Đình, chùa Quỳnh Đô (huyện Thanh Trì)
Đình, chùa Quỳnh Đô thuộc xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Đình Quỳnh Đô và chùa Quỳnh Đô (Bạch Minh tự) thuộc thôn Quỳnh Đô, xã Vĩnh Quỳnh, huyện Thanh Trì, cách trung tâm thành phố Hà Nội khoảng 12km về phía tây nam xã Vĩnh Quỳnh gồm 3 thôn: ích Vị, Quỳnh Đô và Vĩnh Ninh.
Đình, chùa Quỳnh Đô được xây dựng từ khá lâu đời. Di tích còn giữ được những hiện vật có niên đại khá sớm như đạo sắc phong niên hiệu Vĩnh Khánh thứ hai năm Canh Tuất 1730 (đời vua Lê Duy Phường).
Đình thờ Thành hoàng làng là Tô Hiến Thành. Tô Hiến Thành hiệu là Phi Diên người làng Hạ Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Tây, sinh ngày 22 tháng giêng âm lịch (không rõ năm) Tô Hiến Thành làm quan trải ba triều vua là Lý Thần Tông (1128 - 1138), Lý Anh Tông (1138 - 1175), Lý Cao Tông (1175 - 1210), là người tận tâm vì nước, làm quan đến chức Thái phó, Thái uý, cầm quân đánh giặc, điều khiển công cuộc trị nước an dân, mở mang văn hoá. Ông làm quan liêm khiết, trung chính, giữ vững kỷ cương phép nước, tuyển chọn cho triều đình nhiều quan lại có đức có tài. Tô Hiến Thành mất ngày 12 tháng sáu năm Kỷ Hợi (1179) triều Lý Cao Tông. Khi ông mất, vua tiếc thương, giảm ăn ba ngày, nghỉ chầu 6 hôm. Nhiều nơi lập đền thờ ông.
Đình Quỳnh Đô hiện nay có Tam quan, trên có bức đại tự đề bốn chữ “Quỳnh Đô công đình”. Bên trong sân có nhà Tiền tế 5 gian làm kiểu đầu hồi bít đốc. Song song với nhà Tiền tế là toà Đại bái năm gian cũng kiểu đầu hồi bít đốc.
Chùa Quỳnh Đô có tên chữ là Bạch Minh tự.
Chùa Quỳnh Đô được xây từ lâu đời. Chùa có Tam quan, toà Tam bảo, nhà khách và nhà Tổ. Toà Tam bảo có kiến trúc kiểu chữ “đinh”. Tiền đường gồm 5 gian, Thượng điện 3 gian. Chùa Quỳnh Đô còn giữ được nhiều mảng chạm khắc và một số di vật mang phong cách nghệ thuật thế kỷ XVIII - XIX. Chùa có tượng Phật đầy đủ, một số được tạc vào thế kỷ XIX.
Đình và chùa Quỳnh Đô đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01