Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
Nằm giữa một thung lũng, bao quanh là những quả đồi, cỏ cây quanh năm tươi mát. Với sự kết hợp giữa ưu đãi của tạo hoá và sáng tạo của con người, địa hình ấy rất thuận lợi cho việc khắc họa nét đẹp truyền thống và đời sống cư dân các dân tộc anh em. Qua tìm hiểu, Làng Văn hoá 54 dân tộc được phân bố thành bốn cụm. Tại cụm số I, được gọi là “Làng I”. Đây là cụm có tới 28 dân tộc được thể hiện, bao gồm các công trình kiến trúc, cảnh quan, sinh hoạt văn hóa đặc trưng của vùng núi Tây Bắc, Đông Bắc và Bắc Trung Bộ. Cụm Làng số II, thể hiện các nội dung tương tự của 18 dân tộc thuộc vùng văn hóa Trường Sơn, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ. Cụm số III gồm các dân tộc thuộc vùng văn hóa Trung Bộ, Nam Tây Nguyên và Nam Bộ. Cụm số IV, các dân tộc vùng bán sơn địa, đồi núi, đồng bằng, thành phố, biển đảo… trên khắp cả nước. Phương tiện giao thông chủ yếu là xe điện và thiện cảm đầu tiên, chúng tôi dành cho đội ngũ tài xế. Có thể nói, dù mưa hay nắng, dù sớm hay trưa, các tài xế xe điện không bao giờ để một du khách nào “bị bỏ lại… trong làng”!
Say mê trải nghiệm các khu vực của Làng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, chúng tôi không chỉ được chiêm ngưỡng vẻ đẹp hữu tình của thiên nhiên nơi đây, mà còn được khám phá nét văn hóa độc đáo của các dân tộc, được tham gia các trò chơi dân gian, các chương trình lễ hội do Ban quản lý Khu du lịch tổ chức. Đơn cử một số các trò chơi, như ném còn, nhảy sạp; hoạt động của các làng nghề như ủ rượu cần, dệt hàng thổ cẩm; các nghi lễ tâm linh như quét nhà cầu an của dân tộc Nùng, lễ cúng Trăng (còn gọi Oók Om Bók) của dân tộc Khơ-me tỉnh Sóc Trăng; các loại hình sinh hoạt văn hoá, như nghệ thuật trình diễn “Chầm riêng Chà pây”, một di sản văn hoá phi vật thể quốc gia ở tỉnh Trà Vinh, hay vũ hội cồng chiêng của các dân tộc Tây Nguyên.v.v. Chúng tôi thả sức trải nghiệm, hoà mình vào một không gian văn hoá đa sắc diện, khiến tâm hồn mọi người nhẹ bẫng, thư thái, giữa một khung cảnh thiên nhiên, hài hoà và thân thiện bên cạnh Thủ đô.
Tới đây vào dịp cuối tuần, chúng tôi may mắn được tham gia các trò chơi dân gian, như đánh chắt, chơi chuyền, chơi ô ăn quan, chơi rối tre… Được thưởng thức chương trình giới thiệu, tái hiện sắc màu văn hoá truyền thống; được chứng kiến lễ cưới của một đôi nam nữ đồng bào dân tộc Giẻ Triêng, tỉnh Kon Tum. Đặc biệt, với chương trình giao lưu “Em nhớ Tây Nguyên”, các nhóm nghệ nhân và du khách cùng được hòa mình, trải nghiệm các di sản văn hóa đặc trưng thực sự cuốn hút.
Khu du lịch Đồng Mô có diện tích hơn 1500ha, trong đó hơn 600ha mặt đất, số còn lại là mặt nước hồ Đồng Mô. Riêng khu vực Làng Văn hoá các Dân tộc, có diện tích gần 200ha, quy hoạch chủ yếu là kiến trúc dân gian, thể hiện ý tưởng của Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch, cùng với thành phố Hà Nội, tạo ra điểm nhấn của sự khác biệt, thu hút hứng thú của du khách khi đến với Thủ đô, nhằm giữ gìn và phát triển các giá trị văn hóa truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam, cạnh trung tâm Hà Nội. Tới đây, du khách nhận được đầu tiên là thái độ thân thiện, phục vụ chu đáo, chân tình; được tìm hiểu và tham gia các loại hình sinh hoạt văn hoá, ẩm thực, cùng người dân đại diện cho các dân tộc, tỉnh thành, vùng miền... trong sự hào hứng hết mình.
Đến đây, ta không thể không dừng chân chiêm ngưỡng quần thể tháp Chăm, được xem như “ngôi nhà chung” của 54 dân tộc anh em, gồm tháp chính, tháp cổng và tháp hỏa. Có thể coi cụm tháp như một công trình kiến trúc ‘tân mà cổ”, nhờ sự phối kết giữa văn hoá vật chất và văn hoá tinh thần, rất hấp dẫn du khách, giúp họ đi tới sự thanh thản về tâm linh, hứng khởi về tinh thần, bình an về thể trạng… giúp cho công việc hiệu quả hơn. Theo cảm nghĩ của chúng tôi, cụm tháp còn tham gia bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc Chăm, làm cho bức tranh văn hoá 54 dân tộc Việt Nam giàu sức sống hơn. Qua đây, chúng tôi nhận ra ý nghĩa, từ việc tái hiện các nghi lễ cầu may, cầu phúc, cúng trăng, quét nhà, thả hoa đăng, thả đèn trời, đua ghe ngo… là cách để người dân bày tỏ lòng tri ân của mình, đối với các vị thần, thần nước, thần đất, xin thần tha thứ, khi chỉ vì lợi ích mưu sinh, đã làm tổn hại đến môi trường sống của tự nhiên.
Gần cuối làng là khu vực tượng nhà mồ Tây Nguyên, theo quan niệm, những bức tượng thể hiện lòng tiếc thương, như vị thần che chở, bảo vệ cho linh hồn người quá cố. Giữa vườn cây, hàng trăm bức tượng gỗ được trưng bày, mỗi bức một thần thái, khí chất khác nhau nhưng hình như đều do một người chế tác. Dù chỉ là bức tượng gỗ nhưng chúng tôi biết, nghệ nhân đã phải tìm mọi cách, thổi hồn mình vào từng vân gỗ, làm cho vật vô tri ấy trở nên sống động. Và dù, với thời gian tìm hiểu không nhiều, nhưng chúng tôi đã hiểu những ý tưởng mà người nghệ nhân đã gửi gắm. Đây không chỉ là một loại hình điêu khắc dân gian độc đáo, nó còn chứa đựng những khát vọng nhân sinh, những vui buồn, hạnh phúc, khổ đau của con người các dân tộc Tây Nguyên.
Trước khi kết thúc chuyến đi trở về Hà Nội, chúng tôi cùng thưởng thức và có dịp tìm hiểu các món ăn độc đáo, được phục vụ tại Làng Văn hoá. Đáng chú ý, ngoài các món ẩm thực thông thường, là những mâm cỗ bày bằng mẹt của đồng bào Mường, với các món như gà đồi nướng, thịt trâu hun khói, thịt lợn mán, thịt đà điểu..., mang đến sự khoái khẩu đặc biệt cho mọi người, nhất là với cánh nam nhi thường có thói quen nhâm nhi.
Quần thể Làng Văn hóa Du lịch Việt Nam vừa là Dự án trọng điểm, trong quy hoạch phát triển của ngành Văn hoá, Du lịch và Chiến lược phát triển kinh tế, văn hoá của thành phố Hà Nội. Nơi đây ngày càng thu hút không chỉ người dân Thủ đô, mà có cả không ít khách quốc tế, nhất là giới trẻ, do phong cảnh vừa thơ mộng, trữ tình và không quá xa trung tâm Hà Nội, nhất là với những du khách lưu trú tại Xứ Đoài (Sơn Tây) di chuyển càng thuận tiện hơn.
Chia tay bà con các dân tộc đang sinh hoạt tại Làng, chúng tôi thiết nghĩ, để tiếp tục nâng cao các giá trị văn hoá, tín ngưỡng, tâm linh, nhân văn… đối với du khách. Thành phố và các ngành cần nỗ lực hoàn thiện cơ sở hạ tầng, chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ, bằng cách bổ sung nhiều hoạt động trải nghiệm, nhất là về văn hoá đặc trưng của các dân tộc và các mặt hàng lưu niệm được làm ra từ tay các nghệ nhân. Phần lớn du khách, khi đến đây, họ đều có nhu cầu sử dụng dịch vụ nhà hàng, nghỉ ngơi, nhằm kéo dài thời gian trải nghiệm. Đáp ứng được nhu cầu này, giá trị tổng thể của Khu Du lịch Đồng Mô nói chung, Làng Văn hoá Du lịch các dân tộc nói riêng sẽ đạt tới tầm quốc tế, thu hút du khách trong và ngoài nước về với Đồng Mô ngày càng tăng cao. Một vấn đề không kém phần quan trọng, đó là hết sức quan tâm đời sống các nghệ nhân và bà con sinh sống tại làng, ngày ngày vun đắp cho ngôi làng phát triển./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Tiến Nên. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |