Đình Phúc Trạch (huyện Phúc Thọ)
Đình Phúc Trạch thuộc xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ, Hà Nội.
Đình Phúc Trạch thuộc thôn Phúc Trạch, xã Võng Xuyên, huyện Phúc Thọ là di tích đã được xây dựng từ lâu đời và trở thành nơi sinh hoạt văn hoá cộng đồng của toàn thể dân làng Phúc Trạch. Ngôi đình cách trung tâm Thủ đô khoảng 53km về phía tây. Từ Hà Nội, theo Quốc lộ 32, qua thị trấn Phúc Thọ, rẽ phải theo tỉnh lộ 81, đi khoảng 2km đến địa phận xã Võng Xuyên, từ đây, qua ngã tư thị trấn huyện cũ rồi rẽ trái theo đường liên thôn đi khoảng 1km đến đình Phúc Trạch.
Căn cứ vào tư liệu Hán Nôm và hai bản thần tích còn lưu giữ tại đình thì đây là nơi thờ thần Thổ Lệnh và Thạch Hương. Mỗi khi có biến loạn, nhân dân đến miếu mật cáo, phúc thần đều hiển linh, giúp đỡ.
Đình toạ lạc trên một thế đất cao, hướng về phía đông nam. Hạng mục chính của ngôi đình gồm Đại bái và Hậu cung. Theo thuyết phong thuỷ, ngôi đình được làm trên thế đất cao là dương, phía trước có hồ nước là âm. Âm dương đối đãi, vạn vật sinh sôi. Đặc biệt, Võng Xuyên còn có dòng sông Đáy và sông Hồng chảy qua khiến cho ngôi đình càng trở nên linh thiêng hơn.
Đại bái đình Phúc Trạch được làm theo kiểu 3 gian 2 chái, 4 mái đao cong. Ngôi đình mới được trùng tu vào những năm gần đây nên về mặt kiến trúc, mỹ thuật được làm tương đối đơn giản, tạo độ bền chắc cho công trình.
Trong tổng thể di tích, toà Hậu cung còn lưu giữ được kiểu kiến trúc, điêu khắc thời Nguyễn. Hậu cung đình Phúc Trạch được làm theo kiểu 3 gian nhà dọc, tương ứng là 4 bộ vì đỡ mái trên mặt bằng, 4 hàng chân cột. Bốn bộ vì này được tạo tác theo kiểu thượng chồng rường, hạ rường nách, bẩy. Các con rường được làm chồng khít lên nhau, các đầu con rường vươn ra đỡ các hoành thượng và hoành trung. Tại các đầu con rường có trang trí hoa văn lá lật và mây cụm, tạo vẻ mềm mại cho các bộ vì. Tại bộ vì thứ nhất của Hậu cung có treo một cửa võng như một khám thờ, được trang trí công phu, tỉ mỉ với các đề tài: lưỡng long chầu nguyệt, rồng cuốn thủy, hoa văn chữ triện. Phía trên cửa võng được treo bức hoành phi sơn son thếp vàng đề 3 chữ: “Sinh trạch dân”. Gian thứ hai và thứ ba có làm gác lửng, cuốn vòm bưng kín sơn màu đỏ tạo vẻ thâm nghiêm, là nơi thờ Thành hoàng làng.
Hiện đình Phúc Trạch còn lưu giữ được nhiều di vật quý giá như: 2 hòm sắc, 9 sắc phong, bài vị, 1 giá gươm, 3 mâm bồng... và nhiều hiện vật khác mang niên đại Nguyễn.
Ngoài những ngày lễ, tết theo tín ngưỡng của người Việt, lễ hội truyền thống của nhân dân thôn Phúc Trạch được tổ chức từ ngày 12 đến ngày 14 tháng giêng âm lịch hằng năm. Tuy vậy, theo định kỳ, 3 năm mới mở hội chính và mới có rước kiệu, sắm lễ quả và tổ chức giao lưu lễ hội văn hoá với làng Phúc Lộc cùng huyện. Trong lễ hội, dân làng còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian khác như: thi nấu cơm, thi bắt vịt, kéo co, đu quay... ngay trước sân đình.
Đình Phúc Trạch đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tây cũ xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 2006./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01