Di tích An toàn khu Viên Nội (huyện Đông Anh)
Bia di tích cách mạng Viên Nội nằm ở vị trí giữa thôn Viên Nội trên và thôn Viên Nội dưới thuộc xã Vân Nội, huyện Đông Anh, Thành phố Hà Nội.
Những năm 1939 - 1940, tình hình thế giới và cách mạng nước ta có nhiều biến động lớn. Tháng 2 năm 1941, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về Cao Bằng và triệu tập Hội nghị Trung ương lần thứ 8 họp từ ngày 10 đến 19 tháng 5 năm 1941.
Sau Hội nghị, Thường vụ Trung ương Đảng quyết định xây dựng vùng xung quanh Thủ đô thành an toàn khu của Trung ương bao gồm các huyện Đông Anh, Hoài Đức, Đại lý Hoàn Long, huyện Từ Sơn, một phần huyện Gia Lâm và Yên Lãng (tức Mê Linh sau này).
Trong những điểm ATK ở Đông Anh, điểm ATK ở Viên Nội có vị trí đặc biệt quan trọng vì đã có nhiều gia đình cơ sở che chở nuôi giấu các cán bộ cách mạng cao cấp như đồng chí Trường Chinh và Hoàng Văn Thụ trong một thời gian dài. Cũng do có cơ sở vững chắc, tin cậy mà Trung ương đã đặt trụ sở in báo “Cờ giải phóng”, cơ quan ngôn luận của Xứ uỷ Bắc Kỳ tại đây. Buổi đầu, đồng chí Hoàng Văn Thụ với cương vị Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, Thường vụ Trung ương, phụ trách công tác binh vận là người trực tiếp phụ trách báo.
Cơ quan ấn loát của báo thời kỳ đầu đặt ở nhà ông Trần Văn Tiệm, tại đây báo được ra từ số 1 đến số 3. Về sau, do ngôi nhà trống trải, dễ lộ bí mật nên Đảng đã chuyển cơ quan in báo sang nhà ông Nguyễn Khắc Sọt (còn gọi là Viên). Khi đồng chí Hoàng Văn Thụ bị bắt (tháng 9 năm 1943) báo “Cờ giải phóng” do đồng chí Trường Chinh phụ trách. Từ năm 1942 đến tháng 4 năm 1945, báo “Cờ giải phóng” đã in được 13 số tại Viên Nội.
Khi Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, đồng chí Trường Chinh đang ở Viên Nội đã khởi thảo bản Chỉ thị lịch sử “Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”. Ngày 13/3/1945, Thường vụ Trung ương Đảng họp tại Đình Bảng chính thức thông qua Chỉ thị, sau đó đưa về in tại cơ quan báo Đảng ở Viên Nội. Trong bài nói chuyện ở Đông Anh ngày 18/8/1987 đồng chí Trường Chinh có kể: “Đề cương chỉ thị Nhật - Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta đã được chuẩn bị tại nhà cụ Chiều ở Viện Nội”...
Với những thành tích kể trên năm 1964, ở thôn Viên Nội xã Vân Nội có tới 10 gia đình đã được nhà nước tặng bằng “Có công với nước”. Bia di tích cách mạng ở Viên Nội đã được gắn lần đầu vào năm 1987, đến năm 2002 đã được chỉnh lý về nội dung và được dựng lại trang trọng nhằm góp phần vào việc giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng cho cộng đồng cư dân làng xã, đặc biệt là cho thế hệ trẻ./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 02