Xóm

Ngân Kim| 11/07/2020 20:09

Xóm
Minh họa của Nguyễn Văn Đức

Từ khi ông Năm treo biển “Bán đất”, hàng ngày khách ra vào dễ đến chục bận. Hỏi sao không để số điện thoại, ông cười ha hả:

- Để chi bây, muốn mua thì vô uống trà nói chuyện chơi, tao rảnh mà!

Cơ hồ ổng rảnh thiệt, bao nhiêu lượt khách đến cả tháng nay chỉ uống trà rồi ra đi, chứ cái biển treo chưa thấy gỡ xuống. Người ta độ chừng ổng treo chơi cho có người đến tám chuyện đỡ, buồn chớ mục đích chẳng phải để bán đất.

Đó là người ta gai mắt độ vậy thôi chớ kỳ thực ông Năm bán đất thiệt. Thì hồi chiều qua ổng sang nhà tôi tỉ tê:

- Thầy biên giúp tôi cái giấy thỏa thuận kiểu tiền trao cháo múc á. Người ta có đưa tờ giấy kêu ký mà tui hổng yên tâm.

- Dạ, tưởng chuyện gì chớ chuyện đó dễ ợt, Năm uống trà chờ con chút.

Dăm phút sau tờ biên nhận đã nằm gọn trong tay ông Năm, hai con mắt mờ đục gí sát đánh vần đọc từng chữ rồi gật gù:

- Có thầy biên là tui yên tâm nhứt. À, mà thầy có rảnh thì mốt đi với tui xuống xã làm giấy tờ với, ơn thầy tui nhứt định trả đủ.

- Ơn nghĩa gì đâu Năm. Năm cần thì con giúp cho!

Thế là tôi trở thành nhân chứng bất đắc dĩ cho cuộc mua bán đất của ông Năm. Sau cuộc mua bán, ông giơ vài triệu nhưng tôi nhất quyết không nhận. Không nhận thì ông vẫn có cách khác trả ơn, thằng con trai lớn của tôi được tặng chiếc xe đua thể thao mới kẻng:

- Năm cho bây đó, thưởng cho bây học giỏi.

Thằng nhỏ cảm ơn rối rít. Tôi cũng từ chối không được, ổng cho sắp nhỏ chớ cho gì tôi mà từ chối. Tuy vậy, lòng tôi thấy bứt rứt khó chịu.

Tôi không phải là thầy giáo nhưng xóm làng ai cũng kêu là thầy bởi lẽ tôi hay viết đơn từ giúp mọi người. Dân quê hay ơn nghĩa, dăm quả trứng vịt, buồng chuối, dăm quả dừa,… tôi cũng vui vẻ nhận. Có ông Năm là khó nghĩ nhất, cho hẳn quà mắc tiền. 

Thằng Hai Gà biểu:

- Ông suy nghĩ chi cho mệt, ổng bán đất mấy tỷ, cho con ông chiếc xe đạp thì thấm tháp gì!

- Biết vậy, nhưng mà…

Tôi chưa kịp giãi bày thì, chừng vài tuần sau gặp lại cảnh khó xử y chang vậy. Số là Tư Đề cũng treo biển bán đất, nghe ông Năm truyền dạy “kinh nghiệm” bèn sang nhờ tôi lo liệu hồ sơ. Ban đầu tôi không định giúp vì sợ lại phải nhận ơn nghĩa như ông Năm, nhưng sau năn nỉ quá độ nên cũng đành nhận. 

Nhờ tôi đứng ra thương lượng mà giá cả Tư Đề đưa ra vẫn được giữ nguyên, giấy tờ cũng xong xuôi êm đẹp. Thế là Tư Đề xách đến bình rượu rắn biếu tôi khề khà, lại còn dúi cho con tôi ít tiền “để dành ăn sáng”. Tôi lại lâm vô tình thế từ chối chẳng đặng. 

Sau hai thương vụ mua bán thành công, uy tín của tôi ngầm được nâng lên một cách bí mật. Thời buổi sốt đất, dân tứ xứ ùn ùn về mua đất, nghe đâu đón đầu dự án abc gì đó. Chẳng biết bằng cách nào mà mấy vị khách có nhu cầu mua đất lại tìm đến tôi hỏi dò về thông tin chủ đất, còn chủ đất thì ngược lại luôn nhờ tôi thương lượng giữ giá và lo liệu giấy tờ sang nhượng. 

Bà con lối xóm bao nhiêu năm nay, không giúp thì không được, mà giúp thì người nào cũng dúi mấy tờ xanh xanh vào túi, khó xử vô cùng. Vợ tôi bảo: “Việc gì phải ngại, mình giúp người ta được việc người ta trả ơn là chuyện thường.”

Cũng chẳng hiểu cái dự án gì đấy có thật hay không, chỉ biết cái xóm nhà quê yên bình giờ nhộn nhịp hơn phố. Xe to, xe nhỏ ghé xóm thường xuyên. Con đường đất đỏ nắng bụi mưa sình giờ được đầu tư đổ bê tông láng ót. Xe tải, xe ủi thì tất bật làm không hết việc. Nhà này gọi nhổ trụ thanh long, nhà kia gọi đào kiềng nhà, nhà khác gọi đổ đất nền… Xóm quê nghèo lột xác thành xóm nhà giàu.

Giàu thiệt chớ chẳng chơi. Người người thi nhau xây nhà mới, nhà xây sau cao hơn nhà xây trước. Trên con đường còn hôi mùi bê tông, xe ô tô nối nhau lăn bánh. Hầu như nhà nào cũng có ô tô riêng. Trừ nhà tôi. Tôi chẳng có nhiều đất để bán. Cha mẹ chia cho được hai sào thì phải giữ vốn đặng còn chia cho hai thằng con trai. Thành ra nhà tôi từ chỗ cũng gọi là khang trang trong xóm rớt bậc xuống thành diện… nghèo. Căn nhà cấp 4 trải hơn chục năm sử dụng bắt đầu phai màu sơn, lại nhỏ bé vô cùng khi đứng gần những căn nhà hai ba tầng trong xóm. Vợ chồng tôi cũng chẳng lấy gì khó chịu khi thấy người ta khấm khá hơn mình. 

Nhưng ở đời nhiều khi mình không khó chịu mà người ta lại khó chịu thay mình. Trong mấy cuộc trà sớm, ai cũng khuyên nên bán bớt sào đất cất nhà lại cho khang trang, đời con sau này nó tự lo. Đó là những lời lẽ nghe còn lọt lỗ tai đôi chút, có kẻ “thọc gậy” thẳng vô tai luôn:

- Trong một cái xóm toàn nhà lầu mà nhà thầy lụp xụp là đang làm xấu đi bộ mặt của xóm! Phải phấn đấu sao cho bằng anh em chớ, để dơ dáy vậy coi sao được?

Tôi ngớ người khi nghe lời góp ý “chân tình” của hàng xóm. Cũng may tính tôi xưa giờ ôn hòa chứ không thì cũng có chuyện chẳng hay xảy ra rồi. Vợ tôi thì không được bình tĩnh như tôi. Cô ấy mạng hỏa, lúc nào cũng rần rần trước rồi tính tiếp:

- Người ta nói vậy mà ông vẫn bình chân như vại. Ít ra thì cũng lo kiếm ít mà sơn sửa lại nhà cho mới mẻ chớ. 

Tôi cũng muốn vậy, có điều đất hương hỏa ông bà để lại sao bán được. Vả lại, bán rồi tiền bạc cũng xài hết, sau này con cái lấy đất đâu làm ăn? Biết tính vợ nóng lên thì có nói gì cũng sai nên tôi đợi đêm xuống mới tỉ tê:

- Đâu phải anh không muốn xây nhà to bự để em mát mặt với hàng xóm. Có điều đất hương hỏa của ông bà, khi giao đất cha đã dặn phải giữ gìn cho con cháu sau này. Giờ cha mất rồi, mình trái lời cha khác nào bất hiếu.

- Vậy chớ anh định ở trong cái ổ chuột nầy hoài sao?

- Em nói vậy cũng nói được à. Nhà mình so ra vẫn còn khấm khá hơn rất nhiều người. Thôi ở đời bớt trông lên mà chịu khó trông xuống một chút em à. Còn nhiều người khổ hơn mình lắm.

Rồi nhân lúc vợ còn bận suy nghĩ về lời đề nghị của mình, tôi vội kể rất nhiều cảnh khó khăn mà mình từng chứng kiến. Sau nữa, kể ra những cảnh “dở khóc dở cười” sau khi bán đất để cổ tự phân biệt tốt xấu. 
Đâu xa lạ gì, cứ như nhà Tư Đề, có tiền rồi lại lao vô đề đóm, hôm bữa hai vợ chồng dí nhau rần rần chỉ vì Tư Đề đem mấy trăm triệu nướng vô “chăn nuôi”. Nghe cái điệu chửi của vợ Tư Đề cả xóm được phen cười lộn ruột:

- Trời ơi là trời! Nhà cả đàn bò ông không chăm đem bán sạch. Đất ông cũng dụ tui bán lấy tiền xây nhà to.

Tiền dư ông không lo đầu tư làm ăn,  đem “chăn nuôi” hết. Cha ông Tư Đề, ngựa nè, rắn nè, ốc nè, chó nè,…

Cứ mỗi chữ “nè” bà vợ lại quăng một cục đá về phía chồng. Ông chồng chỉ biết trối chạy.

- Đó, bao nhiêu là gương “người thật, việc thật” rành rành. Được mất thì tự suy nghĩ lấy!

Sáng ngày thấy vợ im im quét dọn nhà cửa, cuốc đất lên liếp trồng rau. Coi bộ ngộ ra được rồi. 

Đó là vợ tôi thôi, chứ xóm tôi thì vẫn nguyên như cũ. Biển “bán đất” thi nhau mọc lên, mà vừa treo ngày trước ngày sau đã hạ xuống. Cơn sốt vẫn chưa hạ nhiệt. Tôi cũng bị cuốn vào vòng xoáy thời cuộc ít nhiều. Cũng bởi cái tánh ưa giúp người nên chẳng đành từ chối khi người ta tới nhà năn nỉ làm giúp giấy tờ. 

Bao nhiêu cuộc mua bán đã thành rồi tôi cũng chẳng nhớ. Chỉ biết sau khi xong xuôi, người bán kẻ mua thường hay dúi cho vài tờ bạc xanh xanh, tôi cũng chiều lòng vợ mà lấy vì “sống thật chỉ chết sớm nhé chồng”. 

Ấy vậy mà vợ tôi chẳng biết dành dụm thế nào, chỉ biết một ngày đẹp trời cô ấy thông báo rằng tháng sau xây nhà mới. Khi tôi hỏi tiền đâu, cổ chỉ mỉm cười úp mở mà rằng: “Biết rồi còn hỏi!”. 

Tình thực tôi chẳng hiểu ngô khoai gì, lại càng chẳng hiểu nổi khi căn nhà khang trang xây xong, ai đó đã đặt cái biển to đùng trước cửa “Trung tâm môi giới đất đai Xóm X”. Mà hình như giờ tôi làm việc có “bài bản” hơn vì có thư ký riêng kiêm kế toán (là vợ tôi) và có lịch tiếp khách đàng hoàng. Có điều, phí giao dịch thế nào thì tôi chẳng bao giờ được biết, mà có thời giờ đâu để biết vì còn bận tối mặt tiếp khách và chạy giấy tờ, thời kinh tế thị trường mà lị! 
(0) Bình luận
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • Hố băng
    Tôi nghe kể có một làng miền Tây hơn năm trăm năm không có lấy một đền chùa, nhà thờ, miếu mạo nào, mà cũng hơn năm trăm năm không có giáo sư, tiến sĩ, kỹ sư, hay cử nhân đại học. Trái ngược hoàn toàn và cái làng sát bên hông nó, có một cái đình to vật vã với sắc phong mỗi mùa nắng ráo, ông từ phải đem ra phơi tràn cả lối đi, với các gia phả chi chít những tri huyện, thượng thư, thái úy.
  • Dưới bóng cây mận già
    Năm ấy, một ngày đầu mùa hè, con ngựa bạch xuất hiện ở cổng nhà tôi với hai cái sọt to tướng đầy măng rừng trên lưng. Chở nặng, và bị cột vào gốc cây, con ngựa đứng im, đầu hơi cúi xuống trầm tư. Cái đuôi dài xác xơ thi thoảng vẩy lên đuổi một con ruồi vô ý.
  • Hạnh phúc của mẹ
    Gần bảy giờ, trời đã nhá nhem tôi mới về tới phòng trọ. Tôi giật mình vì có bóng người đang ngồi thu lu trước cửa. Hóa ra đó là mẹ… Tôi vội hỏi vì sao mẹ lên chơi mà không nói trước để tôi ra bến xe đón. Mẹ nói lên đột xuất nên không muốn gọi, sợ tôi bận, mẹ bắt xe ôm về phòng trọ của tôi cũng được. Lúc này tôi mới để ý dưới chân mẹ là một cái túi du lịch to, mẹ đã mang theo khá nhiều quần áo, chắc không định ở chơi vài ngày rồi về. Lòng dạ tôi bỗng bồn chồn.
  • Câu chuyện một giờ
    Kate Chopin (1850 - 1904) là nhà văn người Mỹ và là một trong những tác giả nữ quyền đầu tiên của thế kỷ 20. Vốn là một người nội trợ, nhưng cuộc đời bà đã thay đổi kể từ sau cái chết yểu của người chồng. Bà trở thành nhà văn viết truyện ngắn đầy tài năng và giàu năng lượng. Kate Chopin được biết đến nhiều nhất qua tiểu thuyết “The Awakening” (1899) - câu chuyện tiên tri đầy ám ảnh về một người phụ nữ.
  • Hoa thủy tiên của mẹ
    Đã nhiều năm trôi qua chúng tôi không lên bờ đón Tết. Mẹ nói đời mẹ gửi cả vào sông. Sống ở trên sông. Mai này mẹ nằm lại đáy sông, nhờ sông giữ giùm phần linh hồn người thiên cổ. Mẹ không muốn xa dòng sông nửa bước. Tôi lớn lên trên chiếc ghe chòng chành sóng nước, qua bao mùa gió trăng. Mùa xuân này tôi ra lái thuyền ngồi chải tóc.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Xúc động những câu chuyện thời niên thiếu của Bác Hồ ở Huế
    Chủ tịch Hồ Chí Minh và gia đình từng sinh sống, lao động, học tập và tham gia các hoạt động yêu nước ở Thừa Thiên Huế trong thời gian từ 1895 - 1901 và 1906 - 1909.
  • Tái hiện “một thời hoa lửa” của Thanh niên xung phong
    Tối 18/5, tại khu vực sân khấu ngoài trời thị xã Sơn Tây, đêm thi thứ 5 “Liên hoan tiếng hát Cựu Thanh niên xung phong Hà Nội năm 2024” (cụm số 3) được tổ chức với sự tham gia của 6 đơn vị và hàng chục tiết mục đặc sắc, được dàn dựng công phu tái hiện chân thực một thời gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi hào hùng của các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP) Việt Nam.
  • Xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi"
    Nhân kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2024), NXB Chính trị quốc gia Sự thật xuất bản cuốn sách "Văn hóa phải soi đường cho quốc dân" đi nhằm tri ân, ghi nhớ những đóng góp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam; đồng thời khẳng định, vai trò của tư tưởng văn hoá Hồ Chí Minh vẫn còn nguyên giá trị to lớn, định hướng cho công cuộc xây dựng nền văn hoá Việt Nam hiện nay.
  • Phát động bình chọn “Những bản hùng ca của đất nước”
    Với chủ đề "Những bản hùng ca đất nước", cuộc bình chọn 50 tác phẩm văn học và nghệ thuật biểu diễn Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất chính thức được phát động ngày 18/5 tại Hà Nội.
  • Khánh thành công trình Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô
    Nhân dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Bác Hồ đến thăm, chúc Tết Công an TP Hà Nội và 134 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 19/5, Công an TP Hà Nội trang trọng tổ chức Lễ khánh thành công trình "Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh và bức Phù điêu Bác Hồ với Công an Thủ đô".
Đừng bỏ lỡ
Xóm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO