Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Viên ngọc xanh giữa lòng Thủ đô

Lê Thị Thu Thanh 15:59 02/08/2024

Ai đã đặt chân tới quận Tây Hồ chắc hẳn sẽ không quên thả hồn mình vào với dòng chảy êm đềm và hiền hòa của hồ Tây đầy thi vị, khiến bao du khách đến đây cứ ngỡ ngàng bước đi không đành, lòng thầm ước sẽ trở lại...

hinh-anh-ho-tay-dep-lang-man-binh-yen-5.jpg
Viên ngọc xanh giữa lòng Thủ đô (ảnh: internet)

1. Thơ mộng hồ Tây

Tạm gác cuộc sống sôi động của thành phố (TP), một ngày cuối tuần, chúng tôi tìm đến hồ Tây được ví như “lá phổi xanh” của TP. Hà Nội. Hồ Tây là hồ nước ngọt lớn nhất ở Thủ đô với diện tích khoảng 530.65 ha. Ngoài lợi thế là có khả năng dự trữ một lượng nước lớn cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt, đặc biệt hoạt động sản xuất nông nghiệp, thì Hồ Tây còn là danh thắng đẹp nổi tiếng hiếm có tại thủ đô Hà Nội, điều hoà không khí trong lành.

Nhìn từ trên cao, quận Tây Hồ nổi bật giữa Thủ đô bởi mặt nước hồ Tây và những dải màu xanh bao quanh hồ nước. Quanh hồ Tây còn gắn liền với những ngôi làng cổ, làng nghề, làng hoa và những di tích lịch sử giàu trầm tích văn hóa. Đó là những nền tảng để quận Tây Hồ định hướng phát triển trong tương lai.

Ai đã đặt chân tới quận Tây Hồ chắc hẳn sẽ không quên thả hồn mình vào với dòng chảy êm đềm và hiền hòa của hồ Tây đầy thi vị, khiến bao du khách đến đây cứ ngỡ ngàng bước đi không đành, lòng thầm ước sẽ trở lại. Giữa cái nắng mùa hè của Thủ đô kèm theo gió hòa quyện với mùi nồng của đất phả hơi nóng lên tận mặt, vậy mà bước chân vào đây cái cảm giác nóng bức tan biến, thật khoan khoái, dễ chịu.

Chầm chậm thả bước theo con đường ven hồ, dưới hàng cây xanh bóng mát, du khách sẽ được thỏa thích tận hưởng cái thú vị của non xanh nước biếc hữu tình. Lúc đó ngắm mây trời sóng nước bạn sẽ nghe kể về lịch sử tên gọi hồ Tây. Sử sách ghi rằng: “Năm 1573 vua Lê Thế Tông lên ngôi tên húy là Duy Đàm, kiêng húy cấm không được gọi hồ Dâm Đàm, mà đổi gọi là Tây Hồ. Cái tên Tây Hồ có từ đó. Ngoài lý do trên, có lẽ việc đặt tên này nhằm sánh với phương Bắc, vì ở Trung Quốc cũng có Tây Hồ nổi tiếng ở Hàng Châu. Tây Hồ là cách đọc Hán Việt của hồ Tây, và hồ Tây đã trở thành cái tên gần gũi lâu dài, nên thơ nhất đối với người Hà Nội cũng như nhân dân cả nước.

Nằm trọn trong lòng quận Tây Hồ, Hồ Tây như một chiếc gương khổng lồ, sâu thăm thẳm, nước trong xanh ngắt. Những lùm cây soi bóng xuống mặt nước phẳng lặng tựa như những nàng thiếu nữ đang nằm xoã tóc. Một khung cảnh lãng mạn của bóng cây mây vờn in hình giữa biển nước bao la như một bức tranh thủy mặc. Một lần đặt chân đến đây là một lần cảm thấy ngỡ ngàng trước vẻ đẹp thơ mộng của hồ Tây, thầm bước đi không đành.

Vào mỗi sáng sớm hay buổi chiều, hồ Tây thu hút đông người đến đây để tập thể dục, vui chơi, chụp ảnh. Đây sẽ là điểm đến được nhiều bạn trẻ và những đôi lứa yêu nhau lựa chọn để cùng hàn huyên, tâm sự dưới làn gió mát lạnh từ hồ Tây thổi vào, hay đơn giản là tay trong tay ngắm hoàng hôn buông xuống, tận hưởng nhịp sống yên ả giữa lòng thủ đô Hà Nội náo nhiệt. Buổi trưa khi nắng lên, soi ánh sáng xuống mặt hồ, những con sóng dập dềnh như dát vàng hòa với màu xanh bạt ngàn của mặt nước, khung cảnh đẹp đến nao lòng.

Đặc biệt khi hoàng hôn xuống, một khung cảnh tuyệt đẹp, thi vị để thấy và cảm nhận vẻ đẹp bình yên của buổi chiều tà. Những ánh hoàng hôn loang loáng một chiều bên hồ Tây lững lờ tạo cho quận Tây Hồ vẻ đẹp tự nhiên, thơ mộng lãng mạn. Ráng chiều nhuộm đỏ lòng hồ, trên mặt hồ Tây khẽ gợn nhẹ những sóng nước lăn tăn tạo nên bởi gió chiều đủ làm mái tóc ai bay trong gió. Những cặp đôi sánh bước bên nhau, tay trong tay nhìn mây nước hòa quyện, im lặng thôi, không ai nói gì cũng đủ để hiểu thấu lòng nhau. Chiều hồ Tây lay động lòng người bởi những điều giản đơn ấy. Buổi chiều bên hồ Tây thật yên bình và thanh thản. Khó có nơi nào mà không khí trong lành như chốn này. Được tắm mình trong cái cảnh bốn bề bồng bềnh thơ mộng của hồ Tây, có cảm giác thật yên bình xua tan vẻ ồn ào khói bụi chật chội của TP ồn ào xô bồ giữa nhịp sống hiện đại đang hối hả.

Hồ Tây đẹp nhất khi đêm về, khi muôn vàn ánh điện đủ sắc màu từ các tòa nhà cao tầng, từ những đường phố dọc hai bờ hồ soi xuống mặt nước, ánh lên thật lộng lẫy huyền ảo với nhiều mảng sắc màu, tạo cho TP. Hà Nội về đêm đẹp như viên ngọc lấp lánh có sức hút và quyến rũ đối với mọi người. Người dân tản bộ vui chơi thỏa thích, cùng nhau ngân nga những khúc ca vui tai, chia sẻ cho nhau những câu chuyện thường nhật thú vị, thưởng thức những món đặc sản Hà Nội, hay đơn giãn chỉ lắng đọng tâm hồn. Tới nơi này bạn sẽ cảm nhận được sức trẻ của một Thủ đô phát triển từng ngày với những công trình hiện đại nhưng cũng không làm mất đi vẻ nên thơ, hữu tình.

Hồ Tây như một dải ngọc, cứ mơn man, uốn lượn trang điểm cho TP. Hà Nội thêm thơ mộng. Hồ gắn liền với biết bao kỷ niệm của những lớp người dân Thủ đô, cũng là chứng nhân của những đổi thay ở mảnh đất nghìn năm văn hiến, trẻ trung đầy năng động, đang từng ngày phát triển. Niềm vui, nỗi buồn hay sự lột xác của mảnh đất này cũng được Hồ Tây thẩm thấu. Hồ Tây dù trải qua bao biến cố, có lúc vật đổi sao dời mà vẫn luôn là viên kim cương huyền diệu của TP. Hà Nội. Người dân Thủ đô rất yêu quý và tự hào hồ Tây. Còn đối với bao du khách họ đến với TP. Hà Nội này cứ ngỡ ngàng bước đi không đành, lòng thầm ước sẽ trở lại.

Hồ Tây không chỉ mang sứ mệnh điều tiết nước, thanh lọc không khí cho một phần rộng lớn của TP. Hà Nội mà còn là nhân chứng lịch sử chứng kiến bao thăng trầm của TP, điểm hẹn văn hóa của nhiều thế hệ người dân địa phương và du khách. Hồ mang nét thi vị rất riêng của vùng đất Thăng Long lịch sử. Hồ còn là nơi ghi dấu, lưu giữ những ký ức, kỷ niệm người Hà Nội dù xa quê vẫn luôn nhớ về.

Cảnh vật thiên nhiên tuyệt đẹp của hồ Tây, con người Hà Nội thân thiện hiếu khách, cần mẫn lao động là những gì bạn sẽ tìm thấy nhiều điều thú vị ở mảnh đất này. Dường như giang sơn cẩm tú, tất cả vẻ đẹp của trời đất đã dồn góp về đây. Một vùng sơn thủy hữu tình, ngay cả người khó tính nhất cũng phải yêu đến say lòng. Bạn còn chần chừ gì nữa mà không xách balo đến hồ Tây nào. Riêng tôi, tôi chỉ thích đến hồ Tây để được khám phá vẻ đẹp thiên nhiên kỳ thú, thả hồn mơ mộng trước non nước, lòng hồ kì ảo cùng trời mây. Tất cả hòa nhập vào nhau, đem đến một cảm giác nồng nàn, thi vị.

Tôi cảm thấy mình thật hạnh phúc vì đã một lần đến đây, được hít thở bầu không khí luôn trong lành trong không gian bình yên ấy, cảm thấy tâm hồn thật thư thái, quên hết mệt nhọc sau những căng thẳng của đời thường. Không biết tự bao giờ hồ Tây đã đọng lại trong tâm trí tôi một vẻ đẹp mê hồn khiến tôi lưu luyến không muốn rời xa. Với những người yêu thiên nhiên, thích trải nghiệm, hồ Tây là địa điểm lý tưởng không thể bỏ qua trong hành trình khám phá vùng đất, con người Hà Nội. Qua đó góp phần quan trọng vào việc đẩy mạnh hoạt động dịch vụ du lịch trên địa bàn TP. Hà Nội nói chung và quận Tây Hồ nói riêng.

2. Cú hích cho du lịch TP. Hà Nội

Về phong thủy, người xưa thường nói: Nhất cận thị, nhị cận giang, tam cận lộ”, nếu lựa chọn được mảnh đất có đầy đủ 3 tiêu chí này thì quả đúng là thiên thời – địa lợi – nhân hòa. Thực tế chứng minh, tất cả các TP ven sông, ven hồ ngoài việc sở hữu cảnh sắc mỹ miều làm say đắm hồn người, nó còn là tâm điểm phát triển kinh tế, chính trị, xã hội, biến khu vực ven sông, ven hồ trở thành tụ điểm phát triển. Và TP. Hà Nội cũng không nằm ngoài quy luật đó. TP. Hà Nội có lợi thế sông hồ Tây chảy giữa trung tâm quận, đây chính là mạch sống, là tài nguyên, là tiền đề để quận Tây Hồ phát triển bền vững, giàu bản sắc và hiện đại, một đô thị sầm uất, xanh, sạch, đẹp dọc quanh hồ Tây, một thắng cảnh du lịch nổi tiếng.

Ngày nay, hồ Tây được TP. Hà Nội, quận Tây Hồ quan tâm đầu tư. Quanh bờ hồ cũng được kè đá, trồng cây bóng mát, làm đường chạy quanh hồ như Đường Quảng An, Đường Trích Sài, Đường Nghi Tàm, đẹp nhất là đường Thanh Niên. Ven hồ là những nhà hàng, những quán cà phê thơ mộng. Lúc này dừng chân nghỉ lại các quán quanh hồ được thưởng ngoạn không gian bao la của trời, mênh mang tĩnh lặng của mặt hồ, được gặp gỡ những người dân Hà Nội lịch lãm, tất cả cảm thấy thư thái, bình yên đến lạ.

Hồ Tây trở thành cú hích cho du lịch TP. Hà Nội, trở thành điểm yêu thích, check-in quen thuộc của các bạn trẻ, người dân địa phương và khách du lịch đến với Thủ đô bởi không gian thoáng mát, view đẹp và tụ hội khu ẩm thực hấp dẫn. Nếu đến quận Tây Hồ vào buổi tối thứ 7, chủ nhật hàng tuần sẽ có cơ hội trải nghiệm phố đi bộ Trịnh Công Sơn. Các sản phẩm kinh doanh tại đây rất ngon, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, giá cả được niêm yết công khai. Nhiều hoạt động văn hoá nghệ thuật tại Phố đi bộ cũng được tổ chức tại đây như biểu diễn nghệ thuật đường phố, nghệ thuật đương đại và dân gian, các nhóm nhảy đường phố….

Những hoạt động trên nhằm thực hiện mục tiêu: phát huy đầy đủ những giá trị cốt lõi của văn hóa Thăng Long xưa, Hà Nội ngày nay; đưa quận Tây Hồ trở thành “trung tâm văn hoá - du lịch” của Hà Nội.

Cho đến hôm nay, thủ đô Hà Nội đã đang và sẽ mãi mãi được giữ gìn, bảo tồn và phát triển, xứng danh với “Thăng Long – Hà Nội: 11 thế kỷ lắng hồn sông núi”, thủ đô nghìn năm văn hiến của Việt Nam. Hoàng thành Thăng Long sánh vai với các kì quan hàng ngàn năm của nhân loại trong danh mục Di sản Văn hoá Thế giới của UNESCO, mang ý nghĩa quốc hồn, quốc tuý độc đáo của Việt Nam. Du khách đến Hà Nội là đến với “Di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”. Hà Nội đang tồn tại và phát triển đúng nghĩa là một di sản thế giới, TP “Thành phố Vì hòa bình” mà cách đây 25 năm, Hà Nội là một trong 5 TP tiêu biểu trên thế giới, đại diện cho khu vực châu Á - Thái Bình Dương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) vinh danh “Thành phố Vì hòa bình (16-7-1999). Có thể nói, người Hà Nội có ý thức và tình cảm rất đặc biệt đối với những di sản của cha ông để lại. Họ bảo vệ di sản như bảo vệ chính cuộc sống của mình.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Lê Thị Thu Thanh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Lần đầu đến thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám
    Ngày xưa, khi còn học cấp 2, tôi rất thích học lịch sử và mê đọc mấy tập sách Sát Thát, Nghìn xưa văn hiến của Nhà xuất bản Kim Đồng. Đến khi thấy dạy Lịch sử giới thiệu về Văn Miếu – Quốc Tử Giám, không riêng tôi mà tất cả bạn bè đều ước mơ một lần đến Hà Nội để đến thăm di tích chứa đựng những giá trị tinh hoa văn hóa của những giai đoạn lịch sử phong kiến; để thắp nén hương trước những bậc hiền tài, cúi đầu trước những bia tiến sĩ để khâm phục trí tuệ của những tri thức Việt ngày xưa - tiêu biểu cho tinh thần hiếu học của nhân dân ta.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Viên ngọc xanh giữa lòng Thủ đô
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO