Đình Phú Đa (huyện Thạch Thất)
Đình Phú Đa thuộc xã Bình Phú, huyện Thạch Thất, Hà Nội.
Đình Phú Đa là một ngôi đình cổ đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1993. Thôn Phú Đa tên nôm là làng Gia, một làng nổi tiếng nghệ thuật múa rối nước, xưa kia năm nào cũng biểu diễn rối nước ở chùa Thầy.
Đình Phú Đa là một toà nhà ngang gồm 5 gian 2 chái, bốn mái đao cong, tầu hiện võng như mạn thuyền. Kết cấu 7 bộ vì làm theo kiểu thượng rường hạ bẩy. Câu đầu ngầm lấy đấu kẻ vuông đặt trên đỉnh cột cái; bốn cột cái gian giữa đường kính 50cm; thân cột còn dấu vết lỗ đục ghép sàn là những dấu tích chứng tỏ ngôi đình có niên đại sớm. Hai vì gian dĩ cấu trúc kiểu chồng rường, giá chiêng; có chạm khắc rồng nổi, hình người cưỡi ngựa, hai thiếu nữ ca hát mừng hội làng là những tác phẩm nghệ thuật tiêu biểu ở thế kỷ XVIII.
Các mảng chạm khắc chủ yếu thể hiện hình tượng rồng: rồng ổ, hay riêng độc long, kiểu dáng mắt lồi, mũi to, tai dơi, bờm lưỡi mác, mình uốn cong trải dài khá sinh động tiêu biểu cho phong cách nghệ thuật tạo tác rồng thời Hậu Lê.
Đồ thờ ở đình khá phong phú mang dấu ấn nghệ thuật thời Lê và thời Nguyễn là ngại thờ, kiệu song loan thời Lê, hương án, quán tẩy, đại tự, câu đối thời Nguyễn. Đáng lưu ý là bộ tượng rối nước cổ người xưa thường xuyên đem đi biểu diễn múa rối nước ở chùa Thầy. Trong đình còn có một bàn thờ tổ nghề múa hát, tục gọi là Đức thánh nhà trò, trên có hoành phi đề ba chữ Hán là “lễ lạc tông” minh chứng cho truyền thống múa rối nước của làng.
Đình Phú Đa nơi thờ vị tướng Đào Khang thời Hai Bà Trưng. Tương truyền ông đã giúp Hai Bà đánh giặc Tô Định, góp phần giành độc lập cho dân tộc. Đào Khang đã đóng đồn binh, lập trang trại ở thôn Phú Đa, dạy dân cày cấy, khơi mương, đào ngòi, trở thành phúc thần làng Phú Đa.
Hội làng mở vào ngày mồng 3 tháng tư âm lịch, có tế lễ diễn xướng tưởng nhớ công trạng của tướng Đào Khang, tổ chức trò múa gậy trên cạn, múa rối nước ở ao trước cửa đình./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01