Danh thắng & Di tích Hà Nội

Đình thôn Thượng (huyện Sóc Sơn)

Sơn Dương (t/h) 24/07/2023 20:08

Đình thôn Thượng hiện nay thuộc thôn Thượng, xã Đức Hoà, huyện Sóc Sơn ngoại thành Hà Nội. Xã Đức Hoà ở phía bắc Thủ đô Hà Nội, cách trung tâm Thành phố khoảng 40km, là vùng đất cổ giàu truyền thống lịch sử văn hoá.

Đình thôn Thượng có khởi nguồn tạo dựng từ cuối thời Lê. Các tư liệu thành văn còn lưu tại đình cho biết: di tích đã trải qua trùng tu nhiều lần, ngôi đình hiện nay mang dấu ấn kiến trúc thời Nguyễn. Đình thôn Thượng phụng thờ hai vị phúc thần là: tướng quân Tế Thế quê ở thôn Đoài - Hà Tây, theo truyền thuyết, năm 16 tuổi là người văn võ song toàn, ông có diện mạo to lớn khác thường có thể cầm một thanh sắt đánh bại hàng trăm người. Ông đã giúp Đinh Tiên Hoàng thu phục 12 xứ quân sau đó được phong là Thượng tướng trấn giữ ở Long Biên. Vị thần thứ hai được thờ là đức thánh Tam Giang, đây là tên gọi chung của hai anh em họ Trương đều làm tướng dưới triều Lý Nam Đế và Triệu Việt Vương. Trương Hống, Trương Hát quê ở xã Vân Mẫu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh. Anh em họ Trương được Lã tiên sinh dạy học có trí tuệ thông minh nên đã học thuộc các sách binh thư yếu lược, giỏi võ nghệ, hai anh em tập hợp bạn hữu giúp Lý Bí dẹp giặc ngoại xâm lập nên nhà nước Vạn Xuân. Sau đó lại giúp Triệu Quang Phục dẹp giặc cứu nước và một lòng trung quân. Khi Lý Phật Tử lên ngôi, biết hai anh em họ Trương là người tài bèn sai người mang lễ vật đến mời hai anh em ra làm quan, nhưng Trương Hống, Trương Hát chối từ giữ vững chữ trung với câu nói: “Tôi trung không phò hai chúa”. Hai ông cùng gia đình dùng thuyền chia theo hai luồng trên sông Nguyệt Đức rồi chọc thuyền cho nước vào đắm xuống sông, tự vẫn. Hôm ấy là ngày mùng 10 tháng 4 năm Tân Mão (571). Sau khi mất đã ngầm giúp Lê Đại Hành dẹp giặc Tống, nên được truy phong Tình Mẫn đại vương, lập miếu thờ ngã ba sông Long Nhãn. Một người là Khước Mấn đại vương, lập miếu thờ ở ngã ba sông Như Nguyệt.

Đình thôn Thượng toạ lạc trên một khu đất rộng cao thoáng, phía trước đình là sông Cà Lồ. Đình có kết cấu mặt bằng kiểu chữ “nhị” gồm Tiền tế và Hậu cung. Toà Tiền tế 3 gian 2 dĩ xây gạch kiểu mái có các đao cong, mái lợp ngói ta, chính giữa bờ nóc đắp hình “lưỡng long chầu nhật”, bờ dải trang trí hàng hoa chanh chạy suốt. Bộ khung đỡ mái có sáu bộ vì kèo đỡ mái làm kiểu “giá chiêng chồng rường con nhị”. Hậu cung nối liền với gian giữa tiền tế gồm 3 gian 2 dĩ xây song song với nhà Tiền tế, vì kèo kết cấu kiểu “kèo cầu quá giang”. Hiện nay đình thôn Thượng còn lưu giữ bộ sưu tập di vật khá đa dạng về chủng loại gồm: hai cuốn thần tích chữ Hán bản sao ghi chép về sự tích của thần, ba cỗ long ngai bài vị chạm hình rồng, hương án được chạm khắc công phu đề tài tứ linh phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.

Hàng năm tại đình tổ chức lễ hội vào ngày 05 tháng giêng để tôn vinh công trạng của thần đồng thời ôn lại truyền thống văn hoá của địa phương.

Đình thôn Thượng đã được Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2007./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Đình thôn Thượng (huyện Sóc Sơn)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO