Đền Giang Xá (huyện Hoài Đức)
Trước đây, thôn Giang Xá thuộc tổng Kim Thìa, huyện Đan Phượng. Ngôi đền có kiến trúc kiểu chữ “đinh” gồm Tiền tế, Đại bái và Hậu cung. Phía trước và phía sau đền có giếng lớn, xung quanh có nhiều cây cổ thụ.
Qua cửa đền vào một khoảng sân lát gạch rồi đến toà Tiền tế. Đây cũng là một hạng mục công trình chính, gồm 5 gian hồi xây bít đốc kiểu tay ngai có trụ biểu phía trước. Bộ khung nhà được làm 4 hàng cột dọc và 6 hàng cột ngang, các bộ vì làm theo kiểu thức “chồng rường”. Các đầu kẻ bẩy trang trí các hình rồng, mây, hổ phù và hoa lá mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Sau Tiền tế là khoảng sân lọng rồi đến Đại bái 3 gian 2 chái với 4 mái lá. Các góc tạo hoa đạo bằng hình đầu rồng, 2 bờ nóc đắp con kìm hình rồng đuôi cá, bờ dải có các con ly. Bộ khung có kết cấu khá vững chắc, các bộ vì làm theo kiểu “chồng rường, kẻ”. Các thành phần kiến trúc ở các con rường, kẻ, đầu dư chạm khắc rồng mây hoa lá. Đặc biệt các bức cốn chạm bộ tứ linh với đường nét bay bướm. Các cấu kiện này mang phong cách nghệ thuật thời Nguyễn.
Nối từ gian giữa Đại bái vào là toà Hậu cung chạy dọc về phía sau 3 gian, tạo hình chuôi vồ. Gian cuối ngăn làm khám thờ, đây cũng là nơi bài trí nhiều đồ thờ tự quý hiếm như cuốn thần phả do Hàn lâm viện Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính soạn. Cuốn Thần phả cho biết, đền Giang Xá thờ Thành hoàng là Lý Nam Đế (544 - 548). Trên tấm bia Giang Xá tự bia ký dựng năm Tự Đức thứ 6 (1853) ca ngợi sự nghiệp của Lý Bí và phong cảnh đền. Trong khám có đặt pho tượng Lý Bí bằng đồng ở tư thế ngồi coi chầu, dáng vẻ uy nghi. Ngoài ra, còn 4 bức hoành phi, 8 đôi câu đối, 3 cửa võng, 3 nhang án.
Tương truyền, Giang Xá là nơi Lý Bí ở khi còn nhỏ tuổi, ngài được học cả văn lẫn võ. Tại đây, ông chiêu mộ được hơn 3.000 nghĩa binh, sau hợp lại với nghĩa binh của Tỉnh Thiều, Triệu Túc, Phạm Tu gây thanh thế lừng lẫy. Ngày 4 tháng 2 năm Nhâm Tuất (542), tại đây, Lý Bí lập đàn cầu đảo. Ngày 10 tháng 3 thì khao quân phát động khởi nghĩa. Cuộc chiến đấu chống quân Lương xâm lược mau chóng thắng lợi và ngài lên ngôi vị hoàng đế xưng là Lý Nam Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân.
Đền đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật năm 1989./.
Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01