Đình, miếu Văn Khê (huyện Thanh Oai)
Đình, miếu Văn Khê thuộc địa phận xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai, Hà Nội.
Đình, miếu Văn Khê cách thành phố Hà Nội khoảng 25km về phía tây nam. Tới di tích, ta có thể đi theo lộ trình sau: Từ trung tâm Thành phố Hà Nội theo Quốc lộ 6 đến ngã ba Ba La rẽ trái theo tỉnh lộ 21B, đi tiếp khoảng 10km đến Bình Đà thì rẽ trái theo đường 71 đi Thường Tín khoảng 03km đến Tam Hưng; từ đây đi qua UBND xã theo đường liên thôn là tới thôn Văn Khê, ngôi đình nằm ở đầu làng, còn miếu nằm ở cuối làng.
Đình Văn Khê nhìn về hướng tây nam, kết cấu theo kiểu chữ “nhị” gồm: Đại bái và Hậu cung. Đình toạ lạc trên một nền đất cao, xung quanh được xây tường bảo vệ. Đại bái đình làm theo kiểu nhà ngang 5 gian hai dĩ, tường xây hồi bít đốc. Bờ nóc, bờ chảy đắp bờ đinh, hai đầu bờ nóc đắp hai đấu đinh, cuối bờ chảy xây giật cấp có đắp hia văn bằng vôi vữa. Vào bên trong, tương ứng với 5 gian Đại bái là 6 bộ vì đỡ mái được làm theo hai kiểu khác nhau trên mặt bằng bốn hàng chân cột. Bốn bộ vì giữa được làm kiểu “thượng giá chiêng, rường nách, hạ cốn và bẩy”. Các bức cốn đều được chạm cả hai mặt với tích “long cuốn thuỷ, tứ linh, tứ quý”. Hai bộ vì hồi được làm theo kiểu “thượng ván mê, hạ chồng rường và bẩy hiện, bẩy hậu”. Trên ván mê có chạm mặt hổ phù uy nghiêm với mắt lồi, sừng nai, tai thú, miệng ngậm chữ thọ, xung quanh chạm mây cụm và vân xoắn... Song song với Đại bái là Hậu cung là 3 gian nhà ngang, nhìn bên ngoài tương tự như Đại bái. Vào bên trong, các bộ vì đỡ mái được làm đơn giản theo kiểu “kèo kẻ quá giang”, tiết diện gỗ vuông, chất liệu gỗ tứ thiết, thiên về độ bền chắc tạo không gian làm nơi thờ thành hoàng.
Miếu Văn Khê nhìn theo hướng đông, bao gồm các hạng mục: Nghi môn, Đại bái, Hậu cung. Nghi môn làm theo kiểu các trụ biểu với 1 lối đi chính là 2 trụ biểu đồ sộ. Trên đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, bên dưới đắp các ô lồng đèn, thân trụ là các đôi câu đối bằng chữ Hán có nội dung ca ngợi cảnh quan khu di tích và công đức của vị thần. Từ cổng, qua một lối đi nhỏ tới Đại bái là 5 gian nhà ngang, tường xây hồi bít đốc, hai mái chảy lợp ngói ri cổ, cuối bờ chảy xây giật cấp bằng vôi. Bên dưới là bức tường lửng nối với cột đồng trụ, đỉnh trụ đắp tứ phượng chầu, thân trụ đắp nổi các đôi câu đối chữ Hán, ca ngợi công đức của Thánh Mẫu - người sinh ra thành hoàng làng. Tương ứng với năm gian trong Đại bái là 6 bộ vì đỡ mái được làm theo kiểu “thượng giá chiêng rường nách, hạ kẻ chuyền, xà nách” trên bốn hàng chân cột. Nhìn chung, hoa văn hoạ tiết được làm đơn giản, bào trơn đóng bén, thiên về độ bền chắc, tạo không gian thoáng làm nơi hành lễ trong những ngày lễ hội. Hậu cung miếu Văn Khê được làm theo kiểu tiền đạo hậu đốc. Hai mái đao làm cong vút, đầu đao đắp rồng và hoa lá cách điệu. Vào bên trong, Hậu cung được chia làm hai phần, phần hiện và phần cung cấm. Bộ vì phần hiện được làm theo kiểu “kẻ chuyền, bẩy”.
Đình, miếu Văn Khê thờ nhị vị đại vương là: Hoằng Công và Tề Công làm thành hoàng làng.
Theo truyền thuyết, xưa ở trang Yên Thế, phủ Thiệu Thiên có một gia đình họ Trần, gia thế thanh bạch, đến Văn Khê, thấy vùng đất này rồng bay, hổ phục, đã xin trú ngụ. Thời gian đó ở khu Văn Khê có một gia đình hào trưởng tên là Nguyễn Công Vinh, chiêu hiền, đãi sĩ, cứu người nghèo khổ đã giúp đỡ gia đình họ Trần lưu lại nơi đây mở trường dạy học. Tại đây, bà sinh hạ được hai người con trai có tướng mạo khôi ngô, thông minh đĩnh ngộ hơn hẳn người thường. Đến khi hai con tròn một tuổi, ông bà làm lễ đặt tên. Người thứ nhất là Hoằng Công, người thứ hai là Tề Công. Khi đến tuổi trưởng thành, cũng là lúc giặc Ai Lao sang xâm lược nước ta, hai anh em nghe tin liền hồi kinh thi tài võ nghệ, vua ban phong chức tước cho hai người. Người thứ nhất nắm quyền Chưởng trung hoa tể, người thứ hai làm Chưởng chấn danh. Phong xong, nhà cùng hai ông chỉnh đốn tư trang mặc giáp đeo kiếm dẫn binh tiến đánh giặc Ai Lao, sau khi thắng giặc, hai ông trở về bái vọng cha mẹ, rồi hoá vào ngày 25 tháng 12 âm lịch. Trải các triều, hai ông được vua ban phong mỹ tự: Huy thục đoan trang; Khương dung anh linh tiên; Chiêu hoằng uy dũng; tặng phong Hoàng huynh Thượng đẳng phúc thần đại vương, Quảng tế hùng liệt; tặng phong Hoàng đệ thượng đẳng phúc thần đại vương. Đồng thời vua cho phép khu Văn Khê, huyện Thanh Oai, phủ Ứng Thiên lập ban tế lễ và thờ cúng muôn đời.
Đình, miếu Văn Khê đã được UBND tỉnh Hà Tây xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02