Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Màu Hà Nội - màu của mùa thu

Minh Trang Vũ 14:52 09/08/2024

Thuở thơ dại, khi còn là đứa nhóc tỉnh lẻ ham đọc sách và hay ngồi mộng mơ, tôi vẫn hay tưởng tượng mùa thu Hà Nội trông giống trong những bức tranh của Bùi Xuân Phái hay Phạm Bình Chương.

ha-noi-mua-thu-1.jpg
Cứ đến mùa, lá sẽ trút xuống, hoặc vội vàng hoặc lãng đãng ngẩn ngơ, thành một tấm thảm vàng tươi rực rỡ dưới chân, trên những ô gạch đỏ... (ảnh minh hoạ: internet)

Là những nếp nhà cổ liêu xiêu, mái ngói nâu trầm, những con đường lát gạch đỏ nhẹ nhàng và duyên dáng. Một bóng áo thơm tho gánh những gánh hàng cốm đi ngang qua ngõ, những bức tường đá trắng phủ rêu lấp lánh trong ánh ban mai. Nếu không thì cũng là những góc tập thể cũ yên bình và giản dị, những mảng tường vàng cũ kĩ mốc meo, ban công trồng những chậu ti gôn và treo cờ đỏ sao vàng ngày Hai tháng Chín. Hoặc giống như những thước phim tài liệu về Quảng trường Ba Đình mà tôi vẫn quấn mình trong chăn xem cái ngày ti vi vẫn còn là cái hộp khổng lồ: Một buổi trời se se lạnh, Hà Nội hùng tráng hát khúc hoan ca, với những mảng màu chủ đạo nhòe nhoẹt và cũ kĩ.

Lớn hơn một chút, khi bắt đầu nghe nhạc Bằng Kiều, Hồng Nhung trên đĩa CD của mẹ, biết thêm thu Hà Nội có cây cơm nguội vàng, cây bàng lá đỏ, có phố Khâm Thiên nơi người ta đạp xe đạp Liên Xô chở theo những chiếc lốp to. Trong suốt những ngày ấu thơ, vẫn giữ cái niềm tin ngây thơ cố hữu đó, rằng Hà Nội, vùng đất trong mơ của tôi, nơi những dấu vết lịch sử in hằn, nơi người ta vẫn luôn tự hào về những giá trị của một vùng quê cha đất tổ rực sáng mang những bụi vàng kí ức.

Vậy mà sau này lên Hà Nội để học đại học rồi đi làm, trải qua vài mùa thu nơi đây, tôi mới biết, hóa ra mùa thu Hà Nội thật khác. Vì Hà Nội đã chuyển mình từ bao giờ rồi. Cứ mỗi độ thu về, trời quang đãng, tôi thường dậy từ sáng sớm, dắt xe ra khỏi nhà, phóng lên tận phố cổ, để tìm những nếp nhà liêu xiêu, mái ngói nâu trầm, ẩn mình trong làn sương mỏng tang của một ngày cuối hạ đầu thu. Và tôi không tìm thấy. Hà Nội giờ với những hàng quán chen chúc nhau, với đủ mọi tiếng ồn từ gần gũi đến xa lạ. Với những tòa nhà vươn cao, cửa kính loang loáng trong nắng, với những xe máy đủ loại biển số đến từ khắp mọi nẻo đường. Những con phố cổ kính không vương mùi đất thơm, mùi gạch hăng hắc, hay mùi cố hữu của những mảng tưởng cổ, vì tất cả đều đã được xi măng hóa cả rồi. Chỉ có mùi trà sữa, mùa cà phê, mùi đồ ăn chộn rộn của những hàng quán đủ màu sắc ven đường. Thấp thoáng bóng Hà Nội cũ trên những xe đạp chở hoa dọc phố xa, cúc họa mi nhỏ xinh rung rinh trong ánh nắng, khí trời se se lạnh, và hương hoa sữa tỏa ra từ một góc phố buồn nào đó mà tôi cũng chẳng biết chính xác là nơi nào. Nhưng những hình ảnh đó ở trong một lớp vỏ mới, với những giá trị cũ, mang theo chút buồn rầu tiếc nuối của những người quá nặng lòng với Hà Nội cổ.

Chỉ có những tán cây, những mùa lá là chưa bao giờ thay đổi.

Dù bao nhiêu năm qua đi, bao nhiêu bóng hình đổi khác, những mùa lá vẫn vậy, lá vẫn rơi, nhẹ nhõm và thảnh thơi. Lá rơi từ khoảnh khắc đầu tiên tiễn những người lính ra trận:

“ Sáng chớm lạnh trong lòng Hà Nội

Những phố dài xao xao hơi may

Người ra đi đầu không ngoảnh lại

Sau lưng thềm nắng lá rơi đầy”

(Đất nước – Nguyễn Đình Thi)

Đến những năm chín mươi, ai đó đi xa, về nhà, về Hà Nội, đi ngang qua phố, thấy lá rơi mà người đã đi mất rồi, lại nặng lòng cảm thán:

“Hà Nội mùa thu rất nhiều phố
Lá rơi vàng cho thi sĩ làm thơ
Nhưng hình như chẳng ai còn đọc nữa
Thương lá bàng ngăn ngắt đỏ mùa xưa.”

(Nhớ người xa mùa thu Hà Nội – Thạch Hoàng Việt)

Rồi từ thơ đi vào nhạc, những màu lá ấy lại mang một sắc thái riêng, như nỗi niềm nhung nhớ âm thầm với những bóng hình đã cũ

“Có chắc mùa thu lá rơi vàng tiếng gọi
Lệ mừng gặp nhau xôn xao phím dương cầm
Có phải em là mùa thu Hà Nội
Nghìn năm sau ta níu bóng quay về…”

(Có phải em mùa thu Hà Nội – Trần Quang Lộc)

Quả vậy đấy, với những ai đã trót yêu Hà Nội, dù là người Hà Nội gốc hay kẻ ngoại bang ghé qua, thì cũng phải thừa nhận rằng, những thảm lá là màu của mùa thu Hà Nội không lẫn đi đâu được. Cứ đến mùa, lá sẽ trút xuống, hoặc vội vàng hoặc lãng đãng ngẩn ngơ, thành một tấm thảm vàng tươi rực rỡ dưới chân, trên những ô gạch đỏ. Chỉ cần có thời gian, tôi sẽ đi bộ lên phố, nơi có những tán xà cừ khổng lồ xanh mướt mát trên đường Hoàng Diệu, những cây bồ đề ở đường Trần Phú, hay những tán sấu xanh um đường Phan Đình Phùng. Những tán cây giống như một bàn tay che kín không cho nắng lọt qua ở Láng, ở Giảng Võ cũng đáng yêu biết bao nhiêu. Rồi đường Kim Mã, khi những đóa bằng lăng mùa hè vừa tàn lụi, thì những cây xà cừ cũng đồng loạt trút lá. Mà không cần đi xa. Có khi đi qua một con phố vô danh lang thang, cũng thấy lá rụng đầy dưới chân và trên mái tóc. Tôi sẽ chẳng làm gì cả, chỉ đi bộ lang thang, nghe chị Bống Hồng Nhung ngân nga “Phố ơi phố à” “Em ơi Hà Nội phố”, đặt lá vàng trên lòng bàn tay. Rồi như thấy mội Hà Nội cũ, tôi sẽ mất cả ngày để thẩn thơ khi nhìn thấy ai đó của Hà Nội cũ lướt qua, như một bóng ánh dài trắng ôm hoa huệ, hay một bà gánh hàng rong với những chiếc lá vàng rơi đầy trên thúng.

Hồi 2017 còn đang đi học đại học, đang ngồi ở giảng đường mà nghe tin tán cây ở Kim Mã sẽ bị chặt, tôi đã buồn mất cả một ngày. Vì sau này đi qua phố cũ, những tán cây không còn ở đấy, thì mùa thu sẽ chẳng về được nơi ấy. Mùa thu đã bỏ đi theo những cái cây bị chặt bỏ mất rồi. Chỉ còn những con đường xi măng trơ trọi và buồn rầu, cũng giống như bao vùng đất khác trơ trọi và buồn rầu, khi những giá trị cơ bản bị đánh mất hết.

***

Trước đọc vài bài viết trên Facebook, tôi cứ thấy người ta bảo, cái không khí mùa thu Hà Nội cũ đã đi gần hết mất rồi. Thu Hà Nội giờ chỉ còn là một phế tích hoang tàn đổ nát của kí ức, và người ta cứ ảo tưởng rằng mùa thu mà mình thương nhớ vẫn còn. Nhưng làm sao mà đi được. Vì những tán cây khổng lồ vẫn ở đấy, những khu phố vẫn ở đây, lá vẫn rơi đầy trên mặt đường. Những thứ làm nên giá trị của Hà Nội vẫn sừng sững ở đấy. Mà kể cả những giá trị ấy cũng dần phai đi hết, thì những con người yêu Hà Nội vẫn còn ở đó, vẫn trân trọng gìn giữ từng mẩu về một thu Hà Nội với một vẻ đẹp cũ kĩ nhưng rất đỗi mộc mạc, dịu dàng./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Minh Trang Vũ. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Nhớ Xuân La ngày ấy
    Thế hệ tôi (sinh năm 1939) mới học hết cấp 2 đã ở tuổi lao động. Bù lại, chỉ cần có Bằng Tốt nghiệp lớp 7 (Hệ phổ thông 10 năm) là nộp đơn xin được vào làm việc tại các cơ quan Nhà nước, nghiễm nhiên trở thành “anh cán bộ”.
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư
    Kết luận số 80-KL/TƯ gần đây, Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ trọng tâm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài tinh thần “Hà Nội vì cả nước – Cả nước vì Hà Nội”, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã có các chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.
  • [Video] Hương sắc Quảng Phú Cầu
    Có tuổi đời hơn trăm năm, làng hương Quảng Phú Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đến Thủ đô Hà Nội. Đến với Quảng Phú Cầu là đến với những gam màu rực rỡ, đến với những người làm nghề thân thiện, hiền hòa. Mặc cho những biến đổi của đời sống xã hội, những thăng trầm của thời gian, người dân nơi đây vẫn gắn bó cùng nghề làm hương truyền thống ông cha để lại.
  • Hà Nội: Những lớp học thành nơi tránh trú bão
    Tính tới 14h chiều 07/9, nhiều điểm trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã trở thành nơi tránh, trú an toàn trước bão số 3 cho người dân các khu chung cư cũ trên địa bàn. Tại đây người dân được quan tâm chu đáo và nhiệt tình.
  • Giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng, VF 8 vẫn phá vỡ đặc quyền của các mẫu xe sang 3 - 5 tỷ
    Với những nâng cấp ấn tượng về công nghệ và trải nghiệm sử dụng, VinFast VF 8 được xem là món hời khi chỉ phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng nhưng người dùng đã sở hữu những giá trị vốn được xem là đặc quyền trên các dòng xe có giá cao gấp 3 lần.
Đừng bỏ lỡ
Màu Hà Nội - màu của mùa thu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO