Đền Nguyễn Công Triều (huyện Hoài Đức)
Đền Nguyễn Công Triều thuộc xã Đông La, huyện Hoài Đức, Hà Nội.
Thôn Đông Lao, xã Đông La, huyện Hoài Đức có trên 60 dòng họ, nhưng tất cả đều thờ Nguyễn Công Triều như một ân nhân của làng. Ngoài việc thờ nhân vật có công này, dân làng còn lập những nơi thờ tự khác như ở chùa Đại Bi (phần Hậu đường), đình làng... Đền là nơi thờ chính, với tên chữ là Linh Quang từ. Ngoài ra, Tỉnh Gia đường (nhà thờ) cũng là một hạng mục di tích thờ ông nằm ngay sát Linh Quang từ.
Linh Quang từ là đền thờ riêng ở phía trước cùng với phần lăng mộ ở phía sau trong một khuôn viên khá rộng gọi là Am đại vương.
Từ ngoài đi vào, phía chính diện đền thờ xây bức bình phong có trụ biểu ở hai bên. Sau là nhà thờ gồm 3 lớp song song theo kiểu chữ “tam”. Lớp ngoài là Tiền tế 5 gian, lớp giữa là Đại bái 3 gian và lớp trong là Hậu cung cũng 3 gian. Theo văn bia, cả 3 hạng mục này đều được làm vào những năm 1677, 1678 nhưng phần Hậu cung được tôn tạo lại vào thời Nguyễn. Kiến trúc đơn giản, cơ bản theo kiểu “thượng rường hạ kẻ”. Tại thềm Tiền tế có 2 con chó đá hướng ra sân nhưng đầu ngoảnh vào nhau, cao 0,68m, bên trong đặt đôi tượng ngựa gỗ mầu hồng bạch cao 2m, đặc biệt là đôi voi chầu khá lớn trong tư thế phủ phục, đối diện với nhau. Con bên trái không có bệ, tượng trưng cho những con voi có công vận chuyển nguyên vật liệu xây dựng đền. Con bên phải là voi chiến nằm trên bệ cao. Ngà của các con voi này được mài bóng.
Tại gian giữa toà Đại bái treo bức hoành đề 4 chữ Hán: “Nam quốc vỹ nhân” ca ngợi sự nghiệp lớn lao của Nguyễn Công Triều. Phía dưới có hương án với nhiều mảng chạm đẹp niên đại thế kỷ XVIII. Ngoài ra, đây cũng là nơi treo bốn đôi câu đối gỗ. Đặc biệt, ở bên trái Đại bái có ban thờ ông Hoàng Văn Tám, người đã xây dựng sinh phần cho Nguyễn Công Triều. Hậu cung là nơi thờ chính có đặt bài vị trên long ngai niên đại thế kỷ XVIII.
Phía sau đền là lăng mộ, trên tường gần cửa có tấm bia dựng năm Vĩnh Trị thứ 3 (1678) nói về người thợ tài giỏi Hoàng Văn Tám. Chính giữa là tháp mộ xây bằng đá xanh, hai tầng cao gần 4m được xem như ngôi đền với tên Linh Quang từ, tầng dưới có 4 hàng cột gợi ra 3 gian nhà, dựng trên nền 3 cấp dài tới 3,4m.
Tinh Gia đường còn gọi Từ đường tướng công gồm 2 dãy nhà song hành kiểu chữ “nhị” gồm 5 gian với 2 mái chảy xây theo kiểu tường hồi bít đốc. Các bộ vì được làm thống nhất theo kiểu “kẻ chuyền” trên 4 hàng chân cột, có trụ tiêu đứng trên cao đầu để chống nóc, mỗi mái có 11 hoành ứng với điềm lão. Nhà trong có 5 bàn thờ gắn với 5 gian, từ giữa toả ra theo trật tự trái phải là công đồng họ nội ngoại... Cả hai lớp nhà này được làm cùng thời với Linh Quang từ nhưng đã sửa vào năm 1899. Ở góc sau có tấm bia gối trụ mái long đình dựng trên đế vuông 3 cấp cao tới 2,17m. Ở trong nhà bia, có tấm bia khắc bài văn Đại tướng công thiếu công luận bị ký niên đại Chính Hoà thứ hai (1681) nói về công ơn của Nguyễn Công Triều với dân làng.
Đặc biệt, nơi đây còn lưu giữ được rất nhiều sắc phong cổ và một cuốn sách đồng. Căn cứ vào những tài liệu này, được biết Nguyễn Công Triều sinh năm 1614, thuở nhỏ mồ côi cha mẹ, ông đã ra nương tựa tại chùa Đại Bi. Năm 18 tuổi ra Thăng Long làm lính dạy voi rồi làm quan Thái giám. Vốn là một tướng tài có công giữ cho biên cương yên ổn, ông lại đóng góp cho quê hương nhiều việc lớn như mở rộng làng, xây chùa, dựng đình... Ông mất ngày 24 tháng năm năm Canh Ngọ (1690) được dân làng cảm mến và thờ phụng.
Đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1996./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01