Check in Hà Nội

Đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ)

Sơn Dương (t/h) 17:00 09/04/2023

Đền Đồng Cổ thuộc Phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội.

Đền Đồng Cổ từ phủ Thanh Hoá

Đất Thanh Hoá thời Lý là “Trại” Châu Ái rồi “Phủ” Thanh Hoá (1111). Sau khi Lý Công Uẩn dời đô ra Thăng Long, vùng đất này là “phên dậu” phía Nam. Triều Lý rất coi trọng vị thế của vùng đất này, nên đã cử danh tướng Lý Thường Kiệt - người gốc Thăng Long làm trấn thủ từ năm 1082 đến năm 1101.

Thời Lý, Trại Ái Châu là nơi Phật giáo phát triển, đã hình thành nhiều trung tâm Phật giáo với các ngôi chùa nổi tiếng như: chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Hậu Lộc), chùa Báo Ân (Đông Sơn), chùa Linh Xứng, chùa Long Cảm (Hà Trung), chùa Hương Nghiêm (Thiệu Hoá). Bên cạnh Phật giáo, vùng đất này còn có nhiều tín ngưỡng dân gian khác nhau: thờ thần Đá, thờ thần Núi, thần Sông, thần Săn bắn, thần Đồng Cổ. Trong các loại tín ngưỡng dân gian này việc tôn thờ thần Đồng Cổ có ảnh hưởng rất lớn. Vùng đất đôi bờ hạ lưu sông Mã, nơi có nhiều trống đồng và sự linh nghiệm của vật thiêng này trong các lễ hội dân gian đã tạo điều kiện cho việc thờ thần Đồng Cổ, tồn tại và duy trì.

Thanh Hoá có hai nơi tôn thờ thần Đồng Cổ. Một đền Đồng Cổ ở hạ lưu sông Mã thuộc huyện Hoằng Hoá và một đền thờ thần Đồng Cổ ở Đan Nê thuộc huyện Yên Định. Ngoài hai nơi có đền thờ ra, trống đồng có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người dân. Trong lễ hội của dân tộc Mường ở Thanh Hoá, “mo trống đồng” là hình thức sinh hoạt văn hóa quan trọng.

Đền thờ thần Đồng Cổ ở Hoằng Hoá có quy mô nhỏ, theo lời truyền văn được rước từ Đan Nê (Yên Định) về.

Đền thờ thần Đồng Cổ ở làng Đan Nê, xã Yên Thọ, huyện Yên Định được tạo dựng ở một vị trí linh địa. Sông núi và huyền thoại đã làm cho thần điện thêm thần kỳ vĩ. Nét đặc biệt là đền thờ toạ lạc ngay trên một di tích văn hoá Đông Sơn. Tại đây đã phát hiện được nhiều trống đồng lớn. Có thể sự tồn tại của làng cổ Đông Sơn, trống Đông Sơn tại chốn thắng địa này là cơ sở cho việc ra đời huyền thoại và đền Đồng Cổ sơn thần. Sách Đại Nam nhất thống chí cho biết: Tỉnh Thanh Hoá có đền Đồng Cổ sơn thần ở núi “Đồng Cổ”.

Đền Đồng Cổ được tạo dựng ở bờ nam sông Mã, dưới chân núi Khả Lao (sau gọi là núi Đồng Cổ), trong một thung lũng rộng, ba bên có núi cao. Ba ngọn núi này có chung một tên gọi là Tam Thái Sơn.

Truyền thuyết dân gian cho biết đền thờ thần Đồng Cổ ở vị trí đắc địa, hiển linh. Tài liệu thư tịch cổ cho biết: Đời Cảnh Hưng thường có tàn vàng xuất hiện ở quán Triều Thiên ba ngày mới tan, quan địa phương đã đến nơi tế lễ; có khi trong đền có mây mù bao bọc, gió lớn mưa to, rồng vàng xuất hiện. Ca dao ở vùng này đã ghi nhận:

Đan Nê có núi Tam Thai
Có hồ bán nguyệt, có hai rồng vàng.

Tài liệu văn hoá dân gian ở đây cho biết: Đền Đồng Cổ sơn thần được xây dựng từ xa xưa, không rõ từ thời nào nhưng đến thời Lý đã có quy mô khá lớn. Đền quay về hướng nam, dựa lưng vào núi, sau núi là sông Mã. Phía trước là hồ bán nguyệt và một khu đất rộng, bằng phẳng tiện cho việc hành lễ.

Xưa lễ hội đền Đồng Cổ được tổ chức vào mùa xuân với nghi lễ trận trọng, thu hút khách thập phương. Trong đền đặt một chiếc trống đồng. Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn cho biết: “Trong đền thờ có một tấm biển gỗ khắc chữ Hán cho biết: Con trai hoàng đế Quang Trung là Nguyễn Quang Bàn nhân bắt được một chiếc trống đồng rộng 1 thước 9 tấc, cao một thước 4 tấc đã đem cúng vào đền, để giúp cho việc nhạc lễ khi cúng tế”.

Trong tâm thức người dân ở đây, thần Đồng Cổ là vị thần “Hộ dân bảo quốc”. Việc tế lễ được tiến hành kính cẩn, trang nghiêm. Lễ hội đền Đồng Cổ là một trong những lễ hội lớn ở khu vực.

Do ở vị trí thuận lợi trên con đường thượng đạo từ Thăng Long đến vùng biên viễn phía nam, hơn nữa khu vực đền nằm trong khu vực thung lũng kín, chỉ có một lối ra, cận kề sông Mã nên các vị hoàng đế của các vương triều Lý, Trần, Lê thường chọn nơi đây làm nơi hạ trại trong các cuộc tuần du chính phục phương Nam.

Đền Đồng Cổ ở Đan Nê - Thanh Hoá đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá cấp quốc gia.

Đền Đồng Cổ ở Thăng Long

Đền được xây dựng từ thời Lý vào năm 1028 ở thôn Nam, phường Yên Thái, huyện Quảng Đức thành Thăng Long, nay thuộc cụm 4, phường Bưởi, quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội.

Sử sách chép rằng: Lý Thái Tổ đem quân đi đánh Chiêm Thành. Một đêm, ngủ tại đền Đồng Cổ thuộc làng Đan Nê, Thanh Hoá, vua được báo mộng có một vị thần xin đi theo để trừ giặc. Trận đó quả thắng to. Tám năm sau, năm 1028 trước hôm Lý Thái Tổ qua đời (mùng 3 tháng ba âm lịch) Lý Phật Mã được thần Đồng Cổ báo mộng rằng có loạn tam vương. Quả nhiên sáng hôm sau khi Lý Thái Tổ vừa qua đời, ba con trai là Vũ Đức Vương, Đông Chinh Vương và Dực Thánh Vương đem quân ém trong Tử cấm thành để đánh úp. Do có phòng bị, lại được các tướng Lê Phụng Hiểu, Lê Nhân Nghĩa giúp, nên Thái tử đã dẹp được cuộc nổi loạn này. Mười ngày sau khi lên ngôi, Lý Thái Tông cho xây dựng ngay một ngôi đền thờ thần Đồng Cổ ở bên phải Hoàng thành và quyết định lấy ngày 25 tháng ba tiến hành hội thể tại đền. Trước đền đắp một đàn cao, xung quanh cờ xí rợp trời, đội ngũ chỉnh tề, giáo gươm rợp đất.

Giữa đàn là thần vị thần Đồng Cổ, lư hương nghi ngút, quan giám thệ điều khiển hội thề. Bách quan văn võ từ phía đông đi vào đền, đền trước đàn, quỳ trước thần vị và đọc lời thề “Làm con bất hiếu, làm tôi bất trung, thần minh trụ diệt”. Về sau vì ngày hội thề trùng với ngày kỵ của một vua đời Lý nên hội thề được chuyển sang ngày 4 tháng tư âm lịch. Các đời vua Lý đều giữ lời thề ấy. Thời Trần cũng vẫn giữ lệ này. Đại Việt sử ký toàn thư chép: Hàng năm vào ngày mùng 4 tháng tư, Tể tướng và trăm quan, hồi gà gáy đến trực ngoài cửa thành, mờ mờ sáng vào triều. Vua ngự ở cửa Hữu Lang. Trăm quan mặc nhung phục làm lễ lạy rồi lui ra, đầy đủ nghi trượng theo hầu, ra cửa Tây kinh thành, đến đền Đồng Cổ họp nhau thề: “Làm tôi hết lòng trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này, thần minh giết chết”.

Đọc xong Tể tướng sai đóng cửa đền lại để điểm danh, người nào vắng mặt thì bị phạt 5 quan tiền. Ngày hôm ấy con trai, con gái bốn phương đổ về xem chật ních cả đường phố.

Thời Lê, hội thề vẫn được duy trì.

Đền Đồng Cổ thờ thần Đồng Cổ linh thiêng. Thực ra Đồng Cổ có nghĩa là trống đồng, như vậy đây là nơi thờ trống đồng. Tương truyền đến thời Lê đền bị mất trống đồng cổ, nhân dân phải đúc trống khác để thờ. Như vậy tục thờ trống đồng đích thực là tín ngưỡng của nhân dân Việt cổ còn lưu lại ở đền Đồng Cổ. Trống đồng của người Việt cổ không chỉ là nhạc khí, binh khí bình thường mà nó đã trở thành thần thiêng, thành tế khí của người Đại Việt.

Cho đến nay đền Đồng Cổ vẫn giữ được tục lệ hội thề “trung hiếu”, truyền thống. Cứ ngày 4 tháng tư âm lịch hàng năm, dân làng lại mở hội. Tham gia lễ hội không chỉ có dân vùng Bưởi mà còn có đông đảo bà con các vùng khác.

Lễ hội Đồng Cổ gắn với trống đồng, đó là biểu hiện sức mạnh vật chất, tinh thần của dân tộc. Hội thề đền Đồng Cổ là một hội thề độc đáo và lành mạnh, có nội dung, ý nghĩa giáo dục luân lý, đạo đức và truyền thống dân tộc sâu sắc.

Di tích đền Đồng Cổ ngày nay nằm trên một khu đất cao, trông ra sông Tô Lịch. Đền được xây dựng năm 1028 dưới thời vua Lý Thái Tông. Trải qua bao năm tháng trước sự tàn phá khắc nghiệt của thiên nhiên và ảnh hưởng của hai cuộc chiến tranh chống Pháp, Mỹ di tích bị biến đổi nhiều, kiến trúc cũ không còn nữa. Ngày nay, trên nền đất xưa là một ngôi đền nhỏ xây theo kiểu chữ “đinh”, được trùng tu lại năm 2009 - 2010 nhân kỷ niệm 1000 năm Thăng Long. Từ ngoài vào, kiến trúc của đền được bố trí như sau:

Tam quan xây dựng theo lối kình trụ, hai trụ cửa chính cao chừng 5m, trên có đắp hình trái dành cách điệu, rồng phượng. Hai mặt trước và sau cột trụ đắp các câu đối với nội dung ca ngợi công đức của thần Bát diệp sơ, Đồng Cổ sơn ngôn, lịch đại bao phong lưu ngọc điệp, Thiên tải hậu, Chu Bàn hải thệ, nhất tâm trung hiếu phụng kim cương.

Tạm dịch:

Tám đời vua, Đồng Cổ lời xưa, lịch đại bao phong lưu điển tịch, Ngàn năm trải, Đàn Thề chứng tỏ, một lòng trung hiếu ánh vàng sơn.

Hai bên cửa Tam quan đắp nổi hai con ưng bằng xi măng. Bên trái Tam quan có cây đại sum suê, tạo cảnh quan di tích thêm cổ kính, linh thiêng. Chính giữa của Tam quan, đặt một đỉnh bằng xi măng to, cao để cho khách thập phương đến đền thắp hương. Qua khỏi sân lên hai bậc gạch là khu vực chính của di tích gồm: Tiền tế, Trung tế và Hậu cung.

Tiền tế trước đây là nơi toạ đàm của các chức dịch hàng tổng và hàng xã, nay là nơi hội họp tiếp khách của các cụ phụ lão và ban bảo vệ di tích. Trên bức ván mê (nối giữa gian Trung tế và Tiền tế) có bức hoành phi để bốn chữ lớn: “Đồng Cổ linh từ". Hai bên cửa phụ thông với gian trung tế có câu đối:

Toàn bằng Thanh Hoá Sơn Đông linh tích trứ, Bất hủ Hoàng Long Thành Đồng ngưỡng tiên truyền. Tạm dịch:

Dựa vào Thanh Hoá Nê Sơn linh tích nổi,
Bất hủ Long thành Đồng Cổ hội thề lưu.

Trung tế là ngôi nhà ba gian xây kiểu tường hồi bít đốc đơn giản. Hệ thống kèo xà được bào trơn, ở bức ván bưng chính giữa (nối giữa Trung tế và Hậu cung) có bức hoành phi lớn đề bốn chữ: “Thiên cổ linh từ” (Đền thiêng muôn thuở). Dọc hai bên cửa đi vào Hậu cung có câu đối nói lên sự tích, công ơn của thần Đồng Cổ đối với quốc gia và nhân dân.

Hậu cung nối liền với Trung tế và Tiền tế tạo thành kết cấu hình chữ “công”. Hậu cung được làm đơn giản kiểu kèo cầu quá giang. Chính giữa là hương án thờ, trên đặt long ngai bài vị, áo mũ của thần Đồng Cổ.

Nói chung đền Đồng Cổ có quy mô kiến trúc không lớn và đơn giản. Trước đây vốn chỉ là một ngôi miếu nhỏ được xây dựng từ thời Lý, về sau có xây cất thêm. Giá trị đích thực của di tích không phụ thuộc vào giá trị kiến trúc hiện còn mà chủ yếu là giá trị lịch sử của nó. Di tích đền Đồng Cổ nằm ở ngay sát phía bắc kinh thành Thăng Long. Đây không chỉ là nơi thắng cảnh mà còn là di tích mang đậm dấu ấn văn hoá thời Lý.

Trong đền còn giữ được một số hiện vật giá trị như:

- Một bản chữ Hán trích văn tế của đền trong đó ghi rõ các ngày tế lễ của đền.

- 12 đạo sắc phong trải qua các triều đại: Cảnh Hưng năm thứ hai (1741) hai đạo. Chiêu Thống nguyên niên (1787) hai đạo. Quang Trung năm thứ ba (1790) hai đạo. Cảnh Thịnh nguyên niên (1793) hai đạo. Thiệu Trị năm thứ chín (1849) hai đạo. Tự Đức năm thứ tám (1855) hai đạo.

- Hoành phi, câu đối, khám thờ, ngai thờ…

Trần Bá Lãm có thơ đề vịnh về đền như sau: Liên hoa bát diệp mộng sơ tỉnh Hà xứ sơn thần tự hiển linh Tha niên Trần Cảnh di thần khí Dao vọng minh đàn thảo sắc thanh. Tam dich:

Hoa sen tám cánh mộng vừa tỉnh Thanh xứ sơ thần đã hiển linh Năm nào Trần Đế di thần khí Xa ngắm đàn thể cỏ vẫn xanh. Đền Đồng Cổ ở Thăng Long - Hà Nội đã được Bộ Văn hoá và Thông tin xếp hạng di tích lịch sử - văn hoá năm 1992./.

Theo Hà Nội Danh thắng và Di tích tập 01

Bài liên quan
  • Đình Đa Chất
    Thôn Đa Chất thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên. Thời Lê, là trang Tông Chất. Thời Nguyễn là thôn Đa Chất, thuộc xã Đường Xuyên, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông. Đến nay, thôn Đa Chất thuộc xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội.
(0) Bình luận
  • Bảo tàng Mỹ thuật ở giữa làng quê (huyện Ba Vì)
    Xứ Đoài là một vùng đất tối cổ - vùng địa văn hoá, địa thi hoạ - nơi mà con người có thể trải nghiệm đời mình trong hệ sinh thái tự nhiên của vùng đất, đi qua những truyền thuyết, cổ tích, để từ đó tạo nên tâm tính, giọng nói đặc trưng của con người xứ Đoài. Nắng và gió, núi và sông xứ Đoài đã gợi cảm hứng sáng tác cho một Tản Đà, một Quang Dũng và nhiều thi nhân, hoạ sĩ: từ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí đến Sĩ Tốt, Nguyễn Tiến Chung, Nguyễn Tư Nghiêm, Nguyễn Sáng... và những thế hệ văn nghệ sĩ sau này, ở họ đều có những sáng tác xuất sắc về xứ Đoài.
  • Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (huyện Phú Xuyên)
    Đi khắp các vùng miền của Tổ quốc, những cựu tù binh Phú Quốc đã sưu tầm kỷ vật, di vật, tranh ảnh có liên quan đến các nhà tù trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược mà đồng đội và các ông đã trải qua. Hơn 20 năm kiếm tìm và góp nhặt, Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày, do chính những người cựu tù năm xưa thành lập là những minh chứng chân thực về một thời oanh liệt và hào hùng của dân tộc.
  • Bảo tàng Quê hương phong trào chiếc gậy Trường Sơn (huyệnỨng Hoà)
    Hoà Xá là một làng quê nằm sát bờ tả sông Đáy, thuộc vùng ven chiêm trũng Khu Cháy. Nơi đây sớm có phong trào cách mạng ngay từ những năm 1930, là hậu phương trung thành của cuộc kháng chiến chống Pháp. Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hòa Xá được xem là quê hương của phong trào động viên thanh niên lên đường “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” và câu chuyện huyền thoại “chiếc gậy Trường Sơn”.
  • Khu Cháy, Bảo tàng Khu Cháy - một địa chỉ đỏ về truyền thống đấu tranh cách mạng ở Ứng Hoà, Phú Xuyên
    “Khu Cháy” là thuật ngữ để nói về một khu du kích trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp gồm 22 xã ở phía nam huyện Ứng Hoà và tây huyện Phú Xuyên, Hà Nội.
  • Bảo tàng Tổng cục II (quận Hoàng Mai)
    Toạ lạc tại số 322 đường Lê Trọng Tấn, quận Hoàng Mai, Hà Nội trên khuôn viên rộng 3.500m2, gồm 2 tầng nhà và phần trưng bày ngoài trời, Bảo tàng Tổng cục II hiện lưu giữ 5.830 hiện vật, trong đó có nhiều hiện vật quý hiếm gắn liền với cuộc đời hoạt động của nhiều chiến sĩ tình báo xuất sắc của Quân đội nhân dân Việt Nam. Với chức năng phục vụ công tác nghiên cứu, tham quan học tập, giáo dục truyền thống, Bảo tàng Tổng cục II chính thức được Bộ Văn hoá - Thông tin công nhận nằm trong hệ thống các bảo tàng cấp 2 toàn quân.
  • Bảo tàng Binh chủng Thông tin (quận Ba Đình)
    Bảo tàng Binh chủng Thông tin thuộc loại hình bảo tàng lịch sử chuyên ngành quân sự, là thể chế văn hoá, có chức năng bảo quản và trưng bày các sưu tập về lịch sử Binh chủng Thông tin liên lạc nhằm phục vụ nhu cầu nghiên cứu, giáo dục, tham quan và hưởng thụ văn hoá của cán bộ, chiến sĩ trong Binh chủng và nhân dân, bạn bè quốc tế.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Cơm cà muối mặn, rưng rưng ngày bão
    Đã hai ngày rồi, cơn bão ghé ngang qua nhà. Mẹ ngồi buồn bã trước thềm. Mưa gió, đàn vịt, đàn gà chẳng đi kiếm ăn được. Chúng nép mình dưới bụi chuối, co ro bởi đôi cánh đã ướt rượt. Đàn gà con nối đuôi nhau, lạc giọng tìm mẹ.
  • Luật Thủ đô (sửa đổi): Phát triển Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại” từ chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư
    Kết luận số 80-KL/TƯ gần đây, Nghị quyết số 15/NQ-TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị đã xác định việc xây dựng và phát triển Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại” là nhiệm vụ trọng tâm. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngoài tinh thần “Hà Nội vì cả nước – Cả nước vì Hà Nội”, Luật Thủ đô (sửa đổi) vừa được Quốc hội khóa XV thông qua đã có các chính sách mới về tài chính, ngân sách, đầu tư, huy động nguồn lực phát triển Thủ đô.
  • [Video] Hương sắc Quảng Phú Cầu
    Có tuổi đời hơn trăm năm, làng hương Quảng Phú Cầu (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) đã trở thành điểm đến của nhiều du khách trong nước và quốc tế khi đến Thủ đô Hà Nội. Đến với Quảng Phú Cầu là đến với những gam màu rực rỡ, đến với những người làm nghề thân thiện, hiền hòa. Mặc cho những biến đổi của đời sống xã hội, những thăng trầm của thời gian, người dân nơi đây vẫn gắn bó cùng nghề làm hương truyền thống ông cha để lại.
  • Hà Nội: Những lớp học thành nơi tránh trú bão
    Tính tới 14h chiều 07/9, nhiều điểm trường trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, Hà Nội đã trở thành nơi tránh, trú an toàn trước bão số 3 cho người dân các khu chung cư cũ trên địa bàn. Tại đây người dân được quan tâm chu đáo và nhiệt tình.
  • Giá chỉ khoảng 1 tỷ đồng, VF 8 vẫn phá vỡ đặc quyền của các mẫu xe sang 3 - 5 tỷ
    Với những nâng cấp ấn tượng về công nghệ và trải nghiệm sử dụng, VinFast VF 8 được xem là món hời khi chỉ phải bỏ ra hơn 1 tỷ đồng nhưng người dùng đã sở hữu những giá trị vốn được xem là đặc quyền trên các dòng xe có giá cao gấp 3 lần.
Đừng bỏ lỡ
Đền Đồng Cổ (quận Tây Hồ)
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO