Đền Văn Quán (huyện Mê Linh)
Đền Văn Quán thuộc thôn Văn Quán, xã Văn Khê, huyện Mê Linh, thành phố Hà Nội.
Theo thần tích, đền Văn Quán thờ Ả Lã công chúa, người đã có công giúp Hai Bà Trưng đánh giặc giữ nước trong những năm đầu Công nguyên. Đền Văn Quán được xây dựng theo hướng nam - tây nam. Trước đền có sân, vườn rộng với nhiều cây cối sum sê tạo vẻ đẹp cổ kính, thâm nghiêm; bên trái bên phải và sau đều là khu dân cư đông đúc.
Hiện nay, đền Văn Quán chỉ còn phần Hậu cung. Hậu cung của đền được chia làm hai phần: phần ngoài dài 12,9m, rộng 2,05m; có 4 cột trụ.
Tiếp giáp giữa phần ngoài và phần trong Hậu cung có 3 cửa ra vào được nâng cao hơn so với mặt nền. Phần trong Hậu cung là 4 gian dài 10,3m, rộng 6,3m được thiết kế tương đối cân xứng bởi 10 cột, mỗi bên 5 cột tạo thành hình chữ nhật. Bờ nóc Hậu cung, hai bên nóc được đắp bằng vôi vữa đầu rồng mình thú, đầu hướng vào giữa mái, ở giữa bờ nóc có một ô hình chữ nhật trong được đắp 2 con rồng chầu mặt nguyệt thân hình uốn lượn, móng sắc và có điểm xuyết vân mây, hoa lá.
Tuy nay chỉ còn phần Hậu cung, song điêu khắc ở Hậu cung đền Văn Quán thể hiện giá trị nghệ thuật rất cao. Tất cả các kẻ, con rường,... được chạm trổ công phu, tỉ mỉ, đề tài trang trí phong phú, sinh động.
Đền Văn Quán còn có một số di vật cổ độc đáo, đặc biệt là di vật bằng đồng và di vật là các đồ thờ bằng gỗ được chạm trổ công phu, tỉ mỉ, những đường nét chạm trổ tạo nên sự hài hoà, tinh tế phản ánh thành quả lao động đầy tính sáng tạo, khả năng tư duy và đôi bàn tay khéo léo của các nghệ nhân thuở trước.
Sau này, đời vua Đinh Tiên Hoàng tặng phong là Ả Lã Nàng Đê công chúa, gia tặng Tuệ Tĩnh phu nhân; vua Trần Thái Tông ban cho mỹ hiệu là: Diệu Quang Linh Ứng. Đến đời vua Lê Thái Tổ phong là Nhân Uyển Cương Nghị Anh Linh.
Đền Văn Quán đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2001./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02