Cuộc thi viết Hà Nội & Tôi

Hoài niệm Phớớ ơơơ!!!

Nguyễn Cẩm Tú 15:01 19/09/2023

Hà Nội rực rỡ sang xuân, dịu dàng mùa thu gió heo may, tĩnh lặng trước trời đông buốt giá để rồi lại bừng lên nắng vàng gay gắt đón hè về. Thủ đô bốn mùa đều mang vẻ đẹp và thức quà riêng cho những con người biết tận hưởng và nâng niu. Những tháng hè oi ả đã ghé thăm thành phố mà tôi yêu, chốn Hà thành vốn yên bình giờ đây căng mình trước vòng xoáy cuộc sống và sự khắc nghiệt của thời tiết.

nn.jpg
Tôi vẫn nhớ như cái gánh hàng nhỏ bé đơn sơ chỉ với một cái nồi lớn,
một cái âu nhựa cùng vào cái bát, chiếc thìa được xếp gọn gàng hai bên đòn gánh (ảnh: internet)

Ban ngày không khí hầm hập đến mức khó thở nhưng đến tận khi mặt trời khuất bóng cái oi ả vẫn không buông tha người dân Hà Nội. Ăn cơm xong, bố rủ chị em tôi ra ngoài đường dạo phố tiện ăn món gì đó man mát. Ngồi trên xe máy vi vu một vòng Hồ Tây, tôi hít thật sâu để từng làn gió tràn vào buồng phổi, xoa dịu đi những căng thẳng và mệt mỏi. Mùi gió thoảng chút hương cây cỏ mới thanh bình làm sao! Tôi còn đang mải mê chìm vào bầu không khí của tự nhiên, em trai tôi đã luôn miệng bảo thèm quán chè quen mà lâu lắm rồi chưa được ăn. Thấy thằng bé ỉ ôi mãi, cả nhà tôi lại chuyển hướng theo nguyện vọng của nó.

Quán chè đông nghịt khách, có lẽ cũng nhiều người thèm chút gì đó ngọt ngào cho cuộc sống. Tôi nhìn vào tờ menu dài dằng dặc, bên tai nghe bố cảm thán: “Thời này các con nhiều thứ ăn thật đấy!”, miệng khẽ cười khì. Tôi và em đứa thì gọi chè, đứa gọi sữa chua dầm nhưng bố tôi đặc biệt hơn một chút, bố gọi tào phớ.

Tào phớ thì chẳng cần phải giới thiệu thêm nữa vì nó đã là thức quà vặt quá đỗi quen thuộc với người dân Hà thành. Bát tào phớ của bố tôi được mang ra, vẫn tên gọi ấy nhưng đã khác xưa nhiều. Trước kia, tào phớ mà các thế hệ của bố hay ông bà tôi quen là phần phớ trắng chan thêm chút nước đường giản dị, nhưng tào phớ ngày nay sắc màu hơn nhiều. Nó có thể dễ dàng thêm đủ loại thạch, trân châu khác nhau, nước cũng có thể biến tấu thành nước cốt dừa. Bố tôi cảm thán rằng: “Hóa ra tào phớ bây giờ lạ như thế này à, ngày xưa lấy đâu ra thạch chỉ chan nước đường thôi cũng ngon lắm rồi”. Lời bố nói khiến tôi chợt ngẫm nghĩ, trong ký ức của tôi, tào phớ ra làm sao?

Ấy là đứa trẻ con bảy tuổi mặc cho cả nhà ngồi quây quần xem tivi giữa trưa hè vẫn chăm chú nhìn ra ngoài hiên nhà, ngóng trông mãi một thanh âm, một bóng hình. Để đến khi câu rao “Phớớ ơơơ” mới chỉ văng vẳng ngoài đầu ngõ, tôi đã lật đật chạy ra trước cổng. Trong ký ức của tôi, câu rao ấy thật sự rất thân thuộc, nó vang lên, rồi len lỏi vào từng con phố lớn nhỏ của Hà Nội, khơi dậy niềm vui nhỏ bé của những đứa trẻ thèm quà và cả những người lớn mệt mỏi vì cái nóng. Thủa ấy làm gì có có đủ loại nước uống có ga hay các loại trà đào, trà sữa như bây giờ nên tào phớ dường như là một niềm hạnh phúc cực kỳ to lớn đối với tôi mỗi khi hạ về. Thứ hạnh phúc ấy gói gọn trong câu rao thân thuộc, trong gánh đòn nhỏ xinh.

Tôi vẫn nhớ như cái gánh hàng nhỏ bé đơn sơ chỉ với một cái nồi lớn, một cái âu nhựa cùng vào cái bát, chiếc thìa được xếp gọn gàng hai bên đòn gánh. So với các hàng rong bây giờ, nó có thể rất nhạt nhòa nhưng khi xưa nó có sức hút diệu kỳ lắm. Cô bán hàng là một người phụ nữ nhỏ nhắn đậm nét đồng nội nhưng khỏe khoắn và dẻo dai lắm. Cô gánh cả kế sinh nhai trên vai, thong dong khắp nẻo đường, con phố.

Gánh rong được an vị ngay cổng nhà tôi. Mấy đứa trẻ con cùng xóm nghe hơi chạy ngồi xổm lại trước cái nồi nhôm sờn cũ đứa nào cũng dành một ánh nhìn thật đắm đuối vào nồi tào phớ cho đến khi cô bán hàng mở nắp vung thì niềm vui bật ra một tiếng “Woa” thật to.

Nồi tào phớ tỏa mùi thơm của đậu nành, mịn màng màu sữa, núng nính đến nỗi tôi tưởng chỉ cần vỗ nhẹ nó cũng đủ đong đưa. Từng lát tào phớ mềm mại được cô tạo ra bằng vỏ con trai to với viền đã được mài thật mỏng mà cũng vừa đủ sắc. Đôi bàn tay nhỏ bé cứ thoăn thoắt điều khiển vỏ trai lả lướt trên bề mặt nồi, gạt ra từng miếng phớ mỏng manh không một chút vỡ nát rồi thả vào bát. Khi đó tôi mê cái cảnh xúc tào phớ này lắm, cứ dán mắt nhìn chằm chằm theo từng động tác tay nhẹ nhàng của cô. Phần phớ trắng mượt mà được đặt vào cái bát sứ nho nhỏ khiến tôi liên tưởng đến món bánh đúc nóng nhưng thay vì chan nước mắm thì món ăn này được tắm trong từng môi nước đường ngọt lịm. Nước đường có màu vàng nhẹ, được đựng trong một âu nhựa lớn trên bề mặt còn được thả vài bông hoa nhài nên tỏa ra mùi hương rất thanh dịu. Từng môi nước sóng sánh chảy vào bát khiến tôi xuýt xoa vì vẻ ngọt lịm.

Bát tào phớ đến tay, ôi cái hương vị tôi mãi ngóng trông ấy. Phần phớ mềm mại có chút beo béo từ đậu nành vừa mới chạm lưỡi đã vội tan ra quyện cùng nước đường thanh nhẹ. Hai thứ ấy quyện vào nhau chảy xuống cuống họng tựa dòng nước mát lành tràn lên mảnh đất khô cằn. Nhưng thứ khiến tôi thích nhất chắc chắn là cái hương hoa nhài có trong nước đường còn lưu lại mùi thơm nhè nhẹ nơi đầu lưỡi. Nhấm nháp bát tào phớ đã hết sạch, mới để ý khung cảnh xung quanh, mấy đứa háu ăn như tôi đã chén sạch mà vẫn lộ vẻ thòm thèm, mấy đứa nhỏ hơn thì vẫn đang múc tới tấp. Ngược lại với lũ trẻ chúng tôi, người lớn nhẹ nhàng từ tốn ngồi trên hiên nhà, bàn luận chuyện đời, chuyện người… Nhớ lại mới thấy cảnh tượng khi ấy mới hoài niệm làm sao! Trên đầu trời vẫn nắng chang chang mà cả người lớn lẫn trẻ em cùng tụ tập quanh gánh rong nhỏ, trên tay ai cũng cầm một bát tào phớ, thìa tào phớ mát lạnh đi đến đâu, câu chuyện lại càng thêm rôm rả như thể cái nóng kia đã rời xa từ rất lâu rồi.

Bát tào phớ của bố tôi giờ đây tuy lạ nhưng cũng thật quen. Quả thực từ ngày lên cấp 3, tôi chẳng có dịp ăn lại tào phớ nữa. Bỡi có lẽ xung quanh tôi có nhiều món hấp dẫn quá, bắt mắt quá. Nhưng đến ngày hôm nay được nhìn, được nếm, được nhớ lại thức quà xưa, dù đã ít nhiều đổi thay nhưng hương vị nằm sâu trong ký ức thì vẫn còn nguyên vẹn.

Gánh tào phớ đơn sơ giữa lòng Hà Nội hồi ấy mang theo cơn gió mơn man thổi cho thủ đô đang gồng mình trong “biển” nắng dữ dội chút buông mình mềm mại.

Dáng hình cao gầy đứng dậy trong ký ức của tôi, cắp đòn gánh lên vai chuẩn bị đến hành trình tiếp theo. Bao năm trôi qua rồi, đời người nhiều đổi thay nhưng tôi tin âm thanh “Phớớ ơơơ” vẫn mãi còn đó. Nó chọn cho mình một góc khuất lặng yên trong ký ức chờ đợi những trái tim muốn tìm về với dòng kỷ niệm xưa bên bát tào phớ ngọt lành.

Tôi của hiện tại có thể nếm nhiều, thử đủ loại tào phớ mới, nhưng cái hương vị mộc mạc xưa kia lại đong đầy hơn tất cả. Hương vị ngọt lịm phảng mùi hương nhài thanh khiết dắt ta về những tháng năm ngây ngô nhất của cuộc đời, khi ánh mắt còn hồn nhiên say sưa ôm ấp hình ảnh gánh tào phớ bình dị dưới trưa hè Hà Nội. Cảm ơn nắng hạ xứ kinh kỳ đã ban tặng tôi một thức quà đáng quý như thế này!

Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Nguyễn Cẩm Tú. Thông tin về cuộc thi xem tại đây.
Bài liên quan
  • "Hoa" trong Hà Nội
    Từ bé, tôi ấp ôm giấc mộng được sinh sống và học tập ở Thủ đô Hà Nội mặc dù tôi chỉ biết đến Hà Nội qua ti vi và những mùa hoa bà kể. Hà Nội 12 mùa hoa, bà đều đưa tôi lạc vào những khung trời nên thơ, cổ tích. Tôi cũng mang trong mình nỗi bâng khuâng, bồi hồi xao xuyến như kiểu mình là đứa con xa quê vọng nhớ về cố hương của mình vậy. Mặc dù từ nhỏ tới lớn, tôi chưa hề được đặt chân đến Hà Nội để chiêm ngưỡng trực tiếp vẻ dịu dàng đằm thắm, đường phố nên thơ với những cánh hoa rụng rơi phủ khắp lối về.
(0) Bình luận
  • Lấp lánh gốm sứ Bát Tràng
    “Trước khi về, nhớ sang Bát Tràng mua cho mẹ bộ bát đĩa nhé!”. Nghe lời dặn của mẹ, ký ức một thuở hiện về và nỗi nhớ căn nhà kỷ niệm cứ xốn xang trong tôi. Nơi đó có mẹ đang móm mém mỉm cười chờ tôi. Thấy con về, nhất định mẹ sẽ hỏi “Có sang Bát Tràng không?”. Tôi sẽ đùa “Nhà thiếu gì bát đĩa mà mẹ cứ phải Bát Tràng!”. Mẹ sẽ mắng yêu “Đấy là tôi dặn mua sắm cho anh em anh đấy chứ. Thi thoảng các con về đây ăn uống đầy nhà đầy cửa không vui sao!”... Càng nghĩ, ký ức càng cuộn lên khôn nguôi, trong đó có những hình ảnh rất quen thuộc trong nhà tôi – một gia đình miền núi nhưng đậm đặc hơi hướng một miền đất đồng bằng nổi tiếng - Bát Tràng.
  • Nghề thuốc ở xứ Đoài
    Nhắc đến xứ Đoài, trong tâm thức người Việt Nam ta đó là vùng đất cổ, nơi lưu giữ những tầng lịch sử, văn hóa được trầm tích qua hàng ngàn năm. Xứ Đoài, tên gọi quen thuộc, nhưng không dễ để hiểu tại sao lại gọi như vậy.
  • Hà Nội trong trái tim tôi
    Từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường tôi đã vô cùng yêu thích và thuộc nằm lòng bài hát: “Hà Nội - Một trái tim hồng” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn. Khi những ca từ trong trẻo cất lên: “Tôi hát bài ca ngợi ca Hà Nội/ Ơi Thủ đô xao xuyến trong trái tim tôi/ Hàng cây xanh bao mùa lá đỏ/ Gió sông Hồng rì rào sóng vỗ…”.
  • Hoài niệm về tàu điện xưa
    Hình ảnh những chuyến tàu điện chở khách hồi xưa: bây giờ chỉ còn trong hoài niệm. Nghe nói, tàu điện do người Pháp đưa sang, có hơn 100 năm (có nhà ga, sửa chữa cho tàu khá lớn, ở đường Hoàng Hoa Thám bây giờ)...
  • Vô định bước chân khi qua chốn cũ
    Một lần tôi âm thầm trở lại Hà Nội. Tôi có hẹn phỏng vấn với một công ty ở đó. Sau bao tháng ngày lăn lội công trường bùn lầy gió bụi, tôi muốn tìm kiếm một công việc mang nhiều yếu tố chuyên môn hơn. Thế nhưng, buổi phỏng vấn hờ hững, kết thúc mà chẳng hứa hẹn điều gì, có lẽ tôi không phải là lựa chọn phù hợp cho vị trí đang tuyển dụng. Chông chênh giữa một thành phố quen mà nay như xa lạ, tôi một mình lang thang qua những con phố cũ, chờ chuyến xe trở về lúc chiều muộn.
  • Sơn Tây, một thoáng thành cổ
    Nằm dưới chân núi Tổ lại ở vị trí trung tâm của xứ Đoài, thành cổ Sơn Tây từng in dấu thời gian và trở thành một chứng nhân của lịch sử trong giai đoạn cuối của thời phong kiến và những năm tháng bi hùng kháng chiến chống Pháp của phe “chủ chiến” và phong trào cần vương trên mảnh đất xứ Đoài.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xúc động những câu chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế
    Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian từ 1895 - 1901 và 1906 - 1909.
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Phát động bình chọn “Những bản hùng ca của đất nước”
    Với chủ đề "Những bản hùng ca đất nước", cuộc bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất chính thức được phát động ngày 18/5 tại Hà Nội.
  • Khánh thành công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô
    Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ đến thăm, chúc Tết Công an TP Hà Nội và 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5, Công an TP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình "Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô".
Đừng bỏ lỡ
Hoài niệm Phớớ ơơơ!!!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO