngồi trên các bờ cỏ, vừa hóng mát, vừa ôn bài, nghiền ngẫm tài liệu.
Tuy là lớp sơ cấp nghiệp vụ ngân hàng, nhưng chương trình lại khá bài bản. Ba môn: Triết, Chính trị, Kinh tế học, chiếm hết nửa thời gian. Mãi đến hôm nay, tôi vẫn chưa quên những cái tên triết gia, như Phơ-Bách, Hê-Ghen. Tôi còn nhớ cả bóc lột giá trị thặng dư ở chủ nghĩa tư bản là thế nào? Hao mòn (máy móc) vô hình, hữu hình ra sao?
Có một tình tiết, mỗi khi nhớ lại tôi vẫn không khỏi cười thầm một mình, đôi khi còn đem kể cho mọi người nghe. Đó là: trong một lần thảo luận ở tổ, khi liên hệ với nền kinh tế của ta (1960), thay vì phải nói “…Vẫn còn là một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu “Con trâu đi trước, cái cày đi sau”, thì một học viên quê Nghệ Tĩnh, không biết có phải do thiếu tập trung hay “nói nhịu”- lại phát biểu thành “Con trâu đi trước, con bò đi sau”, làm cả tổ phì cười.
Không chỉ phần lý luận cơ bản (3 môn kể trên) mà cả phần nghiệp vụ ngân hàng cũng được nhà trường dạy kỹ lưỡng. Đơn cử, như tiết mục Sử dụng bàn tính gảy Trung Quốc cũng mất 2 ngày. Động tác dùng cổ tay hất nhẹ một cái để đưa quân trên bàn tính về đúng vị trí (trước khi gảy) không phải ai cũng làm được. Nhiều người vẫn phải “sai 5 quân”.
Chuyện cách đây 64 năm ở Xuân La thuở ấy, bây giờ nghe kể lại, có người còn cho là chuyện bịa (nhất là lớp trẻ). Ngày nay, đồng tiền lưu thông trên thị trường, tuy vẫn tính theo đơn vị đồng, nhưng hầu hết tiêu tiền nghìn. Còn năm 1960 lương tạm tuyển của tôi là 27đ30 (Hăm bẩy đồng ba hào). Những tưởng cả miền Bắc đều thế, nhưng về trường, mới thấy: có tỉnh 28đ05 (Hăm tám đồng, năm xu) chênh nhau 0đ75 (Bẩy hào rưỡi) cũng “thành vấn đề” thắc mắc.
Hay như: Mỗi học viên phải làm một cái vỉ ruồi để trước hoặc sau bữa ăn, tự giác dành ra mấy phút diệt ruồi khu nhà ăn. Đập được con nào đếm con ấy, nhớ kỹ, về báo cáo Tổ. Tổ báo cáo Chi, Chi báo cáo Trường còn tính thành tích thi đua! Rồi chuyện tiêu chuẩn lương thực… Ngày nay mà áp dụng 13kg500 gạo cho 1 người, trong 1 tháng, thì nhiều người không ăn hết, vì cơ thể đủ chất, thức ăn hằng ngày lại đảm bảo cả về số lượng lẫn chất lượng. Nhưng, ngày ấy ở Xuân La: Đa số học viên khóa tôi học đều ở độ tuổi thanh niên, thú thật là đói.
Để sáng hôm sau có xôi ăn, ngay từ tối hôm trước, đã phải cầm bát và tiền đến “đặt” ở một nhà hàng gần trường. Chậm chân là “vuốt bụng thở dài” vì lương thực thuộc mặt hàng Nhà nước quản lý bằng tem, phiếu, nghiêm ngặt. Tôi vẫn còn nhớ: Ông chủ nhà hàng xôi, tên là Quỳnh, bị khuyết tật ở chân. Cánh học viên tinh nghịch, sẵn vốn liếng học được ở nhà trường về “Tư bản”, cộng với căn bệnh “bất mãn vô căn” liền đặt ngay cho ông này cái tên “Tư Bản Khoèo”, một cái tên mà người nghĩ ra nó đáng bị phê phán vì “mất quan điểm” nhưng lại khiến “người trong cuộc” nhớ về một thời kỳ đất nước gặp muôn vàn khó khăn, thiếu thốn!
Sáu tháng học tập ở Xuân La, tuy không có kỷ niệm nào sâu sắc với bà con nơi đây. Nhưng những gì thu hoạch được từ Trường Nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương, khiến tôi luôn nhớ về mảnh đất này. Mảnh đất, nói theo truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam, đã cưu mang ngôi trường – cũng là cưu mang thầy trò của nhà trường – trong đó có học viên khóa 1960 chúng tôi.
Chỉ với chưa đầy 160 ngày học (trừ chủ nhật) lại là chương trình sơ cấp, nhưng như trên tôi đã nói, đó là những kiến thức nghề nghiệp đầu tiên làm hành trang vào đời, để sau đó - chúng tôi - những học viên của trường tự tin, mạnh dạn bước tiếp trên con đường phía trước. Được biết: Trong số học viên Xuân La của tỉnh Hà Đông, khóa 1960 năm ấy, nhiều người sau này trở thành cán bộ lãnh đạo: Trưởng, Phó Chi điếm Ngân hàng huyện hoặc Trưởng, Phó phòng chuyên môn, nghiệp vụ Chi nhánh Ngân hàng tỉnh. Đặc biệt có Vũ Soạn quê Phú Xuyên, phấn đấu tiến bộ, làm tới chức Phó Hàng (Phó Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, tỉnh Hà Tây cũ. Xin được nói thêm: Tổ chức hệ thống ngân hàng của ta ngày ấy chỉ có 2 mô hình, đó là Ngân hàng Nhà nước được tổ chức thành 3 cấp: Ngân hàng Trung ương, Ngân hàng tỉnh (Chi nhánh) Ngân hàng huyện (Chi điếm). Mô hình thứ hai là Ngân hàng Kiến thiết chuyên về lĩnh vực Xây dựng, tiền thân của Ngân hàng BIDV bây giờ.
Năm nay (2024) Đảng, Nhà nước long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm giải phóng Điện Biên, 80 năm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam. Cùng với đó, Hà Nội cũng sôi nổi chuẩn bị kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954-10/10/2024) lòng tôi lại xao xuyến, bồi hồi, nhớ lại những chặng đường quan trọng trong cuộc đời mình, trong đó có quãng thời gian được học tập lớp sơ cấp tại Trường Nghiệp vụ Ngân hàng Trung ương ở Xuân La.
Ngày ấy, quê tôi còn thuộc tỉnh Hà Đông, rồi Hà Tây, Hà Sơn Bình. Và tôi còn là công dân “cửa ngõ Thủ đô”* đâu đã được là Người Hà Nội như bây giờ. Thế nên, quãng thời gian học tập ở Xuân La đối với tôi, ngoài ý nghĩa được trang bị những kiến thức nghề nghiệp đầu tiên, làm hành trang vào đời – Thì, còn có niềm vinh dự được sống, học tập trên mảnh đất của Thủ đô nghìn năm văn hiến, trái tim của cả nước.
Xin kính chúc Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân Xuân La luôn vững mạnh, phát triển, văn minh, hạnh phúc. Góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng Thủ đô văn hiến, Thủ đô anh hùng, Thành phố vì Hòa bình, Thành phố sáng tạo./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Văn Cự. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. |