Vẻ đẹp của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam
Ngày 17/5, Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội đã tổ chức tọa đàm “Vẻ đẹp của các sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam” với sự tham gia của đông đảo các hội viên trong hội.
Tại buổi tọa đàm họa sĩ, chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều với phần trình bày công phu, tâm huyết đã mang đến bức tranh toàn cảnh về sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt, từ quá trình hình thành, đặc điểm chung, những vẻ đẹp đặc trưng riêng cho đến xu hướng phát triển.
Theo chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều, Việt Nam hiện có hàng trăm nghề thủ công khác nhau, hầu hết đều có truyền thống từ lâu đời. Điểm chung của các sản phẩm thủ công truyền thông đó là: đều là sáng tạo của cộng đồng qua nhiều thế hệ; gắn liền với đời sống nông thôn, khéo léo sử dụng nguyên liệu thiên nhiên, có nhiều ý tưởng độc đáo…
Các nghề thủ công truyền thống đã để lại nhiều tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao như trống đồng, điêu khắc gỗ và đá, tượng sơn mài, đồ gốm… Điều này đã được minh chứng rõ qua các hiện vật đang được lưu giữ tại các đình, chùa, hoàng thành, cố đô Huế, cổ vật trong bảo tàng và sưu tập cá nhân; cũng như trong đời thường, từ đồ thờ cúng, đồ dùng hằng ngày (thúng, mủng, rổ, rá), đồ dùng trong bếp, đổ thổ cẩm…
“Chỉ riêng sản phẩm quạt, đã có tới loại 100 loại quạt, hay như chổi cũng có tới 50 – 60 loại chổi khác nhau, hoặc như gói bánh cũng có rất nhiều cách thức gói rất độc đáo, thú vị”, họa sĩ Vũ Hy Thiều cho hay.
Từ những nghiên cứu, trải nghiệm của người đã nhiều năm say mê, tìm hiểu về nghề thủ công truyền thống, chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều cho rằng nét đẹp của sản phẩm thủ công mỹ nghệ Việt Nam thể hiện qua sự phong phú các sản phẩm, công năng sử dụng rõ rệt, khéo sử dụng nguyên liệu thiên nhiên.
Bên cạnh đó, người thợ thủ công Việt Nam thường rất coi trọng kỹ thuật, lấy sự tinh xảo để đánh giá chất lượng sản phẩm. Vẻ đẹp của sản phẩm thủ công được tạo nên từ sự tinh tế trong kỹ thuật tạo hình và trang trí trên sản phẩm. Vì thế đa phần sản phẩm thủ công đều thể hiện kỹ thuật tinh xảo riêng của từng nghề, trang trí vừa độ và phù hợp, nhiều ý tưởng độc đáo.
“Phần lớn nghệ nhân, thợ giỏi đang làm sản phẩm với số lượng ít lại có xu hướng phát triển sản phẩm của mình thành sản phẩm mỹ thuật. Họ tìm kiếm ý tưởng độc đáo, thể hiện bằng kỹ thuật thủ công tinh xảo, sử dụng nguyên liệu quý để tạo ra sản phẩm có giá trị cao. Xu hướng này đòi hỏi đầu óc sáng tạo, con mắt thẩm mỹ tốt và trình độ tay nghề điêu luyện. Rất nhiều người đã thành công theo xu hướng này”, họa sĩ Vũ Hy Thiều khẳng định.
Trải qua thời gian, các sản phẩm thủ công ngày nay vẫn chủ yếu kế tục truyền thống, tuy nhiên đã có sự biến đổi đáng kể khi áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Nhiều sản phẩm thủ công được sản xuất với số lượng lớn, tiêu chuẩn hóa, mẫu mã sản phẩm rất phong phú và đã trở thành mặt hàng xuất khẩu quan trọng. Đáng chú ý, theo họa sĩ Vũ Hy Thiều, các sản phẩm thủ công được nghệ thuật hóa trở thành sáng tạo riêng của một số nghệ nhân.
Chia sẻ tại tọa đàm, các ý kiến đều đánh giá cao phần trình bày công phu của chuyên gia thủ công mỹ nghệ Vũ Hy Thiều. Theo PGS.TS Trần Thị An - Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Hà Nội, sản phẩm thủ công mỹ nghệ mang tri thức dân gian, tri thức bản địa, thể hiện khát vọng, thẩm mỹ tinh tế cũng như sự sáng tạo của lớp lớp nghệ nhân. Với chất liệu, kiểu dáng phong phú cùng sự sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã trở thành chiếc cầu nối quan trọng đưa văn hóa Việt Nam ra thế giới. Đặc biệt, trong chiến lược phát triển văn hóa của Việt Nam nói chung của Hà Nội nói riêng, thủ công mỹ nghệ được xác định là một trong số ngành công nghiệp văn hóa cần ưu tiên phát triển./.