Đình Văn Trai (huyện Phú Xuyên)
Đình Văn Trai toạ lạc ở khu vực đầu làng Văn Trai Hạ, thuộc xã Văn Hoàng, huyện Phú Xuyên, Thành phố Hà Nội. Địa danh này trước kia thuộc tổng Lương Xá, huyện Phú Xuyên, phủ Thường Tín, trấn Sơn Nam Thượng.
Đình toạ lạc trên một thửa đất cao kết cấu theo kiểu chữ “công” nhìn theo hướng tây bắc, gồm các hạng mục công trình: Nghi môn, Đại bái, toà ống muống và Hậu cung. Nghi môn đình được xây dựng theo kiểu nghi môn trụ biểu với 2 bên lối đi chính là 2 trụ biểu lớn, lối đi chính này được xây một bức tường lửng chắn bít lối đi. Qua một khoảng sân rộng lát gạch bát là tới toà Đại bái gồm một ngôi nhà ngang 3 gian 2 chái với các mái lợp ngói mũi nhỏ. Hai đầu bờ nóc đắp makara ngậm bờ nóc, chính giữa bờ nóc có trang trí hình mặt nguyệt. Các bộ vì được làm theo kiểu thức khác nhau trên mặt bằng 4 hàng chân cột. Hai bộ vì gian giữa được làm theo kiểu “thượng giá chiêng, hạ cốn, bẩy”. Hai mặt của bức cốn đều được chạm khắc tinh xảo với các đề tài truyền thống như tứ linh, tứ quý mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Nối liền Đại bái và Hậu cung là một toà ống muống với 2 gian nhà chạy dọc, kết cấu 3 bộ vì chịu lực của toàn bộ mái chốn hàng cột cái. Các bộ vì trong toà ống muống được làm kiểu cuốn vòm mai cua. Bộ vì ngoài cùng tiếp giáp với toà Đại bái được bưng ván kín. Hậu cung đình một ngôi nhà ngang đồ sộ gồm 3 gian 2 dĩ. Nhìn từ bên ngoài, bờ nóc Hậu cung đắp bờ đinh, hai đầu hồi trổ ô thoáng, cuối bờ dải xây giật cấp.
Đình Văn Trai thờ vị Thành hoàng làng là đức Trung Thành phả tế Đại vương thời Hùng Vương có nhà họ Hải ở quận Hải Đông, đạo Hải Dương. Hai vợ chồng luôn làm điều phúc đức nên ngày 12/2, bà sinh ra một bọc, nở thành 5 người con trai với dung mạo kỳ vỹ. Bà đặt tên cho các con là Cự Lân, Hồng Lý, Trường, Thạch Khanh và Quý Lân. Thời ấy, thiên hạ xảy ra hạn hán, dân tình trong nước lâm vào cảnh đói khát, nhà vua cho mở khoa thi tuyển chọn nhân tài, 5 anh em cùng về Kinh ứng thi. Vua Hùng Duệ Vương nhận thấy 5 anh em là những nhân tài xuất chúng nên ban tước là Đông Long thái sư, Tây Long thái phó, Nam Long trưởng lệnh, Bắc Long Thái bảo, Thiếu Long. Các ông đã phò vua giúp nước, có nhiều công lao nên khi hoá, nhà vua ra chiếu chỉ lệnh cho nhân dân lập đền thờ và phong mỹ tự Phổ tế Trung thành Đại vương Thượng đẳng phúc thần.
Trải các triều đại Đinh, Lê, Lý, Trần về sau, thần đều tỏ rõ linh thiêng giúp dân cứu nước nên các đời vua đều gia ban mỹ tự và phong sắc để muôn đời mãi mãi phụng thờ.
Hằng năm, lễ hội truyền thống thôn Văn Trai được tổ chức từ ngày 10 đến 16 tháng tám âm lịch.
Đình đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 2005./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02