Hà Nội - Khi đến sợ lúc về thương

Thu Huyền| 06/12/2022 15:20

1. Bạn gọi điện cho tôi bảo: “Tao sắp chuyển ra chi nhánh ngoài Hà Nội, mày cho xin mấy bí kíp sinh tồn”. Tôi ngạc nhiên: “Gì mà sinh với tồn, Hà Nội với Sài Gòn thì cũng na ná nhau cả, sống đâu quen đó”. Bạn không chịu, nói mất ngủ mấy hôm nay rồi gửi cho tôi một loạt “dẫn chứng” từ các hội nhóm mạng. Thì ra Hà Nội của tôi lại đang “mang tiếng” nhiều như thế!

ganh-hang-rong-29.jpg
Cốm làng Vòng

Gặp tôi một chiều thu giữa tháng mười, bạn cười mếu “sáng lạnh, trưa nắng to, thời tiết thay đổi như chong chóng”. “Không thấy ưu điểm gì à?”, tôi hỏi, bạn trả lời “ừ, thì hoa sữa thơm” nhưng được đôi ngày bạn lại mắc chứng đau đầu vì say hoa sữa. Bạn bảo: “Tao với Hà Nội phong thủy không hợp, khẩu vị khác trong Nam, nói chuyện với khách hàng thì phải biết “đón ý” nếu không chẳng biết đâu mà lần, không biết cố nổi không”. Thấy bạn buồn tôi cũng chẳng biết khuyên sao. Thôi thì sống đâu quen đó, giống như tôi, dân tỉnh lẻ lên Hà Nội học đại học, ở lại mười mấy năm, bây giờ coi Hà Nội chẳng khác nào quê hương thứ hai của mình.

Bẵng đi một thời gian cả hai bận bịu với công việc, bạn hớn hở hẹn tôi “cuối tuần rảnh đi với tao ra chỗ này hay lắm”. Hai đứa chạy xe luồn lách mấy ngõ nhỏ mới tới chỗ bạn kêu “hay lắm”, hóa ra là một quán ... bún mọc dọc mùng. Bạn lanh lẹ chọn bàn rồi nhanh miệng kêu: “Cô cho con hai tô bún ạ”. Tôi phì cười: “Không giả giọng Bắc nữa à”, bạn nháy mắt “biết gì không, tao rút ra kinh nghiệm là đi chợ mà nói giọng Nam thì sẽ được bớt tiền với thêm đồ suốt”. “Sao ngày trước mày bảo nói giọng Nam dễ bị chặt chém”, tôi trêu lại, bạn cười hì hì: “Hồi đó cứ nghe người ta đồn hoài, ra Hà Nội mới biết không phải cái gì cũng đúng ha”. Chẳng biết có phải hiệu ứng tâm lý hay không mà lúc cô chủ mang hai bát bún ra, tôi thấy bát của nó có vẻ đầy đặn hơn thật!

Ăn xong hai đứa dắt nhau đi lê la Bờ Hồ, cuốc bộ mỏi chân thì ghé Tràng Tiền mua mấy que kem mát lạnh. Lúc ngồi nghỉ ghế đá ngắm hồ Gươm, tôi đùa “giờ còn thấy sợ Hà Nội nữa không”, bạn cười “sợ quá lại hóa thương rồi mày ạ”.

mua-thu-2.jpg
Hà Nội có bao điều để kể

Tự nhiên thấy cái nắng hanh của mùa thu Hà Nội đáng yêu hơn bao giờ hết!

2.

Sếp sắp chuyển công tác từ Việt Nam về Nhật, anh chị em người Việt bí mật chuẩn bị quà chia tay. Trong nhóm chung của công ty, chủ đề “Quà tặng sếp” nhận được lượt tương tác cao kỉ lục, tất cả đều thống nhất muốn mua một món quà đậm chất “Hà Nội” tặng sếp làm kỉ niệm. Nhưng biết tặng quà gì đây?

Anh trưởng phòng kĩ thuật đề nghị:“Mua bộ cổ vũ bóng đá nhé, áo cờ đỏ sao vàng, băng rôn, dán má. Sếp thích bóng đá lắm, lần đi bão nào có thiếu mặt ông đâu, say bóng đá gần bằng người Hà Nội rồi”. Tất cả mọi người đồng loạt nhấn “Like”.

Em trợ lý kiêm phiên dịch của sếp góp lời: “Em xin phép đề xuất bức tranh gánh hàng hoa anh chị nhé. Hôm trước em với sếp đi thăm khách hàng gặp cô bán cúc họa mi, ông còn mua về để tặng vợ đấy. Ông bảo chỉ Hà Nội mới có xe hoa di động thế này nên ấn tượng lắm”. Hà Nội mười hai mùa hoa, còn điều gì đặc biệt hơn. Một lần nữa mọi người lại tích cực thả tim.

image001.jpg
Xe hoa - đặc sản ấn tượng của Hà Nội

“Chị thì nghĩ tặng sếp cái mô hình xe máy, có cái biển Hà Nội thì càng tốt. Trời ơi, hồi mới sang ông sợ giao thông ở Hà Nội chết khiếp. Ông bảo chị là tao ngồi thử xe ôm mà tim đập chân run, chỉ sợ rơi xuống đường. Hôm nào đi gặp khách hàng, tới cửa công ty người ta rồi mới yên tâm, cứ nơm nớp bị tắc ở chỗ nào. Mà Hà Nội cũng lạ, sáng sớm, giữa trưa, tối mịt rồi mà muốn tắc là tắc ngay được”. Nghe chị kế toán trưởng nói về “đặc sản tắc đường” của Hà Nội, ai cũng phải gật gù.

Mỗi người một ý mà ý nào cũng đúng, cũng hay, cuối cùng chúng tôi quyết định tặng một combo quà. Giá mà vali của sếp to hơn một chút, thì chè sen, bánh cốm, sấu dầm, trà chanh… chúng tôi cũng muốn gửi sếp luôn. Hôm cuối chào chia tay mọi người hỏi: “Sếp về Nhật có nhớ mọi người không? Có nhớ Hà Nội không?”. “Nhớ chứ” sếp khẳng định rồi cất giọng lơ lớ hát bài “Em ơi Hà Nội phố” thay cho lời tạm biệt.

“Ta còn em hàng phố cũ rêu phong
Và từng mái ngói xô nghiêng
Nao nao kỷ niệm
Chiều Hồ Tây lao xao hoài con sóng
Chợt hoàng hôn về tự bao giờ”

3.

Bác trai, bác gái tôi ở quê ra Hà Nội kiểm tra sức khỏe tiện thể ghé vào phòng trọ thăm tôi. Đang ngồi kể chuyện làng chuyện nước, tự nhiên bác kêu lên: “Ấy quên, cho Bống cái này” rồi rút từ túi hành lý ra hai chai trà sữa. “Bác mua ở bến xe đấy, thấy bảo ủng hộ quỹ từ thiện”. Tôi nhìn hai chai trà thái lõng bõng xanh ngắt không nhãn mác thốt lên: “Bác bị lừa rồi bác ơi”. “Sao? Lừa hả? Mấy đứa nó bảo của hội sinh viên mà”. “Sinh viên nào đâu, lừa cả đấy, trước bọn nó bán tăm, giờ chuyển sang bán trà. Bác mua bao nhiêu?”. “Bốn mươi nghìn hai chai. Trời ơi, thế ra bác bị lừa thật à. Trên này sao lừa đảo gì mà khiếp thế!”.

Sẵn cái tâm lý dè chừng, lần tới lên khám hai bác đề phòng thật kĩ, chỉ sợ người ta chuốc thuốc mê rồi bao nhiêu tiền bạc mang theo lại bị lừa đi hết. Lúc xe tới bến, hai bác ngồi im đợi tôi ra đón chứ nhất quyết không chịu xuống xe, rủ đi thăm thú phố phường cũng chối đây đẩy vì sợ đắt đỏ, sợ thức ăn không hợp vệ sinh, sợ xe tông. Khám xong là tức tốc bắt xe rời Hà Nội ngay, nhanh tới nỗi mẹ tôi còn trêu là “đi nhanh không sợ ma đuổi”.

Bệnh viện yêu cầu bác trai ở lại theo dõi điều trị một tháng, bác gái tôi ở lại chăm. Một buổi tối bác gọi cho tôi: “Bống ơi bác thấy dưới cổng bệnh viện họ phát cháo với cơm miễn phí, thật hay lừa đấy?”. Tôi nín cười giải thích: “Hôm trước cháu ra thăm bác có nhìn thấy rồi, là thật, không phải lừa đảo gì đâu. Trên Hà Nội vẫn có các đoàn thiện nguyện phát cháo với cơm ở các bệnh viện mà. Bác cứ xếp hàng nhận bác nhé!”.

