Đình Thổ Khối (quận Long Biên)
Đình Thổ Khối thuộc địa phận phường Thổ Khối, quận Long Biên, Hà Nội.
Thổ Khối là một trong 4 thôn của xã Cự Khối trước đây. Dưới thời Nguyễn, Thổ Khối là một xã thuộc tổng Cự Linh, huyện Gia Lâm, phủ Thuận An, xứ Kinh Bắc. Thổ Khối và Xuân Đỗ nhập làm một xã mới là Cự Khối thuộc huyện Gia Lâm, tỉnh Bắc Ninh. Từ năm 1961, huyện Gia Lâm được nhập về ngoại thành Hà Nội. Hiện nay, đình Thổ Khối thuộc tổ 9, phường Cự Khối, quận Long Biên.
Theo lời kể của dân Thổ Khối, thì vào thời Lê (thế kỷ XV - XVIII) có ông Đào Duy Chinh (Trình) vốn người huyện Tống Sơn, phủ Thanh Hoa (Thanh Hoá) đến vùng bãi bồi này làm ăn sinh sống. Từ đó, người đến khai phá đất bãi này lập thành ấp Vạn Thổ. Về sau dân cư ngày càng đông lúc lập thành làng Thổ Khối. Khi người họ Đào qua đời, dân làng Thổ Khối ghi nhớ công ơn khai sinh lập ấp, bèn thờ làm thành hoàng trong đình.
Một tích khác kể rằng, ông là người làng Thổ Khối, huyện Tống Sơn, phủ Thanh Hoa (Thanh Hoá) đến vùng bãi bồi này làm ăn sinh sống. Ông có công giúp vua Lê thoát nạn, sau đó được triều đình cho phép kiểm soát thuyền bè qua lại nơi đây... Sau khi ông mất dân làng thờ ông làm thành hoàng và được triều đình phong sắc.
Lại có một sự tích nữa kể rằng, sinh thời ông là người có đức hạnh, làm nghề ngư nghiệp bằng thuyền. Một đêm, thần báo mộng cho ông hay, sáng sớm hôm sau nên chở thuyền ra sông đón vua. Ông tuân theo và quả nhiên khi bơi thuyền tới giữa dòng sông thì gặp vua chạy loạn tới. Ông rước vua qua sông bình yên. Sau này khi ông mất, được phong làm thành hoàng làng. Vua còn trả ơn, miễn cho người dân Thổ Khối có việc sang qua sông Hồng từ Bát Tràng đến bến đò Dâu không phải trả tiền đò.
Hiện nay, tại đình Thổ Khối còn giữ được 6 cỗ ngai và bài vị có niên đại vào thế kỷ XVIII, tấm bia có niên hiệu Cảnh Hưng thứ 46 (1785), sắc phong cổ nhất có niên hiệu Vĩnh Khánh thứ 2 (1730) và đặc biệt trên kiến trúc ở dĩ (chái) của toà Trung đường còn một vài con chồng kiến trúc đền Gióng (Phù Đổng), đình Trần Tảo (Phú Thị) mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII. Như vậy, đình làng Thổ Khối cũng có thể được xây dựng ít nhất từ thế kỷ XVIII.
Tấm bia có niên đại Cảnh Hưng thứ 46 (1785) hiện được đặt tại bên trái toà Trung đường cho biết ngôi đình đã tu sửa vào năm này. Vậy thì vào thế kỷ XVIII, làng Thổ Khối đã là một làng quê ổn định trong bối cảnh xã hội đương thời.
Vào đầu thế kỷ XVIII, đình Thổ Khối đã thờ 6 vị thần, nhưng khởi nguyên làng chỉ thờ thành hoàng họ Đào, còn các vị thần khác chỉ được phối thờ. Từ đó chúng ta có thể tin được thành hoàng họ Đào phải có trước thế kỷ XVIII, cũng đồng nghĩa với khung niên đại lịch sử hình thành làng Thổ Khối. Ngoài thành hoàng họ Đào thì đình làng Thổ Khối còn thờ 5 vị phúc thần. Bài vị của 6 vị thần được thờ trong đình có ghi:
- Đào Thành hoàng phu hưu chinh phục hiển huệ chiêu đức phu hoá Quảng vận Đại vương.
- Bộ Cái hoành liệt hiển ứng dương vũ trợ thuận quảng khánh Hồng trạch Đại vương.
- Cao Sơn thông ứng phổ tế chương hợp phu hưu dân Dực vận Đại vương.
Linh lang phổ trạch thần diệu chiêu cảm phu ứng hiển hựu Đốc khánh Đại vương.
- Bạch Đa hiển hoá xung mặc phổ thông hoành hợp đốc hựu Phu huệ Đại vương.
- Di Mệ (Ly Mệ) hiển ứng hoằng huệ quảng vận diệu cảm dực thiện Bật chính Đại vương.
Đình hiện nay là một quần thể kiến trúc bao gồm: Tiền tế, Đại đình, cung ngoài, cung cấm là các dãy nhà nằm song song với nhau và nối với nhau bằng ống muống, thiêu hương. Tiền tế 7 gian, Đại đình 5 gian 2 chái, cung ngoài 3 gian, cung cấm 3 gian. Trang trí trên kiến trúc và di vật ở đình rất phong phú, đặc biệt đình còn giữ được 67 đạo sắc phong của các triều Lê, Nguyễn.
Hội làng Thổ Khối được mở từ ngày 8-10 tháng 2 âm lịch (chính hội là 9/2).
Đình Thổ Khối đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02