Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hà Nội và những người thầy

Nguyễn Tiến Nên 09:38 04/07/2024

Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…

Có cuộc hội ngộ này, công đầu thuộc về em gái Nguyễn Phương Anh, giảng viên Ngành Y Dược Trường Đại học Thành Đông, ái nữ của nhà giáo Nguyễn Tri Niên, nhà Ngôn ngữ học danh tiếng của nền báo chí nước nhà. Còn ba anh em, mỗi người một hoàn cảnh tiếp xúc nhưng chung quy, chúng tôi đều là học trò cũ của thầy Nguyễn Tri Niên.

h1.jpg
Cố Nhà Ngôn ngữ học Nguyễn Tri Niên (Ảnh do con gái thầy cung cấp)

Là giảng viên Khoa Ngữ văn Trường Cao đẳng Sư phạm Đăk Lăk, Nguyễn Văn Rèn tuổi Bính Thân, đã “gác phấn” nghỉ hưu tại Buôn Ma Thuột, rồi trở thành Nhà phê bình văn học, người có thời gian học cùng thầy tại Đại học Sư phạm Huế. Nhà báo Vũ Văn Quang tuổi Mậu Tuất, Tổng Biên tập Tạp chí Doanh nghiệp Kinh tế xanh, được thầy giảng dạy tại Học viện Báo chí tuyên truyền. Riêng tôi, nhỉnh hơn vài tuổi, được anh em tôn làm anh cả, học cùng thầy tại Lớp Bồi dưỡng Ngôn ngữ Báo chí, do Hội Nhà báo Việt Nam tỉnh Quảng Bình tổ chức gần hai mươi năm trước.

Mong mỏi được hàn huyên, mỗi người thi nhau “tranh công” cùng em gái. Nào là, tôi học với thầy từ năm… tới năm…, cái giọng khàn khàn, ấm ấm của thầy không thể nào quên được. Nào là, thầy giảng ngôn ngữ báo chí thì khỏi nói, cực kỳ cuốn hút. Mà đúng thật, nhà báo này còn cho đăng 10 video, ghi lại các bài giảng của thầy trên tờ báo điện tử do anh phụ trách. Với tôi, ấn tượng nhất là những tiết giảng của thầy về “Đặc điểm của ngôn ngữ báo chí”; “Các mối quan hệ của ngôn ngữ”; “Tận dụng tính ngôn ngữ học trong ngôn ngữ báo chí”..vv. Phương Anh mắt đỏ hoe, bởi đã sắp tới ngày giỗ đầu của cha cô…

Lớp bồi dưỡng viết văn có gần 100 học viên, trong đó hơn một phần ba là học trò cũ của thầy Nguyễn Tri Niên. Sự trùng hợp ngẫu nhiên đã giúp chúng tôi kết tình anh em, cùng nhau về Hà Đông dâng hương tri ân thầy. Trước di ảnh thầy, những học trò ngày nào đều rưng rưng xúc động. Tuy đã cố nén nhưng tôi vẫn oà khóc, tiếng khóc làm tôi nhẹ lòng, giải tỏa băn khoăn không gặp thầy sớm hơn, dù chỉ để nói lời cảm ơn và nhìn thầy một lần sau cuối!

Nhớ về ngày ấy, tôi nhớ như in lời căn dặn của thầy: Muốn sống chết với nghề, nhà báo phải có một nhận thức chính trị sắc bén, một kỹ năng ngôn ngữ và một vốn kiến thức hết sức phong phú, để đáp ứng nhu cầu nghiệp vụ”. Rời lớp học trở về thực tế, chúng tôi luôn nhớ đến thầy bằng sự yêu mến và kính trọng, nhớ cái giọng khàn khàn, ấm áp và bài giảng lôi cuốn của thầy. Những năm tiếp đó, tôi còn được dự lớp Bồi dưỡng, do nhà báo Nguyễn Uyển, Trưởng ban Công tác Hội - Hội Nhà báo Việt Nam và nhà báo Trần Đình Thảo, giảng viên Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, Hội Nhà báo Việt Nam lên lớp.

Thấm thoắt, gần 20 năm trôi qua, mỗi chúng tôi, ai cũng có những thành công nhất định. Tôi luôn nhớ tới công ơn những người đã dạy dỗ, lát những viên gạch, dẫn dắt chúng tôi vào nghề. Trước một ý định tác nghiệp, trước một bản thảo báo chí, chất giọng Hà Nội và tác phong thanh lịch của những người thầy lại trở về cùng tôi; hình ảnh và từng câu, từng lời của các thầy đã giúp tôi cân nhắc, tìm hướng tiếp cận tốt nhất; đặc biệt là xử lý, kiểm chứng để tìm những thông tin đáng tin cậy nhất cho bài viết. Những lần công tác ở Thủ đô, tôi đã gặp lại thầy Nguyễn Uyển; được tiếp xúc với thầy Trần Bá Lạn, cây đại thụ của những người dạy làm báo nước nhà. Những dịp ấy, tôi tha thiết tìm gặp, để thăm thầy Nguyễn Tri Niên, thầy Trần Đình Thảo nhưng do phụ thuộc thời gian công tác, nên tôi vẫn chưa thỏa nguyện với hai thầy. Tới lúc, qua kết nối Facebook, con gái thầy báo tin, thầy đã về miền cực lạc. Tôi bàng hoàng, vì ý định tìm gặp lại thầy vẫn chưa được thực hiện thì thầy đã đi xa. Một trong những người từng dạy dỗ chúng tôi, truyền cảm hứng, kỹ năng chuyên sâu và niềm đam mê cho chúng tôi ngày đó đã về cõi vĩnh hằng. Tôi ấp ủ một dịp ra Hà Nội, đến dâng hương tưởng nhớ thầy cho đúng đạo thầy trò nhưng không ngờ, chuyến đi không chỉ mình tôi mà cả một tập thể, những người từng được thầy tận tình chỉ bảo ngày nào, đang thành kính dâng lên di ảnh thầy nén tâm hương của lòng tri ân.

h2.jpg
Nhà văn Nguyễn Văn Thọ (thứ tư từ phải qua) cùng các học viên trong giờ giải lao.

Thời gian học tập tại Trung tâm bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, tôi thu xếp thời gian đến tư gia thăm các thầy. Dịp này tôi được thầy Trần Bá Lạn, người được giới báo chí coi là “người thầy của làng báo trong cả nước” tặng nhiều sách quý. Dù đã hơn “cửu tuần”, thầy vẫn cần mẫn viết và ra sách, những cuốn sách về kinh nghiệm làm báo, về những kỷ niệm khó quên của thầy, tới những miền đất xa xôi trong khói lửa chiến tranh, được bạn đọc rất yêu mến, nhất là với những người cầm bút. Thầy Nguyễn Uyển cũng miệt mài không kém, trong chuyến công tác về quê hương Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại thôn An Xá, xã Lộc Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, Quảng Bình, thầy trò chúng tôi đã liên lạc qua điện thoại, để gặp nhau bên lề Quốc lộ trong vui mừng khôn xiết. Thầy đã mang từ Hà Nội vào, tặng tôi bộ sách viết về nghề, với dung lượng hơn 1.650 trang in. Ôi, quả là món quà quý hoá mà từ lâu tôi không dám ước mơ...

Từ chuyện nghề báo, lại nói qua nghề văn. Sau thời gian học tập, chúng tôi được tiếp thu kiến thức từ các nhà văn là lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Hội Nhà văn Việt Nam; lãnh đạo Tạp chí Văn nghệ quân đội và các nhà thơ Nguyễn Đức Mậu, Vương Trọng, Vũ Quần Phương, Nguyễn Việt Chiến, Trịnh Quốc Thắng; các nhà văn Bùi Thanh Minh, Nguyễn Văn Thọ; nhà phê bình văn học Nguyễn Đăng Điệp, Hoàng Đăng Khoa… đã cố gắng chọn hình thức truyền đạt dễ hiểu nhất, giúp chúng tôi tiếp cận tốt hơn, sâu hơn với văn học đương đại. Rút ra bài học trước đây, tôi đã ghi âm toàn bộ bài giảng của các thầy, chép vào máy tính để nghe lại bất kể lúc nào. Cách làm này đã giúp tôi vận dụng, xem lại tác phẩm của mình, cho đến bây giờ tôi mới thấy hết giá trị của việc làm đó. Cách đây chưa lâu, nhà thơ “Màu hoa đỏ” đã gửi từ Hà Nội, tặng cậu học trò đất lửa Quảng Bình bộ tác phẩm mới: Tuyển tập Trường caTuyển tập Thơ Nguyễn Đức Mậu, với gần 1.000 trang in. Đáng nói là, xuất phát từ sự quý mến mà thầy gửi tặng, ngoài ra, thầy từ chối tất cả các khoản hỗ trợ khác.

Vốn sẵn tình yêu Hà Nội, mỗi lần đối diện với một văn bản báo chí hay văn học, tôi lại nhớ về Thủ đô, nơi những người thầy của tôi và các bạn đang sống, đang viết và đang chăm chút cho sự nghiệp văn chương, báo chí. Vẫn dáng dấp thanh lịch, cử chỉ điềm đạm, lời tiếng thanh tao… niềm vui trong họ sẵn sàng vỡ oà khi gặp lại những học trò cũ ngày nào. Ôi! Cái tình Hà Nội và những người thầy thật bao la!

Viết lại những dòng này, tôi cám ơn Tạp chí Người Hà Nội đã tổ chức cuộc thi “Hà Nội và tôi”, để tôi có dịp bày tỏ tri ân, tới các thầy giáo, đã đem hết tình cảm và trách nhiệm, tận tình dạy dỗ, trao truyền, giúp chúng tôi đứng vững với cái NGHỀ mà mình đam mê. Nơi tôi sống và công tác cách Hà Nội hơn năm trăm cây số nhưng trong tôi luôn nhớ, mình đang có những người thầy sống ở Thủ đô. Mỗi khi đặt bút, tôi lại nhớ đến từng câu, từng lời thầy đã căn dặn trước đây. Mỗi dịp ra Hà Nội, tôi cố gắng bố trí lịch trình thật phù hợp, để có thể đến thăm các thầy, cho thoả lòng nhớ mong, với một nghĩ suy đơn giản “Không thầy đố mày làm nên!”. Không có sự dạy dỗ của những người thầy từ Hà thành, chúng tôi không thể có ngày hôm nay!

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Tiến Nên. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hà Nội 70 mùa thu yêu dấu
    Tháng mười, mùa thu đã đến! Trời xanh êm và gió mát trong lành. Lòng tôi thấy yêu thương quá đỗi. Yêu thương mùa thu Hà Nội, nhất là những ngày thu tháng mười; có một kỷ niệm vô cùng tươi đẹp: Ngày 10 tháng 10 - Ngày giải phóng Thủ đô. Năm nay Hà Nội tưng bừng kỷ niệm 70 năm ngày giải phóng Thủ đô, người Hà Nội cũng háo hức đợi chờ.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội và những người thầy
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO