Đình Lý Nhân (huyện Đông Anh)
Đình Lý Nhân hiện thuộc thôn Lý Nhân, xã Dục Tú, huyện Đông Anh, Hà Nội.
Tên nôm của thôn là Vữ, thời đầu Công nguyên là trang Đường An, thời Nguyễn có lúc gọi là Phi thôn, đầu thế kỷ XX đến nay đổi tên là Lý Nhân.
Đình Lý Nhân thờ đại vương A Lự và Ả Lã Nàng Đê, hai vị tướng của thời Hai Bà Trưng khởi nghĩa đánh đuổi quân Tô Định giành độc lập cho đất nước. Theo thần tích, hai vị Thành hoàng là hai chị em, cha của hai vị là quan chưởng doanh ở Cổ Châu, huyện Thanh Oai. Do không theo bọn quan lại cai trị, ông bị Tô Định sát hại, ba mẹ con lánh nạn về trang Đường An. Khi Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, hai chị em Nàng Đê liền hiệu triệu mọi người theo về đánh đuổi quân đô hộ. Bà Trưng lên ngôi vua, ban phong cho Nàng Đê thực ấp ở Đường An tức thôn Lý Nhân. Mã Viện đem quân xâm lược, hai chị em Nàng Đê cùng Trưng Vương kháng chiến chống giặc và hy sinh ở trận Cấm Khê. Là đất thực ấp ban phong nên Lý Nhân đã duy trì việc thờ cúng hai vị đại vương A Lự và Ả Lã Nàng Đê làm Thành hoàng làng. Cùng với việc thờ cúng, thôn Lý Nhân còn thờ Hậu thần Cao Biền. Theo tư liệu ở đình có nói đến việc Hậu thần đã giúp đỡ dân làng, do vậy được nhân dân tôn vinh và ghi nhớ.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, năm 1951 bộ đội và du kích ta đã đánh thắng 1 trận giòn giã tại địa điểm đình làng. Cay cú, định đã trả thù, càn quét vào làng, nhiều người dân đã anh dũng kiên cường bảo vệ không cho giặc đốt phá đình. Những năm 1952 - 1954, bộ đội đã dựa vào cơ sở quan sát địch ở đình, đánh thắng những trận phục kích ở cầu Đùng, cầu Tây. Thời gian kháng chiến chống Mỹ, đình là kho sơ tán của Bộ Quốc phòng (Tổng cục Hoá chất) phục vụ công cuộc kháng chiến.
Kiến trúc của đình Lý Nhân có quy mô vừa phải với Đại đình 4 mái đao cong truyền thống. Bố cục bộ vì Đại đình có 6 hàng chân cột, trên các cấu kiện kiến trúc có các trang trí nghệ thuật, tập trung là các cốn và đầu dư. Các mảng chạm lộng, chạm bong tạo nên các tác phẩm nghệ thuật đẹp có giá trị nghệ thuật cao. Các trang trí chủ yếu theo phong cách nghệ thuật thời Nguyễn thế kỷ XIX.
Các di vật đồ thờ của đình khá phong phú và đa dạng, chú ý nhất là 10 đạo sắc phong, trong đó có sắc thời Tây Sơn. Ngai thờ, tượng thành hoàng, giá gươm, hoành phi, câu đối... là các cổ vật quý có giá trị về nhiều mặt.
Đình Lý Nhân đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật năm 1995./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01