Hôm nữa bác gọi điện kể tôi: “Hôm qua bác đi mua đồ dùng cho bác trai mà bị lạc, được người ta giúp đưa về tận cổng bệnh viện đấy. Người Hà Nội trông có vẻ lạnh lùng nhưng cũng tốt bụng như người quê mình.”.

Ở Hà Nội thêm một ngày, bác tôi dường như bớt sợ Hà Nội thêm một chút. Hôm chở bác đi chùa Trấn Quốc bác cứ tấm tắc: “Cứ tưởng Hà Nội chỉ toàn xe cộ với nhà cao tầng, không ngờ lại có nhiều chùa đẹp thế”. “Hà Nội còn nhiều nơi đẹp lắm, đợi khi nào bác nhà mình khỏe hơn, cháu sẽ đưa hai bác đi thăm khắp thành phố”. “Bống có thu phí hai bác không?”, bác tôi trêu. “Có chứ bác, phí bằng… một cốc trà đá”. “Thế là ba nghìn thôi nhỉ”. Bác nói rồi cả hai bác cháu cùng bật cười.

Hà Nội - chỉ hai tiếng đơn giản thôi mà mỗi khi nhớ đến người ta lại có biết bao điều để kể. Và câu chuyện của những người dân tứ xứ, về nỗi sợ trở thành thương, từ thương thành nhung nhớ mảnh đất kì lạ này vẫn đang diễn ra quanh ta hàng ngày như thế.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Thu Huyền. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hà Nội - một thoáng nhớ thương
    Hà Nội – trái tim của Thủ đô, mảnh đất từng gây thương nhớ cho biết bao thế hệ ở khắp mọi miền tổ quốc của dải đất hình chữ S. Và tôi – một trong số những con người đó vẫn ngày ngày ngóng trông được một lần trở lại để sống trong bầu không khí ấp áp, thấm đượm tình người của Hà Nội thân thương.
(0) Bình luận
  • Hà Nội của tôi
    Hà Nội của tôi! Những năm tuổi thơ tôi thích cùng chúng bạn đi tàu điện leng keng ra Bờ Hồ chơi. Chúng tôi chạy lăng xăng trên cầu Thê Húc, chiếc cầu nhỏ cong cong như đi vào cổ tích, cùng ngắm những làn sóng lăn tăn lấp lánh trong nắng ban mai, cùng háo hức chờ ông Rùa nổi lên mặt nước, như chờ xem truyền thuyết Hồ Gươm. Tôi cũng rất thích trò chơi trốn tìm, núp mình sau những thân cây cổ thụ nghiêng nghiêng bên hồ, ngồi ngắm tháp rùa, đón làn gió mênh mang thổi qua mặt hồ xao động và thưởng thức kem Tràng Tiền. Chúng tôi có tuổi thơ thật êm đềm và lúc đó chúng tôi không hề biết chiến tranh đang đến rất gần.
  • Hoài niệm Phớớ ơơơ!!!
    Hà Nội rực rỡ sang xuân, dịu dàng mùa thu gió heo may, tĩnh lặng trước trời đông buốt giá để rồi lại bừng lên nắng vàng gay gắt đón hè về. Thủ đô bốn mùa đều mang vẻ đẹp và thức quà riêng cho những con người biết tận hưởng và nâng niu. Những tháng hè oi ả đã ghé thăm thành phố mà tôi yêu, chốn Hà thành vốn yên bình giờ đây căng mình trước vòng xoáy cuộc sống và sự khắc nghiệt của thời tiết.
  • "Hoa" trong Hà Nội
    Từ bé, tôi ấp ôm giấc mộng được sinh sống và học tập ở Thủ đô Hà Nội mặc dù tôi chỉ biết đến Hà Nội qua ti vi và những mùa hoa bà kể. Hà Nội 12 mùa hoa, bà đều đưa tôi lạc vào những khung trời nên thơ, cổ tích. Tôi cũng mang trong mình nỗi bâng khuâng, bồi hồi xao xuyến như kiểu mình là đứa con xa quê vọng nhớ về cố hương của mình vậy. Mặc dù từ nhỏ tới lớn, tôi chưa hề được đặt chân đến Hà Nội để chiêm ngưỡng trực tiếp vẻ dịu dàng đằm thắm, đường phố nên thơ với những cánh hoa rụng rơi phủ khắp lối về.
  • Có một mùa lá rụng trong ký ức ở Hà Nội
    Sáng nay, khi mải mê với công việc ở văn phòng trong một tòa cao ốc ngột ngạt giữa Sài Gòn, tôi bất ngờ nhận được tấm bưu thiếp nhỏ từ cô bạn thân đang sống ở Hà Nội. Khẽ khàng mở chiếc phong bì chứa tấm bưu thiếp, lòng tôi chợt nao nao khi nhìn thấy hình ảnh cả góc phố ngập tràn lá vàng. Chợt nhớ chỉ cần bước sang tháng 10 cũng chính là thời điểm cuối mùa thu ở Hà Nội, khi thời tiết bắt đầu se sắt lạnh vào những buổi sớm mai, gió heo may lành lạnh phủ đầy khắp ngõ và hương hoa sữa cũng bắt đầu ngạt ngào t
  • Hà Nội và tôi
    Có lẽ, trên dải đất hình chữ S này, hiếm có thành phố nào được biết đến nhiều nhất so với những địa điểm khác như Thăng Long - Hà Nội. Các thế hệ nhà văn sinh ra tại Hà Nội hoặc có tâm hồn hướng đến Hà Nội đã nối tiếp nhau ghi nhận đời sống phong phú muôn mặt, cùng với con người trên mảnh đất này. Qua cái nhìn và sự sáng tạo của mỗi nhà văn, Hà Nội đa sắc đa thanh hiện lên theo những phận người, phận đời ở trong thời kỳ phát triển, từ lúc đói nghèo lầm than, khi kiên cường chống giặc, khi vật lộn với kinh tế thị trường; những nếp sống thanh lịch của con người nơi đây...
  • Những đêm thao thức tại Hà Nội
    Khi đến Hà Nội, tôi bị bỡ ngỡ với nhịp sinh hoạt mới. Khoảng thời gian sau, khi bản thân đã quen dần với không khí ồn ã của đường phố vào ban ngày nhưng những bộn bề của bài vở cũng khiến tôi có nhiều đêm mất ngủ.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Mắm cáy
    Mắm cáy là món ăn dân dã từ bao đời nay gắn bó với người dân quê tôi như củ khoai nước, quả cà pháo... Mâm cơm nhà nông thời hợp tác xã thường có món rau khoai lang luộc, đĩa cá kho và bát nước mắm cáy (người dân thường vẫn gọi thân mật là nước cáy). Giản dị vậy thôi mà sao mỗi khi đi xa lại nhớ đến nao lòng.
  • Góc nhìn đa chiều về lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội
    Từ buổi ban sơ dựng nước đến ngày nay, Thăng Long - Hà Nội mang trong mình bao trầm tích văn hóa, lịch sử. Góp thêm những góc nhìn đa chiều, cuốn sách “Lễ vật trong hội làng Thăng Long - Hà Nội” (Nxb Hà Nội, 2023) giúp người đọc khám phá những giá trị văn hóa truyền thống phong phú, đặc sắc của mảnh đất kinh kỳ.
  • Tọa đàm “Sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo thông qua tục thờ nữ thần ở Việt Nam”
    Sáng 22/9, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Sự hòa hợp giữa tín ngưỡng dân gian và Phật giáo thông qua tục thờ nữ thần ở Việt Nam” với sự tham gia của đông đảo các hội viên trong Hội.
  • Đề xuất bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội
    Xây dựng dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) bổ sung cấp chính quyền thành phố thuộc thành phố Hà Nội, quy định một số thẩm quyền vượt trội của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố thuộc thành phố Hà Nội so với thẩm quyền của chính quyền quận, huyện.
  • Hà Nội điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết Khu đô thị mới An Thịnh – Mê Linh
    UBND TP Hà Nội vừa ban hành Quyết định số 4655/QĐ-UBND về phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị mới An Thịnh - Mê Linh, thuộc các xã Tiền Phong, Đại Thịnh, Thanh Lâm và thị trấn Quang Minh, huyện Mê Linh, Hà Nội.
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội - Khi đến sợ lúc về thương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO