Hoạt động hội

Tọa đàm: Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch “Lửa từ Đất”

Thụy Phương 14:24 23/05/2025

Sáng 23/5 tại Hà Nội, Hội Nghệ sĩ Múa Hà Nội tổ chức buổi tọa đàm chuyên đề “Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch Lửa từ Đất”. Sự kiện thu hút sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ và giới chuyên môn, cùng trao đổi về vai trò và sức mạnh biểu đạt của múa đương đại trong một tác phẩm mang đậm dấu ấn lịch sử - chính trị.

Lửa từ Đất là dự án nhạc kịch mới của NSƯT Cao Ngọc Ánh, tiếp nối thành công của hai vở SóngViên đá ngũ sắc. Đây là tác phẩm thứ ba đánh dấu nỗ lực bền bỉ của nữ nghệ sĩ trong việc theo đuổi nhạc kịch Việt. Chia sẻ tại tọa đàm, NSƯT Cao Ngọc Ánh cho biết đây là dự án cá nhân mang nhiều ý nghĩa đặc biệt. Cảm hứng hình thành vở kịch đến từ lời hứa của chị với Hà Nội - nơi chị đã sinh ra, lớn lên và trưởng thành trong nghệ thuật. Năm 2022, khi tham gia một bộ phim tài liệu về các nhân vật tiêu biểu sinh năm 1972 tại Hà Nội, chị từng chia sẻ mong muốn cống hiến một tác phẩm nghệ thuật dành riêng cho mảnh đất Thủ đô.

z6630723643718_7d03b665f0678d6479805b86b0c3d8c9.jpg
NSƯT Cao Ngọc Ánh chia sẻ tại buổi tọa đàm.

Từ những trăn trở ấy, trong quá trình tìm hiểu lịch sử gia đình, chị tiếp cận được tư liệu về ông Nguyễn Ngọc Vũ – người anh cả của ông ngoại chị, là Bí thư Thành ủy Hà Nội chính thức đầu tiên giai đoạn 1930 - 1931. Những ghi chép còn lại của mẹ chị (NSƯT Nguyễn Thị Hương Mai) và ông ngoại đã giúp có thêm nhiều chất liệu để dựng lại chân dung một chiến sĩ cách mạng kiên trung trong thời kỳ đất nước bị thực dân đô hộ. Từ đó, hình ảnh người cộng sản đầu tiên của Hà Nội dần được khắc họa thành nhân vật trung tâm của Lửa từ Đất - một bản nhạc kịch mang âm hưởng sử thi nhưng được kể bằng ngôn ngữ hiện đại.

NSƯT Cao Ngọc Ánh cùng nhà biên kịch Lê Quý Hiền đã xây dựng kịch bản không nhằm mục tiêu đơn thuần là tôn vinh một anh hùng mà hướng tới một cái nhìn nhân văn hơn về lý tưởng cách mạng được hình thành từ tình yêu gia đình, cộng đồng và khát vọng sống có ý nghĩa. Không gian của vở kịch mở rộng từ gia đình, làng xóm cho đến nhà tù, bệnh viện và phố phường Hà Nội, khắc họa cách tinh thần yêu nước được lan truyền qua từng mối quan hệ gần gũi đời thường.

z6630723630796_bd1d3e2b63bad0a6395ae1e9201221a7.jpg
Một cảnh trong vở nhạc kịch "Lửa từ Đất"

Với bối cảnh lịch sử năm 1930 - thời điểm Đảng Cộng sản Việt Nam vừa mới thành lập, Lửa từ Đất kể câu chuyện về Nguyễn Ngọc Vũ – người chiến sĩ trẻ mang khát vọng thay đổi vận mệnh đất nước. Từ việc cảm hóa mẹ, người yêu, bạn tù cho đến trí thức và dân nghèo Hà Nội, nhân vật Nguyễn Ngọc Vũ được xây dựng như một biểu tượng cho ngọn lửa cách mạng được nhóm lên từ chính lòng dân. Tên vở diễn là một ẩn dụ cho sức mạnh sinh ra từ đất mẹ, từ nhân dân, nơi hun đúc tinh thần độc lập và tự do.

Tại tọa đàm, NSND Trần Ly Ly – Tổng biên đạo của vở diễn đã có những chia sẻ về cách thức đưa chất liệu múa đương đại vào kịch bản. Theo chị, thay vì dùng múa như minh họa, chị sử dụng ngôn ngữ hình thể như một phương pháp biểu đạt độc lập. Với những đại cảnh và các màn vũ đạo chủ chốt, múa được xây dựng dựa trên tính ẩn dụ, nhằm tạo ra không gian sân khấu giàu biểu cảm và gợi mở về mặt tư tưởng. Các chuyển động không đơn thuần mang tính trình diễn mà được triển khai dựa trên dòng cảm xúc của nhân vật và bối cảnh kịch tính.

Biên đạo Trần Ly Ly nhấn mạnh: "Với tôi, múa có một ngôn ngữ đặc biệt. Từ tư duy của kịch bản văn học tôi đã triển khai ý tưởng tạo hình về tâm lý, tâm hồn và bối cảnh. Trong vở nhạc kịch này, tôi không dùng múa một cách đơn thần mà dùng những chuyển động của múa để thế hiện ý. Tôi sử dụng ngôn ngữ đương đại và tư duy đương đại để thể hiện tinh thần thời đại trong vở nhạc kịch này”. Chị cũng cho biết, quá trình làm việc với các diễn viên rất khắt khe về biểu cảm nội tâm. Diễn viên không chỉ phải hát, diễn mà còn phải “sống” qua từng chuyển động, khai thác tối đa nội lực và tinh thần bên trong.

z6630723632559_5c5d85732aa927ecc8e7a77c5cbeeb1a.jpg
Tọa đàm thu hút đông đảo các nghệ sĩ và giới chuyên môn.

Đảm nhận phần trình diễn là dàn nghệ sĩ trẻ được đào tạo bài bản, trong đó có các tên tuổi như Lê Việt Anh, Trần Việt, Trung Hiếu, Dương Minh Anh, Phạm Văn Thọ. NSƯT Thanh Tâm đảm nhiệm vai bà Đàm Thị (mẹ của Nguyễn Ngọc Vũ) với chất giọng mezzo-alto truyền cảm mang đến những aria giàu xúc động. Đình Khánh (vai ông Toản – cha Vũ) và Bùi Trang (vai Thúy – người yêu Vũ) cũng là những điểm sáng mới trong đội hình Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam.

Bên cạnh nhân vật chính, vở nhạc kịch khéo léo đan cài nhiều tuyến vai có chiều sâu: từ bà Đàm thị - người mẹ thương con nhưng kiên cường, chị Thúy (người yêu của Nguyễn Ngọc Vũ) sống trọn với lý tưởng đến Dũng hổ - một bạn tù bị cảm hóa và bác sĩ Helene – người phụ nữ Pháp lựa chọn đứng về phía chính nghĩa. Từng nhân vật, dù có thật hay được hư cấu từ cảm hứng hiện thực đều mang một sợi chỉ đỏ: lòng nhân văn và sự dấn thân vì chính nghĩa.

Nhiều ý kiến tại tọa đàm đánh giá cao giá trị nội dung và nghệ thuật của vở nhạc kịch "Lửa từ Đất".

Phát biểu tại tọa đàm, nhiều đại biểu đánh giá cao nhạc kịch Lửa từ Đất không chỉ vì thông điệp mà còn ở cách thức thể hiện. Một đề tài chính trị, cách mạng tưởng như khô khan, giáo điều nhưng qua bàn tay dàn dựng và ngôn ngữ múa đương đại, vở nhạc kịch đã truyền tải được cảm xúc, khơi gợi tinh thần yêu nước trong lòng khán giả trẻ.

Lửa từ Đất là kết quả của sự cộng hưởng giữa truyền thống và hiện đại, giữa nội dung lịch sử và hình thức sáng tạo. Qua ngôn ngữ múa đương đại, vở kịch không chỉ tạo dựng được bản sắc nghệ thuật riêng mà còn góp phần khẳng định tiềm năng phát triển của thể loại nhạc kịch chính luận tại Việt Nam./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Xúc cảm từ "Lời ca dâng Bác"
    Hướng tới kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025), sáng ngày 15/5/2025 tại trụ sở Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Nội (số 19 Hàng Buồm, Hà Nội), Hội Âm nhạc Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm mang tên “Lời ca dâng Bác”. Tọa đàm có sự tham gia của đông đảo các hội viên trong hội.
  • Diện mạo văn học trẻ Hà Nội trong thời kỳ đổi mới
    Ngày 10/5, Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức buổi sinh hoạt chuyên đề "Diện mạo văn học trẻ Hà Nội trong thời kỳ đổi mới" tại hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (19 Hàng Buồm, Hà Nội).
  • “Người Hà Nội" đã để lại nhiều giá trị trong đời sống văn hóa của người dân Thủ đô và cả nước
    Đó là đánh giá của NSND Trần Quốc Chiêm – Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội tại Lễ Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập Tạp chí Người Hà Nội (8/5/1985 – 8/5/2025) và đón nhận Huân chương Lao động Hạng Nhì sáng 8/5, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (TP. Hà Nội).
  • 50 năm sân khấu Hà Nội: Thành tựu và thách thức
    Sáng 25/4/2025, tại hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, Hội Sân khấu Hà Nội đã trang trọng tổ chức hội thảo "Thành tựu 50 năm sân khấu Thủ đô". Tại buổi hội thảo, các văn nghệ sĩ đã đóng góp nhiều tham luận giá trị về những thành tựu, hạn chế và đề ra các giải pháp thiết thực nhằm xây dựng và phát triển nền sân khấu Việt Nam trong thời kỳ mới.
  • Tọa đàm: Mỹ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày thống nhất đất nước
    Sáng ngày 23/4, hòa chung không khí chào đón ngày kỷ niệm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Hội Mỹ thuật Hà Nội đã tổ chức buổi tọa đàm vể Mỹ thuật Thủ đô 50 năm sau ngày thống nhất đất nước tại hội trường Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (số 19 Hàng Buồm).
  • Tọa đàm “Văn học Hà Nội từ sau 1975”: Nhìn lại nửa thế kỷ sáng tác, định hướng cho bước chuyển tiếp theo
    Sáng ngày 18/4/2025, tại hội trường Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội (số 19 Hàng Buồm), Hội Nhà văn Hà Nội đã tổ chức tọa đàm với chủ đề: “Văn học Hà Nội từ sau năm 1975”. Buổi tọa đàm xoay quanh các vấn đề đậm chất học thuật nhưng không kém phần sôi nổi với phần giao lưu và những lời thơ, tiếng hát đầy cảm xúc của các hội viên.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tọa đàm: Chất liệu múa đương đại trong nhạc kịch “Lửa từ Đất”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO