Đình, miếu Thuận Tốn (huyện Gia Lâm)
Đình, miếu Thuận Tốn thuộc địa phận xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội.
Xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội là một trong những làng cổ ven đô có truyền thống lịch sử và văn hoá lâu đời. Trên mảnh đất này đã lưu giữ được nhiều dấu tích, nhiều di vật của nhiều thời đại khác nhau. Đình, miếu Thuận Tốn là một trong những di tích tiêu biểu đó. Đình, miếu Thuận Tốn được gọi theo địa danh của làng. Đó là làng Thuận Tốn, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Miếu Thuận Tốn còn có tên gọi khác là miếu Cầu Vương hay miếu Thượng.
Hiện tại đình, miếu không còn lưu giữ được thần tích, song thông qua 15 đạo sắc phong hiện còn, có thể thấy rằng đình và miếu thờ hai vị thần là hai anh em Bát Bộ Ma Vương (Bát Bộ Chi thần) và Đại Ma Vương. Thực ra đây chỉ là mỹ tự mà triều đình các giai đoạn phong cho hai ông, còn họ tên thật như thế nào thì hiện nay chưa tìm thấy tư liệu nào để có cơ sở khẳng định. Nhưng thông qua hệ thống sắc phong của các thời đại, trong đó sớm nhất là vào năm Cảnh Hưng thứ 28 (1767) và muộn nhất là vào triều vua Khải Định thứ 9 (1924), thì có thể thấy rõ hai vị thần hoàng làng này đều là những vị thần có công với dân, với nước. Đối với dân làng Thuận Tốn thì đây là những vị thành hoàng làng bảo vệ, che chở cho cuộc sống yên lành của nhân dân nơi đây.
Dựa trên cơ sở khảo sát thực tế và các di vật hiện còn trong di tích cho thấy rằng di tích có niên đại xây dựng sớm, có thể vào khoảng thời Lê.
Đình và miếu Thuận Tốn có vẻ đẹp độc đáo của kiến trúc cổ. Những nét đẹp cổ kính này được khẳng định qua sự bố cục chặt chẽ của các công trình kiến trúc rất hài hoà với cảnh quan thiên nhiên. Nghệ thuật chạm khắc trang trí trong đình và miếu Thuận Tốn mang đậm nét phong cách nghệ thuật thời kỳ cuối Lê đầu Nguyễn (thế kỷ XVIII, XIX). Đình và miếu Thuận Tốn còn lưu giữ được nhiều di vật cổ như: kiệu bát cống chạm rồng, bát bửu, long ngai bài vị sơn son thiếp vàng lộng lẫy, giá chúc thư văn làm năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) có niên đại trải dài từ thời Lê, Tây Sơn đến thời Nguyễn, là những tư liệu quý giá, góp phần tìm hiểu về lịch sử phong tục tập quán của một làng quê qua các triều đại phong kiến.
Trải qua những bước thăng trầm biến động của lịch sử dân tộc, tồn tại đến ngày nay, di tích đình và miếu Thuận Tốn còn bảo lưu được khối kiến trúc vật chất và bộ sưu tập di vật văn hoá mang giá trị cao.
Đình và miếu Thuận Tốn đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02