Những đêm thao thức tại Hà Nội
Khi đến Hà Nội, tôi bị bỡ ngỡ với nhịp sinh hoạt mới. Khoảng thời gian sau, khi bản thân đã quen dần với không khí ồn ã của đường phố vào ban ngày nhưng những bộn bề của bài vở cũng khiến tôi có nhiều đêm mất ngủ.
Những đêm thao thức đến gần hai giờ sáng, tôi bị ám ảnh bởi tiếng rao hàng "Ai khúc đây” rất ngân nga vọng vang ngoài cửa sổ. Đó là tiếng loa thu sẵn cái giọng rao rè rè của một người đàn ông trung niên. Tiếng đều đều như nhịp thở càng khiến tôi xót thương vì công việc mưu sinh vất vả của những người lao động bình dân giữa đêm khuya. Tôi cứ nằm trăn trở như thế mãi cho đến khi tiếng vọng yếu đuối và lịm dần giữa đêm khuya thinh lặng.
Ngoài những tiếng rao hàng, bản thân tôi còn ấn tượng với một thứ thanh âm đặc biệt tạo dấu ấn trong lòng nhiều thế hệ sống ở Hà Nội. Đó chính là tiếng “leng keng” của tàu điện. Khu trọ cũ của tôi nằm trên tuyến phố, nơi có đường tàu điện chạy qua. Ấn tượng lớn nhất trong tôi là tiếng tàu điện thân thương mang theo ánh sáng hi vọng và ẩn chứa biết bao cảm xúc vui buồn. Lâu dần, tiếng tàu điện leng keng rộn rã trở thành âm thanh đặc biệt để báo hiệu một ngày mới bắt đầu cho rất nhiều người tại nơi tôi sống.
Thi thoảng, vào những ngày cuối năm, các chuyến tàu điện ngược xuôi khắp mọi miền cũng trở nên tất bật hơn. Có những đêm đông lạnh giá của khoảng đời sinh viên, nằm cuộn mình trong chăn ấm, tôi khẽ khàng lắng nghe tiếng bánh xe tàu điện nghiến dài trên đường ray, cảm tưởng như nó chất chứa biết bao nỗi niềm của những người lao động xa quê mệt nhoài vì cuộc mưu sinh, đang mong ngóng cảm giác được quay về nhà. Năm tháng dần trôi, đường tàu điện vì cũ kỹ nên cũng tạm dừng hoạt động. Thế nhưng, mỗi khi có dịp đi ngang qua phố quen, giữa thế giới ồn ã của biết bao phương tiện giao thông, xe cộ hiện đại trên đường phố, lòng tôi vẫn thoáng chút hụt hẫng nhớ mong tiếng tàu điện quen thuộc.
Lúc đã quen dần với Thủ đô, tôi thường lang thang rảo quanh vài ba hè phố cổ kính, nghe hương hoa sữa thơm ngát, lặng lẽ quan sát cuộc sống chung quanh. Những lúc trời chập choạng tối, khi cầu Thê Húc lên đèn, tôi thường rẽ vào Cầu Gỗ, ghé quán quen, chọn một góc nhỏ, ngồi thưởng thức món xôi quen thuộc. Vài bác lái xe ôm có vẻ hớt hải, chốc chốc dừng lại mở điện thoại ra chăm chú tìm đường. Đối diện, vài bác trung niên hoặc gác chân, hoặc nằm tì tay chống cằm lên xích lô, thấy du khách nước ngoài đi qua là luôn sẵn gọi hê lô, hê lô… nhằm thu hút sự chú ý. Bản thân tôi cứ thế ngồi trước cửa quán, lặng lẽ ngắm nhìn dòng người ngược xuôi, cảm nhận đủ đầy mọi thanh âm ồn ã của phố phường.
Có những đêm mải mê đọc sách ở thư viện, tôi hay ra về trễ. Khi chầm chậm bước qua các hè phố, tôi hay bắt gặp hai bà cháu ngồi lặng lẽ bên vỉa hè, phía trước bày đơn sơ ít kẹo lạc, vài chiếc kẹp tóc và cả một ít vé số. Dáng người gầy gò của bà cụ và đôi mắt trong veo của cô bé khiến tôi chạnh lòng thương xót. Tôi thường dừng chân mua giúp họ một vài thứ lặt vật, cốt cũng để an ủi sự nhọc nhằn vì cuộc mưu sinh của hai bà cháu.
Thi thoảng, có những lúc đi làm thêm về trễ đến tận khuya, tôi vẫn giữ thói quen đi chầm chậm để ngắm nhìn mọi người chung quanh. Giữa màn đêm tĩnh lặng, tôi ngó nhìn đằng sau Văn Miếu chỉ thấy loáng thoáng thứ sắc màu sâm sẫm. Ở phố Tôn Đức Thắng, mọi hàng quán phủ phục cửa cuốn, ngủ say im lặng, chỉ còn tiếng chổi quét rác của cô lao công trong màn đêm. Tản bộ thêm một đoạn tôi bắt gặp người đàn ông nằm ôm một chú chó rên ư ử. Dưới tán bàng sum sê, gương mặt của chủ nhân chú chó đen đúa, nhìn không rõ, chỉ thấy ánh đèn xiên ngang dưới thềm hè, đủ lộ cái ống quần rách bươm và tấm nilon trải ra óng ánh. Đằng đầu ngã tư kia có tiếng xe rú ga rèo rèo cháy khét, chủ nhân của chú chó ư ử vẫn ngủ say, lặng im và khẽ khàng. Hà Nội khi ấy trong tôi là những gam màu buồn thương và trầm lắng đến khẽ khàng.
Bạn đồng hương có lần cắc cớ hỏi tôi nghĩ sao về người già ở Hà Nội. Tôi chợt nhớ đến bà lão bán nước ở phố Hàng Bạc, cũng là bà nội của đứa trẻ tôi dạy kèm môn Văn. Trong những buổi dạy kèm của tôi, thằng bé thường xuyên bị mất tập trung bởi tiếng xe cộ, tiếng người trò chuyện nhưng chủ yếu là do… bà nội cứ loanh quanh bên cạnh hai anh em. Bà lão sống không lương hưu, chẳng có tài sản, vườn tược ở quê. Duy có một thứ tôi nhìn thấy rõ ở bà, chính là tình yêu đặc biệt bà dành cho các cháu. Bà thương đứa em tôi dạy lắm. Nó hiền nhất nhà, học chậm, tính tình lơ đãng, được cái bảo gì nghe nấy. Khi nó đang làm bài, chốc chốc lại xin tôi cho ăn một cái kẹo, ăn một miếng trứng… mà bà nội lặng lẽ đưa cho.
Sau gần một năm, tôi không tiếp tục dạy nữa. Tôi cứ thế lặng lẽ rời đi và không một lần nào nói ý nói tứ với bà cụ, kể cả với em học sinh của mình. Chỉ cầu mong em học sinh hiền lành nhớ lời tôi dặn rằng sẽ đến một ngày, em sẽ phải rời khỏi vòng tay của người thân nhưng hãy luôn nhớ rằng tình thân gia đình là thứ tài sản quan trọng nhất. Dẫu đã nghỉ dạy nhưng thi thoảng đi ngang qua khu phố nhà em, tôi cứ thế lẳng lặng đứng nhìn bà cụ chầm chậm lách người qua lối vào nhà chật hẹp, từ tốn kéo bàn ghế ra vỉa hè ngồi cùng bác cả bán nước, cười hiền lành, thi thoảng đưa ánh nhìn xa xăm ra phố xá ngột ngạt như đang hồi tưởng một điều gì…
“Mình vừa thấy một bà cụ bán tùng teeng cập rập xuống xe buýt mà lo, xe buýt không biết dừng lâu, nhất là vào mấy chuyến cuối ngày”. Tôi đã trả lời như lạc đề câu hỏi của người bạn, sau chuỗi kí ức về người bà có nụ cười riu riu ùa đến. Bạn tôi chép miệng, bảo là ở quê còn có ruộng, già cả như ông bà nó vẫn có cháu chắt đến cấy cho. Nó kể lể thêm một chằng, tai tôi ù đi, tiếng ù lẫn vào tiếng vòi nước trong nhà tắm.
Thì ra, tôi đã quên rằng suốt những ngày tháng đi dạy thêm xa như thế, tôi toàn tắm khuya. Tiếng nước xối roạt roạt như tá âm thanh hỗn độn xào lên ngoài kia, gợi lên biết bao kí ức về phố phường Hà Nội những ngày còn niên thiếu./.
Tác phẩm tham dự cuộc thi viết "Hà Nội và tôi" của tác giả Hạo Minh. Thông tin về cuộc thi xem tại đây. | |