Danh thắng & Di tích Hà Nội

Lý Ông Trọng - đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm)

Sơn Dương (t/h) 08:39 22/04/2023

Lý Ông Trọng - đình Chèm thuộc phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội.

Chuyện về Lý Ông Trọng

Vào cuối đời Hùng Vương, nhân dân Văn Lang đã phải tiến hành cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tần. Trong cuộc kháng chiến quyết liệt đó đã sản sinh ra nhiều truyền thuyết nói lên tài mưu lược của dân tộc Lạc Việt và Âu Lạc, trong đó có một tướng tài giỏi cuối đời Hùng Vương thứ 18 là Lý Thân, còn gọi là Lý Ông Trọng.

Chuyện rằng ở làng Thụy Phương, huyện Từ Liêm, đất Giao Chỉ, vào cuối đời Hùng Vương có người họ Lý, tên Thân. Lúc sinh ra, Lý Thân đã to lớn, dần cao đến 2 trượng 3 thước, sức khoẻ hơn người, khí chất cứng rắn, mạnh mẽ. Lúc trẻ, ông làm mạt quan, chức nhỏ ở huyện ấp đã bị vua quở phạt. Lý do ông bị quở phạt có sách ghi: Vì ông thấy một tên lính đánh đập dân phu nên đã tức giận giết chết tên lính đó; có sách ghi: Vì ông phá kho thóc chia cho dân nghèo đang đói. Vua thương ông là người khoẻ và tài giỏi nên không bắt giết.

Về cuộc đời

Lý Thân, theo sách Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên (Trịnh Đình Rư dịch) còn nêu như sau: Lúc còn trẻ đến phục dịch ở huyện ấp, bị trưởng quan đánh, lấy làm tức giận nói rằng: “làm người nên có chí hăng hái như chim loan, chim phượng bay muôn dặm xa, sao chịu làm tôi tớ người để cho người mắng nạt”. Sau đó Lý Thân bỏ việc về đi học, trở thành một người lâu kinh sử. Lúc bấy giờ Hùng Duệ Vương tuổi đã cao, việc triều chính bỏ bê trễ, chủ bộ Ai Lao là Thục An Dương Vương kéo vào đánh phá cướp ngôi báu. Có thuyết cho là Hùng Duệ Vương không có con trai nối dõi mới nhường ngôi cho Tản Viên Sơn Thánh, nhưng có thuyết cho là Tản Viên khuyên nên nhường ngôi cho An Dương Vương. Lý Thân thấy cảnh tượng vua quan như thế mới bỏ sang nước Tần, thi đỗ Hiếu Liêm, Tần Thuỷ Hoàng phong làm Tư lệnh hiệu uý. Có sách còn nêu rằng sang thời đầu An Dương Vương, Lý Thân phải đưa sang cống cho nhà Tần; lại có sách ghi ông được cử sang sứ nước Tần.

Khi ấy, biên giới phía bắc nước Tần bị quân Hung Nô quấy nhiễu. Tần Thuỷ Hoàng đã xây Vạn Lý Trường Thành để ngăn chặn mà vẫn không trừ được tai hoạ. Vua Tần giao cho Lý Thân cầm quân đánh giặc Hung Nô, ông đánh trận nào thắng trận đó làm cho quân Hung Nô khiếp sợ, không giám quấy nhiễu nữa. Vua Tần trọng thưởng, phong tước Vạn Tín hầu và đem công chúa gả cho, định lừa giữ ông lại. Vì lưu luyến quê cha đất tổ, Lý Thân xin về nước, rồi không sang Trung Quốc nữa. Hung Nô dò biết được chuyện đó mới cất quân trở lại quấy nhiễu, Tần Thuỷ Hoàng nhớ đến Lý Thân, cho người sang triệu, nhưng Lý Thân không đi, bỏ trốn vào rừng sâu. Vua Tần đưa thư quở trách, An Dương Vương cho quân đi tìm nhưng không tìm thấy. Triều đình lo sợ bàn nhau lập mưu nói dối là Lý Thân đã bị bệnh tả mà chết. Tần Thuỷ Hoàng không tin lại cho sứ sang đòi được khám xét. Lý Thân lo sợ, phải tự vẫn mà chết, An Dương Vương sai lấy thuỷ ngân rắc lên xác rồi đem nộp vua Tần. Lúc bấy giờ vua Tần mới chịu tin là chuyện thật. Để đối phó với quân Hung Nô, Tần Thuỷ Hoàng bèn sai quan mở kho lấy đồng đem đúc thành tượng Lý Thân đặt ở cửa Tư Mã, đất Hàm Dương. Tương truyền, tượng rất to, có cơ cấu máy móc làm cho tượng cử động như người thật. Hung Nô tưởng quan Tư lệ Hiệu uý lại được cử ra trận ải, sợ mà rút quân.

Sách Lĩnh Nam chích quái có chép một bài thơ vịnh Lý Ông Trọng (bản dịch):

giỏi văn tài đất trượng phu

Hàm Dương đồng tượng khiếp quân

Hồ Vĩnh Phương ứng mộng bàn kinh tuyên

Hương lửa trời Nam vững để đồ.

Đình Chèm

Đình Chèm thuộc xã Thụy Phương, huyện Từ Liêm, cách trung tâm thủ đô Hà Nội khoảng 12km về phía tây bắc. Xưa kia là làng Thụy Hương là một trong 8 xã thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, Quốc Oai, trấn Sơn Tây.

Theo thần phả, đình Chèm thờ đức thánh Chèm là Lý Thân, hay Lý Ông Trọng. Cũng có sách gọi là đền Chèm.

Đời Đường, Triệu Xương làm đô hộ Giao Châu, thường mộng thấy Lý Thân cùng bàn sách Xuân Thu, bèn hỏi chỗ ở cũ của ông và lập đền thờ ông. Sau này Cao Biền đánh quân Nam Chiếu, được ông hiển linh trợ giúp, đã cho trùng tu lại đền thờ ông. Tương truyền đền Chèm được xây từ thời Bắc thuộc.

Trải qua thời gian và chiến tranh, đình Chèm xuống cấp phải qua tu sửa nhiều lần. Đợt trùng tu lớn do Nhà nước đầu tư và đóng góp của nhân dân là vào cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI (1996 - 2005).

Từ ngoài vào, cổng Nghi môn ngoại được bố trí đầy đủ hình tứ linh: long, ly, quy, phượng quay ra 4 hướng, Nghi môn nội xây 3 gian 2 chái, 4 mái và 5 cửa ra vào, khu nhà bia, sân đình, Tả-hữu mạc, mỗi bên 5 gian, Phương đình 8 mái, Tiền tế 5 gian 2 chái và Hậu cung 3 gian 2 chái, đã tạo thành hình chữ “công”. Nhìn chung, các mảng trang trí kiến trúc như rồng cuốn thuỷ, rồng mây, tứ linh, cá hoá rồng, hoa lá, văn mây sóng nước... còn mang đậm phong cách nghệ thuật thời Lê Trung hưng (thế kỷ XVIII).

Hậu cung có án thờ, sập thờ, long ngai, bài vị, khám thờ, tượng vợ chồng Lý Ông Trọng và các tượng chầu. Tổng thể được sắp xếp theo trục hoàng đạo Đông - Bắc - Tây - Nam.

Tại đình còn lưu giữ được nhiều di vật như cuốn sách chữ Hán ghi các đạo sắc, lễ nghi, văn tế, 3 đạo sắc phong thời Nguyễn, 4 tấm bia đá, trong đó: 1 bia thời Lê Cảnh Hưng và 3 bia thời Nguyễn; 2 chuông đồng thời Nguyễn, 15 câu đối, 8 bức hoành phi, 10 pho tượng tròn, trong đó tượng vợ chồng Lý Ông Trọng cao tới hơn 3m, hệ thống máng đồng đúc từ năm Cảnh Hưng thứ 9 (1748), Cảnh Hưng thứ 17 (1756), Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) và Minh Mệnh thứ 5 (1824)...

Hội Chèm

Thứ nhất là hội Cổ Loa

Thứ nhì hội Gióng, thứ ba hội Chèm.

Hàng năm, để tưởng niệm Lý Ông Trọng, làng Thụy Phương cùng hai làng láng giềng là làng Hoàng Mạc và Liên Mạc thường tổ chức lễ hội từ 14 đến 16 tháng năm (âm lịch). Trong ba ngày hội, nhiều nghi lễ được tiến hành như: tế, rước nước, rước mã, rước văn, lễ mộc dục (tắm tượng) và xen lẫn là một số trò chơi dân gian khác (đấu cờ người, chọi gà...).

Lễ hội được bắt đầu từ ngày 14, làng mở cửa đền đón khách thập phương và dân quanh vùng đến dâng hương Ngày rằm, chính hội, dân làng tiến hành các lễ rước. Mở đầu là cuộc rước lớn, uy nghi và trang trọng nhất là lễ mộc dục (tắm tượng, tắm thánh). Đám rước mặc lễ phục, chỉnh tề, đem theo đầy đủ các đồ tế lễ. Khi đoàn người lên đê, ngược sông Hồng 3km, rồi xuống 3 chiếc thuyền rồng lớn, trong thuyền đã được đặt sẵn cái choé thờ. Trong lúc thuyền chèo quay tròn 3 vòng, đồng thời một người lấy gáo múc nước sông đổ vào choé và đánh phèn luôn cho nước trong. Tất cả công việc đó phải tiến hành xong khi thuyền quay hết vòng thứ ba. Khi thuyền quay, chiêng, trống nổi lên cùng với tiếng hò ù óc - ù óc như một bản nhạc hoà tấu vang dội cả khúc sông vọng từ bờ nam sang bờ bắc, nghe rất lạ tai. Theo các cụ già ở đây giải thích, tiếng ù óc là tiếng hộ của quân lính ông Trọng đuổi giặc Hung Nô khi xưa.

Việc lấy nước đã xong, đoàn thuyền xuôi dòng về cập Bến Ngự, lên nhà Mã (nơi để đồ tế lễ được làm bằng tre, nứa, lá giấy... đủ loại màu sắc) tiến hành cuộc rước nước, rước mã ở trên bộ.

Sau lễ rước văn là các trò chơi dân gian như: bịt mắt bắt vịt, thả chim bồ câu, thả diều, bơi trải...

Buổi sáng ngày 16, lễ nghinh thuỷ được cử hành trên sông Hồng. Chiều, dân làng tổ chức rước văn từ chùa Chèm về đình. Xen kẽ trong ngày là các trò chơi giải trí như đánh cờ, đấu vật, hát chèo...

Ba ngày hội qua đi nhanh chóng, nhưng hình ảnh và dư vị của hội đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng người dân, đó là sự kính trọng, niềm tự hào về con người nơi đây. Qua lễ hội còn phản ánh về nét đẹp văn hóa tinh thần của người Việt có từ xa xưa. Phải chăng, những nghi lễ đó biểu hiện cho phong tục, tập quán, tín ngưỡng, lối sống của cư dân nông nghiệp lúa nước có từ lâu đời mà nay nhân dân vẫn còn lưu giữ được.

Đình Chèm đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1990./.

                                                                 Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Lý Ông Trọng - đình Chèm (quận Bắc Từ Liêm)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO