Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Yêu say mùa thu Hà Nội

Phạm Thị Hồng Thu 28/09/2023 14:03

Có lẽ trong bốn mùa, mùa thu để lại trong lòng người nhiều cảm xúc nhất. Cũng là tiết trời thu miền Bắc nhưng thu Hà Nội khác hẳn với những nơi khác, thu Hà Nội rất riêng, rất độc đáo. Thu Hà Nội khiến cho lòng ta lâng lâng, xao xuyến, say đắm khôn nguôi.

hoa-sua-7.gif
Có loài hoa nào mùi hương tỏa lan cả một vùng thơm nức như hoa sữa... (ảnh: internet)

Mùa thu sang, ông mặt trời không vội vã dậy sớm và cũng không cáu kỉnh như mùa hạ. Vẫn nắng vàng rót mật vào vạn vật nhưng không còn cảm thấy ngột ngạt, oi nồng. Gió heo may đã làm cho không khí mát mẻ, dễ chịu. Gió heo may về gọi mời những chiếc lá vàng xuộm trên các cành sấu cao bên đường Phan Đình Phùng sà xuống nhảy vũ điệu van xoay xoay, xoay xoay rồi kết thành những tấm thảm vàng trên hè phố, tạo nên một con đường thơ mộng như trong cổ tích, thật mê. Đi trên con đường này ta như lạc vào rừng cổ thụ nguyên sinh rợp mát. Con đường là điểm đến yêu thích của người dân Thủ đô và du khách khi về Hà Nội.

Cứ mỗi độ thu sang, trên các con phố cổ và các khu chợ ở Hà Nội như thơm hơn, đẹp hơn nhờ sắc và hương của hoa và thị. Những quả thị vàng ươm tròn căng mây mẩy tỏa hương ngọt ngào, thơm mát, thanh tao. Các bà, các chị chở xe quả đi bán rong ngoài đường mà trong nhà cũng thoang thoảng hương thơm. Cầm quả thị trên tay cứ muốn hít mãi, hít mãi không hề chán cái mùi thơm quyến rũ ấy. Mua một đĩa thị dâng lên Tổ tiên lòng ta cảm thấy thanh thản lạ. Mùa thị lại nhớ về kỷ niệm thuở thiếu thời đi sơ tán ở một vùng quê xa, gần trường có một cây thị cổ thụ. Ngày ấy đói khổ lắm, sáng bụng rỗng đến trường, tiết cuối mong hết giờ để leo cây thị. Bà cụ trong truyện Tấm Cám xin thị rơi để về ngửi, còn lũ trẻ bụng đang réo tranh nhau leo cây, giành nhau hái cả những quả chưa kịp chín. Chúng nắn thật kỹ mà vẫn chát, nhựa dính sít cả răng miệng, vậy mà vẫn hái, vẫn ăn, vẫn thích. Mới đầu quả còn sai chỉ vài ngày thưa dần, buộc phải leo lên cao, leo ra những cành nhỏ mới có quả. Đứng dưới gốc nhìn lên trông bé như những chú khỉ con vậy mà không sợ, cành thị dai không giòn như cành khế.

Yêu mùa thu Hà Nội là yêu cốm làng Vòng. Cũng là hạt ngọc của trời ban tặng nhưng cốm Vòng khác hẳn với cốm Tú Lệ và các nơi khác. Cốm Tú Lệ xanh đậm nhưng ít dẻo, ít thơm. Cốm Vòng màu nhạt hơn nhưng rất dẻo và rất thơm. Không hiểu do chất đất ở đây hay do bàn tay tài ba khéo léo của người nghệ nhân mà cốm Vòng đã trở thành đặc sản của mùa thu Hà Nội. Cốm Vòng phải được gói trong lá sen mới giữ được mùi thơm, hương cốm quyện với hương sen càng hấp dẫn. Cốm Vòng ăn với chuối trứng cuốc thật ngon, hoặc chỉ dúm vài hạt bỏ vào miệng nhai từ từ mới cảm nhận hết cái vị dẻo, sánh, ngọt, thơm khó lẫn của cốm Làng Vòng. Nhâm nhi từng hạt cốm với cốc nước chè ướp sen Hồ Tây, trong những ngày thu gió heo may quyện vào cốm, vào trà, gieo vào lòng ta cái cảm giác thư thái, lâng lâng hạnh phúc khôn cùng. Cốm Vòng - một thức quà dân dã nhưng rất tinh túy của mùa thu Hà Nội dâng tặng con người.

Yêu mùa thu Hà Nội, tôi yêu các loài hoa, đặc biệt là hoa sữa. Có người chê hoa sữa nồng nặc khó thở nhưng tôi lại say cái mùi nồng nàn quyến rũ đến lạ. Từng chùm hoa xanh chi chít trên cành đến khi bung nở thì trắng muốt, thơm lừng. Có loài hoa nào mùi hương tỏa lan cả một vùng thơm nức như hoa sữa. Khi ông mặt trời díp mắt chuẩn bị đi ngủ là hương hoa tỏa lan. Hương hoa sữa đã ướp cho giấc ngủ của ta thêm nồng, thêm say. Câu hát “Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm” trong bài hát Hoa sữa của nhạc sĩ Hồng Đăng như thúc giục bao người con về với Hà Nội để được hít hà cái mùi đặc trưng ấy. Và có lẽ nó quyến luyến quá để nhiều người đã đem giống hoa này về trồng ở quê mình, để giờ đây hoa sữa đã có mặt gần như khắp nơi trên đất nước ta.

Mùa thu Hà Nội là mùa của niềm tin và hi vọng, của mừng vui khôn tả, nhớ thương vơi đầy. Mùa thu năm 1945, đã cách đây 78 năm, mà sao thấy như vừa hôm qua, trên quảng trường Ba Đình lịch sử, giọng Bác âm vang, gần gũi, thân thương: “Tôi nói đồng bào nghe rõ không?” Cả triệu người con đồng thanh đáp lời Bác, đi theo con đường Bác chọn để gìn giữ và dựng xây nước Việt ta độc lập, tự do, hạnh phúc, hùng cường. Những người con ấy ở khắp các miền Tổ quốc cứ mong đến mùa thu lại về dâng nén hương lên vị cha già kính yêu. Mong muốn “Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta/ Ta bỗng lớn ở bên Người một chút” (Tố Hữu). Vâng chỉ một chút thôi cho ta nhìn lại mình, cho ta lại là ta, con cháu của Người.

Mùa thu Hà Nội, mùa thu đất nước đã đi vào thơ, ca, nhạc, họa, đã in đậm trong tâm hồn người dân Việt. Hà Nội mùa thu, mùa thu Hà Nội, tôi đã say Hà Nội, say mùa thu Hà Nội, nó như gắn vào máu vào thịt, vào tâm hồn tôi. Có lẽ không chỉ riêng tôi, mà những người dân Hà Nội và những người yêu Hà Nội đều yêu quý thu Hà Nội như thế, đều say thu Hà Nội đến thế!

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Phạm Thị Hồng Thu. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Sơn Đồng - Nơi thổi hồn vào gỗ
    Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức nằm ở ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng chừng gần hai chục cây số về phía Tây, không chỉ nổi tiếng là đất khoa bảng mà còn được nhiều người trong và ngoài nước biết đến là một làng nghề làm đồ thờ và tượng gỗ, đặc biệt là tượng phật, tượng thánh.
(0) Bình luận
  • Hà Nội, mùa đầu nỗi nhớ
    Tôi chậm rãi bước từng bước nhẹ nhàng trên một con phố nhỏ quanh Hồ Tây, từng chiếc lá vàng từ tốn rơi trên mặt đường tấp nập người qua lại, mặt hồ còn nhấp nhô phản chiếu những tia nắng mờ nhạt còn sót lại của buổi hoàng hôn. Dường như thời gian đang trôi chậm lại để tôi có thể cảm nhận trọn vẹn vẻ đẹp của miền đất Thủ đô, mà trước đây tôi chỉ có thể trông thấy qua lớp màn ảnh vô giác.
  • Ấn tượng thiên nhiên giữa lòng Hà Nội
    Dạo ấy, gần hai năm trước, nhân chuyến công tác Thủ đô, đoàn chúng tôi tổ chức chuyến thực tế thực sự ý nghĩa. Cho đến bây giờ, mọi người vẫn còn luyến tiếc, bởi với thời gian một ngày, chúng tôi chưa thể nào tiếp cận trọn vẹn không gian của “địa chỉ đó”. Cách trung tâm thành phố gần 40km về phía Tây, nơi hội tụ các sản phẩm văn hoá truyền thống của 54 dân tộc anh em. Nơi đó là “Làng Văn hoá các dân tộc Việt Nam” thuộc Khu du lịch Đồng Mô, Sơn Tây, Hà Nội.
  • Vé không khứ hồi
    Viết gì đây? Khi mỗi lần nhớ đến thời thơ ấu lòng lại buồn thương da diết. Tuổi thơ yêu dấu trong lòng Hà Nội, nơi mở ra những trang màu hồng đầy ắp kỷ niệm của hai đứa chúng tôi. Nay xa rồi tất cả tầm tay với.
  • Gửi cậu của một năm sau
    Bây giờ, tớ là một cô sinh viên năm ba vô lo, vô nghĩ chuyện tương lai. Hoặc đã từng nghĩ nhưng không quá nhiều lo lắng. Một năm sau cậu sẽ làm gì? Cậu sẽ trở thành ai? Liệu cậu có tiếp tục cuộc sống nơi Hà Nội nhộn nhịp xô bồ hay trở về miền quê yên bình của riêng cậu? Tớ chắc sẽ không khuyên nhủ gì cậu đâu, nhưng tớ muốn nói với cậu, mặc cho việc kiếm việc khó khăn, mặc cho áp lực cơm, áo, gạo, tiền đè nặng lên vai cậu thì đã từng có một Hà Nội yêu thương, che chở, bảo vệ cậu đến nhường nào.
  • Hà Nội mến thương
    Quê hương là nơi chôn nhau, cắt rốn, là nơi để những đứa con xa quê nhung nhớ mỗi khi có cơn gió hiu hiu thổi qua làm dấy lên cả một bầu trời nhung nhớ. Nhưng có những vùng đất ta sẽ gặp khi bước ra khỏi luỹ tre làng, để rồi khẽ thương từ độ nào không hay. Bởi ở nơi ấy, có những kỷ niệm, có những con người làm ta cảm mến, lưu luyến chẳng nỡ rời xa.
  • Hà Nội và những người thầy
    Tôi cùng một số bạn bè đến Thủ đô, dự Lớp bồi dưỡng viết văn Nguyễn Du, do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức. Chiều cuối thu bên Hồ Tây, bốn người không chung giọng nói, cùng nhau nhâm nhi li bia hơi Hà Nội và đĩa mực khô nướng Quảng Bình. Được dịp, chuyện nổ như rang ngô, niềm vui cứ thế thăng hoa, khiến câu chuyện cũng trở nên không đầu không cuối…
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Yêu say mùa thu Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO