Đình Ngọc Hồi (huyện Thanh Trì)
Đình Ngọc Hồi ở đầu làng Ngọc Hồi, xã Ngọc Hồi, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Ngọc Hồi cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 17km, là một làng cổ, thời Trần (1226 - 1400) gọi là trang Vĩnh Khang.
Đình Ngọc Hồi được xây dựng từ rất sớm. Trong tổng số 25 đạo sắc phong còn lưu giữ được, đạo sắc phong sớm nhất ghi niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9 (1747) năm Đinh Mão, triều Lê Hiển Tông (Duy Diêu). Tấm bia hương ước quy định đất đai của đình, chùa và vành đai chung quanh làng dựng ngày 18 tháng mười niên hiệu Cảnh Hưng thứ 5 (1743) đã minh chứng cho sự cổ kính của chùa, đình Ngọc Hồi.
Đình thờ ba vị thánh vương là Bảo Công và hai em gái sinh đôi của Bảo Công là Ả Mô Nương và Nhị Mô Nương vốn là người của làng. Vì có công trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông nên Bảo Công được phong Cư sĩ đại vương, Ả Mô Nương và Nhị Mô Nương được phong làm Tham tán mưu sự. Khi mất vua, lại phong cho Bảo Công là Cư sĩ Quảng Hoá đại vương, hai người em làm công chúa và giao cho thôn Ngọc Hồi lập đền thờ.
Đình hiện có Tam quan, sân, toà Đại đình 5 gian làm kiểu đầu hồi bít đốc, Ống muống 3 gian, Hậu cung 3 gian. Di vật còn giữ được trong đình Ngọc Hồi khá phong phú gồm một cuốn thần phả ghi sự tích ba thánh vương, 25 đạo sắc phong từ năm 1747 đến năm 1923 (Quý Hợi) triều Khải Định (Nguyễn Hoằng Tông) thứ tám, 3 bộ bài vị long ngai sơn son thếp vàng, 3 bát hương bằng đất nung trang trí rồng đắp nổi, một chóe sứ cao 36cm, một đỉnh đồng, 2 cửa võng chạm thủng lưỡng long chầu nguyệt sơn son thếp vàng, 2 bộ kiệu gỗ chạm thủng tứ linh, sơn son thếp vàng, bốn bức hoành phi và ba đôi câu đối ca ngợi công đức các vị thần.
Nhân dân Ngọc Hồi mở hội vào các ngày từ ngày mùng 8 tháng hai đến mùng 10 tháng hai âm lịch, chính hội 9 tháng hai.
Từ rằm tháng giêng, các cụ cao niên trong làng đã bàn tính chuẩn bị việc hội.
Trong lễ hội có rước kiệu Thánh Ông, kiệu Thánh Bà, lễ dâng hương, rước cỗ đêm.
Có bộ phận lo việc đón “quan anh” đó là đoàn đại biểu làng Vĩnh Thịnh (xã Đại Áng) sang đưa lễ dâng Thánh. Trong lễ hội có các trò vui như đánh cờ người, đánh cờ bỏi, đấu vật, chọi gà...
Đình đã được Bộ văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01