Đình Phúc Xá (Bắc Biên) và danh tướng Lý Thường Kiệt (quận Long Biên)
Đình Phúc Xá (Bắc Biên) và danh tướng Lý Thường Kiệt thuộc phường Ngọc Thụy, quận Long Biên, Hà Nội.
Đình Phúc Xá hiện nay thuộc cụm dân cư Phúc Xá, phường Ngọc Thuy, quận Long Biên, Hà Nội (trước năm 2003, di tích thuộc huyện Gia Lâm). Đền nằm ở ven đô tả ngạn sông Hồng, cách cầu Long Biên khoảng hơn 1km.
Xưa, di tích có tên là đền Cơ Xá, tên gọi theo địa danh làng Cơ Xá ở bên bờ nam sông Hồng.
Phúc Xá thời Nguyễn thuộc xã Bắc Biên, tổng Gia Thụy, là một địa danh có nhiều di tích lịch sử văn hoá, là một thôn thuộc Cơ Xá cũ, nằm ở bãi bồi sông Hồng bên bờ bắc, nguyên xưa là đất phường Cơ Xá của Kinh thành Thăng Long. Làng Cơ Xá có tên gọi cổ là An Xá ở bãi giữa sông Hồng và cũng là An Xá phía nam hồ Dâm Đàm từ thời Lý. Cùng với các làng Gia Quất, Gia Thượng - những làng cổ có lịch sử gắn liền với thành Điêu Diêu ở thế kỷ XV trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược ở nhà Minh, thì Bắc Biên cũng là một địa danh gắn với những trang sử vẻ vang của dân tộc và người anh hùng Lý Thường Kiệt ở thời Lý thế kỷ XI, một nhân vật lịch sử kiệt xuất của dân tộc.
Đình Phúc Xá thờ Lý Thường Kiệt. Đình còn thờ danh tướng Đào Kỳ và phu nhân là Phương Dung công chúa, giúp Hai Bà Trưng dẹp giặc ngoại xâm.
Căn cứ các nguồn tư liệu thành văn hiện còn lưu lại trong di tích và các sách sử, đều khẳng định: Lý Thường Kiệt là người Phúc Xá - Bắc Biên. Lâu nay các sách Đại Việt sử ký toàn thư tập I, Việt sử thông giám cương mục tập III, Đại Nam thống nhất chí... đều ghi: “Lý Thường Kiệt người phường Thái Hoà, thành Thăng Long”. Song, phường Thái Hoà ở đâu? Theo nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc đó là khu vực núi Cung giữa cánh đồng thôn Vĩnh Phúc, gần đường Hoàng Hoa Thám ngày nay. Tuy nhiên gần đây sách Tây Hồ chí (khuyết danh) hoặc bài của Vũ Tuân Sán trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử số 75 cho biết cụ thể rằng Lý Thường Kiệt tên là Ngô Tuấn, người phường (Yên) An Xá, ở bãi sông Hồng.
Chùa Phúc Xá (cạnh đình Phúc Xá) còn lưu giữ quả chuông có bài minh ghi: “...Chùa An Xá là nơi danh lam cổ tích, thực ấp này nguyên ở vào nội điện thành Thăng Long chuẩn cho dân trong ấp rời ra bãi Cơ Xá giữa sông Hồng, dân không có ruộng cấy mà phải lấy nghề trồng dâu nuôi tằm để sinh sống... Hàng năm thuế về gốc dâu, nhiệm vụ đắp đê, thuế đường, thuế bộ, thuế đò, sưu dịch sai phái đều được miễn trừ. Nguyên đất ấy để lập Đế điện, lại để thờ Phật. May mà lòng trời thương yêu, đất Tổ sinh ra Ngô Quảng Châu (Ngô Tuấn) được vào hầu hạ trong màn trướng, kính tâu xin sắc chỉ gi vào sổ, ghi rõ địa giới, đúng như ruộng đất được miễn thuế bộ truyền lại muôn đời. Cơ nghiệp của làng bãi ta bản châu là do Tổ địa Trung thư giám, Trung thư xá nhận, Đình uỷ xứ, Quản châu hầu phong sự quốc tính Lý Thường Kiệt tên thuy là Quảng Châu phủ quân lập nên”.
Đình Phúc Xá còn tấm bài vị ghi tên hiệu của Lý Thường Kiệt. Ông sinh năm Kỷ Mùi (1019) sau được ban quốc tính họ Lý lấy tên là Thường Kiệt. Ông có công dẹp giặc Tống ở phương Bắc và quân Chiêm Thành ở phương Nam, giải phóng đất nước. Công tích của ông được ghi trong các sách chính sử. Mẹ của Ngô Tuấn là người họ Hàn. Bà sinh được hai người con trai đặt tên là Ngô Tuấn và Ngô Hiến. Cha qua đời lúc Lý Thường Kiệt lên 3 tuổi, mẹ qua đời khi ông 17 tuổi (1036). Ngô Tuấn là người có chí lớn, thích võ nghệ, thường tập kiếm cung, cưỡi ngựa, không những thế ông còn rất thích đọc sách binh pháp Tôn Ngô. Năm 1039, Ngô Tuấn bắt đầu phục vụ cho triều Lý và giữ chức Kỵ mã Hiệu uý. Ông dòng dõi làm quan, nhiều mưu lược, có tài làm tướng. Khi 25 tuổi, Ngô Tuấn sung vào Đội thị vệ hầu bên Lý Thánh Tông, được vua tin yêu và nhiều lần được thăng chức coi mọi việc trong cung đình. Năm 1072, nhà Tống xâm lược nước ta với cương vị Phụ quốc Thái uý nắm tất cả binh quyền trong tay, Lý Thường Kiệt là người trực tiếp đảm nhận sứ mệnh tổ chức và lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống. Nắm chắc tình hình địch, ông bố trí kế hoạch kháng chiến một cách chủ động và sáng tạo, xây dựng một thế trận phòng ngự trên phòng tuyến sông Như Nguyệt.
Nhờ nghệ thuật lợi dụng địa hình và tài bố trí trận tuyến xuất sắc, tinh thần chiến đấu bất diệt, Lý Thường Kiệt đã chỉ đạo lực lượng quân đội đánh bại 30 vạn quân Tống.
Ngày 2 tháng sáu năm Ất Dậu (1105), người anh hùng dân tộc Lý Thường Kiệt qua đời, thọ 86 tuổi.
Đình Phúc Xá có khởi nguồn là đền Cơ Xá trải qua những thăng trầm đổi thay của lịch sử dân tộc và sự biến động của địa hình tự nhiên, khu vực này trước có tên gọi là Cơ Xá, sau đổi là Phúc Xá thuộc làng Bắc Biên, có vị ban đầu ở bên hữu ngạn sông Hồng, sau chuyển sang bãi giữa và sau cùng đất bờ bắc sông Hồng. Chính vì có sự thay đổi vị trí, nên di tích cũng được chuyển loại hình kiến trúc từ đền sang đình để đảm nhận chức năng là nơi phụng thờ Thành hoàng làng và tổ chức lễ hội. Nhân dân làng Phú Xá vốn có truyền thống yêu nước, tinh thần chống giặc ngoại xâm kiên cường nên trong suốt tiến trình phát triển của lịch sử, truyền thống ấy luôn được bồi đắp.
Đình Phúc Xá hiện nay toạ lạc trên một khu đất cao rộng thoáng giữa khu cư trú của làng. Các nếp nhà cổ ẩn mình dưới những cây cổ thụ bốn mùa toả bóng mát tạo cho di tích một vẻ đẹp thâm nghiêm, huyền bí.
Đình Phúc Xá đã bị giặc Pháp phá huỷ trong kháng chiến chống Pháp, mới được nhà nước đầu tư dựng lại khang trang vào đầu thế kỷ XXI gồm: cổng đình, sân, toà kiến trúc chính kết cấu chữ “đinh”, nhà tả, hữu mạc... Tượng Lý Thường Kiệt làm bằng đồng đặt ở vị trí trang trọng ở đình.
Đình Phúc Xá còn lưu giữ được nhiều di vật có giá trị lịch sử và nghệ thuật. Đó là: 2 quả chuông lớn, trong đó một chuông “An Xá tự chung” đúc năm Phúc Thái thứ 5 (1647) có Bài minh ghi rõ Lý Thường Kiệt quê ở làng An Xá; một chuông “An Xá tự chung” đúc năm Chính Hoà thứ 11 (1690); 2 tấm bia dựng thời Nguyễn ghi việc trùng tu di tích; 8 đôi câu đối ca ngợi công tích của Lý Thường Kiệt; 7 đạo sắc phong niên đại thời Nguyễn. Đây là những tác phẩm nghệ thuật được trang trí bằng nghệ thuật đúc chạm trên đá rất công phu, tinh xảo. Nhưng đặc biệt hơn cả là những giá trị phi vật thể nằm ở các bức đại tự và hoành phi, câu đối. Nội dung của những chữ được thể hiện trên các di vật này đều tập trung vào ca ngợi cảnh đẹp, đất thiêng, nơi ngôi đình toạ lạc, công trạng, đức độ của các vị Thần được thờ. Các bức đại tự khẳng định giá trị của đình như: “Thánh cung vạn tuể” (Đức Thánh muôn năm). Còn các câu đối lại mang ý nghĩa khác nhằm ca ngợi công đức của Thần. Pho tượng Lý Thường Kiệt được đúc bằng đồng, tỷ lệ bằng người thật, đạt trình độ điêu khắc và kỹ thuật cao.
Hội làng Phúc Xá là một trong những lễ hội lớn trong vùng, được tổ chức ngày 17 tháng hai âm lịch. Trong lễ hội có nhiều hoạt động đa dạng và phong phú. Nghi lễ đáng lưu ý nhất là lễ rước nước, giống như các lễ hội vùng ven sông Hồng, rước nước mang ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hoà. Trong lễ hội Phúc Xá có nghi lễ rước kiệu Thánh.
Đình Phúc Xá đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1993./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01