Tìm giải pháp phát triển nghề thủ công truyền thống Hà Nội
“Nghề thủ công truyền thống Hà Nội - Sáng tạo để phát triển” đó là chủ đề của cuộc tọa đàm do UBND quận Hoàn Kiếm phối hợp với Hội Di sản văn hoá Việt Nam tổ chức tại Trung tâm Giao lưu Văn hoá Phố cổ Hà Nội sáng ngày 7/4/2023.
Theo số liệu thống kê, Thành phố có tới 300 làng nghề chuyên sản xuất đồ thủ công mỹ nghệ trong đó nhiều nghề truyền thống đang được quan tâm gìn giữ, phát huy giá trị, như nghề dệt lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông); dệt tơ tằm, tơ sen Phùng Xá (huyện Mỹ Đức); khảm trai, sơn mài Chuyên Mỹ (huyện Phú Xuyên), nón lá Vĩnh Thịnh, đúc đồng Trường Tâm (huyện Thanh Trì); quạt giấy, mộc Chàng Sơn (huyện Thạch Thất)…
Chỉ riêng khu phố cổ trước đây đã có tới hàng chục phố nghề, tạo nên bản sắc của Thăng Long - Kẻ Chợ. Bên cạnh những giá trị nghề truyền thống, các tuyến phố chuyên doanh chứa đựng nhiều tiềm năng để trở thành một nhân tố quan trọng về bảo tồn và phát huy giá trị khu “36 phố phường”.
Tuy nhiên, thời gian qua, các nghề thủ công truyền thống đứng trước rất nhiều thách như: Sự cạnh tranh với các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nhập khẩu từ nước ngoài có giá thành thấp, thiếu nguồn nhân lực kế thừa ở các làng nghề, vấn đề nguyên liệu, sản phẩm, giá thành cao, marketing và thị trường tiêu thụ hạn chế.
Tại khu phố cổ Hà Nội các phố nghề thủ công mỹ nghệ, các cửa hàng kinh doanh thủ công mỹ nghệ có xu hướng thu hẹp lại. Theo ông Đoàn Quang Cường - Phó Trưởng phòng Kinh tế quận Hoàn Kiếm, quá trình đô thị hóa đã làm biến đổi không gian, cảnh quan, kiến trúc và thu hẹp hoạt động trên nhiều tuyến phố. Đơn cử như phố Hàng Bạc số cửa hàng kinh doanh kim hoàn ở phố Hàng Bạc đã giảm từ 90 xuống còn 40 cửa hàng; cửa hàng làm nghề thuốc truyền thống trên phố Lãn Ông giảm từ 85 xuống 35 cửa hàng, cửa hàng kinh doanh tơ lụa trên phố Hàng Gai giảm từ 91 cửa hàng xuống còn 40 cửa hàng.
Tại tọa đàm rất nhiều ý kiến cũng đã chia sẻ những kinh nghiệm trong việc sáng tạo từ di sản, tạo sự hòa quyện giữa tinh hoa truyền thống với hơi thở nghệ thuật đương đại. Họa sĩ Nam Chi chia sẻ, anh đã tìm tòi, sáng tạo ra những mẫu tranh mới dựa trên các họa tiết, màu sắc của tranh Hàng Trống. Đại diện Công ty Hanoia Đinh Công Tài cho biết, Hanoia đã sử dụng rất nhiều yếu tố văn hóa Việt trong các thiết kế đương đại của mình. Để tạo "sức sống mới cho các sản phẩm tò he", nghệ nhân Đặng Văn Hậu cho hay anh đã tìm tòi nghiên cứu, thử nghiệm và cuối cùng cũng đã có được kết quả…
Cùng với việc chia sẻ những kinh nghiệm, nhiều ý kiến tham luận tại tọa đàm cũng đã đưa ra những đề xuất, giải pháp nhằm phát huy giá trị nghề thủ công mỹ nghệ Hà Nội. Theo đó, cần khuyến khích sự tham gia và kết nối của các làng nghề - phố nghề, giữa các nghệ nhân và thợ thủ công, giữa các tổ chức, các doanh nghiệp làm việc trong lĩnh vực sáng tạo để nâng cao chất lượng sản phẩm thủ công truyền thống; Xây dựng những điểm giới thiệu, trưng bày sản phẩm thủ công mỹ nghệ, lưu niệm, quà tặng của các làng nghề - phố nghề Hà Nội nhằm quảng bá tinh hoa làng nghề và tăng tính trải nghiệm cho du khách khi đến với Hà Nội nói chung và khu Phố cổ Hà Nội nói riêng; Khơi nguồn sáng tạo từ vốn di sản nghề truyền thống; Xây dựng các sản phẩm lưu niệm, sản phẩm du lịch chất lượng, phù hợp với đời sống hiện đại…
“Giới thiệu sản phẩm, xúc tiến thương mại, tìm nguồn nguyên liệu thích ứng, thiết kế mẫu mã sản phẩm, bao bì, nhãn mác đảm bảo kỹ, mỹ thuật, bắt mắt, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng trong nước và quốc tế phải chăng là một giải pháp căn cốt?”, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm đặt vấn đề.
Giám đốc thương hiệu Tired City Nguyễn Việt Nam cho rằng để “làm mới” câu chuyện của nghệ nhân, phục vụ nhu cầu của khách hàng cần xây dựng các sản phẩm phù hợp với thời đại; áp dụng công nghệ tiên tiến để tăng chất lượng sản phẩm phù hợp với thị hiếu nhưng vẫn giữ bản sắc; áp dụng tư duy quản trị hiện đại để thử sai, phối hợp nhiều nguồn lực, quản trị con người, tài chính, sản phẩm, truyền thông xuyên suốt… Và điều quan trọng nhất đó là đặt khách hàng làm trung tâm trong việc phát triển và gìn giữ sản phẩm thủ công truyền thống.
Theo TS. Lê Thị Minh Lý, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cần tích hợp câu chuyện di sản vào sản phẩm thủ công truyền thống đồng thời phải xây dựng cơ sở dữ liệu di sản một cách khoa học, với phương thức quản lý thống nhất, tiếp cận dễ dàng./.