Đình Thượng Đồng (quận Long Biên)
Đình Thượng Đồng nằm ở ven sông Đuống, bên cạnh chùa Thượng Đồng, thuộc tổ dân phố số 7, phường Phúc Lợi, quận Long Biên. Trước đây nơi này là trang Nông Vụ Thượng, tổng Đặng Xá, huyện Gia Lâm, phủ Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh. Năm 1945, Thượng Đồng thuộc xã kháng chiến có tên gọi là Trường Chinh, sau sáp nhập với Nông Vụ Đông thành thôn Thượng Đồng, xã Hội Xá, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội.
Về lai lịch của vị thành hoàng, bản thần tích ghi rõ: Thời vua Lý Nam Đế, ở Hoằng Hoá, Hải Hoa, châu Hoan (tức Thanh Hoá ngày nay) có ông bà Trịnh Doan và Nguyễn Thị Kim sống hoà thuận với nghề buôn bán đóng bè xuôi ngược các nơi. Ông bà hiếm con nên năng cầu cúng, làm nhiều việc thiện. Quả nhiên phúc đến, bà có mang sau 12 tháng sinh ra một bọc có 3 người con, 2 trai, 1 gái, hôm ấy là ngày 12 tháng 2 âm lịch. Do mệt nhọc mà bà đã mất sau 3 ngày. Vì buồn và cũng là để kiếm kế sinh nhai, ông Trịnh Doan đã mang cả 3 người con xuống thuyền đi buôn bán. Thuyền của ông ngược sông Thiên Đức (tức sông Đuống) đến đoạn gần trang Nông Vụ thì gặp gió to, sóng dữ, ông bị vỡ thuyền nên chết đuối. Ba người con nằm trên ván thuyền dạt vào bờ được nhân dân trong trang vớt về nuôi. Người em gái là Quế Nương về trang Trung, người con thứ ba là Trịnh Trí về trang Hạ, còn người anh cả là Trịnh Chính về trang Thượng. Xác của người cha cũng được vớt về chôn ở phía tây của thôn hiện nay.
Người anh cả Trịnh Chính có tướng mạo kỳ khôi khác người thường; mặt rồng, thân mạnh như hổ, tóc vàng quá gối. Năm họ 13 tuổi, cả 3 anh em ông đều có sức khoẻ phi thường lại thêm tài biến hoá, tiếng tăm lừng lẫy trong thiên hạ. Đến năm 15 tuổi thì nước có giặc đến xâm lăng. Quân giặc đông, lương sẵn, nên đã chiếm cứ nhiều vùng trọng yếu, nhà vua phải thân chinh cầm quân đi dẹp giặc. Vua đi qua sông Thiên Đức, nhớ tới 3 anh em họ Trịnh, liền ghé thuyền vào hỏi, được các bộ lão tàu trình tường tận, vua rất mừng đã cho thu nạp 3 anh em cùng với dân trong trang xung phong tòng quân. Nhà vua giao cho 3 anh em đóng đồn tại thôn Thượng, Trung, Hạ (hiện nay còn dấu tích nơi vua đóng ở châu Giang Biên gọi là Hội đồng cung). Ba anh em dẫn quân xung trận đánh tan quân địch, giết được tướng giặc, quân ta toàn thắng. Tin vui về tới triều đình, vua mở tiệc mừng công và phong thưởng chức cho tướng sĩ. Trịnh Chính được vua phong chức Đệ nhất Tá tước quốc hầu rồi gia phong làm Thượng chỉ gia thần.
Sau lễ mừng công, hai anh em Trịnh Chính, Trịnh Trí được vua sai đi tuần thú. Khi về đến đoạn sông Thiên Đức cạnh trang Nông Vụ trời bỗng nổi mưa to, gió lớn, sấm sét dữ dội, hai anh em ông cùng vào Thượng đồn. Mây mưa tạnh, nhân dân lấy làm lạ kéo đến Thượng đồn đã thấy hai người đã hoá rồi, hôm đó là ngày 15 tháng 7 âm lịch. Quốc Nương nghe tin liền đến thăm viếng, rồi cũng tự vẫn theo. Nhân dân bèn tâu vua, vua vô cùng thương xót cho chôn cất ba anh em theo nghi lễ bề tôi có công lớn đối với đất nước. Trịnh Chính được vua cho lập đền thờ tại trang Thượng (tức Thượng Đồng). Vua còn phong thêm cho ông làm Đương cảnh Thành hoàng Tá quốc Hùng uy Dự hoà Bảo chính Thượng đẳng phúc thần. Hai người em cũng được lập đền thờ ở trang Trung và trang Hạ. Trong 9 bề tôi khai quốc công thần thì chỉ có một mình Trịnh Chính được phong là Đại vương.
Các đời vua tiếp theo đều phong tặng sắc cho Trịnh Chính và hai em của ông là Thượng đẳng phúc thần. Dân làng cứ theo lệ mà thờ cúng đến ngày nay.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, gốc cũ của ngôi đình hiện nay không còn nữa. Nhiều năm trước dân làng đã rước ngai thờ Thành hoàng cùng di vật ở đình về thờ tại chùa Thượng Đồng trong một mô hình tín ngưỡng tiền Thần hậu Phật rất nghiêm trang. Năm 2000, nhân dân địa phương đã hằng tâm, hằng sản dựng lên ngôi đình nhỏ kiểu chữ “đinh” gồm 1 gian 2 chái, có Hậu cung 2 gian, mái lợp ngói mũi hài nằm bên phải chùa và đã được dân rước ngai thờ cùng di vật về yên vị tại đây.
Đình Thượng Đồng hiện còn bảo lưu được nhiều di vật phong phú về loại hình, đa dạng về chất liệu, có giá trị nhiều mặt, đó là 9 đạo sắc phong, sắc sớm nhất có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 28 (1767), 2 sắc quý thời Quang Trung thứ 4 (1791) và Cảnh Thịnh thứ 2 (1784). Hai ngai thờ và 3 bài vị sơn son thếp vàng chạm khắc cầu kỳ, một tượng Thành hoàng làng oai phong mang dáng võ tướng ngồi trên ngai, vai vuông mắt nhìn thẳng, tay trái úp gối, tay phải cầm hốt, đầu đội mũ cánh chuồn, thân khoác chiến bào; trên áo có chạm nổi hình long, phượng, hổ phù... Tất cả đều mang phong cách nghệ thuật tạc tượng thế kỷ XIX, XX.
Cụm di tích đình - chùa Thượng Đồng đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02