Đình Vòng (quận Thanh Xuân)
Đình Vòng còn gọi là đình Hạ Đình, hiện mang biển số nhà 322 đường Khương Đình, phường Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội.
Theo các tư liệu hiện còn, niên đại ra đời của đình Vòng có thể xác định vào thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVI).
Sở dĩ có tên gọi đình Vòng vì đình được xây dựng trên trục đường bắc - nam. Trước cửa đình có 2 trụ đá khắc hai chữ “hạ mã”, người ngồi trong kiệu, xe muốn đi qua cửa đình phải xuống ngựa, xuống xe đi vòng quanh hồ bán nguyệt, hoặc đi vòng phía sau đình.
Quy mô kiến trúc của đình khá lớn. Hai bên Phương đình là hai dãy dải vũ 3 gian, trang trí đơn giản. Đại đình 5 gian 2 chái, chạm khắc rồng mây, hoa lá. Đình còn bảo lưu được nhiều di vật quý thời Lê Trung hưng và Nguyễn. Đáng chú ý là 8 đạo sắc phong của triều đình nhà Nguyễn sớm nhất là sắc năm 1847, muộn nhất là năm 1924; kiệu bát cống, hệ thống bia đá, lư đồng...
Đình Vòng là nơi vua Lê Chiêu Tông chạy loạn Mạc Đăng Dung (năm 1522) đến tạm trú và được dân làng đón rước, dâng lễ vật. Đình thờ hai vị thiên thần làm thành hoàng là Cương Lược đại vương và Hùng Lược đại vương ở thời Hùng Vương thứ 18 đã có nhiều công lao giúp vua chống giặc. Ngoài ra, đình còn phối thờ 9 vị quan người làng Hạ Đình đã có nhiều công lao với dân với nước. Đó là các vị tiến sĩ: Lê Đình Dự, Lê Đình Lại, Lê Hoàng Tuyên, Nguyễn Khuê, Hoàng giáp Trương Thời, Lê Đình Diên; phó bảng Lê Đình Xán; cử nhân Nguyễn Đình Kỳ và Nguyễn Khắc Chuẩn.
Đình Vòng là cơ sở hoạt động cách mạng, là nơi tiễn đưa con em của dân làng nhập ngũ. Qua sự biến động của lịch sử và thời gian, đình đã bị xuống cấp nặng nề. Năm 1992, dân làng đã góp công của tu tạo lại ngôi đình. Ngày 18/1/1993, người dân Hạ Đình được vinh dự đón nhận bằng công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật của Bộ Văn hoá và Thông tin, đồng thời khôi phục việc tổ chức lễ hội đình Vòng sau hơn 40 năm gián đoạn.
Lễ hội đình Vòng được tổ chức từ ngày mùng 1 đến 4 tháng hai âm lịch để tưởng nhớ và tỏ lòng biết ơn các vị thành hoàng làng. Ngày mùng 1 tháng hai mở cửa đình, rước bát hương từ nghè về đình (nghè ở phía sau đình, cách khoảng 300 mét), ngày chính hội (2 tháng 2) có tế nam, dâng hương, rước cỗ. Buổi tối có hát ca trù, quan họ, và các trò chơi dân gian. Đến chiều mùng 4, rước bát hương về nghè./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02