Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Sơn Đồng - Nơi thổi hồn vào gỗ

Đào Thị Thu Hiền 26/09/2023 15:08

Xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức nằm ở ngoại thành Hà Nội, cách trung tâm thủ đô khoảng chừng gần hai chục cây số về phía Tây, không chỉ nổi tiếng là đất khoa bảng mà còn được nhiều người trong và ngoài nước biết đến là một làng nghề làm đồ thờ và tượng gỗ, đặc biệt là tượng phật, tượng thánh.

1.-tam-quan-dinh-lang-son-dong-noi-tho-to-nghe-lam-tuong.jpg
Tam quan đình làng Sơn Đồng - Nơi thờ tổ nghề làm tượng.

Phải nói rằng, với óc thẩm mỹ tinh tế và đôi bàn tay đặc biệt tài hoa, những người thợ làng Sơn Đồng đã cho ra đời nhiều tác phẩm nghệ thuật rất đẹp, có thể nói là đạt đến đỉnh cao hiếm thấy nơi nào sánh được, như thể tượng Phật bà nghìn tay, nghìn mắt; tượng ông Thiện, ông Ác; tượng Tam Thế Phật; tượng phật A Di Đà; tượng phật Thích Ca Mâu Ni; tượng phật Di Lặc; tượng phật Địa Tạng Vương; tượng phật Tuyết Sơn; tượng phật Văn Thù - Phổ Hiền, tượng phật thập bát La Hán, tượng phật Mẫu Chuẩn Đề... Và bây giờ đi đến nhiều nơi trong nước; thậm chí ra nước ngoài, châu Á và châu Âu người ta đều trông thấy rất nhiều những pho tượng quý được bày trong các đình, đền, chùa, miếu, phủ do đôi bàn tay khéo léo của những người thợ Sơn Đồng tạo thành.

Đặt chân đến Sơn Đồng chúng ta như được bước vào thiên đường của thế giới chạm khắc đồ thờ, tượng phật, tượng thánh. Ở đây hầu như cả làng làm tượng, trên là trời dưới là tượng, nhất là tượng phật; có những pho tượng đang trong quá trình tạo tác ở trong xưởng, ngoài sân, có khi cả ngay bên lề đường; có những pho tượng đã được hoàn thiện đẹp đẽ tựa như “mặt hoa da phấn, mắt phượng mày ngài, cổ kiêu ba ngấn, miệng cười trăm hoa” (tượng Mẫu) hoặc “mặt sắt mày gươm, binh quyền muôn dặm” (tượng võ tướng) bày đặt trong những gian hàng ở khắp làng. Và rồi, theo vòng quay của thời gian, hết đêm lại tới ngày, dường như từ sáng đến tối, ở Sơn Đồng chỗ nào cũng vang lên những tiếng lách cách đục tượng; khắp nơi nhìn đâu cũng thấy cảnh mài tượng, sơn son thiếp vàng. Cứ thế, âm thầm và lặng lẽ, người thợ tài hoa Sơn Đồng đã tạc hàng trăm, hàng ngàn pho tượng có giá trị dâng lên cho biết bao đền, chùa, miếu, phủ trên khắp mọi miền đất nước từ suốt bao đời đến tận ngày nay.

2.-nghe-nhan-uu-tu-nguyen-viet-thanh-truc-tiep-truyen-nghe-cho-cac-lop-tho-sau.jpg
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Viết Thạnh trực tiếp truyền nghề cho các lớp thợ sau.

Tương truyền nghề làm tượng ở Sơn Đồng xuất hiện từ khá sớm. Từ bao giờ thì hẳn chẳng ai còn nhớ được một cách chính xác nhưng tên làng từ lâu đã gắn liền với tên nghề ở nơi đây. Theo truyền miệng và các ghi chép trong ngọc phả từ năm 976 còn lưu lại ở Đền Thượng của làng thì tổ nghề là Đức thánh Đào Trực. Đức thánh từng là Thượng tướng quân tiên phong của triều đình Đại Cồ Việt trong cuộc kháng chiến chống quân Tống xâm lược. Sau khi chém được tên tướng Hầu Nhân Bảo và dẹp xong giặc phương Bắc ông đã đến Sơn Đồng mở trường dạy học và hướng dẫn mọi người trong làng nghề tạc tượng để mưu lợi cho dân. Với công lao này hậu thế giờ đây đã vinh danh ông làm tổ nghề của mình bằng một tên đường mới: Đường Đào Trực, đoạn đường từ ngã ba giao cắt đường Nguyễn Viết Thứ tại thôn Gạch đến ngã ba giao cắt đường liên xã Sơn Đồng - Yên Sở tại trường tiểu học. Trải qua quá trình hơn ngàn năm như thế đến nay đủ thấy nghề làm tượng ở Sơn Đồng đã trường tồn và song hành cùng sự phát triển của đạo phật cũng như đời sống tâm linh trong tín ngưỡng dân gian ở Việt Nam. Người ta truyền rằng, kể từ khi Lý Công Uẩn rời đô từ Hoa Lư ra đất Đại La và đổi tên thành Thăng Long, đi qua hơn nghìn năm gắn với biết bao thăng trầm của thời thế cho đến bây giờ, nghệ nhân các đời ở Sơn Đồng đã sớm có mặt trong suốt trường kỳ lịch sử ấy để đóng góp không ít công sức xây dựng các đình đền, chùa, miếu… ở các kinh thành khi thì Thăng Long lúc lại ở Huế và rất nhiều nơi khác trên khắp mọi miền đất nước. Hẳn là những dấu tích ấy vẫn còn được nhắc đến và lưu dấu ở không ít các đình, đền, miếu, phủ, chùa chiền ở khắp nơi: Hà Nội, Quảng Ninh, Hải Phòng, Ninh Bình, Hà Nam, Thanh Hóa, Huế, thành phố Hồ Chí Minh và rất nhiều nơi khác; tỉ như đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, chùa Một Cột, Kinh thành Huế hay đền thờ Bác Hồ ở Cô Tô, chùa ở Vân Đồn… Như thế thì bảo sao người Sơn Đồng không khỏi tự hào. Cứ thế, lặng lẽ chứ không ồn ào, truyền nhân các đời của làng nghề Sơn Đồng đã sáng tạo nên không ít các di sản văn hóa; đóng góp sức mình vào việc khôi phục và phát triển không ít những công trình văn hóa của thủ đô và đất nước, tô điểm những nét son tươi đẹp cho thành phố vì hòa bình; thủ đô ngàn năm văn hiến.

Đến Sơn Đồng chúng ta sẽ được nghe giới thiệu và hẳn sẽ nhận ra những nghệ nhân ở đây làm tượng theo những bí truyền của cha ông để lại. Người ta bảo đi khắp nơi, trong nước và ngoài nước, đến bất kỳ chỗ nào có tượng phật, tượng thánh, nếu là tượng của người Sơn Đồng thì chỉ cần nhác qua là nhận ngay ra. Nói như vậy, không có nghĩa là tất cả các tượng ở Sơn Đồng đều giống nhau. Những người thợ ở Sơn Đồng làm tượng chỉ giống nhau trên những nét nguyên lý chung của tổ nghề để lại. Bởi thế, mỗi pho tượng ở đây là một công trình sáng tạo nghệ thuật rất công phu và đầy sức hấp dẫn, làm theo những thủ pháp riêng được đúc kết qua thời gian của mỗi gia đình, mỗi hiệp thợ, mỗi nghệ nhân cho nên thế giới tượng ấy thống nhất theo khuôn mẫu nhưng có những nét riêng, rất phong phú và vô cùng tinh xảo; mỗi pho một vẻ, thâm trầm uy nghiêm cũng có mà tươi tắn rực rỡ sắc màu cũng có. Những pho tượng ấy nhìn trang nghiêm mà rất phúc hậu, mang dáng vóc Việt vừa thể hiện được những sắc màu tâm linh vừa mang dáng dấp trang nghiêm cổ kính, dễ dàng cho người xem thấy được cái đậm đà của hồn quê.

3.-nghe-nhan-uu-tu-nguyen-viet-thanh-va-cac-pho-tuong-dang-hoan-thien.jpg
Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Viết Thạnh và các pho tượng đang hoàn thiện.

Tượng ở Sơn Đồng được làm từ các loại gỗ hương, gỗ mít, gỗ vàng tâm, gỗ dổi; trong đó chủ yếu là gỗ mít. Gỗ mít theo quan niệm trong dân gian là loại gỗ “thiêng”, rất thích hợp cho việc làm các loại đồ thờ cúng. Ngoài ra loại gỗ này có đặc điểm màu vàng tươi, độ bền rất cao, dẻo, mềm, thớ dặm, ít bị nứt, dễ gọt. Thường thì người ta mua gỗ mít từ Thanh Hóa, Nghệ An, Phú Thọ, Thái Nguyên… trở về Sơn Đồng để làm tượng. Theo kinh nghiệm nếu làm tượng được làm bằng gỗ mít vườn nhà sẽ thích hơn mít rừng nhưng gỗ mít ở vườn nhà rất hiếm; khó mua, thân gỗ lại nhỏ, số lượng ít. Bởi thế gỗ mít ở rừng, ở đồi vẫn là nguyên liệu chủ yếu. Khi gỗ mít mang về người thợ sẽ tiến hành loại bỏ hết phần giác, chỉ dùng phần lõi để làm tượng. Cẩn thận, trước khi làm tượng, có người còn làm lễ trì chú cho gỗ để được hanh thông và linh thiêng.

Khi làm tượng, các nghệ nhân ở Sơn Đồng sử dụng công thức chung của tổ truyền. Đó là cách tính số đo, gọi là diện. Diện là khuôn mặt, được tính từ chân tóc tới cằm (bằng một đầu). Ví như, một pho tượng phật bà Quan âm ngồi thường là bốn diện, nhưng cũng có khi chỉ có ba diện rưỡi hoặc bốn diện rưỡi; tượng đứng thường làm khoảng bảy diện. Chẳng hạn tỉ lệ phân chia ở pho tượng đứng sẽ được tính: từ chân tóc tới cằm là một diện; từ cằm tới rốn là ba diện; từ rốn tới gót chân là ba diện, tổng là bảy diện. Ngoài tỷ lệ về chiều cao của thân tượng, người thợ Sơn Đồng còn tuân thủ theo một số công thức về vai, tay, thân. Cụ thể: vai tượng rộng từ hai đến bốn diện; tay dài khoảng ba diện; thân dày khoảng từ một diện rưỡi đến hai diện. Công thức này cũng có thể điều chỉnh tùy theo làm tượng béo hay tượng gầy, tượng nam hay tượng nữ. Chẳng hạn, tượng nam vai rộng hơn tượng nữ; tượng béo thì thân có độ dày hơn tượng gầy. Đôi khi tỷ lệ này cũng có một số dung sai do những cảm xúc thẩm mỹ của nghệ nhân trong quá trình tạo tác đem lại.

Trong quá trình tạo tác tượng phật, người thợ Sơn Đồng thường hay sử dụng một thước dây và một thước tầm để làm dụng cụ đo đạc. Bắt đầu từ bản mẫu hoặc tùy theo ý định của người thợ và kích thước của khối gỗ người ta đo thể tích để cắt gỗ: chiều cao, chiều ngang và bề dày (kích thước của một khối hình) sau đó cắt “dưỡng” - hình mẫu cắt theo “công tua” hai chiều: chiều nghiêng (nhìn mặt bên tượng) và chiều đứng (nhìn chính diện). Rồi áp từng dưỡng lên khối gỗ, cắt bỏ phần thừa – tạo ra một hình khối đại thể giống như mảnh ni lông hoặc mảnh vải trùm lên pho tượng. Khi làm thì phần đầu, mặt tượng bao giờ cũng được gia công trước tiên. Người thợ tiến hành đục phác thảo những khối mũ (nếu có) rồi đến trán, mũi, môi, tai... Các nghệ nhân ở Sơn Đồng thường phân đôi khối đầu, lấy đường vạch thẳng bổ giữa sống mũi, rồi đục một bên mặt trước; sau đó lấy sống mũi làm trục đối xứng, đục nốt nửa phần còn lại và đối chiếu với các chi tiết bên kia sao cho thật cân xứng. Trên khuôn mặt, các nghệ nhân cũng phân chia từng mảng một cách rất cụ thể. Đó là khoảng cách giữa các bộ phận: hai con mắt, chân tóc tới chân mày, chiều dài sống mũi, bề rộng cánh mũi, giữa môi trên và môi dưới, từ môi dưới tới cằm; độ dày của môi, tai… Trong đó họ rất chú ý thể hiện đôi tai của pho tượng. Tai phật thường to và chảy, đặt cân đối trong khoảng cách từ chân tóc ở hai bên đầu tới cằm, có khi nghệ nhân cho tai dài chạm vai. Ví dụ, tạc pho thượng A Di Đà, khi xong phần diện, họ lấy diện làm chuẩn, bắt đầu tính khoảng cách từ cằm tới tay, từ cằm tới khuỷu tay, từ dái tai tới vai, độ cong của lưng, bề rộng của hai vai, chiều cao của cổ... Sau đó đục dần từ cổ, vai xuống. Ở tượng A Di Đà bề rộng của hai đầu gối (ngồi xếp bằng tròn) thường bằng sáu mươi cm (mẫu tượng to bằng người thật). Nếu khối gỗ không đủ đáp ứng thì người thợ phải chắp gỗ từ khi cắt dưỡng để đảm bảo kích thước.

Sau tính toán tỉ lệ xong nghệ nhân làm tược bắt đầu tạc tượng. Đầu tiên là đục phá để phác lấy dáng chung (tạo dáng thô) suốt từ mặt tới bệ. Tạo dáng thô xong người thợ mới tiến hành tạo dáng chi tiết. Khi đó người làm tượng mới thể hiện dần từng bộ phận của pho tượng. Khâu này được coi là quan trọng nhất trong cả quá trình hoàn thành pho tượng. Trong khi đục người thợ vẫn phải chú ý phân chia các mảng khối, các khoảng cách để đảm bảo các tỷ lệ sao cho pho tượng nhìn phải cân xứng. Sau khi làm xong phần đục chi tiết, người thợ tiến hành gọt, nạo rồi dùng giấy ráp đánh cho nhẵn. Trong khi gọt người thợ dùng thường dùng loại đục dẹt, mỏng để tách các chi tiết sao cho các mảng các khối (chân tay và các ngón) không dính vào nhau, đồng thời thể hiện kỹ các đường lượn, các mảng miếng; chỗ nào cần nổi rõ thì làm bật ra, chỗ nào cầm chìm xuống thì phải dìm đi. Gọt, nạo tượng xong là hoàn chỉnh phần gỗ. Phần gỗ làm xong thì chuyển sang phần sơn.

4.-gian-hang-trung-bay-tuong-phat-cua-nghe-nhan-uu-tu-nguyen-viet-thanh-son-dong-hoai-duc-.jpg
Gian hàng trưng bày tượng phật của Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Viết Thạnh (Sơn Đồng - Hoài Đức).

Bình thường của nghề mộc thì gỗ trước khi làm phải phơi khô. Nhưng làm tượng thì không cần vậy vì sẽ rất mất công và gỗ khô cũng sẽ khó đục hơn hơn gỗ tươi. Bởi thế người thợ thường hay làm tượng khi gỗ còn tươi và sau khi đục xong mới làm cho tượng khô rồi mới tiến hành sơn. Trước khi đem sơn, nếu tượng có hiện tượng bị nứt, nẻ người thợ phải dùng dùng sơn ta trộn mùn cưa bả vào những chỗ bị khuyết tật, sau đó để khô rồi nạo cho nhẵn, từ chuyên môn gọi khâu này là “kẹt”. Kẹt xong mới tiến hành sơn. Kỹ thuật sơn son thếp vàng tượng ở Sơn Đồng cũng rất kỳ công, cầu kỳ như nghệ thuật làm vóc sơn mài. Công đoạn sơn cũng là một khâu quan trọng quyết định yếu tố thẩm mỹ của một pho tượng. Quy trình sơn tượng của người thợ Sơn Đồng phải trải qua ba bước: hom, cầm, thiếp. Hom là công đoạn đầu tiên của sơn. Người Sơn Đồng lấy sơn ta trộn với đất phù sa, tỷ lệ sao cho không được non sơn và cũng không được già sơn, rồi “bó” tượng bằng sơn sống, sau đó sơn “thí”. Sau mỗi công đoạn người ta phải mài tượng bằng đá và nước. Sơn lên rồi lại mài đi. Mài xong lại sơn tiếp ... Cứ làm như thế rất nhiều lần cho đến bao giờ thấy bề mặt tượng phẳng nhẵn và mọng lên. Sau đó lại dùng một lớp sơn khác phủ lên (gọi là sơn cầm thếp). Để sơn cầm thếp se (sờ tay thấy còn hơi dính) thì bắt đầu dán quỳ bạc hoặc quỳ vàng để hoàn thành tượng.

Để có lá quỳ bằng bạc hoặc bằng vàng dát lên pho tượng, người thợ phải dùng giấy dó, quét lên một loại mực làm từ nhựa thông, mùn cưa, hồ và keo da trâu. Rồi nấu vàng hoặc bạc chảy thành nước rồi đổ ra khuôn, tráng thành từng miếng mỏng. Tráng xong cắt từng miếng vuông khoảng một cm2 và xếp lên những mảnh giấy quỳ đã cắt vuông khoảng bốn cm2. Tiếp đến người thợ làm quỳ dùng vải mịn bọc chặt chồng giấy quỳ và vàng hoặc bạc để cố định vị trí; miếng vàng hoặc bạc được bọc vải, để lên phiến đá và dùng búa giã khoảng bốn mươi phút cho đến khi miếng vàng hoặc bạc trong đó mỏng ra. Xong lần giã thứ nhất người ta lấy lá vàng đã giã mỏng đem cắt thành mười sáu miếng bằng nhau. Sau đó lại đem xếp xen kẽ từng miếng vàng hoặc bạc với giấy quỳ để giã lần thứ hai, công đoạn này gọi là “trại” (lấy lá vàng hoặc bạc ở giấy quỳ ra). Trại xong thì “long quỳ”, nghĩa là lấy từng lá vàng hoặc bạc sau khi “trại” xếp xen kẽ với giấy và buộc thành từng quỳ. Mỗi quỳ vàng hoặc bạc theo đúng tiêu chuẩn sẽ có bốn trăm chín mươi lá. Thợ làm tượng ở Sơn Đồng thường mua quỳ về để thiếp chứ ít khi làm quỳ.

Tùy theo yêu cầu mà người thợ đem những quỳ vàng hoặc quỳ bạc để thiếp vào pho tượng. Người thợ phải cầm lá quỳ sao cho lá vàng hoặc lá bạc dính vào giấy, sau đó dán lên tượng nhưng không được dí tay. Cuối cùng, nghệ nhân dậm vàng (hay lau vàng) một cách tỉ mỉ để sản phẩm không bị rạn và không bị mất đi độ bóng. Để hoàn thành một pho tượng to người ta phải mất khoảng bốn mươi công đoạn khác nhau như thể đập bóc giấy, lướt quỳ mới, đập giấy vỡ, cắt dòng nong quỳ… Do vậy đòi hỏi người thợ phải thực sự kiên trì, tỉ mỉ với những thao tác kỹ thuật rất cao.

Có lẽ, nhờ sự cần cù, óc sáng tạo và đôi bàn tay tài hoa, khéo léo của người thợ Sơn Đồng mà cái nghề thổi hồn cho gỗ ấy bây giờ đang ngày một ăn nên làm ra đem lại thu nhập và công việc cho rất nhiều người và cũng trở nên nổi tiếng khắp cả nước. Chẳng thế mà năm 2007 sách Kỷ lục Việt Nam ghi nhận, đánh giá Sơn Đồng là làng nghề tạc tượng và làm đồ thờ lớn nhất cả nước; đồng thời cũng được bình chọn, xếp hạng là làng nghề lọt vào top mười làng nghề tiêu biểu của cả nước. Phải nói rằng để làm được cái thương hiệu vang danh, nức tiếng như thế quả không dễ một chút nào. Đó phải là biết bao tâm sức, trí tuệ truyền đời của các thế hệ nghệ nhân ở Sơn Đồng. Giờ đây, địa danh Sơn Đồng đã trở thành một địa điểm du lịch hấp dẫn của thủ đô được nhiều người biết đến; không chỉ là nơi có rất nhiều sự tích kể về con người và vùng đất mà còn là làng nghề độc đáo, tài hoa để cho du khách được trải nghiệm; được sống với cái hồn văn hóa của cha ông. Và cứ như thế, nghệ nhân Sơn Đồng lại âm thầm lưu giữ trong lòng người xem những tinh túy của ông cha; làm sống dậy cái hồn thiêng của dân tộc; lan tỏa và lưu truyền các giá trị nghệ thuật cho muôn đời sau. Mạch nguồn thầm lặng đó thật đáng quý và đáng yêu biết bao. Tiến tới, có lẽ không dừng lại ở việc là một điểm du lịch làng nghề, Sơn Đồng còn là một nơi trải nghiệm cho học sinh trong các nhà trường về một nghề mỹ nghệ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa của dân tộc tuyệt vời cho các nhà trường trong và ngoài thành phố./.

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Đào Thị Thu Hiền. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • Hà Nội của tôi
    Hà Nội của tôi! Những năm tuổi thơ tôi thích cùng chúng bạn đi tàu điện leng keng ra Bờ Hồ chơi. Chúng tôi chạy lăng xăng trên cầu Thê Húc, chiếc cầu nhỏ cong cong như đi vào cổ tích, cùng ngắm những làn sóng lăn tăn lấp lánh trong nắng ban mai, cùng háo hức chờ ông Rùa nổi lên mặt nước, như chờ xem truyền thuyết Hồ Gươm. Tôi cũng rất thích trò chơi trốn tìm, núp mình sau những thân cây cổ thụ nghiêng nghiêng bên hồ, ngồi ngắm tháp rùa, đón làn gió mênh mang thổi qua mặt hồ xao động và thưởng thức kem Tràn
(0) Bình luận
  • Nhớ gì khi xa Hà Nội
    Thanh xuân tươi đẹp nhất của tôi gắn bó cùng Hà Nội. Đó là quãng đời sinh viên tươi vui, hồn nhiên được cùng các bạn đồng trang lứa sinh sống và học tập giữa lòng Thủ đô, dưới mái trường Học viện hành chính Quốc gia. Lần đầu tiên bước ra khỏi ngưỡng cửa an toàn của gia đình, Hà Nội đã hiếu khách đón nhận, ôm tôi vào lòng, gieo vào tâm hồn thật nhiều kỉ niệm đặc biệt. Để rồi sau khi ra trường, trở về quê hương công tác, lòng tôi lại bồi hồi xao xuyến mỗi khi nhớ về Hà Nội với những hồi tưởng xuyến xao về quãng đời sinh viên.
  • Tô thắm Hà Nội bốn mùa hoa
    Có lẽ hiếm có Thủ đô của đất nước nào trên thế giới lại có đủ thời tiết đặc trưng của bốn mùa xuân, hạ, thu, đông, cùng với đó là thiên nhiên tuần hoàn luân chuyển quay vòng bốn mùa như Hà Nội. Để tạo nên diện mạo của Thủ đô, ngoài các công trình kiến trúc, danh lam thắng cảnh… thì còn có cả hệ thống cây xanh và hoa cỏ được trồng khắp các nẻo đường của Hà Nội.
  • Một thoáng Thủ đô, một đời vương vấn
    Tôi đến Thủ đô vào một ngày hè chói chang nắng lửa. Cảm giác nóng nực không ngăn nổi sự hiếu kì trong tôi về mảnh đất ngàn năm văn hiến, về những con người tao nhã, văn minh. Tôi thả hồn phiêu diêu qua từng con phố, lắng tai nghe nhịp thở của Hà thành mà nao nao hồi tưởng về những điều mình đã đọc, đã biết về lịch sử, con người nhân kiệt nơi đây.
  • Giai nhân trong bức ảnh Hà thành bất tử
    Nhân dịp 70 năm giải phóng Thủ đô xin được dâng truyện ngắn này như một nén nhang thơm để tưởng nhớ những nghĩa sĩ anh hùng đã dâng hiến đời mình cho cuộc chiến đấu giải phóng Thủ đô. Trong đó có vợ chồng ông Hai Hiên. Hai Hiên - vị lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa “Hà thành đầu độc” năm 1908. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng đã làm chấn động 3 cõi Đông Dương khiến Paris phải run sợ. Ông Hai Hiên lúc đó mới ngoài 30 tuổi, bị thực dân Pháp xử tử chặt đầu, rồi treo thủ cấp ở Cửa Đông thành, nhằm uy hiếp tinh th
  • Nắng thu theo lối tôi về Hà Nội
    7 giờ sáng, đáp xuống nơi Thủ đô, trái tim của cả nước, tôi lại càng tự hào vì là người con Việt Nam. Đã lâu lắm rồi, kể từ ngày tôi xa nơi đây, hân hoan lắm, 7 tiếng trên máy bay đem tôi về quê nhà. 7 năm xa nhà, tôi từ nơi xa học và làm việc trở về nhưng ký ức của tôi và nơi này không thể xóa nhòa. Từ trên máy bay và từ sân bay về trung tâm, tôi càng thấy sự thay đổi rõ rệt của một Hà Nội chuyển mình, hiện đại, văn minh.
  • Cả nhà ước năm mới
    Đêm 30, sau khi tôi và Thạo (con cả của tôi) chuẩn bị xong mâm cúng giao thừa, như đã thống nhất, cả nhà quây quần bên bàn trà để cùng nhau mơ ước.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • Trường THCS Xuân La: Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
    Hòa chung không khí hân hoan của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2024.
Đừng bỏ lỡ
Sơn Đồng - Nơi thổi hồn vào gỗ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO