da-sua-2-.png

Chiến dịch Hồ Chí Minh - chiến dịch cuối cùng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong Cuộc tổng tấn công và nổi dậy Mùa Xuân 1975, là chiến dịch quân sự có thời gian ngắn nhất trong chiến tranh Việt Nam. Chỉ diễn ra trong 5 ngày (từ 26/4 đến 30/4/1975) song chiến dịch đã đánh dấu mốc son chói lọi trong lịch sử Việt Nam.

hat-xam-2.png

Những ngày cuối cùng của tháng 4/1975, trước sự thay đổi nhanh chóng của tình hình chiến trường, trước sức tiến công áp đảo của Quân giải phóng, nội bộ chính quyền, quân đội Sài Gòn tiếp tục có sự phân hóa mạnh mẽ. Nắm vững thời cơ, 17 giờ ngày 26/4/1975, các lực lượng của ta trên tất cả 5 hướng là: Tây Bắc, Bắc và Đông Bắc, Đông và Đông Nam, Tây và Tây Nam, vùng ven và nội thành Sài Gòn đồng loạt nổ súng tiến công Sài Gòn, mở màn Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, Quân ủy và Bộ Chỉ huy miền Nam đã gửi thư động viên toàn thể cán bộ và chiến sĩ:

“Trận quyết chiến chiến lược lịch sử giành thắng lợi cuối cùng của dân tộc bắt đầu. Toàn thể các đơn vị lực lượng vũ trang giải phóng có trách nhiệm dốc toàn lực tiến công, giải phóng quê hương, khu căn cứ của mình đồng thời có trách nhiệm phối hợp chặt tạo điều kiện cho mặt trận Sài Gòn - Gia Ðịnh giành thắng lợi hoàn toàn”.

cdnphoto.dantri.com.vn-l8n7hdqrmlfiqzzypnzzhnk56bu-2021-04-28-_nvq-7211-copy-1619583771014.jpg
Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh - trưng bày tại Bảo tàng Chiến dịch Hồ Chí Minh

Từ hướng Đông và Đông Nam, lực lượng bộ binh, xe tăng của thê đội 1 (Quân đoàn 2) tiến công cụm phòng thủ của địch. Sư đoàn 325 tiến đánh chi khu Long Thành, diệt 3 tiểu đoàn của địch, sau đó vượt đường 15 giải phóng Phước Tường, bao vây Long Tân. Sư đoàn 3 Quân khu 5 trong đội hình Quân đoàn 2 đánh chiếm quận lỵ Đức Thạnh, thị xã Bà Rịa và phối hợp với bộ đội chủ lực, lực lượng vũ trang địa phương giải phóng các huyện Xuyên Mộc, Long Lễ, Long Điền, Đất Đỏ. Sư đoàn 304 tiến công căn cứ Nước Trong. Sư đoàn 341 tiến công khu phòng ngự địch ở chi khu Trảng Bom. Hướng Tây và Tây Nam, Sư đoàn 5 (Đoàn 232), Sư đoàn 8 (Quân khu 8) cắt đứt đường 4 từ cầu Bến Lức đến ngã ba Trung Lương và từ Cai Lậy đến An Hữu chặn các Sư đoàn 7, 9 và 22 ngụy.

thiet-ke-chua-co-ten.png
Bản đồ diễn biến chiến dịch Hồ Chí Minh.

Hướng Bắc và Đông Bắc, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) phối hợp với bộ đội địa phương tiêu diệt một số trận địa pháo địch, làm chủ đoạn đường số 16, bao vây căn cứ Phú Lợi, chiếm khu phía Bắc thị xã Thủ Dầu Một, chặn Sư đoàn 5 ngụy không cho về Sài Gòn.

Hướng Tây Bắc, Quân đoàn 3 tập trung hỏa lực pháo binh diệt 11 trong số 18 trận địa pháo địch. Sư đoàn 316 dùng một bộ phận ép sát các căn cứ Trà Vồ, Bến Mưởng, Cẩm Giàng cắt đường 1 và 22, chặn đường rút của Sư đoàn 25 ngụy về Đồng Dù.

Các lực lượng ở vùng ven và nội thành Sài Gòn tổ chức đánh phá các sân bay, bến tàu, kho tàng, trận địa pháo địch, phát động quần chúng nổi dậy, diệt đồn bốt nhỏ, mở rộng địa bàn đứng chân, đánh chiếm và giữ trước các cầu.

hat-xam-4.png

Từ hướng Đông và Đông Nam, Sư đoàn 304 (Quân đoàn 2) tổ chức nhiều đợt phản kích địch; tiến công vào Trường Thiết giáp và căn cứ Nước Trong nhưng chưa dứt điểm được. 10 giờ ngày 27/4/1975, Sư đoàn 341 (Quân đoàn 2) hoàn toàn làm chủ chi khu Trảng Bom do Sư đoàn 18 bộ binh và Trung đoàn 5 thiết giáp ngụy chiếm giữ.

Trong ngày 27/4/1975, địch đã sử dụng 114 lần chiếc máy bay các loại bắn phá dữ dội vào đội hình tiến công của Quân đoàn 2. Lực lượng Quân đoàn 2 đã bắn trả quyết liệt và bắn rơi 7 chiếc.

xam-3.png

Hướng Bắc, Sư đoàn 312 (Quân đoàn 1) nổ súng tiến công cứ điểm Bình Cơ và Bình Mỹ. Địch chống trả quyết liệt. Đến 18 giờ cùng ngày, ta làm chủ 2 căn cứ này, mở thông đường 16, tạo điều kiện đưa Sư đoàn 312 vào triển khai ở phía Bắc cầu út Thơ.

Hướng Tây Bắc, Sư đoàn 316 (Quân đoàn 3) đánh bại các cuộc phản kích lớn của địch ở Phước Mỹ và phía Nam chi khu Trảng Bàng. Sư đoàn 320A đánh chiếm bàn đạp tiến công chuẩn bị tiến đánh Đồng Dù. Sư đoàn 10 chuẩn bị thọc sâu vào Sài Gòn.

img_6306.jpg
Sơ đồ vị trí các trận đánh của Trung đoàn Đặc công 113 (trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4 năm 1975)

Bộ đội đặc công và Trung đoàn Gia Định chiếm và giữ đường bao quanh Sài Gòn. Được nhân dân và các lực lượng vũ trang tại chỗ hết lòng giúp đỡ, phối hợp chiến đấu, Trung đoàn 113 đặc công đánh cầu Rạch Chiếc, Rạch Cát. Trung đoàn 115 đặc công cùng một tiểu đoàn của Trung đoàn Gia Định chiếm cầu Bình Phước tới Quán Tre. Trung đoàn 116 chiếm cầu xa lộ Biên Hòa. Bộ đội đặc công đã đánh lui hàng chục đợt phản kích của địch, bảo vệ được cầu, đón các binh đoàn đánh vào nội thành.

Hướng Tây và Tây Nam, Sư đoàn 3 (Đoàn 232) tiến công đánh chiếm đầu cầu khu vực An Ninh - Lộc Giang, sau đó vượt sông Vàm Cỏ Đông áp sát địch. Sư đoàn 5 cắt hoàn toàn quốc lộ 4 từ Bến Lức đến Tân An. Sư đoàn 8 cắt hoàn toàn quốc lộ 4 từ đoàn Trung Lương - Tấn Hiệp - Long Định.

hat-xam(1).png

Ngày 28/4/1975, các hướng của ta tăng cường vây ép Sài Gòn, phá vỡ các khu phòng thủ vòng ngoài của đối phương, ngăn chặn không cho các sư đoàn chủ lực của đối phương co cụm về vùng ven nội thành.

Từ hướng Đông, mũi Sư đoàn 325, Trung đoàn 46 dẫn đầu đội hình tiến quân theo đường 25, tiêu diệt các cụm phòng ngự ở Bến Sáng, Phú Hội, Long Tân, làm chủ quận lỵ Nhơn Trạch vào chiều 28/4, đánh bại các đợt phản kích, tạo điều kiện cho pháo binh quân giải phóng chiếm lĩnh trận địa bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất. Hướng Đông - Nam, Sư đoàn 341 thuộc Quân đoàn 4 tiến công Hố Nai, bị địch ngăn chặn quyết liệt phải dừng lại tổ chức đột phá.

Ở hướng Bắc, chiều 28/4, một bộ phận Trung đoàn 27 thuộc Sư đoàn 320B làm chủ đoạn đường từ dốc Bà Nghĩa về Bình Cơ, tiến về Lái Thiêu rồi về đứng chân tại bắc Bình Chuẩn 7km, lực lượng vũ trang Thủ Dầu Một phối hợp giải phóng tây nam Bến Cát, tây nam Tân Uyên. Trong lúc đó, Sư đoàn 312 bao vây Phú Lợi, chốt đường 13, chặn Sư đoàn 5 địch.

xam-4.png

Hướng Tây và Tây Nam, pháo binh chiến dịch ở Hiếu Liêm bắn phá làm tê liệt sân bay Biên Hòa, sở chỉ huy Quân đoàn 3 địch phải chuyển về Gò Vấp.

Hướng Tây Bắc, một bộ phận của Sư đoàn 316 tiến công và chốt trên lộ 22 đoạn Bàu Nâu - Trà Võ, bao vây Trà Võ. Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn 316 cắt lộ 1 đoạn Phước Mỹ - Trảng Bàng, diệt các chốt địch ở Trung Hưng, Suối Cao, Bố Heo, chặn Tiểu đoàn 25 của địch, chế áp các trận địa pháo, bức hàng Tiểu đoàn l thuộc Trung đoàn 50 của địch và cùng lực lượng vũ trang Tây Ninh giải phóng nhiều vùng nông thôn.

Khí thế quần chúng mỗi lúc càng mạnh mẽ. Nhiều cờ, truyền đơn, áp phích cổ vũ khí thế nổi dậy xuất hiện trên nhiều đường phố, trong các xóm lao động, kêu gọi binh sĩ Sài Gòn hãy thức thời trong giờ phút quyết định, lập công với cách mạng.

hat-xam-3(1).png

Đúng 0 giờ ngày 29/4/1975, các binh đoàn chủ lực hùng mạnh của ta từ nhiều hướng đồng loạt tổng công kích vào Sài Gòn - sào huyệt cuối cùng của địch. Với ưu thế áp đảo, quân giải phóng ào ạt tiến công, vừa bao vây tiêu diệt địch ở vòng ngoài, vừa thần tốc, táo bạo thọc sâu đánh chiếm các mục tiêu quan trọng ở nội thành.

Trên hướng Đông của Quân đoàn 4, trước sức tiến công liên tục, quyết liệt, áp đảo cả về xung lực, hỏa lực của ta nên rạng sáng ngày 29/4, địch phải di chuyển máy bay ở sân bay Biên Hòa về sân bay Tân Sơn Nhất, rút sở chỉ huy quân đoàn 3 về Gò Vấp, Sài Gòn.

Trên hướng tiến công chủ yếu Tây Bắc do Quân đoàn 3 đảm nhiệm, rạng sáng ngày 29/4, được sự phối hợp của lực lượng vũ trang tỉnh Tây Ninh, Sư đoàn Bộ binh 316 tập trung tiến công tiêu diệt và làm tan rã toàn bộ 2 trung đoàn 46, 49 (thiếu), 1 chiến đoàn thiết giáp thuộc sư đoàn bộ binh 25 địch, làm chủ Chi khu Trảng Bàng, giải phóng khu vực Gò Dầu Hạ đến giáp Củ Chi.

Trên khu vực địa đạo Củ Chi, Sư đoàn Bộ binh 320A sau một đêm hành quân tiềm nhập trận địa, 5 giờ 30 phút sáng ngày 29/4, bất ngờ nổ súng tiến công căn cứ Đồng Dù - nơi đặt sở chỉ huy cơ bản của sư đoàn bộ binh 25 của địch.

xam(1).png

Chuẩn tướng Lý Tòng Bá - sư đoàn trưởng sư đoàn bộ binh 25 huy động toàn bộ lực lượng hiện có trong căn cứ gồm 2 tiểu đoàn bộ binh, 3 chi đoàn thiết giáp và các tiểu đoàn huấn luyện, pháo binh, công binh, trinh sát..., quân số khoảng 3.000 tên được xe tăng ẩn sau bờ tường đất chi viện, chống trả ta quyết liệt.

Bộ tư lệnh Sư đoàn Bộ binh 320A lệnh cho Trung đoàn 48 đưa lực lượng dự bị gồm Tiểu đoàn 2 và đại đội xe tăng vào đột phá theo cửa mở Tiểu đoàn 1, chiếm khu công binh, trường huấn luyện, lập bàn đạp đột phá sở chỉ huy sư đoàn địch. Một bộ phận lực lượng bộ binh có xe tăng yểm trợ, đã đột phá mãnh liệt, vượt qua cửa mở.

Chớp thời cơ, hai Tiểu đoàn 1 và 3 cùng bật dậy, phát triển ra hai bên rồi nhằm hướng cột ăngten lớn đánh tới. Sau hơn 1 giờ đột phá qua các cụm chốt trong căn cứ đối phương, Trung đoàn 48 và một bộ phận của Trung đoàn 9 đã làm chủ sở chỉ huy sư đoàn 25. Chuẩn tướng Lý Tòng Bá và cấp dưới cải trang chạy ra rừng cao su Bắc Hà lẩn trốn, tại đó, đã bị du kích Củ Chi bắt sống. 11 giờ ngày 29/4, Sư đoàn Bộ binh 320A hoàn toàn làm chủ căn cứ Đồng Dù, mở toang cánh cửa Tây Bắc nội đô Sài Gòn.

Việc căn cứ Đồng Dù bị đánh chiếm đã tạo thêm điều kiện cho Sư đoàn Bộ binh 316 chuyển từ vây ép sang phản kích, tiêu diệt phần lớn các cụm quân địch trên tuyến phòng thủ vòng ngoài từ Củ Chi qua Gò Dầu, tạo thời cơ hết sức thuận lợi cho Sư đoàn Bộ binh 10 và lực lượng tăng cường (gồm Trung đoàn 64, Sư đoàn Bộ binh 320A, Trung đoàn Đặc công 198, các tiểu đoàn pháo binh, công binh) trên hướng thọc sâu phát triển đánh chiếm các mục tiêu vùng ven, áp sát bàn đạp tiến công sâu vào nội đô.

Hướng Bắc do Quân đoàn 1 đảm nhiệm, đêm 28 rạng ngày 29/4, sau khi đánh chiếm xong Tân Uyên (một mục tiêu nằm ngoài dự định của lực lượng thọc sâu), Sư đoàn 320B cho Trung đoàn 27 hành tiến theo trục đường Tân Uyên - Búng vào thẳng Lái Thiêu; Trung đoàn 48 tiến theo trục Ông Lĩnh - Khánh Vân vào phía đông Lái Thiêu.

Với phương châm “gạt địch ra mà tiến” cho kịp thời gian quy định của chiến dịch, suốt quãng đường từ nam Tân Uyên vào Lái Thiêu, các lực lượng thọc sâu bỏ qua những mục tiêu không cần thiết. Tuy vậy, trên quãng đường hành tiến gần 60km đó, lực lượng thọc sâu vẫn phải chiến đấu mở đường, đập tan các hành động chặn cắt của các tiểu đoàn bảo an 321, 346, 317... Nhiều trận đánh ác liệt đã diễn ra ở ngã ba Bình Chuẩn, ngã ba Thuận Giáo, Búng, Tân Hiệp... Có trận, hàng chục cán bộ, chiến sĩ ta đã thương vong.

Từ mọi hướng, các cánh quân chủ lực tiến công vào Sài Gòn. (Ảnh: Tư liệu)

Trên hướng Tây và Tây Nam, đêm ngày 29/4, Trung đoàn 3, Sư đoàn 9 tiến vào triển khai đội hình ở khu vực Bà Lác - tuyến đê Đại Hàn, cách bắc Bà Hom 2km. Trung đoàn 28, Trung đoàn 24, Tiểu đoàn Bộ binh tỉnh Long An mở rộng địa bàn đứng chân lên phía Cần Giuộc, Hưng Long, chuẩn bị thọc sâu vào Nam Sài Gòn.

Trên hướng tiến công quan trọng Đông - Đông Nam, trưa ngày 29/4, nhận được chỉ thị của Thường trực Quân ủy Trung ương và Bộ Tư lệnh chiến dịch đã mật lệnh cho Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4 “tiến công vào nội đô Sài Gòn” từ 16 giờ ngày 29/4/1975 (sớm hơn 12 giờ so với các hướng khác). Chấp hành mệnh lệnh, Bộ tư lệnh Quân đoàn 4 và Bộ tư lệnh Quân đoàn 2 tổ chức thực hiện ngay.

xam-2.png

Mặc dù phải cơ động chiến đấu trên địa hình sông rạch, sình lầy nhiều, nhưng sau ba ngày đêm tiến công địch, các đơn vị tác chiến trên hướng Tây – Tây Nam đã hoàn thành cơ bản nhiệm vụ được giao, đánh chiếm tuyến Hậu Nghĩa - Vàm Cỏ Đông; đưa toàn bộ lực lượng, binh khí kỹ thuật của đội hình thọc sâu vào áp sát nội đô, sẵn sàng tiến công vào sào huyệt địch.

hat-xam(2).png

Thực hiện mệnh lệnh của Bộ Tư lệnh chiến dịch, đêm 29, rạng sáng ngày 30/4/1975, các binh đoàn chủ lực trên từng hướng đồng loạt tiến công vào nội đô, đánh chiếm các mục tiêu then chốt của chiến dịch.

Mở màn trận đột phá cuối cùng vào sào huyệt địch, trận địa pháo tầm xa đặt ở khu vực Nhơn Trạch (hướng Đông), Củ Chi, Hóc Môn (hướng Tây Bắc) bắn phá dữ dội sân bay Tân Sơn Nhất, bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn. Sân bay Tân Sơn Nhất nhanh chóng bị tê liệt, một nửa số máy bay trên sân bay bị trúng đạn. Cùng lúc đó, quân ta bắt đầu ào ạt tiến công.

Hướng tiến công từ Tây Bắc, 5 giờ ngày 30/4, Quân đoàn 3 với lực lượng đột kích thọc sâu chủ yếu là Sư đoàn 10 tăng cường, từ bàn đạp dọc đường số 1 (phía bắc ngã ba Bà Quẹo), được pháo binh chiến dịch và pháo quân đoàn chi viện bắn phá liên tục vào sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu quân đội Sài Gòn, Bộ tư lệnh quân dù, Bộ tư lệnh thiết giáp, Bộ tư lệnh không quân..., đã đồng loạt hành quân tiến bằng cơ giới hướng vào sân bay Tân Sơn Nhất và Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.

Lực lượng xe tăng Sư đoàn 10 (Quân đoàn 3) được nữ chiến sĩ biệt động Nguyễn Trung Kiên (Cao Thị Nhíp) dẫn đường, đánh chiếm sân bay Tân Sơn Nhất, ngày 30/4/1975. (Ảnh: Tư liệu/TTXVN)

Sau khi tiêu diệt quân địch cố thủ ngã tư Bảy Hiền, đội hình thọc sâu Sư đoàn 10 tiếp tục phát triển. Đến trưa 30/4, Trung đoàn 24 (Sư đoàn 10) đã làm chủ hoàn toàn sân bay Tân Sơn Nhất, Trung đoàn 28 (Sư đoàn 10) làm chủ Bộ tổng tham mưu quân đội Sài Gòn.

Trên hướng Bắc Sài Gòn do Quân đoàn 1 đảm nhận, suốt đêm 29 rạng sáng ngày 30/4, theo chỉ thị của Bộ tư lệnh Quân đoàn, Sư đoàn 312 cho Trung đoàn 209, Trung đoàn 141, các đơn vị binh chủng kỹ thuật tăng cường, được 1 tiểu đoàn bộ đội địa phương hỗ trợ, thực hiện bao vây, ngăn chặn Sư đoàn bộ binh 5 (thiếu 1 trung đoàn) quân đội Sài Gòn ở cụm cứ điểm Lai Khê. Gần trưa ngày 30/4, địch ở cứ điểm Lai Khê kéo cờ trắng ra hàng.

Ở hướng Tây Nam, đêm ngày 29/4, lực lượng đột kích chủ yếu của Đoàn 232 do Sư đoàn 9 đảm nhiệm tiến vào nội thành Sài Gòn theo ba trục chính. 10 giờ 30 phút, ngày 30/4, sau khi tiêu diệt các trung đoàn đối phương cản đường, lực lượng thọc sâu Sư đoàn 9 (chủ yếu là Trung đoàn 1 và Trung đoàn 2) đã vây chặt biệt khu Thủ đô. Không còn đường thoát, tướng Lâm Văn Phát, tư lệnh biệt khu Thủ đô đã dẫn thuộc cấp ra đầu hàng và kêu gọi sĩ quan, binh lính thuộc quyền hạ vũ khí.

xam.png

9 giờ cùng ngày, lực lượng đi đầu binh đoàn đột kích thọc sâu của Quân đoàn 2 tiếp tục vượt cầu Sài Gòn, tiến về phía Dinh Độc Lập. Tại phía nam cầu, Phó tư lệnh Quân đoàn 2 chỉ thị cho cán bộ Lữ đoàn xe tăng 203 điều chỉnh Tiểu đoàn 2 thiết giáp dàn đội hình, giữ cự ly, bám Tiểu đoàn 1 xe tăng đi đầu; chỉ thị cho Ban chỉ huy tiền phương Trung đoàn 66 do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ phụ trách chỉ huy cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 7 bám sát đội hình xe tăng tiến vào Dinh Độc Lập, Tiểu đoàn 8 tiến vào đánh chiếm Đài phát thanh.

hnm.1cdn.vn-2015-04-29-_hanoimoi.com.vn-uploads-duchai-2015-4-29-_aa3.jpg
Các xe tăng số 390 (trái) và số 843 (phải) của Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975. (Ảnh do nữ phóng viên nhiếp ảnh chiến trường người Pháp Francoise Demulder chụp)

Vượt qua sự chống trả quyết liệt ở cầu Thị Nghè, lực lượng thọc sâu cơ động dọc theo tường rào Thảo Cầm Viên. Tiểu đoàn 1 xe tăng do Đại đội 4 dẫn đầu, tiếp cận cổng chính Dinh Độc Lập. Xe tăng đi đầu mang số hiệu 843 do Đại đội trưởng Bùi Quang Thận chỉ huy quay nòng pháo, nhấn ga, húc vào cánh cổng bên trái (từ ngoài vào). Do đột ngột gặp sức cản lớn nên xe chết máy. Chiếc xe tăng mang số hiệu 390 do Chính trị viên Vũ Đăng Toàn chỉ huy đi sau vượt lên, lao vào húc đổ cánh cổng chính cửa Dinh Độc Lập.

Cùng lúc đó, một số cán bộ, chiến sĩ Trung đoàn 66 do Trung đoàn phó Phạm Xuân Thệ chỉ huy tiến vào Dinh Độc Lập, nhanh chóng vào phòng Khánh tiết. Tổng thống Dương Văn Minh và các thành viên nội các chính quyền Sài Gòn đầu hàng. Các đồng chí Trung đoàn 66 đưa Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu sang Đài phát thanh Sài Gòn đọc lời tuyên bố đầu hàng không điều kiện Quân giải phóng. Phối hợp với các hướng tiến công dũng mãnh của Quân giải phóng, các tầng lớp quần chúng nhân dân nhiều nơi trong nội đô, được các tổ võ trang công tác của Khu và Thành ủy hướng dẫn, đã nổi dậy chiếm công sở, kêu gọi chính quyền địch đầu hàng, bảo vệ an toàn cơ sở chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội.

Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. (Ảnh: Tư liệu)

Ngày 30/4/1975, đại thắng mùa Xuân đã làm thất bại hoàn toàn cuộc chiến tranh xâm lược và ách thống trị thực dân mới của đế quốc Mỹ ở miền Nam, giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc vẻ vang cuộc chiến tranh cứu nước lâu dài nhất, khó khăn nhất và vĩ đại nhất trong lịch sử chống ngoại xâm của nhân dân ta.

Năm tháng sẽ trôi qua nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc.Nhân dân Việt Nam đã làm nên câu chuyện thần kì tưởng chừng không thể làm được giữa thế kỷ XX. Lần đầu tiên trong lịch sử, một dân tộc vốn là thuộc địa, nửa phong kiến, kinh tế kém phát triển, đánh thắng những cường quốc, đế quốc chủ nghĩa chủ yếu bằng sức của chính mình, nêu một tấm gương anh dũng, bất khuất, trí tuệ, tài năng trước toàn thế giới.

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IV tháng 12/1976

Thiết kế & Nội dung: Tô Ngọc Oanh

29/04/2024 06:24

Bài liên quan
  • Bài cuối: Để Xẩm Hà Nội phát huy “trọn vẹn” giá trị
    Trong dòng chảy từ quá khứ đến hiện tại, Xẩm Hà Nội đã và đang được phục hồi, kế thừa và phát triển. Tuy nhiên, để thực sự phát huy “trọn vẹn” giá trị của xẩm Hà Nội một cách lâu dài và bền bỉ trong nhịp sống hiện đại thì vẫn còn nhiều khó khăn và thách thức.
(0) Bình luận
  • Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả
    Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã có bài viết “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” với những yêu cầu, giải pháp cấp bách thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị. Bài viết của Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhận được sự quan tâm và đồng tình của các cán bộ, đảng viên trên khắp cả nước, kỳ vọng chủ trương của Đảng và sự quyết liệt của người đứng đầu trong thực hiện sẽ làm bộ máy thực sự tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
  • Cột cờ Hà Nội: Chứng nhân lịch sử ngày tiếp quản Thủ đô
    Nằm trong khuôn viên của Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam trên đường Điện Biên Phủ, quận Ba Đình, Hà Nội, Cột cờ Hà Nội là di tích lịch sử thời Nguyễn còn tương đối nguyên vẹn nhất trong khu vực Hoàng thành Thăng Long kể từ đầu thế kỷ XIX đến nay. Nơi đây, đúng vào ngày 10/10/1954, lần đầu tiên lá cờ đỏ sao vàng của nước Việt Nam độc lập được kéo lên đỉnh Cột cờ, tung bay trên bầu trời Hà Nội.
  • Dấu son ngoại giao văn hóa Thăng Long – Hà Nội
    Hà Nội với vị thế là Thủ đô – trái tim của Việt Nam, đã thể hiện được vai trò đầu tàu, dẫn dắt trong hầu hết các lĩnh vực kể từ khi thành lập nước (2/9/1945), đến ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954), tới ngày thống nhất non sông (1975) và hiện tại. Trong đó, Hà Nội đạt được nhiều thành tựu nổi bật về ngoại giao, nhất là ngoại giao văn hóa, trở thành điểm sáng và hình mẫu của cả nước.
  • Chờ đợi sự bứt phá và sáng tạo
    Xây dựng Thủ đô thời kỳ đổi mới là một trong số những đề tài đã được các tác giả phản ánh trong nhiều tác phẩm mỹ thuật đương đại. Là một đề tài mũi nhọn, được nhiều công chúng và giới chuyên môn kỳ vọng, nhưng thực tế mảng sáng tác này vẫn còn “thiếu” và “yếu” đòi hỏi cần có sự dấn thân, đột phá và sáng tạo của cá nhân mỗi nghệ sĩ.
  • Góc nhìn lịch sử mới mẻ, lãng mạn và hào hoa
    Sau gần 3 tháng phát động, Cuộc thi Sáng tác tranh cổ động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) đã khép lại với Lễ trao giải thưởng và khai mạc triển lãm được tổ chức tại Nhà triển lãm 45 Tràng Tiền, Hà Nội (từ 10/8 đến 31/8). Những tác phẩm được giới thiệu tại triển lãm góp phần tuyên truyền đậm nét về mốc son và ý nghĩa của Ngày Giải phóng Thủ đô, đồng thời mang đến những góc nhìn mới mẻ về lịch sử hào hùng của Thành phố nghìn năm văn hiến.
  • Kỷ niệm về bức bích họa chào mừng Ngày Giải phóng Thủ đô
    Tháng 10 năm 1978, học xong chương trình cao học ở Sophia, nước CHND Bungari, chuyên khoa tranh hoành tráng, tôi về làm việc ở Xưởng Mỹ thuật Quốc gia - nơi tập trung các họa sĩ có tên tuổi để sáng tác và thực hiện những bức tranh và những bức tượng đài có tầm vóc lớn cả về nội dung tư tưởng và hình thức mà các họa sĩ đơn lẻ không thể thực hiện được.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
[Emagzine] Chiến dịch Hồ Chí Minh: Năm ngày làm nên “lịch sử”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO