Lần đầu đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám
Ngày xưa, khi còn học cấp 2, tôi rất thích học lịch sử và mê đọc mấy tập sách Sát Thát, Nghìn xưa văn hiến của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đến khi thấy dạy Lịch sử giới thiệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, không riêng tôi mà tất cả bạn bè đều ước mơ một lần đến Hà Nội để đến thăm di tích chứa đựng những giá trị tinh hoa văn hóa của những giai đoạn lịch sử phong kiến; để thắp nén hương trước những bậc hiền tài, cúi đầu trước những bia tiến sĩ để khâm phục trí tuệ của những tri thức Việt ngày xưa - tiêu biểu cho tinh thần hiếu học của nhân dân ta.
Ước mơ ấy cứ đau đáu trong lòng mãi đến cái tuổi U50, lần đầu tiên tôi mới đặt chân đến Hà Nội và đến thăm Văn Miếu – Quốc Tử Giám, thỏa lòng mong ước đã hơn 30 năm. Chuyến đi ấy là món quà bất ngờ, khi tôi là một trong 15 cây bút được báo Tuổi Trẻ bình chọn qua cuộc thi viết nhân sự kiện đội bóng Arsenal đến Việt Nam vào hè năm 2013. Thật vui thay khi điểm đến đầu tiên của đoàn chúng tôi là Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích quốc gia đặc biệt..
Qua các con đường nhộn nhịp với âm thanh của những tiếng xe cộ, tiếng máy nổ và cả tiếng chào hối hả trên đường, xe dừng trước cổng chính của Văn Miếu Quốc Tử Giám. Trời hôm ấy rất đẹp. Những tia nắng len lỏi qua tán cây, tiếng hót líu lo của những chú chim trên cành cây hòa quyện nhau tạo nên một bản giao hưởng tuyệt vời đón chào các vị khách từ phương Nam đến tham quan. Đồng hành với chúng tôi hôm ấy còn có nhóm trẻ mầm non được các cô giáo hướng dẫn đi thăm quan trải nghiệm tại Văn Miếu. Các bé háo hức nối đuôi nhau thành hàng một để vào khám phá một di tích lịch sử nổi tiếng gắn cùng truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, trọng dụng người tài của dân tộc Việt Nam.
Vẫn còn đó cổng Văn Miếu với vẻ đẹp cổ kính với ba cửa chính, 2 tầng cao to và tầng trên có khắc 3 chữ đại tự là Văn Miếu Môn theo chữ Hán cổ xưa, trên cùng là họa tiết lưỡng long chầu nguyệt tạo nên nét độc đáo và tinh tế cho công trình kiến trúc. Ấn tượng nhất là dòng chữ đỏ trên nền vàng của Tiến sĩ triều Lê, Thân Nhân Trung “Hiền tài là nguyên khí quốc gia” trang trọng đặt cạnh cổng thể hiện tư tưởng trọng dụng hiền tài gắn với sự hưng thịnh của đất nước, của tổ tiên, cũng là lời nhắn nhủ với các thế hệ sau này. Đứng trước cổng một di tích lịch sử nổi tiếng của thủ đô Hà Nội, cả đoàn chúng tôi nhanh chóng tập trung lại và chụp chung một tấm ản lưu niệm cho chuyến đi.
Bước qua cổng không khí trở nên mát lạnh và thanh tĩnh lạ lùng. Có lẽ chính nhờ hàng cổ thụ cao mọc rải rác trong kiến trúc và bao quanh bên ngoài tạo thành lớp tường thành vững chãi, ngăn trở mọi ồn ào của phố xá. Nhờ tìm hiểu trước, tôi sớm nhận ra toàn bộ khu vực Văn Miếu – Quốc Tử Giám được bao quanh bằng bức tường gạch vồ thâm nghiêm sau những tán cây già, mà bên trong được chia thành 5 khu vực phân minh được ngăn bởi những tòa cổng rêu phong, tĩnh lặng. Mỗi lớp không gian đó được giới hạn bởi các tường gạch có 3 cửa để thông với nhau (gồm cửa chính giữa và hai cửa phụ hai bên). Trong một không gian tĩnh lặng, tôi phóng mắt nhìn những hàng cây, bãi cỏ được chăm chút tỉ mỉ phủ một màu xanh ngát, tạo cảm giác mát mẻ cho du khách. Đến cổng “Đại Trung Môn” mở đầu cho khu thứ hai tôi ấn tượng với tên gọi của hai cổng nhỏ Thành Đức và Đạt Tài. Đó không chỉ để trang trí mà còn là thông điệp xuyên thời gian mà cha ông ta gửi lại có giá trị về giáo dục, trách nhiệm của trí thức đối với nhân dân, đối với đất nước. Bước vào đây ai cũng cảm thấy thoáng mát, dễ chịu bởi không gian yên tĩnh với ở hàng cây cao cùng các loài hoa kiểng bài trí đơn giản nhưng cân đối. Khu vực rộng khoảng 1000m2 thật giản dị, thật đơn sơ mà đẹp lạ lùng này có lẽ phù hợp cho các sĩ tử ngày xưa đến học bài chờ ngày thi cử. Thả hồn cùng không gian, tôi cảm nhận dường như đâu đó văng vẳng tiếng thơ của các sĩ tử còn vang vọng trong không gian tĩnh lặng của khu vườn.
Ngước nhìn biểu tượng của Thủ đô Hà Nội, tuy không đồ sộ, song Khuê Văn Các có kiểu dáng kiến trúc độc đáo. Các cửa sổ tròn trong khung gỗ vuông nói lên quan niệm trời tròn-đất vuông âm dương hoà hợp cùa người xưa, ý muốn nơi đây hội tụ đủ các tinh hoa tươi đẹp nhất của trời và đất, đề cao trung tâm giáo dục văn hóa nho học. Chuyện tưởng như nhỏ bé như vậy mà ý nghĩa lại to lớn, thâm thúy đến nhường nào! Lâu nay chỉ thấy trong ảnh hoặc trên phim, nay tận mắt chứng kiến công trình là của trí thức, tôi càng khâm phục tài trí của người xưa dựng nên một công trình có ý nghĩa lớn. Đặc biệt, Khuê Văn Các lại soi mình xuống mặt nước trong xanh của giếng Thiên Quang cạnh đó càng mang giá trị nhân văn của các công trình kiến trức.
Trước khi đến Hà Nội, bạn bè, người thân đều căn dặn tôi: “Nếu không có ảnh tại văn bia tiến sĩ thì coi như chưa tới Văn Miếu – Quốc Tử Giám”, bởi ai cũng thích thú với hình ảnh bia tiến sĩ đặt trên một con rùa nghểnh cao cổ, bốn chân choải vững chắc như đang vươn lên. Những em học sinh của tôi còn ước ao một lần tới gần các tấm bia để xin “vía” các bậc tiền nhân được may mắn trong học hành thi cử. Giờ đây đứng trước vườn bia Văn Miếu, không chỉ riêng tôi mà mỗi người dân Việt Nam không thể không lấy làm hãnh diện, tự hào về truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo, đề cao trí thức xuyên suốt bao đời nay vẫn được trân trọng, giữ gìn và phát huy. Các tấm bia đá đó đã được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới từ năm 2010. Cả 82 tấm bia tiến sĩ, được chia đều 2 bên, như một trang sử bằng đá về giáo dục nho học Việt Nam, trải bao thế kỷ tồn tại cùng với những thăng trầm của lịch sử, đến nay vẫn giữ nguyên giá trị, cho dù đất nước, xã hội, con người có thay đổi.
Qua cổng Đại thành là đến sân rộng lát gạch Bát Tràng với một màu đỏ nổi bật. Tôi liên tưởng nơi đây hàng mấy trăm năm về trước đã đến và đi biết bao nhiêu sĩ tử, vinh danh biết bao nhiêu tiến sĩ mà trào dâng cảm xúc, như tìm về khoảnh khắc xưa, không khỏi bồi hồi, xúc động. Còn đây, hai cây gốc đại già cổ kính do Tư nghiệp Quốc Tử giám Nguyễn Nghiễm (cha của đại thi hào Nguyễn Du) tự tay trồng trong một lần ghé thăm Văn Miếu. Ngắm nhìn bao quát các công trình kiến trúc mới thấy được tài năng của ông cha ta ngày trước, những hoa văn được thực hiện vô cùng khéo léo và tỉ mỉ, tạo cho du khách một cảm giác như trở về quá khứ, trong một không gian văn hóa Thăng Long thuở nào. Bước vào điện thờ Khổng Tử với hai cặp hạc cưỡi trên lưng rùa – một hình tượng rất đặc trưng tại các đền, chùa, lăng tẩm, miếu mạo ở Việt Nam. Nhớ lại trong sách giáo khoa lịch sử có ghi: “Năm 1070, Văn Miếu được xây dựng ở Thăng Long để thờ Không Tử. Đây cũng là nơi dạy học cho các con vua” nay mới tận mắt thấy. Ông được xem là người “khai sáng” của Nho giáo và Nho học, cùng các học trò xuất sắc của ông. Đến Hậu đường là nơi thờ Chu Văn An - một người thầy đức cao vọng trọng. Ông đỗ thái học sinh đời Trần nhưng không lên làm quan mà về quê dạy học, ông đã đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Biết bao thế hệ học trò tôi đều ngưỡng mộ ông dám can đảm dâng sớ lên vua Trần Dụ Tông để đề nghị chém 7 người mà ông cho là nịnh thần. Được nghe câu chuyện về ông với một đời cương trực, sửa mình trong sạch, giữ tiết tháo, không cầu danh lợi, tận tâm, tận lực để dạy dỗ học sinh của mình, đã làm tôi xúc động nghĩ về vai trò của người thấy ngày xưa trong xã hội phong kiến thật lớn lao.
Tầng 2 cùa nhà Thái học lại biết thêm Lý Nhân Tông. Chính ông năm 1076 đã cho phép triều đình lập ra Quốc Tử Giám để chọn những hiền tài vào đào tạo, phục vụ cho đất nước, và cũng là người học trò đầu tiên của Quốc Tử Giám. Ông đã sớm nhận ra vai trò lớn lao của giáo dục khi biết lấy sự học làm cái gốc cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước. Từ đây, thông qua học hành, thi cử, nhân tài đất Việt lần lượt được vinh danh tại nơi được xem là trường đại học, và là trường “công lập” đầu tiên của nước ta.
Dạo một vòng tham quan không riêng tôi mà tất cả du khách đều trải nghiệm tuyệt vời không chỉ được chiêm ngưỡng những kiến trúc cổ kính, mà còn hiểu hơn về sự quý giá của tri thức và giáo dục trong cuộc sống của con người.
Nếu có dịp được tham quan Hà Nội một lần nữa, lúc đó tôi sẽ cùng người thân tiếp tục đến trường Đại học đầu tiên của nước ta – Văn Miếu Quốc Tử Giám./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Lê Quang Huy. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |