Đưa em qua cầu Long Biên
Lần đầu tiên tôi lơ ngơ đi qua cầu Long Biên là ngồi trên xe xích lô bè bè lùn tịt sang Gia Lâm nhập học Học viện Quân sự. Đã biết phố xá Sài Gòn “đèn hoa rực rỡ” nhưng Hà Nội thì tôi chỉ mới biết qua sách vở những năm còn ngồi học trên ghế nhà trường. Quen như ở Sài gòn, nếu không biết đường thì đi xe xích lô. Thế là trèo lên xe xích lô của một người trạc tuổi bố, tôi ngỡ ngàng khi cầu Long Biên hiển hiện ngay trước mặt.
Những thanh dầm, rồi những xà ngang, xà dọc, hoa sắt làm lan can dậu chắn, những kết cấu dầm và đinh tán ri vê… đã gỉ mòn, vẹt sâu dấu vết đi của năm tháng; tàu hỏa sầm sập qua cầu là những ấn tượng đầu tiên về chiếc cầu trăm tuổi, nền tiến bộ công nghệ thép cùng thời với tháp Eiffel. Chợt nhớ mấy câu thơ in trên sách Tập đọc lớp 3 đã thuộc nằm lòng: “Hà Nội có cầu Long Biên/Vừa dài vừa rộng bắc trên sông Hồng/Tàu xe đi lại thong dong/Người người tấp nập gánh gồng ngược xuôi…”.
Tôi biết cây cầu này đã cùng vui buồn, sống chết với nhân dân Thủ đô và nhân dân cả nước trong những tháng năm mưa bom, bão đạn. Giờ đây, cây cầu nằm duỗi dài chân, thanh thản ngắm trời thu xanh biếc. Tôi bồi hồi tưởng tượng cảnh cầu Long Biên bao lần bị quân thù bắn phá, tưởng chừng như không thể nào đứng vững.
Khi vào học chính khóa, những chuyến đi dã ngoại, hay đi lao động giúp dân, ngồi trên xe ô tô Học viện, tôi qua cầu. Cũng có những buổi chạy việt dã vũ trang, chúng tôi vai vác súng trường chạy bộ qua cầu một hàng dọc. Rồi có buổi tối chủ nhật xin được giấy phép ra ngoài doanh trại, tôi cùng mấy người bạn đi bộ qua cầu sang bên thành phố chụp ảnh để lưu lại hình ảnh mái tóc cắt cực ngắn theo quy định học viên Học viện Quân sự tại Ảnh viện Quốc tế bên hồ Hoàn Kiếm... Mỗi lần qua cầu là một cảm xúc mới lạ. Khi thì tôi hình dung về quá trình làm cầu của người thợ cầu Việt Nam dưới roi vọt của đốc công người Pháp. Do đọc trong sách nên tôi biết cầu được hoàn thành là do công sức lao động và mạng sống của hàng nghìn người Việt Nam. Khi thì mường tượng về cái đêm quân dân Thủ Đô vượt sông Hồng đi kháng chiến trường kỳ, hẹn cầu Long Biên ngày về giải phóng: “Những đêm ra đi đất trời bốc lửa/Cả đô thành nghi ngút cháy sau lưng/Những chàng trai chưa trắng nợ anh hùng/Hồn phất phơ mười phương cờ đỏ thắm/Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm/Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa…”. Hoặc suy tưởng, bao nhiêu đạn bom nhưng cầu vẫn sừng sững giữa mênh mông trời nước như một phép lạ. Tồn tại lẫm liệt, trường tồn vinh quang, để đứng đây làm chứng nhân lịch sử. Hẳn là cầu Long Biên hãnh diện lắm khi được chứng kiến những tên lính Pháp cuối cùng thất thểu rút khỏi Hà Nội “Gót thực dân rút qua cầu lặng lẽ”.
Cầu Long Biên từng là mục tiêu đánh phá của không lực Hoa kỳ, đã có những lần cây cầu tơi tả, rách nát. Trên những nhịp cầu còn đó những vết sứt sẹo ứa máu. Nhưng cũng như người Hà Nội, đau thương không thể gục ngã. Khẩu đội tự vệ súng 14,5 mm hiên ngang vươn cao nòng ở trên đỉnh cầu sẵn sàng nhằm thẳng quân thù nhả đạn. Bản tính người Hà Nội đã truyền sang phẩm chất trung dũng, kiên cường.
Qua cầu thật thích khi bất chợt màu xanh mướt của dâu, mía, ngô trên cồn cát giữa sông. Ai đấy cũng reo lên nhìn ngắm thành phố Hà Nội từ phía sông Hồng. Hà Nội nhìn ban đêm đẹp lung linh soi bóng nước những ánh đèn đang mọc lên như sao sa.
Ở Học viện Quân sự, chúng tôi học liên tục, không có thời gian nghỉ hè hay nghỉ phép, vì đất nước đang có chiến tranh biên giới. Cầu Long Biên lại lặng thầm tiễn những đoàn tàu chở quân và khí tài quân sự lên biên cương. Thấy con không có ngày nghỉ về thăm nhà, bố mẹ cho cậu em lên Trường thăm tôi. Tranh thủ ngày chủ nhật tôi mượn xe đạp chở em trai qua cầu sang một số địa chỉ mà ai ra Hà Nội cũng đều muốn ghé thăm. Đó là: Lăng Bác, Bảo tàng Lịch sử, Bảo tàng Quân đội rồi Cửa hàng Bách hóa Tràng tiền, Hồ Hoàn Kiếm, quầy bánh tôm Hồ Tây. Nhũng nhẵng đạp xe trên đường về thì bắt gặp cảnh tắc nghẽn trên cầu Long Biên, đông nghìn nghịt người dắt xe đạp đang đứng chôn chân. Ngày ấy xe ô tô phần nhiều là xe cũ, phổ biến là những “con chiến mã” đã một thời quăng quật khói lửa ở đường Trường Sơn giờ đây già nua nên khi chạy với tốc độ chậm nên rất hay bị chết máy. Ắc quy “quá đát” khởi động mãi máy không thể nổ, các “bác tài” thay nhau quay tay cũng không nổ được máy, gây tắc nghẽn trên cầu. Khắc phục tình trạng như “cơm bữa” này hai bên mố cầu đã có sẵn chiếc xe đầu kéo đứng chờ để hóa giải sự cố xe ô tô chết máy trên cầu Long Biên.
Những năm tháng công tác ở Cửa Bắc, hay bên Gia Lâm tôi có rất nhiều lần đi lại qua cầu Long Biên nhưng nhớ nhất là những lần giúp đỡ hỗ trợ nhà bạn cùng cơ quan chạy lũ sông Hồng. Nhà bạn ở Phúc Xá, mùa lũ nước ngập đến trần căn hộ cấp 4, tôi giúp vợ chồng bạn chuyển gường tủ, đồ dùng gia đình chạy lên mặt đê dựng lều ở tạm chờ nước rút. Nhìn sông ngầu đỏ, nước dâng lên ngùn ngụt, nước đã mấp mé mép cầu. Hồi ấy hàng năm cứ đến tháng 8, lũ từ thượng nguồn cuồn cuộn đổ về xuôi, nhìn dòng nước chảy xiết tôi nghĩ sức mạnh của thiên nhiên là không gì ngăn được. Nhưng từ khi có Thủy điện sông Đà với tác dụng kép đã trị được lũ sông Hồng.
Và sau này, tôi có những buổi chiều đi dạo trên đê sông Hồng ngẫm ngợi nỗi buồn vui của bao thế hệ người Hà Nội. Bước lên cầu, đợi khi hoàng hôn buông xuống là lúc đẹp nhất để ngắm cảnh trên cầu Long Biên. Kìa đoàn tàu xình xịch qua cầu kéo còi toe toe, những áng mây phớt hồng trên đầu và những gợi sóng lấp lánh dưới chân cầu. Khi màn đêm xuống, đứng trên cầu nghe xóm chợ bên dưới xôn xao, nhộn nhịp cảnh mua bán. Hình như Hà Nội đang chuyển sang sống về đêm, cầu Long Biên dường như đồng cảm cũng trằn trọc không ngủ. Vịn tay trên lan can cầu là những cặp trai gái tự tình bên nhau.
Tôi chợt nhớ câu thơ lần đưa cậu em trai đi qua cầu Long Biên: “Anh đưa em qua cầu Long Biên/Tuổi cây cầu trăm năm hơn rồi đó/Đường sắt giữa, hai bên sườn đường bộ/ Kết cấu cầu là đinh tán ri vê”.
Với người Hà Nội và người dân cả nước, cầu Long Biên vẫn mãi là một kỷ vật, một chứng nhân độc đáo trên sóng nước sông Hồng.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Chung Tiến Lực. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |