Đình Trung Quan (huyện Gia Lâm)
Đình Trung Quan thuộc thôn Trung Quan xã Văn Đức, huyện Gia Lâm, Thành phố Hà Nội.
Đình Trung Quan là tên gọi theo địa danh làng. Là một ngôi đình cổ có lịch sử tồn tại từ rất lâu đời. Theo các nguồn tư liệu thành văn có trong di tích như thần phả, sắc phong, hoành phi, câu đối và truyền thuyết địa phương cho biết, đình Trung Quan thờ cộng đồng các vị thần: Đông Chinh Tuấn Lương Quan Y Đại vương, Linh Cảm Đại vương. Ngoài ra, còn thờ một số vị thần khác như: Bản Cảnh Thiết Lâm đại thần, Hữu Thắng Đại vương, Vũ Thắng Đại vương, Hồng Lương công chúa và Nguyễn Như Đổ. Trong đó sự hiện diện của Đông Chinh hoàng tử để lại dấu ấn sâu đậm nhất trong tiềm thức của nhân dân địa phương. Đông Chinh vương là hoàng tử thứ 5 của vua Lý Thái Tổ thuở nhỏ thông minh, văn võ song toàn. Thần phả ghi di tích đức thánh cho biết: Năm Thuận Thiên thứ 18 (1028), vương được vua cha cử cầm quân đánh giặc Bắc ở Châu Văn, Lạng Sơn. Quan quân đi qua xã, có các ông họ Nguyễn, họ Đăng, họ Trần đem dân binh phục hai bên đường đón tiếp xin tên huý của hoàng tử để tâu làm bản cảnh thành hoàng làng, làm phúc thần cho muôn đời. Hoàng tử không đồng ý nhưng dân làng vẫn kính cẩn cầu xin, vương thấy họ chân thành bùi ngùi chấp thuận. Vương thương sự nghèo của dân nên dặn rằng: “Nay các ngươi còn nghèo mà làm lễ vào ngày 10/10, đó là ngày sinh của Hoàng vương và cũng là ngày Hoàng vương được thụ phong, hàng năm làm lễ vào ngày đó”. Lại ban cho phẩm vật đem theo khi ra trận là bánh nếp, chè đậu xanh và bánh rán. Đến tháng 2 năm Mậu Thìn, vương thắng trận trở về, xin vua cha ban lộc cho xã Trung Quan. Hoàng đế chiếu ban cho khoảnh ruộng tốt hàng ngàn mẫu, ban cho làm tạo lệ, miễn tô thuế. Năm Thiện Thành thứ 2, nhân khi sứ bộ nhà Tống sang viếng tang Lý Thái Tổ và sắc phong vua mới, Đông Chinh vương đã mời sứ giả xem cho thế đất tốt để thờ cúng muôn đời nhưng tìm được đất tốt lại không đủ tiền xây. Vì dân Trung Quan còn quá nghèo thật đáng thương. Công chúa ngồi bên cạnh xin mang tiền của riêng cấp cho họ để xây miếu. Nhân dân hân hoan, sau khi nhận tiền đã xây miếu thật nghiêm tráng. Thờ công chúa ở bên tả, phối thờ với Đại vương để tỏ lòng thành tâm báo đáp công đức. Sang thời Lê Trung hưng cùng với sự phát triển của kiến trúc đình làng, nhân dân xã Trung Quan đã đóng góp tiền của xây dựng ngôi đình thờ Đông Chinh vương thật lộng lẫy, khang trang.
Đình Trung Quan được xây dựng trên một khu đất cao, rộng và thoáng mát, sát với khu dân cư của làng với nhiều nếp nhà ngang dọc. Ngoài cùng là ao đình, qua một đường gạch nhỏ là sân đình. Phía trong sân là 2 nhà tả vu và hữu vu, nhà bên trái gồm 3 gian, nhà bên phải gồm 4 gian. Tiếp đến là khu kiến trúc chính của đình. Nhà Tiền tế gồm 5 gian, làm theo kiểu nhà 4 mái, bờ nóc đắp hổ phù đội mặt trời lửa, hai bên là hình rồng chầu. Lòng nhà chia làm 2 gian, 2 chái, mặt sau thông với nhà Phương đình. Nhà Phương đình được xây sát sau nhà tiền tế, có kết cấu kiểu chồng diêm 2 tầng 8 mái. Liền sát nhà phía sau nhà Phương đình là nhà Trung tế gồm 7 gian, 2 dĩ, xây kiểu tường hồi bít đốc tay ngai. Hậu cung là một nếp nhà ba gian chạy dọc về phía sau, gian cung cấm phía sau xây theo kiểu chồng diêm. Hai bên cung cấm xây nối ra mỗi bên 2 gian để thờ 2 vị thành hoàng. Bên trái thờ Linh Cảm Đại vương, bên phải thờ Đông Chinh Đại vương.
Hiện nay, đình còn bảo lưu được khối kiến trúc vật chất khá nguyên vẹn và bộ sưu tập di vật phong phú như long ngai bài vị, kiệu rước, câu đối, hoành phi. Đặc biệt là 18 đạo sắc phong có niên đại trải dài từ thời Lê đến thời Nguyễn.
Ngày 13 tháng 2 năm 1996, đình Trung Quan đã được Bộ Văn hoá và Thông tin ra quyết định công nhận là di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02